Đường quê giăng mắc rơm vàng: Bên những đồng lúa, hàng tre xanh, những gốc đa, gốc si già nâu, những tán gạo, râm bụt đỏ, những nhành lục bình, hoa khế tím luôn bắt gặp những cọng rơm vàng óng ả trên đường quê.
Nhặt cọng rơm vàng bay lạ
Thơm thơm mùi nắng trưa hè
Đôi chân bỗng chừng run rẩy
Khuỵ vào nỗi nhớ thương quê
Này cọng rơm vàng xơ xác
Mẹ còn lần giũ hạt vương
Đàn gà có thường quấn quýt
Chiếp chiếp kêu mẹ đỡ buồn…
(Cọng rơm vàng- Dương Hoàng Hữu)
Phải nói rằng rơm là một trong những mầu sắc tiêu biểu làm nên vẻ đẹp thanh bình của nông thôn Việt Nam.
Ngày mùa, cả cánh đồng vàng rượi. Bà con nông dân nhanh nhảu bảo nhau đi gặt lúa. Nón trắng lô xô, lấp ló trong sóng lúa dào dạt. Bông lúa thơm hương sữa, sau khi rời liềm, lúa nằm ngay trên mặt ruộng, biến thành những cọng rơm. Lúc này, trời đất, cỏ cây, nhà cửa, con người và động vật đều như đắm chìm trong rơm. Ngoài triền đê thấy rơm, đi qua cổng làng thấy rơm, vào ngõ cũng thấy rơm. Sáng sớm, mục đồng đánh xe trâu nén đầy rơm rong ruổi. Thôn nữ gánh gồng rơm nhịp nhàng bước trên con đường đất quen thuộc. Ven bìa làng, từng đàn trâu ung dung nhai rơm lạo xạo, bầy gà lợn đuổi nhau vãi rơm tung toé. Đây đó, bao làn khói mỏng xám bạc vươn lên từ góc bếp rơm trong mấy gian nhà tranh bình dị. Muôn nơi vang tiếng kĩu kịt, tiếng đập lúa thình thịch, tiếng máy tuốt lúa phun ào ào, những cọng rơm khô mảnh khảnh, vụt theo gió vướng lên mái tóc, dính đôi vạt áo. Ban đầu, rơm có mầu vàng nhạt, ánh xanh, song khi được nắng đồng loạt chuyển sang vàng ruộm, càng phơi nỏ sợi rơm càng dai và toả hương lúa nồng nàn. Đường quê ngày mùa tràn ngập hương thơm kỳ diệu.
Suốt 4 nghìn năm, người dân Việt Nam đã dùng rơm làm chất đốt, nguyên liệu lợp nhà, tết chổi, đan mũ, áo tơi, chế tác tranh, khảm… Người nhà quê vốn tiết kiệm, chỉ ngày lễ, tết trọng đại mới dùng củi và dầu, còn phần lớn ngày thường đều dùng rơm đun nấu. Rơm bén nhanh, nỏ lửa, dễ dập. Cần nhiều lửa thì cho thêm rơm, ít lửa thì gạt bớt. Cơm canh nhờ vậy vừa chóng chín lại thơm ngon. Xưa kia, mọi người thường trộn rơm vào bùn đắp lên giằng tre tạo vách hoặc bó rơm thành từng mảng lớn lợp mái những ngôi nhà đơn sơ mộc mạc, mùa hè mát rượi, mùa đông ấm. Người dân cũng bện rơm làm chổi. Trẻ quê, bé nào cũng thuộc bài hát “Một sợi rơm vàng”:
Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm
Bà bện chổi to, bà làm chổi nhỏ
Chổi to bà quét sân kho, ấy còn chổi nhỏ bà để dành bé chăm lo quét nhà
Quét nhà bằng chổi rơm rất sạch, nhát chổi miết vào nền đất lôi ra mọi bụi bặm. Bắt chiếc người lớn, các em nhỏ cũng bện rơm nhưng để làm mấy con búp bê xinh xắn có bím tóc dày, bụ bẫm vui trong trò chơi sắp đồ hàng giả, giả làm anh chị trông em bé, bác sĩ khám chữa bệnh… Thời chiến, dân quân bện mũ rơm đội tránh bom đạn, sau này tiếp tục làm áo tơi, làm thảm rơm hoặc nhồi rơm làm cốt đệm…
Cọng rơm không thể thiếu trong gánh quà quê, làm dây quấn quanh bánh nếp, bánh tẻ hay gói cốm bọc lá dong, lá chuối… Vì cọng rơm dai, mỗi khi cần đánh xoong, nồi, tẩy bồ hóng… có thể dùng nắm rơm kỳ cọ. Vào mùa đông, trời lạnh, cỏ mọc chậm, nông dân đều lấy rơm thay cỏ làm thức ăn cho trâu bò. Sau cơn mưa, trên đống rơm mọc lên những cây nấm trắng ngọt mát, tận dụng điều đó, nhiều nơi đã trồng nấm rơm cải thiện kinh tế, họ phun nước vào các đống rơm thúc nấm mọc, mỗi tháng thu hoạch cả trăm kilôgam nấm tươi. Có nơi lại bán rơm, đem tới nguồn lợi không nhỏ. Những chợ rơm họp từ mờ sáng, người gánh kẻ gồng, đạp xe, cưỡi trâu, gọi nhau í ới.
Trước khi cấy lúa độ một tháng, nhà nông sẽ chất rơm trên đồng đốt hoá phân bón ruộng. Than rơm đen, mịn, nhỏ vụn thấm thoắt thành mùn, khi mưa xuống hoà tan vào đất, từ đó cây mạ lên xanh, lúa trổ đòng đòng, bí- ngô- khoai- sắn tươi tốt. Trẻ em cũng thường pha than rơm làm mực viết, vẽ trên đường quê. Ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay, dân dã vẫn gần gũi, cậy nhờ rơm. Tang gia, con cháu đều đội trên đầu một vành rơm với ý tỏ lòng thương tiếc người quá cố…
Ở quê, không nhà ai không có một vài đụn rơm trong vườn, trước cửa. Sau khi gặt lúa, nông dân đánh rơm thành những đống bên cạnh sườn nhà, dưới gốc cây và bờ ruộng. Năm được mùa, lúa nhiều, mọi người chất rơm thành gò, nhiều khi vượt cả ngọn cây, hai- ba người đứng công kênh chưa tới. Để có đụn rơm không bị đổ khi mưa gió, người dân cắm cuống đất một cọc tre, rồi rải rơm lên trên cho chúng móc nối, dựa dẫm vào đấy như một cái xương sống, một nơi trụ bám. Khi rút rơm, người ta rút từ chân lên tới ngọn, nhiều lúc trơ cả cọc mà rơm vẫn không sụt xuống, nhờ kết cấu giằng buộc có thể treo lơ lửng. Để chồng được nhiều rơm, họ cũng lấy chân tay nén chặt rơm xuống, thành thử đụn rơm rất chắc. Nhiều nơi còn gia cố thêm ở bốn góc bốn cột tre và phủ áo mưa kín mít. Bên cạnh luôn có cây ba chạc giúp chất rơm và khi cần cời rơm xuống.
Đụn rơm, to hơn nữa là cây rơm luôn là chỗ vui chơi, đuổi bắt, trốn tìm của trẻ em vùng quê. Trẻ nhỏ thường nhào lộn trong đống rơm, tung rơm đùa nghịch, những khi mệt mỏi ngả lưng ngay trên sườn hoặc thậm chí leo lên tận ngọn nằm ngủ. Khi trốn tìm dễ dàng chui vào trong mà nấp, chạy lòng vòng không ai biết. Cây rơm như một mái nhà thứ hai, chia ngọt xẻ bùi với các cô, các cậu bé. Các em chia nhau củ sắn miếng khoai, ê a học bài, đọc truyện; những buổi bị mẹ mắng bố đánh đòn đều lẻn ra đây tỉ ti. Cây rơm còn là nơi giao lưu, hò hẹn của thanh niên, tố nữ. Có biết bao chàng trai cô gái đã giấu cha mẹ đến hẹn hò sau đống rơm với những nụ hôn ngọt ngào, cười nói chọc ghẹo xen lẫn xụt xịt dỗi hờn. Đây cũng là nơi trú ẩn nhiều sinh vật. Chó mèo rất thích nằm sưởi nắng, gà vịt thường đẻ trứng trộm, ủ ấp trong cây rơm. Riêng mấy chú gà trống thì chỉ muốn nhảy lên đỉnh đống rơm để vỗ cánh, gáy chào buổi sớm. Trời đông lạnh, ít nắng, cây rơm gầy mòn vì nhiều lần rút ruột song nó vẫn lôi cuốn tối ngày các loài vật tránh rét gồm chim, rắn, thằn lằn tới để ngủ, đẻ trứng… Có thể gặp những câu chuyện qua các vần thơ:
Bầy gà con líu ríu theo chân gà mẹ
Gà con nhìn tôi bằng đôi mắt đen
Tôi nhìn gà bằng ánh nhìn nhuốm bạc…
Xưa ông bà tự tình trên ổ rơm
Cây rơm này nơi bác tôi, mẹ tôi, dì tôi trao nhận chiếc hôn đầu tiên
Tôi đã lớn lên bên chân đống rơm
Như đám gà con lông vàng vừa nứt ra từ quả trứng hồng…
(Về làng – Lưu Thị Bạch Liễu)
Với riêng mình, khi nghĩ về rơm là lại nhớ về một thuở bé thơ cắp sách tới trường, bạn bè thường rủ nhau ra cây rơm chơi đùa, thi thoảng cù nhau bằng mấy cọng rơm chọc vào gan bàn chân, kẽ tay, hốc mũi, không đau mà buồn cười nắc nẻ. Những hôm nắng ấm, thường lần ra cây rơm trèo lên ngồi đọc truyện, nghe tiếng chim chuyền thiu thiu ngủ lúc nào không biết. Nắng chói mắt mới choàng dậy, tóc tai, quần áo đều rối bời. Cũng có lúc vì mải ngủ ngã lăn từ cây rơm xuống bờ ao, ngập ngụa ăn no một bụng nước. Có khi lại rơi xuống nền đất cứng va đầu vào rễ cây đau điếng. Không ít những buổi ngồi xem bà tãi rơm, sau khi nhặt hết những hạt lép, những cọng xoăn, chẻ gẫy trên đó bó thành vài chiếc chổi có cán dài hoặc cán ngắn quét nhà và sân. Không ít buổi được anh chị sai đi rút rơm nấu cơm, lừng chừng mãi mới về vì vừa làm vừa nghịch. Đêm ba mươi tết, cả nhà quây quần bên bếp rơm, ánh lửa bập bùng soi tỏ những đôi má hồng, những ánh mắt háo hức ngóng chờ nồi bánh chưng, bánh gai, bánh giò chín toả hương thơm nức để bày lên chiếc đĩa đại đặt lên ban thờ cúng tổ tiên ông bà.
Dân quê, trong nhà một lúc thường kết hợp nhiều loại bếp như bếp rơm, bếp củi, bếp than. Bếp rơm là bếp nhóm lửa bằng rơm để đun mấy thứ cần hâm nóng nhanh. Bếp củi đun liu riu và bếp than nấu nhừ. Nấu cơm bằng bếp rơm phải khéo tay bởi lửa bốc khoẻ, ngay từ khi vừa nhen đã cho nhiệt lượng lớn, một lóng đã liếm lấy thân nồi, nước sôi sùng sục, hạt gạo bắt đầu bị thúc nở, chao lên lượn xuống, rồi nhanh chóng cạn ráo. Bấy giờ phải gạt bớt rơm ra khỏi bếp và cho lửa nhỏ lại, không cơm sẽ có cháy; cơm ở phía đáy nồi gần như đã chín song phần trên còn sượng nên đồng thời phải lấy một nắm rơm đốt nóng trên vung, nhờ thế cơm phía trên được chín. Dùng rơm nướng thịt, lại cần bọc thịt, hơ trên lửa đỏ và giở đều cho thịt chín mà không bị ám khói. Khi nướng, lửa rơm cháy phừng phừng, nổ lép bép, miếng thịt mỡ kêu lèo xèo mỗi lúc quánh vàng, bốc khói nghi ngút, mầu sắc thật đẹp. Có những thứ như thui cầy chỉ lửa rơm mới làm nổi bởi nó liếm một loáng đã đốt sạch hết lông, toả khói ngùn ngụt đủ làm nâu đen miếng thịt song không bị cháy lẹm trông rất hấp dẫn. Thui bằng rơm còn cho thịt cầy vị thơm ngọt đậm, đặc trưng. Người dân luôn tận dụng nhiệt lượng từ lửa rơm, khi đun nấu trên bếp, tiện tay cũng vùi thêm củ khoai, củ sắn vào tro nóng, đợi khi cơm canh gần chín thì khoai sắn cũng đã chín. Ngày đông, đám trẻ chăn trâu xoắn những con cúi rơm đốt lửa sưởi ấm đôi bàn tay và trâu bò khi thả ngoài trời mưa lạnh, cũng lấy con cúi rơm nướng khoai đào ngoài ruộng, con cua vừa bắt trong hang hay con cào cào xiên mẩu tre…
Những đợt về quê nhiều người chỉ thích chạy ra ôm chầm lấy đống rơm mà hít hà hương thơm kỳ lạ. Mùi rơm thoảng trong gió đã nhận ra không lẫn được giữa muôn vàn hoa cỏ. Khi áp mặt vào đấy, có cảm giác quên hết mọi nhọc mệt, ưu phiền, như thể được nằm trong những vòng tay yêu thương:
Hương rơm mới bỗng nhớ về xa ngái
Tuổi thơ giữ ắp những điều vụng dại
Chưa bạc đầu con gió đã liêu xiêu
Cọng rơm vàng phất phơ với cánh diều
Nhà trát vách mỏng manh làn khói biếc
Củ khoai lùi cũng trở thành đại tiệc
Lặng lòng trông thấp thoáng người thân
(Hương rơm mới – Nguyễn Xuân Phước)
Yêu rơm, hiểu được tầm quan trọng, lợi ích của rơm, dân gian đã có nhiều lời hay ý đẹp, như câu ca dao: “Trên đầu những rạ cùng rơm, chồng yêu chồng bảo hoa thơm cài đầu” cho thấy tình cảm vợ chồng thắm thiết, chồng yêu chiều vợ, cũng như sự gần gũi, quen thuộc của rơm trong đời sống. Nhiều người khiêm tốn chỉ hay ví mình như ngọn cỏ, nắm rơm nhà mình “như là một cái ổ rơm, đụn rạ”. Khi nói đến cảnh tiêu điều người ta thường nói “ngổn ngang, lềnh bềnh xác rơm rạ”, đó là bởi vì rơm rạ vốn là bạn cảnh nghèo. Dân quê cũng đồng nghĩa rơm với những gì nhỏ nhoi, song cần thiết. Rơm đã đi vào nhiều bài đồng dao và trò chơi của trẻ quê cùng với con gà, con lợn, quả na, quả bưởi, con trai, cái hến, cái khánh, cây vàng, cà sa, tượng Phật… Có người yêu rơm đã đặt cho đơn vị, tổ chức của mình cái tên “rơm vàng”, nghe chân chất, giản dị xiết bao.
Tuổi thơ gắn bó với làng quê, mong ước luôn được về thăm quê vào đúng mùa gặt, để được thấy niềm trúng mùa trong ánh mắt ông bà, cô bác, xóm giềng, hoà mình trong những bông lúa và sợi rơm vàng thấm đượm hương vị quê hương. Đường về quê, nắng đổ chang chang, dài hàng chục kilômét, khói bụi nồng nặc, thân thể nhọc mệt song khi rẽ vào đường làng người khoẻ hẳn nhờ không gian yên ắng, dịu mát và thơm ngọt. Nhìn thấy rơm giăng mắc, biết rằng lúa đã gặt xong, dân quê lại có gạo để ăn. Thấy thương người vất vả nhọc nhằn trồng cây lúa cho hạt cơm dẻo ngon, và giờ đây tiếp tục là những cọng rơm vàng gầy, mỏng, nhẹ tênh giống như dáng mẹ khuya sớm tảo tần, chắt lọc nuôi dưỡng đàn con. Lòng dâng tràn niềm vui, mừng cho xóm làng no ấm, bình yên.
Theo Chu Mạnh Cường (Tổ Quốc)