Trần Mạnh Hảo
Đêm mơ được cưỡi trâu về tuổi nhỏ
Con đường làng mê mẩn cỏ đời tôi
Nghe gió gặm vạt sương chiều nghé ọ
Tuổi thiếu niên theo chú Cuội lên trời
Mặt trăng ấy có còn trâu gặm cỏ?
Mục đồng mây nghe sáo gió thay mùa
Ai mơ phất cờ lau thành lịch sử
Cưỡi trâu về con trẻ hoá thành vua
Mặt trời cũ trên lưng trâu nhún nhảy
Ngoan nhé trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ruộng kéo cày nuôi hết thảy
Trăng hoá liềm tôi cắt cỏ heo may
Tôi đã lấy lưng trâu làm chiếc ghế
Học vỡ lòng với sáo sậu chân quê
Tuổi thơ hoá thiên đường trâu biết thế
Nghểnh trâu cười làm nắng cũng ngô nghê
Tôi đã đánh trâu lồng như ngựa vậy
Buổi cha cày, ngủ muộn, toát mồ hôi
Roi nỡ quất mình trâu hằn đỏ tấy
Hình như trâu cũng biết khóc như người?
Nghé tơ gọi may ra về bé dại
Xin mục đồng trở lại sáo thiên thai
Mùa xuân được cưỡi trâu về đồng bãi
Tìm lại hồn tôi trong cỏ rả dông dài…
Xem thêm bài Cưỡi trâu về tuổi thơ của Thanh Lâm đăng trên Báo Bắc Ninh ngày 15/3/2021
Những ngày xuân Tân Sửu 2021, tôi sững sờ khi được chiêm ngưỡng đàn trâu lá đa xinh xinh, ngoan hiền, ngộ nghĩnh, lúc nằm lúc đứng, đung đưa hai tai vểnh với sợi rơm vàng óng luồn từ đầu qua bụng xuống đuôi thật đáng yêu trong nét vẽ gọn gàng, dứt khoát, đơn giản mà tinh tế của họa sĩ tài hoa Lưu Quang Lâm. Trên nền tím hồng trẻ trung, tươi sáng, giản dị, phảng phất nét thanh tao đương đại, những chú trâu tuổi thơ phớt xanh, phớt vàng, phớt tím như đưa người xem trở về tháng ngày thơ trẻ, vô tư.
Chợt ngang qua nỗi nhớ. Nhớ những chiều chăn trâu thả diều, chăn trâu thổi sáo trên đồng cỏ xanh bát ngát. Nhớ những trưa hè trốn ngủ chạy theo lũ trẻ trong xóm đến gốc đa già đầu làng cặm cụi, hí hoáy tìm nhặt những chiếc lá đa, lá mít dày đẹp, chọn sợi rơm mùa vàng óng để sỏ sẹo biến thành đàn trâu lá gật gù theo tiếng líu lô “nghé ọ”… Không gian, thời gian, cảnh vật thôn dã thanh bình như hắt bóng vào tranh mang đến cho người xem cảm giác lâng lâng hạnh phúc, thấy được xoa dịu, vỗ về, an ủi bởi tình yêu thân thuộc, gần gũi.
Tác giả giãi bày: “Những chú trâu lá đa này đậm chất Kinh Bắc vì có cả hơi đất vùng chiêm trũng và sắc áo của người Quan họ nữa!” Không chỉ kể với mọi người một trò chơi tuổi thơ với những đồ chơi tự làm, tự chế từ cây lá, cỏ hoa thiên nhiên, chùm tranh trâu lá đa của họa sĩ Lưu Quang Lâm còn gợi về miền kí ức tuổi thơ trong trẻo, kí ức của những năm tháng đầu đời mãi mãi không thể quay lại nhưng chắc chắn không bao giờ phai mờ với hàng triệu người Việt trưởng thành. Rồi biết đâu sẽ có một ngày, trâu lá đa lại được những bàn tay nhỏ xíu, đáng yêu chăm bẵm và lớn lên cùng thế hệ công dân toàn cầu trong thế kỉ 21, 22 và sau nữa…
Trâu là bạn với tuổi thơ. Trâu cũng là “bạn điền” của người nông dân và như một thành viên không thể thiếu của cả gia đình. Trâu chiếm vị trí vô cùng quan trọng vì “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Hàng ngàn năm qua, hình ảnh trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần. Trong văn học nghệ thuật xưa nay, trâu là nhân vật thân thuộc ở nhiều tác phẩm đồng dao, văn chương, mỹ thuật, âm nhạc, phim ảnh… Có trâu thảnh thơi, lãng mạn trong tranh Đông Hồ; có những chú trâu vạm vỡ, mạnh mẽ, đầy sắc màu trong các bức họa đương đại; lại có trâu lam lũ, nhọc nhằn, là ước mơ cao xa không bao giờ thành trong tiểu thuyết “Con trâu” của Trần Tiêu hay Nguyễn Văn Bổng; có cả những trâu suy tư, chiêm nghiệm trong “Tiếng sáo diều” của Bàng Bá Lân – “Dưới gốc đa già, trong vũng bóng/Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai”…
Và ghim chặt vào kí ức tuổi thơ mỗi chúng ta là những bạn trâu, bạn nghé vui tươi, hồn nhiên, ngộ nghĩnh trong thơ ca hiện đại: “Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” (Giang Nam); “Đêm mơ được cưỡi trâu về tuổi nhỏ/Con đường làng mê mẩn cỏ đời tôi” (Trần Mạnh Hảo)… Nếu Trần Mạnh Hảo “Cưỡi trâu về niên thiếu” để mơ thấy “Tuổi thơ hóa thiên đường trâu biết thế/Nghểnh trâu cười làm nắng cũng ngô nghê” thì Nguyễn Minh Khiêm lại “Cưỡi trâu về lại tuổi thơ” để nhìn thấy “Bầu trời mở trên lưng trâu/Tuổi thơ xanh biếc một màu lá sen”…
Dường như văn nghệ sĩ Việt Nam các thế hệ vẫn luôn ưu ái loài trâu, dành nhiều tâm ý và sự sáng tạo để xây dựng, tạo hình nhân vật trâu phong phú, sống động. Từ những chú trâu tuổi thơ ngoan hiền, chăm chỉ nơi đồng xa cỏ rả dông dài đến em trâu ở phố hoa xuân Bắc Ninh dịp Tết Tân Sửu 2021 với cái “bờm moi” rất hợp thời cho thấy hiện thực cũng đang buộc trâu phải chuyển mình để thành một “con trâu mới”. Và con trâu mới ấy vẫn được các thiên thần nhỏ yêu mến, phấn khích, thích thú tạo dáng chụp hình chung.
Mọi đứa trẻ rồi cũng trở thành người lớn. Giữa cuộc sống bộn bề, có nhiều điều mãi mãi chỉ là file rỗng trong bộ nhớ của mỗi người nhưng tấm vé tuổi thơ thì không dễ gì quên được. Nâng niu, hoài cảm những kỉ niệm giản dị, trong veo cùng người bạn thân thiết suốt những tháng năm đầu đời cũng là cách giúp ta sống tốt hơn, biết trân trọng hơn những gì đang có.
Vài điều tản mạn về những chú trâu tuổi thơ hồn nhiên, ngộ nghĩnh, mang đến cảm xúc tươi non của mùa xuân mới, gợi lại miền ký ức thanh bình để yêu thêm mùa xuân, yêu thêm quê hương, yêu thêm cái chất nông dân trong mỗi chúng ta.