Con trâu chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống người dân ở một nước nông nghiệp như nước ta. Ca dao, tục ngữ đã có nhiều câu nói lên vai trò hàng đầu của con trâu đối với người Việt như: Con trâu là đầu cơ nghiệp; Tậu trâu lấy vợ làm nhà/ Cả ba việc ấy thật là khó thay; Mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi…
Và như một lẽ tự nhiên, con trâu đã bước vào văn học nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Việt. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến hình ảnh con trâu trong thơ của một số nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới (1932-1945).
Con trâu vốn gắn bó mật thiết với đồng ruộng, thôn quê. Vậy nên không ngạc nhiên khi trong thơ, con trâu luôn xuất hiện cùng với những hình ảnh đặc trưng của thôn dã. Đoàn Văn Cừ-nhà thơ của làng quê Việt Nam-đã miêu tả con trâu trong Chợ tết với dáng vẻ nhàn nhã, thong thả lim dim ngủ nhằm gợi lên sự thanh bình, trù phú của vùng thôn quê: Người mua bán ra vào đầy cổng chợ/ Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/ Để lắng nghe người khách nói bô bô. Khác với vẻ đông vui tấp nập trong phiên chợ tết của Đoàn Văn Cừ, con trâu trong thơ Anh Thơ và Bàng Bá Lân lại được miêu tả trong cái tĩnh lặng của thiên nhiên nông thôn tươi đẹp. Nếu con trâu trong thơ nữ sĩ Anh Thơ đủng đỉnh tự tại, nhàn tản như đang thưởng lãm một chiều xuân đẹp: Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió/ Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa (Chiều xuân) thì con trâu trong thơ Bàng Bá Lân lại trầm tư, nghĩ ngợi khi đang nghỉ ngơi vào buổi trưa hè: Dưới gốc đa già trong vũng bóng/ Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai (Trưa hè). Con trâu trong thơ Huy Cận lại gắn liền với bầu trời tuổi thơ của các em nhỏ. Nhà thơ của “mối sầu vạn cổ” khi viết cho thiếu nhi thì giọng thơ trở nên trong trẻo lạ thường: Tiếng gà gáy ơi! Gà gáy ơi!/ Nghe sao ấm áp tựa nghe đời/ Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp/ Trâu dậy trong ràn, em cựa nôi (Sớm mai gà gáy).
Ngoài khung cảnh làng quê trù phú, tươi đẹp, con trâu còn được một số nhà thơ mới sử dụng để miêu tả những nỗi cơ cực, vất vả của người nông dân. Vẫn là Huy Cận, trong Mây trắng, thông qua hình ảnh so sánh những đám mây với đàn trâu sổng chuồng, ông đã phản ánh nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân khi phải lao động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để làm ra hạt lúa, hạt gạo: Trời nóng đêm qua mây dậy ran/ Ngỡ đàn trâu bạc phá tung ràn/ Giữa ngày ruộng vỡ mênh mông gió/ Những luống cày xô nắng chói chang. Con trâu trong thơ Nguyễn Bính là một ẩn dụ về thân phận “mười hai bến nước” của người phụ nữ khi vừa phải gánh vác việc nhà, vừa phải lấy người mình không yêu, sống một cuộc đời đầy tủi hổ, bạc phận: Bây giờ cắt cỏ, chăn trâu/ Bây giờ em đã làm dâu nhà người/ Buồn thôi chả biết nói cười/ Đắng cay sống những ngày dài như năm (Làm dâu).
Trong những năm kháng chiến, một số nhà thơ mới thường sử dụng hình ảnh con trâu để miêu tả đời sống khổ cực của nhân dân ta dưới ách áp bức, bóc lột của quân xâm lược. Xuân Diệu đã viết trong Bà cụ mù lòa: Quân địa chủ! lũ thực dân!/ Chúng bay cướp cả mọi phần sướng vui!/ Cướp trâu, cướp ruộng, cướp đồi/ Bay còn cướp giật cả đôi mắt người. Tế Hanh-tác giả của những bài thơ nổi tiếng như Bài thơ tình ở Hàng Châu, Nhớ con sông quê hương-cũng sử dụng hình ảnh con trâu để nói về nỗi đắng cay của người dân khi bị giặc bắt, giặc lùng trong bài Người đàn bà Ninh Thuận. Những người dân đã phải sống cuộc đời như trâu ngựa trong trại cải tạo: Quân cướp nước bắt lìa nhà cửa/ Chúng dồn làng lần nữa là ba/ Ban ngày chúng thả cho ra/ Đêm vào đồn ngủ như là bò trâu. Đặc biệt, ông có một bài thơ về trâu khá độc đáo là bài Chuyện em bé cười ra đồng tiền. Bài thơ được viết theo lối kể chuyện có cốt truyện, nhân vật, lớp lang bài bản. Bài thơ kể về em bé Hoa-con của một cặp vợ chồng nghèo tên là Quả-có khả năng kỳ lạ là cười ra đồng tiền. Tên trọc phú âm mưu bắt cóc Hoa, dụ dỗ bằng đồ chơi, đồ ăn ngon để em cười nhằm thu tiền. Con trâu trong bài thơ ở lớp nghĩa đầu tiên tượng trưng cho lòng tham vô đáy của tên trọc phú. Hắn muốn em cười để có tiền Mua bầy trâu mộng/ Gấm vóc lụa là. Ở lớp nghĩa thứ hai, con trâu tượng trưng cho tinh thần hiệp nghĩa “giữa đường thấy việc bất bằng mà tha” của những người lao động. Em bé chăn trâu ở nhà trọc phú thương xót bé Hoa còn nhỏ tuổi đã bị bắt xa gia đình, làm công cụ kiếm tiền cho kẻ bất lương nên đã báo cho một hiệp sĩ đến giải cứu. Bé Hoa được trở về bên cha mẹ còn chú bé mục đồng và chàng hiệp sĩ lại tiếp tục lên đường cứu giúp những mảnh đời bất hạnh: Còn từ xa em/ Anh chàng hiệp sĩ/ Lại đi không nghỉ/ Cùng chú chăn trâu.
Là người có chiều sâu triết lý bậc nhất trong các nhà Thơ mới nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung, Chế Lan Viên sử dụng hình ảnh con trâu để bộc bạch tâm trạng, nói lên những tâm tư, suy ngẫm của mình về thời thế-thế thời, về con người. Trong Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh, ông khiêm nhường tự nhận mình chỉ là nhà thơ cưỡi trâu mải mê chơi trò chơi dân gian Đánh trận giặc cờ lau và bị cuốn vào đó lúc nào không hay Thế mà không đâu/ Gặp Thập nhị sứ quân đầu rừng cuối quận/ Thành ra người dẹp loạn/ Rồi làm tướng làm vua/ Lắm chuyện nhức đầu. Quay cuồng, mệt mỏi trong trò chơi của cuộc đời, Chế Lan Viên chỉ có một ước nguyện được trở lại là chú trẻ chăn trâu ngày nào. Hình ảnh con trâu, con nghé, cành lau như một ảo mộng về quãng thời gian tươi đẹp không bao giờ trở lại với nhà thơ: Cho tôi về với cành lau/ Vàng vọ/ Về với con trâu nghé ngọ/ Có cặp sừng bỡ ngỡ/ Chiều buồn không biết cọ vào đâu?. Từ đó, nhà thơ bơ vơ, luôn đi tìm lại chính bản thân mình: Đã lâu ta không nghe hồn lau gọi nữa/ Xa tiếng gió xạc xào/ Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…/…/ Hồn lau ở đâu?/ Hồn ta ở đâu?
So với con trâu trong ca dao, tục ngữ, có thể nói con trâu trong thơ một số nhà Thơ mới có những sắc thái, màu sắc riêng. Những sắc thái riêng này vừa làm phong phú thêm hình ảnh con trâu trong thơ ca, vừa cho thấy phần nào sự biến đổi, phát triển của thơ Việt trong tiến trình văn học sử.
TÂM ANH (Quân đội nhân dân)