Hình tượng con trâu trong cổ vật Việt Nam

Trâu luôn xuất hiện trên các loại hình cổ vật của Việt Nam, từ hàng ngàn năm trước cho tới cuối thời Nguyễn – thời kỳ cuối mà các hiện vật được coi là cổ vật. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác khắc họa hình ảnh con trâu Việt Nam, cổ vật luôn lưu giữ những nét đặc trưng của một nền văn hóa dân tộc, một nền văn hóa lâu đời có sức sống mãnh liệt và có bản sắc riêng, không bị đồng hóa dù trải qua bao cuộc xâm lăng của ngoại bang.

Không phải ngẫu nhiên hình tượng con trâu vàng đã được chọn là linh vật của SEA game 22 được tổ chức tại Việt Nam năm 2003. Con trâu từng gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á.

Với bản chất hiền lành nhưng tràn đầy sức lực, con trâu là biểu tượng cho sức khỏe lực điền, là một phần lực lượng sản xuất không thể thiếu trong nền sản xuất nông nghiệp thời kỳ tiền công nghiệp hóa. Trong tri thức về loại vật của người Việt, tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua. Chính vì vậy trong kho tàng cổ vật Việt Nam không thể thiếu vắng hình tượng con trâu bên cạnh những linh thú như: Rồng, phượng, nghê, gia súc, gia cầm, thủy tộc, các loài hoa quý và phong cảnh thiên nhiên Việt Nam.

Tượng người cưỡi trâu, chất liệu đồng, thời Nguyễn đầu thế kỷ 20. Bảo tàng LSQG Việt Nam
Chiếc muôi đồng Đông Sơn hình đầu trâu, 150 năm trước Công nguyên. Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, Bỉ.

1.

Cổ vật có hình tượng con trâu có niên đại sớm nhất là trâu đồng Đông Sơn. Tại di chỉ khảo cổ Làng Vạc, Nghệ An, người ta đã tìm thấy một chiếc muôi đồng cực đẹp, được chế tác hết sức tinh xảo, nghệ thuật với chiếc đầu trâu trên cán muôi. Dưới cặp sừng cong nhọn hoắt là hai chiếc chuông nhỏ, tượng trưng cho hai chiếc tai. Phần cán muôi là các dãy hoa văn được đúc nổi với hình tượng những bông lúa bên cạnh những hoa văn xoắn hình chữ S. Rõ ràng hình tượng đầu trâu và bông lúa không thể gì khác hơn là quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp” của người xưa.

Đồ đồng Đông Sơn còn có khá nhiều những chiếc lưỡi cày bằng đồng – một vật dụng không thể thiếu gắn liền với con trâu tạo nên công cụ và lực lượng sản xuất của nền nông nghiệp Việt Nam thời xưa. Cổ vật chiếc muôi đồng hình đầu trâu được xác định có niên đại 150 – 50 năm trước Công Nguyên. Còn di tích khảo cổ Làng Vạc thuộc nền văn hóa Đông Sơn cách đây 2500 năm – thời kỳ Vua Hùng dựng nước, là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Chiếc muôi đồng quý hiếm này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, thủ đô Bruxelles (Bỉ) cùng rất nhiều cổ vật và tranh, tượng quý của Việt Nam. Năm 2002, bảo tàng này đã in một cuốn sách dày giới thiệu các cổ vật và nghệ thuật Việt Nam, chiếc muôi đồng hình đầu trâu đã được trang trọng đưa lên trang bìa, thể hiện sự đánh giá rất cao đối với một cổ vật quý hiếm và tiêu biểu của Việt Nam.

Bát vẽ phong cảnh mục đồng chăn trâu, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, cuối thế kỷ XVIII. Nhà sưu tập Nguyễn Dòng
Bát vẽ phong cảnh mục đồng chăn trâu, đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, cuối thế kỷ XVIII. Nhà sưu tập Nguyễn Dòng

2.

Đến thời kỳ phong kiến Đại Việt, hình tượng trâu xuất hiện nhiều nhất là trên đồ gốm Chu Đậu. Tại Bảo tàng Guimet, Paris, Pháp có trưng bày một chiếc nghiên mực hình con trâu, men màu lục được xác định có niên đại thế kỷ XIV – XVI, cũng thuộc loại rất quý hiếm. Nó là một trong loại hình văn phòng tứ bảo.

Trên con tàu đắm Hội An người ta cũng tìm thấy không ít chiếc hũ nhỏ hình con trâu, giới cổ ngoạn gọi là thủy trì – một công cụ dùng để nhỏ nước mài mực thỏi ngày xưa. Các ống nhỏ hình con trâu tuy kích thước không lớn nhưng được tạo dáng hết sức sinh động: Con đứng, con nằm, con nghẹo cổ. Sự xuất hiện hình dáng con trâu trong văn phòng tứ bảo đã thể hiện rất rõ nét quan niệm trọng nông thời phong kiến “nhất sĩ nhì nông”.

Hình ảnh con trâu còn xuất trên những chiếc đĩa gốm Chu Đậu với kích cỡ lớn. Một chú nghé ọ non tơ đang nhởn nhơ nghếch mõm ngắm nhìn trời xanh mây trắng, thể hiện sức sống mãnh liệt, cảnh thanh bình của thời thịnh trị Hồng Đức, thời đức vua anh minh Lê Thánh Tông trị vì. Đây là chiếc đĩa lớn thuộc dòng gốm xuất khẩu nửa cuối thế kỷ XV, khi lò gốm Chu Đậu, Hải Dương đạt độ cực thịnh và xuất khẩu ồ ạt sang các khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Trung Cận Đông.

Tượng người cưỡi trâu, chất liệu đồng, thời Nguyễn đầu thế kỷ 20. Bảo tàng LSQG Việt Nam
Tượng người cưỡi trâu, chất liệu đồng, thời Nguyễn đầu thế kỷ 20. Bảo tàng LSQG Việt Nam

Sang thế kỷ XVI và XVII, các cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc, Đàng Trong – Đàng Ngoài đã gây tổn thất đến các lò gốm lớn. Phần lớn các lò còn lại chủ yếu sản xuất các đồ tế khí như: Lư hương, chân đèn phục vụ các cơ sở tín ngưỡng như: đền, chùa, đình, miếu được xây dựng rất nhiều trong giai đoạn này.

Từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và các vua triều Nguyễn đã cho đặt làm các đồ sứ ký kiểu tại các lò gốm sứ nổi tiếng ở trấn Cảnh Đức, Giang Tây, Trung Quốc với các đề tài phong cảnh Việt Nam.

Riêng đề tài trâu thì không thấy xuất hiện trong các đồ sứ của chúa Trịnh nhưng lại xuất hiện khá nhiều trên đồ do nhà Nguyễn đặt làm tại đây. Trong các đồ sứ vẽ phong cảnh Đàng Trong có một chiếc tô lớn vẽ cảnh mục đồng chăn trâu, xa xa là dãy núi Tam Thai, cảnh vật thật sinh động và thanh bình. Hay như chiếc bát hiệu đề chữ THỌ tả cảnh một người đang chăn dắt một con trâu trên đồi cỏ, phong cảnh núi rừng thật lãng mạn. Lối vẽ và cảnh vật làm ta liên tưởng đến một đề tài vẽ tích Bách Lý Hề chăn trâu, đọc sách theo một tích truyện về một vị tướng của nước Tàu thời Xuân Thu.

Còn chiếc đĩa hiệu đề CHÍNH NGỌC thì vẽ cảnh mục đồng chăn trâu, con đứng, con nằm thảnh thơi theo lối NHẤT THI NHẤT HỌA (thơ văn minh họa cho cảnh vẽ). Câu thơ đã được cụ Vương Hồng Sển, một nhà sưu tầm và nghiên cứu cổ vật ở Thành phố Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã dịch:

Mùa xuân chơi chốn cỏ hoa,

Vui cùng đồng tử xướng ca đi về.

Một chiếc đĩa khác hiệu đề THÀNH HÓA NIÊN CHẾ cũng vẽ đề tài tương tự hai con trâu: Con đứng, con nằm nghỉ bên bờ suối dưới một cây liễu rủ lá xanh tươi, trên trời là một vầng mây lãng đãng bay, cảnh vật thật nên thơ. Đó cũng là phong cách chung của các đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX, được các nhà sưu tập cổ vật rất ưa chuộng, săn lùng và sẵn sàng trả với một giá cao ngất ngưởng.

Chiếc thủy trì hoa lam, thế kỷ XV. Nhà sưu tập Nguyễn Dòng
Chiếc thủy trì hoa lam, thế kỷ XV. Nhà sưu tập Nguyễn Dòng

3.

Nói về kho tàng cổ vật Việt Nam, chúng ta không thể không nói đến dòng gốm Bát Tràng, trong đó có loại hình gốm men rạn nổi tiếng vào thế kỉ XVIII – XIX. Có một chiếc bình gốm lớn, cổ cao, tạo hình cân đối, mặt trước đắp nổi một người cưỡi trâu bên lũy tre làng, trên cao có ông mặt trời nằm giữa vầng mây xanh, mặt sau cũng có bài thơ minh họa. Phong cách thể hiện hình ảnh trâu thật dung dị, gần gũi với tâm hồn người Việt Nam vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Ngày nay, nếu ghé thăm làng gốm Bát Tràng ta vẫn gặp rất nhiều tác phẩm gốm có đề tài trâu, nhưng xem ra tay nghề của thợ gốm ngày nay còn thua xa các cụ ngày xưa.

4.

Một loại hình cổ vật khác về trâu, đó là tượng đồng. Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có lưu giữ một tượng đồng mô tả một người đang cưỡi trâu, trên vai khoác một chiếc nón lá, hai tay có động tác như đang thổi sáo. Một hình tượng rất đặc trưng của nghệ thuật dân gian Việt Nam về đề tài trâu.

Bức tượng không lớn lắm, chiều cao 27,3cm, nhưng được chế tác rất tinh xảo, sắc nét, cả hình người và con trâu rất sống động. Bức tượng này có niên đại đầu thế kỷ XX. Theo nhận định của Bảo tàng, đây là bức tượng thờ hoặc tượng trang trí khá hiếm hoi còn lưu giữ được tới ngày nay. Năm 2008, bức tượng trâu này đã được tuyển chọn là một trong các cổ vật Việt Nam tiêu biểu để đưa đi trưng bày tại thủ đô Bắc Kinh với chủ đề “Đồ đồng Việt Nam – truyền thống và bản sắc”.

Ảnh đầu bài: Con nghé trên chiếc đĩa gốm Chu Đậu thời Lê sơ, thế kỷ 15. Nhà sưu tập Nguyễn Dòng

NHÀ SƯU TẬP CỔ VẬT NGUYỄN DÒNG (Báo Lao Động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *