Theo tử vi phương Đông, người tuổi Sửu luôn nỗ lực hết mình để làm tốt các công việc. Và vì vậy, họ thường được mọi người yêu quý và cũng dễ gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp, có tài lãnh đạo, tổ chức, quản lý. Họ có lập trường chắc chắn, vững vàng lòng quyết tâm cao và có duyên với tiền bạc.
Với những ưu điểm trên, rất nhiều doanh nhân tuổi Sửu đã đạt được thành công lớn trong sự nghiệp của mình. Trong ngành ngân hàng, nhiều người tuổi Sửu là lãnh đạo chủ chốt của các ngân hàng lớn và trong đó có rất nhiều tổng giám đốc (CEO) sinh năm Quý Sửu.
Ông Phạm Quang Dũng – CEO Vietcombank (sinh năm 1973 – Quý Sửu)
Ông Phạm Quang Dũng, sinh tháng 4/1973, Thạc sỹ Tài chính ngân hàng, có kinh nghiệm 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Tổng giám đốc Vietcombank từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Chánh văn phòng; Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hongkong; Trưởng Phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý, trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và được bầu là Ủy viên HĐQT kiêm nhiệm của Vietcombank từ tháng 4/2013.
Từ tháng 11/2014, ông Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietcombank.
Thời gian qua, Vietcombank luôn có mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành ngân hàng tạo ra mức lợi nhuận cao nhất hệ thống, duy trì vị trí quán quân lợi nhuận suốt giai đoạn 2016-2020. Năm 2019, lợi nhuận của ngân hàng này cán mốc 23.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng Việt đầu tiên có lợi nhuận chạm mức tỷ USD. Đến 2020, lợi nhuận ngân hàng vẫn đứng cao nhất hệ thống, ở mức 23.068 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – CEO Sacombank (1973 – Quý Sửu)
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm có tới 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế – tài chính – ngân hàng và bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002.
Trước khi ngồi “ghế nóng” Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm là Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng xử lý nợ, đây cũng chính là vấn đề trọng tâm của đề án tái cơ cấu của ngân hàng này.
Trước đó, vị nữ CEO tuổi Sửu này từng là Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của Sacombank, đã dẫn dắt khu vực này đạt được nhiều thành tích ấn tượng liên tục nhiều năm liền.
Khi nhận xét về bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, các cộng sự công nhận bà không chỉ là một CEO rất biết truyền cảm hứng mà còn vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán.
Sau gần 20 năm gắn bó tại Sacombank từ vị trí nhân viên kế toán, bà Thạch Diễm thẳng thắn xác định, bản thân là người làm công chuyên nghiệp, nghĩa là việc gì tốt nhất cho cổ đông, nhân viên thì sẽ làm, chấp nhận mọi khó khăn để thực hiện và sẵn sàng cho một hành trình tiên phong đổi mới. Điều này đã giúp CEO tuổi Sửu này tạo nên thành công của Sacombank ở thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Lê – CEO SHB (1973 – Quý Sửu)
Ông Nguyễn Văn Lê (sinh năm 1973 – Quý Sửu), quê Cần Thơ, có học vị Tiến sỹ Tài chính – Ngân hàng. Ông Lê cũng là một trong những cá nhân giữ chức Tổng Giám đốc lâu nhất của một ngân hàng tại Việt Nam. Hiện ông Lê vừa là CEO vừa là thành viên HĐQT của SHB.
Ông Nguyễn Văn Lê giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nhơn Ái (nay là SHB) vào năm 1999 khi ông mới chỉ 26 tuổi. Đến nay, SHB tròn 28 tuổi và ông Nguyễn Văn Lê đã gắn bó với ngân hàng này đến hơn 20 năm trên cương vị Tổng Giám đốc.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 3.412 tỷ đồng; tổng tài sản của SHB đạt 412,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm…
Ông Trần Ngọc Tâm, CEO Nam A Bank (1973, Quý Sửu)
Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) Trần Ngọc Tâm sinh năm 1973, tốt nghiệp thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học UBIS Thụy Sỹ. Ông có hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng và từng kinh qua nhiều vị trí trọng yếu tại các tổ chức kinh tế.
Ông Tâm gắn bó với Nam A Bank từ năm 2003 và đảm nhiệm chức Phó Tổng giám đốc Nam A Bank từ tháng 2/2008. Tháng 3/2015, ông Tâm thôi nhiệm ở Nam A Bank để tham gia danh sách ứng cử vào HĐQT Eximbank. Sau đó, ông Tâm quay lại Nam A Bank và tiếp tục giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc ở Nam A Bank.
Trước khi trở thành Tổng giám đốc của ngân hàng này kể từ ngày 27/4/2018, ông Tâm đảm nhiệm quyền Tổng giám đốc sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Đỗ Tuấn Anh – Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank (1973 – Quý Sửu)
Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank sinh năm 1973, tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý tài sản đầu tư tại Đại học tổng hợp Quản lý Singapore và cử nhân ngoại ngữ – Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Ông Đỗ Tuấn Anh có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng và đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Techcombank và các tổ chức, doanh nghiệp khác. Ông Đỗ Tuấn Anh là thành viên HĐQT Techcombank từ tháng 12/2012 và quyền Tổng Giám đốc Techcombank từ tháng 8/2013 đến tháng 3/2015.
Tháng 6/2015, ông Tuấn Anh được bổ nhiệm là Phó Tổng Giám đốc ngân hàng và vừa mới từ nhiệm khỏi vị trí này từ tháng 7/2020. Tuy rời khỏi ban điều hành, ông vẫn là Phó Chủ tịch HĐQT của Techcombank. Sau đó, ông đảm nhiệm thêm vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn KDI Holdings.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Viet Capital Bank cũng là lãnh đạo tuổi Quý Sửu. Ông là cử nhân đại học Kinh tế Quốc dân, Thạc sĩ Quản lý quỹ Đại học New South Wales, Úc. Ông từng làm việc tại Vietcombank giai đoạn 1995-2012 tại vị trí cán bộ, phó phòng và trưởng phòng, Phó giám đốc Sở giao dịch Vietcombank, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank.
Ông Trung gia nhập Viet Capital Bank từ năm 2015 với vị trí Phó Tổng giám đốc. Từ tháng 3/2016, ông Trung được bổ nhiệm làm tổng giám đốc.
Ngoài vị trí tổng giám đốc, nhiều cá nhân tuổi Quý Sửu khác cũng đang đảm nhiệm phó tổng giám đốc tại các nhà băng. Ví dụ như tại Vietcombank, ngoài ông Dũng, Vietcombank cũng có nhiều sếp tuổi Sửu như: bà Phùng Nguyễn Hải Yến – Phó Tổng Giám đốc, bà La Thị Hồng Minh – thành viên Ban Kiểm soát, ông Đào Minh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc (sinh năm 1961).
Hay như ông Bùi Tấn Tài đang giữ vị trí Phó Tổng giám đốc ACB, bà Nguyễn Hương Loan là Phó Tổng giám đốc MSB, ông Nguyễn Thanh Tùng là Phó Tổng giám đốc LienVietPostBank.
ABBank là ngân hàng có nhiều phó tổng giám đốc sinh năm 1973 nhất với 4 cá nhân là bà Phạm Thị Hiền, bà Nguyễn Thị Hương, ông Đỗ Lam Điền và ông Nguyễn Mạnh Quân.
An Hạ (tổng hợp)