Hò Lỉa trâu (Hò Lỉa gỗ)

Hò Lỉa trâu (Hò Lỉa gỗ): Hò Lỉa trâu (còn gọi là Hò Lỉa gỗ, Hò Lơi) là điệu hò phổ biến của cả hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình. Trong môi trường lao động sơn tràng nặng nhọc và cô quạnh, họ cất tiếng hò với con trâu kéo gỗ của mình, dỗ dành nó, thúc giục nó, tâm sự với nó và thể hiện tâm trạng của chính mình.

Năm Sửu kể chuyện hò Lỉa trâu - Ảnh 1
Màn trình diễn điệu hò Lỉa trâu của nghệ nhân đến từ Quảng Bình.

 Ngày trước, khi những cánh rừng còn xanh tốt, bạt ngàn, gỗ củi và lâm thổ sản phong phú, giàu có, ngoài các nghề làm nông, cư dân các vùng Xuân Ninh, Hiền Ninh, Lệ Kỳ, Vĩnh Tuy, Quảng Xá, Trường Dục, Đức Ninh, Nghĩa Ninh của huyện Quảng Ninh (ngày nay là Đức Ninh, Nghĩa Ninh và Bắc Nghĩa thuộc thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) còn có nghề vào rừng lấy gỗ về phục vụ cho nhu cầu dựng nhà cửa của cộng đồng và xây dựng các công trình tâm linh như đình, chùa, miếu, mạo…

Chốn rừng thiêng, nước độc, núi non, vực sâu hiểm trở, để khai thác được gỗ đem về, những người làm nghề đi rừng liên kết nhau lập thành các phường sơn tràng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc. Gỗ sau khi khai thác, các phường sơn tràng vừa dùng sức người và những cặp trâu khỏe mạnh lỉa gỗ kéo ra tập kết ở các bến sông để kết bè đưa về xuôi. Và chính từ công việc lỉa gỗ nhọc nhằn, vất vả hàng ngày đó đã sản sinh các câu ca, điệu hò lỉa gỗ. Là một vùng quê nông nghiệp, con trâu dùng để kéo cày hàng ngày là tài sản quý giá và lớn nhất của những người nông dân nơi đây.

Khi có thêm nghề đi rừng con trâu lại càng gắn bó và quan trọng đối với công việc của họ. Vì thế, lúc đầu khi mới hình thành, đối tượng của các câu hò Lỉa gỗ chính là những chú trâu hàng ngày theo những người sơn tràng đi kéo gỗ. Sau đó, dần dần, hò Lỉa gỗ đã xuất hiện rộng rãi và trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo trong cuộc sống hàng ngày của cư dân nhiều vùng ở H. Quảng Ninh. Chính những câu hò Lỉa gỗ ngọt ngào, ân tình được những người thợ sơn tràng cất lên cùng với cái vỗ tay nhè nhẹ vào mông con trâu để báo hiệu cho nó giật, kéo gỗ đi hoặc báo hiệu trước mỗi lần vượt đèo, vượt dốc, băng khe, vượt suối chính là niềm động viên và cổ vũ quan trọng để cả người và trâu cùng vượt qua vất vả, nhọc nhằn, kéo gỗ đi về nơi tập kết.

Các câu hò khi được thể hiện trong các chuyến Lỉa gỗ thường kèm theo tiếng động lệnh: “Hích là”, “đi nào” , “giật là”, “giật nào”, “giật lên”, sau đó mới đến tiếng lấy hơi tiếp theo cho đến khi cả đoàn sơn tràng tập kết gỗ về đến đích. Những câu hò Lỉa gỗ cất lên trong hành trình cả chủ và trâu cùng đưa gỗ về đích, người thợ sơn tràng hò để động viên con trâu-người bạn đồng hành của mình- nhưng không phải vì thế nội dung của những câu hò thiếu tính phong phú, đa dạng… Mà ngược lại, nội dung của các câu hò Lỉa gỗ rất phong phú, ngoài những câu hò thể hiện ân tình sâu nặng của người thợ sơn tràng đối với con trâu của mình, thì nhiều câu còn thể hiện tình yêu trai gái, tình yêu quê hương, xứ sở, ca ngợi núi rừng giàu đẹp… Vì thế, hò Lỉa gỗ đã trở thành kho tàng văn hóa dân gian của cả cộng đồng, làm đắm say nhiều người, nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, kể cả những người không phải là phường sơn tràng…

Bên cạnh thể hiện những tình cảm sâu nặng, gắn bó giữa chủ sơn tràng và những con trâu lỉa gỗ của mình, các câu hò thể hiện tình yêu trai gái với các cung bậc vui sướng, hạnh phúc hay đau khổ, thất vọng cũng còn được nhiều người thuộc và lưu truyền trong dân gian… Những năm qua, khi tài nguyên rừng ngày càng ít đi, nghề sơn tràng ở Quảng Ninh và các vùng Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Bắc Nghĩa (Đồng Hới) đã không còn nữa, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều thợ rừng trước đây thuộc, nhớ nhiều câu hò Lỉa gỗ và vẫn diễn xướng các điệu hò này trong các dịp lễ hội của địa phương, hay trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, những câu hò Lỉa gỗ mới có sức sống trường tồn cho đến hôm nay và cả sau này…

Tháng 10/2018, tại Liên hoan đàn và hát dân ca toàn quốc tổ chức tại Quảng Ninh, điệu hò Lỉa trâu với sự biểu diễn của nghệ nhân Ngô Văn Diễn đã dành huy chương Vàng toàn quốc.
Họa sĩ Dương Ngọc Liên đã dành cả cuộc đời mình cho việc sưu tầm, mô tả, ghi âm, ký âm, nghiên cứu hò khoan Lệ Thủy. Ông cũng là người phục dựng nhiều mái hò, sáng tác nhiều ca khúc phong cách âm nhạc dân gian Lệ Thủy. Từ sự đam mê và trách nhiệm của một cán bộ hoạt động văn hóa, ông là người đã tiếp cận với các điệu hò Khơi, hò Nậu xăm vùng biển Ngư Thủy và hò Lỉa trâu vùng núi trên vùng núi đồi Phú Thủy, Mai Thủy. Với sự cố vấn của ông, năm 2015, lần đầu tiên các điệu hò này đã được Viện Nghiên cứu âm nhạc Việt Nam ghi âm, ghi hình làm tư liệu và phục dựng đưa lên không gian mạng, lan tỏa giá trị của tổng thể hò Khoan Lệ Thủy, phục vụ thính khán giả toàn quốc và trên thế giới.

Tháng 2/2016, với sự dẫn đạo của họa sĩ Dương Ngọc Liên, chúng tôi đã tìm về thôn Lê Xá, xã Mai Thủy để gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Duyệt, 80 tuổi, một trong bốn, năm người còn lại của thợ sơn tràng năm xưa còn lưu giữ được điệu hò quý giá này. Ông có dáng người nhỏ gọn, quắc thước và ứng xử nồng hậu đã làm yên lòng chúng tôi. Ngồi trước bàn trà, cụ không cần lấy hơi, cất giọng hò vang vọng với giọng thổ ấm nồng những câu hò một thời đã gắn bó với cuộc sống sơn tràng “rưng rưng nước mắt”. Toàn bộ quang cảnh, tâm trạng của người đi rừng như hiện ra trước mắt chúng tôi qua cả một buổi hò “tay vo” cho từ sáng đến chiều. Chúng tôi đã kịp ghi lại hơn 70 bài hò của cụ.

Hò Lỉa trâu (còn gọi là hò Lỉa gỗ, hò Lơi) là điệu hò phổ biến của cả hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình. Trâu kéo gỗ là những con trâu to khỏe, được “xem tướng” kỹ càng và huấn luyện cho thạo việc. Gỗ được gác trên cái “lỉa” bằng gỗ huệnh, loại gỗ dẻo và dai, chịu được ma sát đường rừng. Trong quá trình kéo gỗ, người thợ sơn tràng mắc ách và dỗ dành trâu làm việc. Câu hát đầu tiên thường để dỗ trâu: “Ừm… ngơ… ơ ơ… ơi lơi… ạ/ Sức dài vai rộng/ Chân bấm cổ cò (gò)/ Nghe giọng chàng hò/ Cong lưng mà bấm tới/ Là trâu ơi… hậy”.

Đường rừng quanh co khúc khuỷu, qua khe ngược dốc, điệu hò tùy theo đó mà thúc giục con trâu làm việc, khi gấp gáp, quyết liệt, khi thanh thản, nhẹ nhàng. Chen giữa điệu hò là những động lệnh, nhắc nhở cũng như động tác cạy nạy của người thợ để công việc được trôi chảy. Trong lời ca, ngoài những câu nói về trâu (còn lại không nhiều), thì chủ yếu là tâm sự về thế thái nhân tình của người đi rừng, về nỗi lòng thương cha nhớ mẹ, về tình cảm gái trai, về lễ nghĩa sống ở đời. Trong lời ca Lỉa trâu, ta thấy nghệ nhân sử dụng nhiều lời thơ của Nhị thập tứ hiếu, Phan Trần, Tống Trân Cúc Hoa. Các cụ gọi đó là “hò truyện”.

Khi chúng tôi làm việc với nghệ nhân Nguyễn Văn Duyệt, hỏi cụ thích gì nhất hiện nay, bất ngờ cụ nói: “Tôi muốn truyền lại điệu hò này cho các anh các chị trẻ. Nghề sơn tràng không còn nhưng điệu hò thì nên tiếp tục. Tôi đã 80 tuổi rồi, muốn một lần ra Hà Nội viếng Lăng Bác và thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Công việc thứ nhất thì anh Dương Ngọc Liên, với tư cách là Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lệ Thủy từ mấy năm nay đã cử các thầy cô giáo đến để học cụ, bảo tồn một cách trực tiếp và sống động điệu hò. Công việc thứ hai thì nhờ vào sự tài trợ kinh phí của một số cựu sinh viên làm việc ở các cơ quan báo chí truyền thông, chúng tôi đã tổ chức cho một nhóm nghệ nhân già ra chơi Thủ đô vào cuối năm 2018. Còn với ai có dịp ghé thăm quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được nghe các nghệ nhân giao lưu cùng với điệu hò Lỉa trâu thấm đẫm nhân tình, trĩu nặng tâm sự của thợ sơn tràng vùng Lệ Thủy và Quảng Ninh, Quảng Bình.

Cảm nhận đầu tiên của người nghe là sự vang vọng thấm đẫm nhân tình, là cuộc sống thầm lặng và mệt nhọc của công việc sơn tràng. Hò sông Mã mạnh mẽ gấp gáp, hò Nam bộ mênh mang đượm buồn. Hò Lỉa trâu vọng vang từ rừng, vượt đồng bằng như đến tận biển khơi. Nó đủ cái khỏe khoắn, gắn với lao động nhưng cũng đầy tính trữ tình, trĩu nặng tâm sự của người hò.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *