Có những bữa nửa đêm trâu đói, lục cục dậy mò ăn, không có thức ăn dự trữ thì cũng phải theo nó đi ăn cỏ”, ông Tời kể.
Quê ở Nghệ An, cả gia đình hiện đang sinh sống và làm việc ở thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chỉ riêng ông Văn Đức Tời (55 tuổi) đã gần mười năm sống cuộc đời du mục chăn trâu giữa các đồng cỏ – vốn là dự án xây dựng đô thị của Sài Gòn. Bảy năm nay, sự xuất hiện của ông và đàn trâu bò cỡ ba chục “đứa” đã làm “mềm” hẳn những khu xây dựng chung cư, ngổn ngang sắt thép ở bán đảo Thủ Thiêm. Nó như hình ảnh mục đồng thương mến, thô mộc và đáng ngạc nhiên bậc nhất của thành phố sôi động và công nghiệp hóa hàng đầu Việt Nam này!
Một ngày của lão “mục đồng”
Sớm tinh mơ, phía Đông thành phố he hé thứ ánh sáng màu hồng, mấy con bò mở những đôi mắt to, lúc nào cũng ướt đẫm như phủ sương, con nọ cọ con kia nhẹ nhàng gây ra những tiếng sột soạt dường như rất ý nhị. Đàn trâu to xác hơn, cựa mình hồi lâu mới lù đù đứng dậy, có vẻ ưu thời mẫn thế.
Trong gian lều thông thốc gió giữa bãi đất trống, ông chủ Văn Đức Tời của lũ trâu bò đã ngồi vắt chân chữ ngũ cầm cốc nước chè, mũ lưỡi chai sùm sụp. Rời quê Nghệ An đã hai mươi lăm năm, ông Tời vẫn duy trì thói quen uống trà sớm. Cạn ấm trà cũng là khi mặt trời le lói những tia nắng đầu tiên, trâu, bò đã lộc xộc kéo nhau đứng cả dậy.
Những vạt đường nhựa đã trơn láng, vỉa hè gọn gàng gạch lát, cột đèn cũng được chôn cao ngỏng hai bên. Nhưng khắp cả khu mênh mông này có vẻ như vẫn là thế giới riêng của ông Tời và mấy chục con trâu, bò trị giá cả đống tiền.
Ông Tời bảo dạo này Sài Gòn nắng nóng nên phải đi xa, những bãi gần, chúng nó đã ăn vãn cả cỏ rồi. Cả đàn lững thững đi, ông Tời không cầm roi, cũng chẳng quát thét, mà con nào con nấy vẫn “xếp hàng” trật tự đâu ra đấy. Lúc chúng gặm cỏ, ông Tời cũng tìm một bóng mát ngả lưng.
Khoảng mười giờ, trời nắng như rang, ông Tời dong đàn trâu về khu đầm lầy nhỏ gần cái lều của mình cho cả lũ tránh nắng. Chúng lẩn dần vào những bụi cây mát rượi bên trong đầm lầy, loáng cái đã không thấy bóng con nào. Đưa đàn trâu đi trú mát xong, ông Tời dắt xe máy, áo cộc, quần đùi cắp theo mấy bao tải đi xin thức ăn cho bò.
Ông chạy sang tận Quận 8, đi một vòng đến Quận 9, 10 để xin xơ mít, vỏ dứa. Ông bảo phải tranh thủ buổi trưa, người ta vắng khách thì mình mới chạy qua xin, đỡ phiền đến công việc của họ. Đẫy chuyến này chở về, đổ xuống chỗ mát ven đìa nước xong lại đi chở chuyến khác. Chẳng khẩu trang, không áo quần dài tay, ông Tời cứ đen trùi trũi chạy long nhong suốt cả buổi trưa như thế.
Lúc nắng quá, ngồi lại chờ ông Tời sang Quận 11 chở xơ mít, tôi mới “ngắm” kỹ cái lều của ông. Cái lều tạm bợ, rách bươm giữa bãi đất trống, xa xa là toà ngang dãy dọc những chung cư, cao ốc. Mấy cây gỗ tạp dựng lên, buộc ngang buộc dọc rồi lợp lớp mái lá mỏng, hai bên “vách” gá vào những tấm phế liệu. Gọi là có chỗ che sương, chứ mưa là ướt sạch.
Gần ba giờ chiều, ông quay về đi quanh những khu đã xây dựng xong phần thô để nhặt sắt vụn. Ông kể ngày trước khu này rộng, các đìa nước, đầm lầy nhiều hơn thì ông đi bắt cá, ăn một ít, còn lại mang bán. Lúc cùng ông Tời khoác túi sắt vụn về lều, mặt trời đã lấp sau những toà nhà cao, không thấy bóng dáng con trâu, bò nào dưới bùn nước, tôi khẽ giật mình.
Thấy tôi có vẻ lo lắng, ông Tời bảo chả mất được, lát nữa sâm sẩm tối là tự chúng nó dắt nhau về. Bao năm qua cũng chả có ai đến dắt mất trâu bò của ông. Người thành phố, bây giờ, đến sờ vào trâu bò họ còn ngại, nữa là dắt trộm chúng đem đi bán – Tời ông thủng thẳng.
Chọn sống đời thư thái
Lúc đầu, khi tôi hỏi thăm những người bán hàng dọc những con đường bao quanh bán đảo Thủ Thiêm, ai cũng khẳng định “có ông nuôi trâu”. Nhưng hỏi ông Tời nuôi trâu ở góc nào, thì không nhiều người biết. Đến khi xuống cái khu mênh mông bãi cỏ quanh nhà thờ Thủ Thiêm, đi năm, bảy góc mới gặp được công nhân xây dựng.
Thì kỳ lạ, ai cũng thuộc “tiểu sử” “ông chăn trâu” như “tiểu sử” người thân: “Ông thấp thấp, người Nghệ An, vợ con sống ở Bình Dương đúng không?” Thế là họ dẫn tôi đi, rồi bỏ tôi đứng lại cùng… mấy con trâu, họ đùa: “Cứ đứng đây với đàn trâu, là kiểu gì cũng gặp ông Tời”.
Hai mươi tư năm trước, ông Tời từ Nghệ An vào làm công nhân trong một công ty ở khu Suối Tiên bên Quận 9. Mấy năm sau, công ty của ông chuyển đến khu công nghiệp Sóng Thần 2 bên Bình Dương rồi xây dựng cuộc sống ở đây. Vài năm sau, ông chuyển sang làm công nhân nuôi heo ở Biên Hoà (Đồng Nai), rồi lại “nhảy” làm nghề cửu vạn mấy năm nữa.
Ông khoe: “Tôi đã dựng nhà cửa, mua đất cát đàng hoàng ở thị xã Dĩ An rồi chứ, vợ chồng con cái cũng không xích mích gì. Có bốn đứa con thì ba đứa đã dựng vợ, gả chồng. Công việc của tôi cũng không thiếu, lương chẳng phải thấp, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn thèm một cuộc sống tự do, không phải kiểu làm hành chính ngày 8-10 tiếng đồng hồ, không phải ra ý tứ người này, vào dè chừng người kia. Tính mãi, cuối cùng thấy chẳng có cái nghề nào được như ý mình ngoài nghề chăn trâu” – ông Tời cười hết cỡ, hàm răng trắng loá, nụ cười thật thà, vô ưu như cỏ rả.
Thế là ông quyết tâm theo nghề nuôi trâu. Gom tiền lại, ông chung vốn với một người bạn ra Bình Thuận mua trâu về chăn ở các bãi cỏ quanh khu công nghiệp Sóng Thần. Hai năm đầu, có năm nuôi không công, có năm cũng có lãi, nhưng chia nhau vài chục triệu cũng không thấm tháp gì. Thế là ông tách ra nuôi riêng, ông sang Tây Ninh mua những con gầy còm, còi cọc của bà con Campuchia về chăn, đến khi chúng béo múp thì bán, gọi là lấy công làm lãi cũng đúng.
Sau nhà xưởng xây dựng ầm ào, hết đất, ông dắt trâu về các dự án bỏ hoang ở quận Bình Thạnh. Khoảng từ năm 2014, Bình Thạnh đồng loạt mở rộng các dự án đô thị hoá trên diện rộng, “các trảng cỏ hoang phố thị” thu hẹp dần, ông Tời đành chạy khắp thành phố tìm bãi thì thấy bán đảo Thủ Thiêm này vẫn còn gần như hoang sơ, cỏ rả lút đầu người, vậy là dong trâu đến.
Ông Tời bảo: Kể cũng ngộ, “ai dè “sự nghiệp” chăn trâu của tôi lại ngày càng tiến sâu vào trung tâm thành phố. Nhưng khu này bây giờ cũng hẹp dần rồi. Lúc tôi mới đến rộng quá trời rộng, đàn trâu của tôi lên ăn cỏ tận đường Trần Não bây giờ. Đàn trâu của tôi mà không ăn vãn cỏ, thì chắc khu này còn rậm rạp hơn cả rừng (!?)”, ông Tời tự tin nhận định khiến tất cả chúng tôi bật cười.
Tôi hỏi: “Ông đi vậy vợ con ông không phản đối sao?”. Ông Tời la: “Trời, phản đối chớ sao không phản đối. Bả cũng càm ràm miết, nhưng tôi kệ, việc của ai người nấy làm, các con cũng lớn rồi, đều có cuộc sống riêng của chúng nó. Bữa nào nhớ nhà hay nhà có việc thì tôi chạy về, cũng đâu có xa, mấy chục cây số là đến nhà rồi.
Ở nhà từ sáng đến chiều thì về lại với đàn trâu”. Tôi hỏi tiếp: “Chăn trâu có vất vả hơn làm công nhân không?”. Ông Tời lại cười lớn: “Ở đây đầy muỗi, cứ sẩm tối là đốt nhang muỗi quanh người, đốt đến hết cả đêm luôn. Hồi đầu chưa có “kinh nghiệm”, tôi bị đốt, sốt rét một lần, nhưng may là từ đó đến giờ chưa bị lại.
Những lúc mưa thì chạy vô ống cống trú, hoặc đến mấy cái lán “tươm tươm” của anh em công trường ngủ nhờ. Có những bữa nửa đêm trâu đói, lục cục dậy mò ăn, không có thức ăn dự trữ thì cũng phải theo nó đi ăn cỏ. Nghề nào cũng có cái cực, nhưng nghề này thoải mái, không liên quan, phụ thuộc vào ai”.
Thoáng chốc, giọng ông phảng phất lo âu: Cái nghề chăn trâu giữa phố, được năm nào hay năm ấy chứ biết sao được. Nhưng hết đồng cỏ này thì tôi đi tìm đồng cỏ khác. Sau này già yếu hay bệnh tật thì mới tính khác, chứ còn sức khoẻ là tôi còn chọn cuộc sống tự tại giữa không gian thì thoáng đãng, trong lành này”.
Trần Quân (https://tuoitredoisong.net/)