Nhằm cải thiện thể trạng, chất lượng thịt của đàn trâu đầm lầy Việt Nam, những năm qua, nhiều đơn vị đã triển khai các đề tài nghiên cứu bảo tồn quỹ gen đàn trâu Việt.
Đơn cử như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn từ 2014 – 2019 đã chủ trì và tham gia phối hợp bảo tồn 4 nguồn gen vật nuôi, trong đó 1 nguồn gen (Trâu Thanh Chương); đã xây dựng mô hình bảo tồn trâu (Insitu) nuôi trong nông hộ với 2 mô hình bảo tồn tại 2 điểm (Thanh Mai, Thanh Thủy) với quy mô 70 con (20 con đực, 50 con cái). Kết quả đàn trâu đã đẻ được 35 nghé, trong 19 nghé đực và 16 nghé cái.
Trâu Thanh Chương có ngoại hình đẹp, cân đối, đặc trưng cho giống trâu đầm lầy Việt Nam. Trâu Thanh Chương có khối lượng tương đối lớn, thuộc vào nhóm trâu tầm đại, khối lượng trưởng thành của trâu đực từ 513,1 – 541,9kg, trâu cái từ 439 – 482kg.
Trung tâm đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 70 hộ dân trên địa bàn 2 xã Thanh Mai, Thanh Thủy về kỹ thuật chọn giống và chăm sóc trâu truyền đạt các kỹ thuật mới, cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu đực giống, trâu cái sinh sản và sản xuất thức ăn cho trâu.
Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi (Bộ NNPTNT) cũng đang tiến hành bảo tồn nguồn gen và phát triển giống ngựa bạch Việt Nam; bảo tồn, duy trì nguồn gen giống trâu đầm lầy Thái Lan có thể lai tạo sinh sản ra loại trâu thịt có trọng lượng từ 8 tạ cho đến 1 tấn/con.
Để đạt được mục tiêu này, năm 2017, Trung tâm đã nhập 35 con trâu đầm lầy từ Thái Lan (gồm 5 con đực và 30 con cái) để đánh giá khả năng thích nghi của của giống.
Đàn trâu giống được quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng theo quy trình kỹ thuật về chăn nuôi trâu giống gốc, quy trình vệ sinh phòng trù dịch bệnh. Đánh giá các khả năng sinh trưởng và sinh sản của trâu đầm lầy Thái Lan được nuôi tại trung tâm khẳng định, trâu Thái Lan thích nghi với điều kiện Việt Nam.
Cụ thể, khả năng sinh sản của đàn trâu đạt 30% trong năm 2018, 73% trong năm 2019. Tỷ lệ đẻ trên trâu có chửa đạt 94%. Khối lượng sinh trưởng của trâu Thái Lan qua các giai đoạn tuổi đều cao hơn so với trâu nội ở các giai đoạn tương ứng.
Riêng kết quả nghiên cứu theo dõi cho thấy, khối lượng của nghé Thái Lan lúc sơ sinh và giai đoạn cai sữa nuôi tại Trung tâm cao hơn so với nghé nội và tương đương với khối lượng của nghé sinh ra tại Thái Lan.
Ảnh đầu bài: Trâu đầm lầy Thái Lan được chọn nghiên cứu để góp phần làm tươi máu đàn trâu. Ảnh: Đào Thanh
PV (Dân Việt)