Loài trâu nào có số lượng ít nhất, loài nào đoản thọ nhất trên thế giới? Loài có số lượng ít nhất là trâu rừng Philippines còn trâu rừng Tây Tạng có nguy cơ bị tuyệt chủng do bị săn bắt quá mức và môi trường sống bị hủy hoại.
Trâu rừng Philippines: Loài có số lượng ít nhất
Đây là loài đặc hữu trên đảo Mindoro, Philippines và là loài trâu bò đặc hữu duy nhất tại Philippines. Trâu rừng Philippines (tên khoa học là Bubalus mindorensis) được giới hạn nghiêm ngặt trong ba khu bảo tồn thiên nhiên tại đảo Mindoro ở độ cao từ 300 đến 1.000m
Trâu rừng Philippines có cặp sừng thẳng và cơ thể nhỏ, chiều cao đến vai khoảng 106cm, chiều dài thân là 220cm. Trọng lượng cơ thể tối đa đạt 300kg. Cá thể non có mầu nâu đỏ, chân nâu sẫm trong khi cá thể trưởng thành có mầu nâu sẫm hoặc đen, vòng đời cũng chỉ đạt 20 năm. Sừng của cá thể đực dày hơn, dài hơn, phẳng hơn và gần nhau hơn so với sừng của cá thể cái. Chiều dài sừng từ 35 đến 43 cm.
Cũng giống như trâu rừng nhỏ, trâu rừng Philippines cũng sống đơn độc và chỉ gắn kết nhau trong mùa sinh sản. Trâu rừng Philippines có tuổi đời 28 năm. Đặc biệt loài thú móng guốc này có khả năng đánh hơi và nghe rất nhạy bèn cho dù thị lực rất kém. Loài trâu này ăn các loại cỏ và măng, không có đối thủ cạnh tranh ngoại trừ con người.
Số lượng trâu rừng Philippines đã giảm từ khoảng 10.000 cá thể (năm 1900) xuống chỉ còn 200 cá thể vào thời điểm hiện tại. Có thể khẳng định đây là loài thú có số lượng cá thể ít nhất trên thế giới và đã được cộng đồng quốc tế bảo vệ ở mức cao nhất: thuộc Phụ lục I CITES – Nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Do bị ảnh hưởng bởi các hoạt động săn bắn để lấy thịt và giải trí, trâu rừng Philippines đã được pháp luật Philippines bảo vệ từ năm 1963 và Trâu rừng Philippines hiện chỉ còn xuất hiện ở Vườn quốc gia Mount Iglit-Baco, Mount Aruyan và Khu bảo tồn thiên nhiên Mount Calavite Tamaraw.
Trâu rừng Tây Tạng: Loài đoản thọ nhất
Trâu rừng Tây Tạng (tên khoa học là Budorcas taxicolor) có vóc dáng nửa dê nửa trâu bò. Loài này có phân bố ở các vùng núi đá cao đến các thung lũng có rừng xen kẻ ở đông Tây Tạng, Sikkim, Bhutan, bắc Assam (Ấn Độ), bắc Myanmar, miền Trung và miền Nam Trung Quốc ở độ cao từ 1.000 đến 4.250m.
Khác với các loài trâu ở trên, trâu rừng Tây Tạng có tính bầy đàn rất cao lên đến 300 cá thể. Loài này sống thành từng đàn lớn lên đến 300 cá thể vào mùa hè và lên đến 20 thành viên trong những tháng mùa đông. Mặc dù thường di chuyển rất chậm, nhưng trâu rừng Tây Tạng cũng có khả năng nhảy nhanh từ đá này sang đá khác trên những con dốc lớn. Nó dành phần lớn thời gian trong ngày trong thảm thực vật dày, chỉ nổi lên để kiếm ăn. Trâu rừng Tây Tạng còn có một tập tính rất đặc biệt: di cư theo mùa từ các vùng cao vào mùa hè xuống các vùng thấp hơn vào mùa đông để tìm nguồn muối khoáng. Cỏ là thức ăn ưa thích của trâu rừng Tây Tạng và chúng thường kiếm ăn vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Với quần thể dao động từ 7.000 đến 12.000 cá thể, trâu rừng Tây Tạng có nguy cơ bị tuyệt chủng do bị săn bắt quá mức và môi trường sống bị phá hủy. Loài này cũng thường xuyên bị gấu và sói tấn công. Hiện trâu rừng Tây Tạng thuộc Phụ lục II CITES – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Trâu còn là một trong 12 con giáp gọi là (Sửu) ở vị trí thứ 2, đồng thời là gia súc đứng đầu lục súc (gồm trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Về tính âm dương, 12 con vật được chia xếp thành hai cực âm và dương đứng đan xen nhau, trong đó con trâu (Sửu) thuộc âm. Trâu cũng có vai trò cực kỳ quan trọng trong nông nghiệp lúa nước và là con vật dùng vào việc lễ tế thần thánh.
Trong 12 cung hoàng đạo của phương Tây, có cung Kim Ngưu. Còn người phương Đông đã tìm thấy và đặt tên cho bốn chòm sao, gồm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc, ứng với hành thuỷ, thuộc về mùa Đông. Theo quan niệm của người phương Đông thì sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng và thường được gắn cho những người có trí tuệ trác việt.
Theo ghi chép của một số sách về sinh vật học ở châu Á, trâu rừng hiện còn sót lại rất ít ở vùng Tây Nguyên Việt Nam và vùng rừng rậm ở Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ… Với thân dài 3-3,5m, chiều cao từ 1,5 đến 1,8m, trọng lượng từ 800-1.000kg. Sừng trâu rừng dài khoảng 190cm, cong. Chúng thường đi ăn theo đàn và bình thường hiền lành nhưng khi gặp kẻ thù thì trở nên hung tợn.
Trâu nhà thì cũng có xuất xứ từ trâu rừng nhưng được con người thuần hóa cách nay hơn 3.000 năm và được xếp vào loài động vật guốc chẵn, thú có móng bằng, thuộc họ nhai lại. Trâu nhà có thân dài từ 2,5-3m, chiều cao từ 1,3-1,5m, trọng lượng từ 600-800kg. Mỗi chiếc sừng trâu nhà dài từ 60-120cm, khoảng cách giữa hai sừng là 50-90cm. Khi được 3 tuổi, trâu nhà đẻ lứa đầu, mỗi lứa chỉ đẻ một con. Trong suốt cả một đời, trâu nhà có thể đẻ từ 5 đến 6 lứa.
Đỗ Hợp (Tiền phong – https://tienphong.vn/1001-thac-mac-loai-trau-nao-co-so-luong-it-nhat-loai-nao-doan-tho-nhat-tren-the-gioi-post1313610.tpo)