Hồn làng quê qua những bức tranh trâu

Hồn làng quê qua những bức tranh trâu: Ngắm những nét họa đầy màu sắc về con trâu khi tinh nghịch như trẻ nhỏ, khi chịu thương bên cô, bên bà, lúc lại bừng lên bởi những thôi thúc bản năng, hồn làng quê Việt bình yên mà lại như bị khuấy động bởi sự sống “gói” trong đó.

Thương nhớ đồng quê bằng tranh

Giữa những ngày giá rét nhất của tháng 12, ngôi nhà của họa sĩ chuyên vẽ tranh con trâu Nguyễn Văn Cường tại làng Ngâu, thôn Yên Ngưu (Văn Điển, Thanh Trì , Hà Nội) vẫn luôn mở cửa. Gặp người họa sĩ thì dễ nhưng để có nhiều thời gian trò chuyện riêng thì khá khó bởi anh nhiều khách. Mà ngày có bạn đến trò chuyện về tranh, anh bảo tôi với anh đó là ngày tốc hỷ.

Trên tường, dọc cầu thang, lẫn giữa chồng tranh mới, cũ xếp quanh trong lòng ngôi nhà của người họa sĩ chất chứa cả một đồng quê với ruộng lúa, với trâu, với nghé, với trẻ mục đồng và cả gió đồng phấp phới. Bởi thế, bạn bè vẫn gọi người họa sĩ đam mê với đề tài tranh đồng quê, trong đó con trâu vào vai chính, là Cường “trâu”.

Bức tranh nổi tiếng đầu tiên của Cường có lẽ là bức “Mùa đông” (vẽ năm 1990), khi ấy anh mới tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Bức tranh về nông thôn Việt Nam trong giá rét được Bộ Nông nghiệp trao giải nhất về đề tài nông nghiệp. Niềm động viên kịp thời khiến Cường càng thêm đam mê và gắn bó với hình ảnh con trâu hơn. Lâu dần người trong nghề nghiễm nhiên coi anh là họa sĩ của đồng quê.

Những con trâu hiện lên gần gũi với những cá tính khác biệt trong mỗi cách thể hiện khác nhau của Nguyễn Văn Cường. Anh sáng tác nhiều tranh trâu với màu dầu. Những con trâu trong tranh sơn dầu rất động bởi theo anh, mỗi bức tranh là một lần dãi bày nỗi niềm tâm sự của người nghệ sĩ. Trâu điên, trâu cười, trâu lồng. Khi con trâu đưa lưng cho đám mục đồng cưỡi vào trận đấu, khi lại đang trong thế cáng đòn con trâu đực khác trên đồng, có khi là con trâu điên cần cả đám trẻ kẻ túm đầu, người kéo đuôi đưa về. Nhưng nhiều nhất là những bóng trâu xiêu vẹo theo dáng gầy của mẹ, của cô trên đồng. Bởi thế những bức tranh sơn dầu bố cục gọn gàng nhưng lại rất giàu cảm xúc.

Để thêm chút dịu dàng của màu sắc lên đàn trâu, Nguyễn Văn Cường vẽ cả bằng màu nước trên giấy dó. Chắc có lẽ phải là chất liệu mềm mại này mới chuyền tải được hình ảnh những cô bé thôn quê vừa hồn nhiên, vừa tinh nghịch trong ký ức năm nào.

Chú thích ảnh
Tranh khắc nổi với kỹ thuật sơn mài tổng hợp là một thử nghiệm rất được công chúng đón nhận của họa sĩ Nguyễn Văn Cường.

Sau này Nguyễn Văn Cường tự mình thử nghiệm lối tạo tác mới. Kết hợp lối vẽ và khắc nổi của mỹ thuật đồ họa trên kỹ thuật sơn mài truyền thống. Chất liệu này hạn chế được nhược điểm dễ cong vênh của tấm vóc sơn mài truyền thống. Thể nghiệm này được công chúng đón nhận với nhiều cảm tình và đánh giá tốt. Những đường nét khắc gỗ chắc nịch cũng không làm giảm độ động của đàn trâu bị đám mục đồng đội nón lá sen thúc ra đồng. Cứ như thế, theo người họa sĩ, anh đã vẽ cả ngàn bức về đề tài con trâu.

“Làng quê Bắc Bộ mấy nghìn năm cổ kính, những dòng sông, bến nước, lũy tre làng hay những lò gạch hoang phế mọc đầy hoa dại, đường làng nhộn nhịp ngày mùa, sánh “trời xanh, mây trắng,nắng vàng”, rồi bạn bè thủa thiếu thời với bao trò chơi con trẻ hấp dẫn… mỗi khi nhắm mắt lại ùa về rộn ràng háo hức với đủ sắc màu. Tôi tìm được người xưa, tuổi thơ và cả lối sống chân thiện mỹ trong nghệ thuật”, Nguyễn Văn Cường cười hiền giữa câu chuyện về tranh.

Dắt trâu ra thế giới

Với 30 năm thả hồn qua hình ảnh con trâu, Nguyễn Văn Cường đã sở hữu trong tay 18 cuộc triển lãm cá nhân ít nhiều gây tiếng vang. Cái duyên của tranh con trâu, tranh đồng quê đưa anh ra với thế giới. Những triển lãm cá nhân tại Mỹ, Anh, Na Uy, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm đến gần một nửa số triển lãm cá nhân mà anh thực hiện. Còn các tranh trưng bày, triển lãm chung với đồng nghiệp ở nhiều nước trên thế giới thì nhiều đến mức anh không nhớ nổi.

Chú thích ảnh
Những bức tranh trâu được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong căn nhà của người họa sĩ.

Lần đầu tiên đưa tranh trâu ra “xuất ngoại”, Nguyễn Văn Cường cũng không khỏi bỡ ngỡ. Chuyến du hành nước Mỹ của tranh con trâu Việt thành công ngoài mong đợi.

Nguyễn Văn Cường có bức tranh bán với giá “khủng” 2.500 USD. Anh bảo ở thời điểm cách đây 20 năm, đây là mức giá cao cho một bức tranh về đề tài con trâu của anh bởi khi ấy, bán được bộ 3 bức tranh là đủ để anh có thể mua được cả trang trại rộng tới hơn 2.000 m2 ở ngoại ô thành phố.

Cường kể, hình ảnh con trâu được bạn bè yêu nghệ thuật nước ngoài vừa lạ lẫm vừa tò mò và thích thú. Khi đem tranh đi triển lãm ở nước ngoài, nhất là những nước Bắc Âu, khách tham quan có thể đã ít nhiều nhìn thấy trâu trong văn hóa lúa nước lại càng lạ lùng hơn khi thấy cảnh trẻ em rất trâu cưỡi tắm, cày cấy cùng trâu hay thậm chí là âu yếm con trâu như người thân. Từ lạ lẫm, họ phần nào cảm nhận được sự yên bình của làng quê, hiểu được sự gắn bó hữu cơ giữa con người và con vật quan trọng nhất trong đời sống nông thôn.

Chú thích ảnh
Hình dáng những thôn nữ trong tranh trâu vẽ bằng chất liệu màu nước trên giấy dó.

Năm 2013, khi đưa tranh của Nguyễn Xuân Cường triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Giám đốc Trung tâm này khi ấy là ông Park Nark-jong từng tâm sự: “Là người Hàn Quốc đang sống xa quê hương nhưng khi ngắm nhìn những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Cường, tôi bất chợt tìm thấy đâu đó nhiều nét đẹp tương đồng của quê hương mình qua từng nét vẽ.”

Tới nay, dù tiếp tục tìm tòi ở nhiều đề tài khác nhưng tranh con trâu vẫn luôn là đề tài Nguyễn Văn Cường tìm đến như một cứu rỗi mỗi khi cần hóa giải tâm tư, cảm xúc nghệ sĩ. Bởi thế, anh cho biết, năm Tân Sửu này, anh sẽ thực hiện một triển lãm quy mô với bộ sưu tập đồ sộ tranh gắn với trẻ em như trò chơi dân gian, nô đùa trên đồng lúa, trên lưng trâu.

Xem thêm: Họa sỹ Hà Nội gốc mang biệt danh “chẳng giống ai” https://anninhthudo.vn/hoa-sy-ha-noi-goc-mang-biet-danh-chang-giong-ai-post348885.antd

Bài, ảnh: Lê Sơn (Báo Tin tức)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *