Con trâu trong truyện cổ dân gian các dân tộc Yên Bái

Trong kho tàng truyện cổ dân gian các dân tộc tỉnh Yên Bái, hình tượng con trâu tuy ít xuất hiện nhưng lại được phản ánh khá phong phú.

Trâu là động vật sống hoang dã trong rừng, bên suối, thường hay phá hoại mùa màng, nương rẫy, có khi phá cả mương phai, đập nước, làm chết người (Sự tích Đát Ô Đồ của đồng bào Cao Lan). Nhưng trước sự thông minh, tài giỏi của con người, trâu hoang dại, hung dữ được con người thuần hóa, nuôi dưỡng lại trở thành bạn hiền gắn bó với con người, nhất là người nông dân.

Người Dao ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên cho rằng, trước kia mặt đất không có cỏ, Ngọc Hoàng cho người nhà trời đem hạt cỏ xuống gieo, dặn rằng: “Đi 12 bước mới được gieo một hạt”. Người nhà trời xuống đất bị vấp ngã, quên mất, chỉ nhớ mang máng nên đi một bước gieo 12 hạt, thành thử cỏ mọc nhiều quá, loài người không sao phát được. Người kiện trời. Ngọc Hoàng bèn giao người nhà trời đó xuống làm trâu cày bừa, kéo gỗ, kéo xe, phá đường cho mọi người đi, nhưng chỉ được ăn cỏ; lúc trâu chết, con người có thể lấy bộ sừng trâu làm cái tù và thổi (Sự tích con trâu kéo cày).

Con trâu là người bạn của người nông dân Việt Nam
Con trâu là người bạn của người nông dân Việt Nam. (Ảnh: T/h)

Quá trình chinh phục, thuần dưỡng loài trâu cũng không hề đơn giản. Để vây bắt một con trâu bạc dưới đáy vực Ô Đồ, nhà vua đã phải điều động quan quân triều đình đến, tát cạn vực sâu nhiều ngày mà vẫn không bắt được, thậm chí còn bị trâu bạc lồng lên, phá vỡ cả đập chắn, mương phai, cuốn trôi ba cô công chúa và binh lính ra ngoài sông Chảy (Sự tích Đát Ô Đồ).

Ngay cả khi trâu đã được thuần dưỡng, cũng có lúc ngang ngạnh bỏ đi “ăn vụng lúa”, phá hoại hoa màu, cây cối, khiến con người phải “làm chuồng nhốt trâu”, phải “chọc sẹo trâu” để chăn dắt (Sự tích con trâu kéo cày).

Trâu còn cùng bò lên tận Mường Trời kiện với vua Trời về việc “người bắt đi cày bừa” vất vả, người đánh mắng, đối xử bất công, nhưng trước lý lẽ đối kiện của người, trâu đành chịu thua, chịu nhận “kiếp trâu cày” (Loài vật kiện trời của dân tộc Mường Văn Chấn).

Trâu không chỉ giúp con người sản xuất, trâu còn tận tình cùng người lập nên bản làng. “Sự tích Mường Hồng” của đồng bào Tày kể: Vùng này xưa kia chỉ có cây cối rậm rạp, lúa nương gieo đều chết vì lụt, nhà cửa dựng lên đều bị sạt lở, chỉ đến khi xuất hiện một chàng trai đội lốt thần trâu nước đến giúp sức, con người mới bạt núi san khe làm thành ruộng, dựng được bản làng tươi đẹp.

Có bản, có làng nhưng thiên nhiên vẫn không ngừng đe dọa. Ma “Tô luông” (thuồng luồng) trong truyện cổ “Thần trâu trắng” của dân tộc Thái thỉnh thoảng quẫy mình, dậy lũ, cuốn phăng ruộng đồng thì Trâu trắng lại ra quân lao xuống suối sâu, nước lũ, đánh lui thuồng luồng cứu dân.

Trâu cảm phục con người, chứng kiến con người dùng trí khôn đốt cháy hổ, beo, làm da lông của chúng bị loang lổ, còn trâu buồn cười quá ngã lăn ra đất, vập mồm vào đá mà bị gãy hết răng hàm trên (truyện “Sự tích con trâu kéo cày” của người Dao và truyện “Trí khôn” của người Việt).

Chàng trai Rì Tủa trong truyện “Rì Tủa” của dân tộc Mông lấy được công chúa út và đánh tan giặc xâm lược, trở thành người anh hùng. Con trâu gắn bó với gia đình chàng Út đông anh em (6 anh em), cả 5 anh đều bị chết trận, chàng Út vừa cùng trâu cày ruộng, vừa tìm cách làm một cái khèn 6 lỗ, chỉ một mình chàng thổi khèn mà tập hợp được bà con đứng dậy đánh tan quân giặc (Sự tích Khèn Mông).

Truyện cổ “Chàng trai mồ côi lấy vợ bùng bài” của dân tộc Dao Lục Yên thì kể về một anh chàng mồ côi suốt ngày cùng trâu cày bừa trên một thửa ruộng xa, lấy được một cô gái xinh đẹp vốn là một loài cá “bùng bài” hóa thân, được vợ bầy mưu tính kế, không những lấy lại được vợ trong tay tên vua độc ác, mà còn được đổi ngôi lên làm vua.

Chỉ có chàng trai mồ côi chăn trâu tên Sượi trong truyện “Suối nước mắt” của dân tộc Thái vùng Mường Lò là chết do bị tên Hơn ghen ghét hãm hại, nhưng bù lại chàng đã được nàng Ban xinh đẹp yêu thương chung thủy, họ chết bên nhau biến thành dòng suối Nậm Xia và những sợi rêu xanh quấn quýt, mối tình của họ được bà con truyền tụng đến ngàn đời.

Con trâu bước vào truyện cổ dân gian để rồi được nhân dân đề cao, phát triển hơn nữa, nhập vào lễ nghi tập tục của con người. Trâu là lễ vật để tế trời đất, thần linh, cầu xin Vua Trời cho “sinh quý tử” (Hoàng tử rùa của dân tộc Mông). Trâu được thờ cúng, được “gánh bánh chưng”, ăn tết, tham dự hội cầu mùa, được cúng vía trong các tập tục, lễ hội hàng năm. Thấp thoáng trong các truyện cổ của nhiều dân tộc, các nghi lễ tập tục liên quan đến con trâu đã chứng minh, con trâu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của con người.

VĂN ĐỨC (T/H) (báo lao động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *