Con trâu trong tâm thức người Việt

Là động vật có thực ngoài đời, ngang dọc nơi hoang dã, sau khi được thuần phục, con trâu đã trở thành đối tượng gần gũi, thân thiết với con người, gắn bó cùng sinh kế của nhiều cộng đồng người để dần trở thành một biểu tượng văn hóa, ẩn sâu vào tâm thức biết bao thế hệ sống chết với nghề nông trồng lúa nước ở nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới.

1. Rảo qua miền Nam Á cho đến Đông Nam Á và Bắc Á, dễ dàng nhận thấy bóng dáng con trâu quen thuộc, hiện diện mang tính tương đồng về hình dáng nhưng bao bọc quanh nó lại là những lớp lang văn hóa và sức biểu cảm gắn với tâm tính mang bản sắc tộc người của những chủ nhân nuôi dưỡng, bao bọc nó qua năm tháng. Cũng vì thế, trên hành trình sinh tồn và phát triển của nhân loại, con trâu đã trở thành một trong những hình tượng văn hóa phổ biến, góp phần bồi đắp sức sống vật chất và tinh thần của nhiều dân tộc, tộc người trong lịch sử, dần dần được nâng lên tầm các biểu tượng văn hóa, hiện diện một cách sinh động trong văn hóa dân gian, trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của tín ngưỡng các vùng quê và in bóng vào một số tôn giáo, mang lại những ý nghĩa dân sinh và văn hóa đa dạng, sâu sắc. Tuy nhiên, khảo qua sự hiện diện mang tính phổ biến của con trâu với tư cách hình tượng văn hóa, từ văn hóa phương Đông đến văn hóa phương Tây, không khó để nhận ra dấu ấn mang bản sắc văn hóa tộc người liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hình tượng con trâu, thông qua dòng chảy ý thức của cư dân ở từng vùng miền, từng dân tộc hay quốc gia đa dân tộc nhất định. Việc tìm hiểu hình tượng cũng như biểu tượng con trâu trong tâm thức người Việt cũng là ý hướng góp phần lột tả một phần bản sắc văn hóa mang dấu ấn riêng của người Việt trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước nhiều nghìn năm qua.

2.Sinh kế của người Việt trên tiến trình lịch sử dựng nước – kể từ khi nhà nước Văn Lang ra đời – chủ yếu gắn với nghề trồng lúa nước và con trâu là loại súc vật tiêu biểu nhất, đồng thời cũng là loài sớm nhất hiện diện, gắn bó với nghề trồng lúa nước của người Việt thời dựng nước. Môi trường sinh thái cùng các điều kiện tự nhiên đã là nguyên nhân khởi phát cho sự ra đời và tồn tại của nghề nông với người Việt suốt nhiều nghìn năm qua. Nhận diện một cách “đại cương” về văn hóa Việt Nam, sử gia Đào Duy Anh đã đúc kết: “Nông nghiệp ở nước ta, từ xưa đã dùng trâu bò để cày cấy. Hiện nay trâu bò vẫn là những súc vật tối cần thiết cho dân quê, cho nên trừ nhà bần cùng và tiểu nông ra, thì những nhà trung nông và đại nông nhà nào cũng nuôi trâu bò cả”. Thông qua trí nhớ và sức tưởng tượng, các thế hệ tiền nhân đã truyền lại cho đời sau hệ thống truyền thuyết dân gian gắn với thời các vua Hùng dựng nước, khai mở ra nhà nước văn Lang đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Trong tâm thức người dân quanh vùng trung châu Bắc Bộ còn truyền kể nhiều câu chuyện về việc vua Hùng dạy dân cày cấy, thuần hóa trâu bò để làm nghề nông, dạy dân cấy lúa, chăn nuôi làm kế sinh tồn.

Như một lẽ tự nhiên, người dân luôn tin rằng, nhờ có Đức vua Hùng, con cháu khắp các làng quê vùng Bạch Hạc này đã biết tìm đến trâu bò để chăn nuôi, thuần phục, đưa về làng quê nuôi dưỡng và cùng chúng góp phần xây nên nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước. Người dân Minh Nông (thuộc thành phố Việt Trì ngày nay) thường niên tổ chức hội làng để tri ân và tưởng nhớ Đức vua Hùng đã về đây dạy dân trồng lúa, chăn nuôi trâu bò cày cấy, tạo xây sinh kế bền vững cho cả vùng quê.

Song hành với các truyền thuyết dân gian, hàng loạt các di chỉ khảo cổ mà khoa học về Thời đại Hùng Vương đã tìm ra các di vật, hiện vật góp phần minh chứng cho đời sống sinh kế và đời sống văn hóa của người Việt – Mường từ nhiều nghìn năm trước. Tại di chỉ Đồng Đậu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tượng trâu bằng đất nung có độ tuổi khoảng hơn ba nghìn năm trước. Trên mặt trống đồng tìm thấy ở Bắc Lý (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ. Tại di chỉ Đình Tràng (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) với các khu mộ táng chứa hiện vật liên quan 4 giai đoạn văn hóa nối tiếp nhau trong khung niên đại thời đại đồng thau ở Việt Nam (từ Phùng Nguyên đến Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn), trong đó có nhiều tượng đất nung hình đầu người, xương trâu bò trong mộ táng, cho phép nhận diện niên đại khoảng trên dưới ba nghìn năm – tương ứng với giai đoạn của thời đại các vua Hùng.

Như vậy là, ngay từ khoảng thời gian khởi đầu dựng nước, lập ra nhà nước Văn Lang trong lịch sử, người dân thời đại các vua Hùng đã biết thuần phục để đi đến thuần thục chăn nuôi trâu bò, sử dụng vào việc canh nông và qua cách cảm, cách nghĩ của mình, cộng đồng người dân Việt – Mường từ nhiều nghìn năm trước đã quan tâm đến tín ngưỡng an táng vật nuôi có công với sinh kế cộng đồng, tổ chức sinh hoạt lễ hội thể hiện sự tri ân đối với vật nuôi gắn bó với nghề trồng lúa nước để sinh tồn và phát triển. Song hành với nghiệp cấy trồng cây lúa nước để bồi đắp cho nền văn minh lúa nước từ trung châu lan tỏa xuống các thềm sông thuộc châu thổ Bắc Bộ, người Việt của nhiều nghìn năm xưa đã gắn bó với con trâu trong mọi thời khắc, từ thời vụ cày cấy, làm ăn đến những khoảng thời gian nghỉ ngơi nơi cư trú. Chính vì thế, trong tâm thức Việt, tri thức hiểu biết về con trâu được coi vào loại sớm nhất và đầy đủ nhất. Người người coi trâu như bầu bạn, bao bọc, nương tựa lẫn nhau để lo chuyện mùa màng, mang lại bát cơm sinh tồn qua năm tháng.

Cũng từ đây, hình ảnh con trâu đã dần dần len tỏa vào mọi lĩnh vực của đời sống tinh thần, trở thành một trong những biểu tượng gần gũi thân thương trong các sáng tác dân gian, từ truyền thuyết đến chuyện vui đời thường, từ ca dao dân ca đến các bài hát ru hay các câu tục ngữ. Không phải ngẫu nhiên mà, hình ảnh và tri thức về “cuộc đời” con trâu đã trở thành dấu ấn trung tâm cho sự giải tỏa mọi niềm vui, nỗi buồn cũng như những phản kháng, đấu tranh, phê phán của người Việt từ phạm vi gia đình đến các quan hệ xã hội và giữa con người với nhau. Cũng từ nền cảnh hiện diện bóng dáng và dấu ấn của con trâu mà, từ sau luỹ làng, dần hình thành nên một không gian văn hóa đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ với sự cô đọng từ những hiểu biết và sáng tạo văn hóa xung quanh thân phận con trâu đã góp phần tôn tạo nên một kho tàng tri thức bản địa/tri thức địa phương chứa đựng những kinh nghiệm làm ăn, ứng xử của con người với môi trường sinh thái – tự nhiên , môi trường văn hóa nhân văn và môi trường văn hóa xã hội vừa đa dạng, sâu sắc, vừa có ý nghĩa giáo dục độc đáo và hiệu nghiệm.

3.Trên tiến trình làm ăn, ứng xử với mọi điều kiện tự nhiên và xã hội để vượt qua mọi thách thức, khó khăn, đảm bảo cho sự tồn tại và duy trì nòi giống, trong tâm thức người Việt cổ xưa không chỉ dừng lại ở sự trải nghiệm và tri nhận cuộc sống thường nhật, mà còn luôn thể hiện ước mơ, khát vọng của cá nhân cũng như cộng đồng mình. Chính vì thế, những hoạt động thực hành tín ngưỡng tại những không gian sinh kế hay cư trú nhất định đã là nơi gửi gắm ước mơ cùng ý chí nguyện cầu của trí tuệ trước những thế lực huyền bí nhưng được tin là lực lượng phù trợ, cứu rỗi con người, nơi ẩn chứa những vị thế linh thiêng, vô hình đủ sức chi phối sự tồn tại của con người mọi nơi mọi chốn. Cũng từ đây, trong dòng chảy của ý thức, người Việt đã hướng tâm thức của mình đến một phạm vi rộng lớn hơn là tâm linh, coi mọi sự vật trên đời đều như những sinh linh có hồn có xác, cần được giải thoát hoặc cứu cánh. Dòng chảy ý thức đó khởi phát từ các ý niệm trong thực hành tín ngưỡng sơ khai đã vào đầu Công nguyên bắt gặp sự cuốn hút của Phật giáo và Đạo giáo từ ngoại bang, trở thành tiếp biến và chuyển đổi sang một ý thức tâm linh phức tạp với sự đa dạng, chồng chéo của các quan niệm về sự linh thiêng chi phối đời sống sinh tồn của con người. Sự chuyển đổi phạm vi sức mạnh của các vị Thần (qua quá trình nhận thức, quan niệm để giải thích tự nhiên và xã hội) sang nấc thang mới với sự hiện diện của các Thần Linh, của Bụt, của Tiên và các Thần điện cũng như Thành hoàng làng sau đó đã hình thành nên trong tâm thức người Việt một thế giới tâm linh, vừa mang ý niệm theo quy luật nhận thức chung của nhân loại, vừa phôi thai bồi đắp cho một bản sắc văn hóa địa phương, ngày một sâu đậm.

Từ quan niệm tâm linh thuộc phạm trù ý thức (cũng có thể nói thuộc về tâm thức theo nghĩa rộng là cái gì mà tâm nhận biết), chuyên gia nghiên cứu văn hóa tâm linh Nguyễn Duy Hinh đã nhận định: “Tâm linh là một khát vọng của Con Người. Con Người không bằng lòng khai thác tự nhiên hái quả săn mồi… sinh con đẻ cái như mọi động vật khác. Con Người có khát vọng tìm hiểu và lý giải Tự Nhiên (trời, đất, nước, muôn loài…) và bản thân Con Người để cải thiện cuộc sống của họ. Qua trải nghiệm cụ thể, lâu dài, mỗi dân tộc có một tâm linh riêng biệt đặc sắc song cũng đều quy vào giải thích về Trời Đất và Con Người. Giải thích về sức mạnh vô hình tác động đến cái Sống của Con Người”. Trong dòng chảy như thế của ý thức người Việt, con trâu đã là một trong những con vật gần gũi với đời sống con người bước vào thế giới tâm linh, được coi là biểu tượng có khả năng đem lại sức mạnh cho con người, đem lại kiểu mẫu về sự cần cù, siêng năng và cao cả hơn là được coi như loại vật thiêng, chọn lựa cho các cuộc tế lễ hiến sinh hay làm vật thiêng dâng lễ thần thánh.

Tại không ít lễ hội, con trâu vì thế đã trở thành hình tượng trung tâm cho các diễn trình hội, các nghi lễ linh thiêng khởi đầu cho mùa màng hoặc thu hoạch thời vụ. Không phải ngẫu nhiên mà, tại các lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng), hay Hải Lựu, Lập Thạch (Vĩnh Phúc),… người dân sở tại phải kỳ công huấn luyện, chăm lo để có được những con trâu khỏe nhất, gia đình chủ trâu phải vào loại phong lưu, đạo đức nhất để đem trâu ra chọi tại xới hội của làng, từ đó trâu khỏe nhất thắng trận được xẻ thịt để làm lễ dâng lên Chủ điện thờ (các thần thánh hay thành hoàng được phụng thờ tại địa phương sở tại). Rồi, đi theo thứ tôn giáo truyền thống này, là hàng loạt các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian khác, từ nghi lễ trang trọng đến các trò chơi dân gian hoặc hoạt động ẩm thực của người dân.

4.Có lẽ, sự gắn bó và tác động từ tâm thức dân gian đến ý thức hướng dân của bộ máy công quyền cùng với thể chế của nó là thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia, dân tộc trong cộng đồng nhân loại. Nhưng, với người Việt và bộ máy công quyền thực thi quyền kỹ trị của nó lại có những dấu ấn mang đặc trưng văn hóa truyền thống, được minh chứng qua các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thực hành tín ngưỡng tâm linh của người dân trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Truyền thuyết xung quanh vùng Nghĩa Lĩnh lưu truyền sự quan tâm đến dân, dạy dân cấy lúa, chăn nuôi, cày bừa của vua Hùng tại các làng quê như Minh Nông, Hùng Lô, Hy Cương,… đã là cội nguồn cho ý thức về vị thế của con trâu trong sinh kế nông nghiệp lúa nước của người Việt. Khẩu ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” chắc hẳn đã được đúc kết từ những trải nghiệm của nhà nông trong quá khứ. Bài học chăm lo cho dân, quan tâm đến vị thế “đầu cơ nghiệp” của dân mang dáng dấp của sự khai trí, để sau này, bộ máy công quyền có ý thức về cội nguồn dân tộc tiếp thu và ứng xử với văn hóa làng, với đời sống của cư dân lúa nước một cách tự nhiên, hòa hợp và đồng thuận. Trong dòng chảy của ý thức dân gian, với tâm lý hướng tâm truyền thống, người Việt luôn luôn nghĩ về cội nguồn, hướng đến cội nguồn và mọi sáng tạo văn hóa đều có sợi dây kết nối truyền thống với đương thời.

Tác phẩm “Tự sự 1”, chất liệu acrylic, kích thước 90x110, sáng tác năm 2021 của họa sĩ Ngô Thanh Hùng. Ảnh: Thế Anh

Tác phẩm “Tự sự 1”, chất liệu acrylic, kích thước 90×110, sáng tác năm 2021 của họa sĩ Ngô Thanh Hùng. Ảnh: Thế Anh

Vượt qua nghìn năm chống Bắc thuộc, khi đất nước bước vào chế độ xây dựng nhà nước quân chủ phong kiến sơ khai, sự hợp sức giữa vua quan với dân chúng trong lễ Tịch điền qua hình tượng con trâu – cái cày như đại diện cho đặc trưng của nghề nông đã được khởi sự, vừa mang nét chung của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á, vừa đọng lại ý thức riêng về bản sắc của nghề nông nước Việt. Trong tâm thức người dân, trí nhớ luôn đọng lại với niềm tin về một lễ hội xuống đồng, vốn đã được khai mở từ một vị vua huyền thoại là Thần Nông, cụ nội của vua Hùng – trong hàng thủy tổ của người Việt để về sau, các đời vua chúa lấy gương làm theo. Sử cũ cũng như truyền thuyết đều ghi nhận: Vào đầu xuân năm 978, vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan dong trâu vác cày ra cày ruộng ở cánh đồng Đọi Sơn (xã Tích Sơn, thị xã Duy Tiên ngày nay). Từ đó về sau, thường niên, vào dịp đầu xuân, các vị vua đứng đầu triều chính đích thân xuống ruộng đi cày, làm lễ Tịch điền với các hình thức nghi lễ trang trọng, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, qua đó gửi gắm lòng mong mỏi người dân luôn ý thức về công lao các bậc tiền nhân, quan tâm chăn nuôi trâu bò và khuyến khích mở mang, phát triển nông tang, làm cho đời sống cộng đồng ngày một đủ đầy, hạnh phúc. Những nghi thức chuẩn bị cho lễ hội Tịch điền từ chọn trâu, sửa cày đến các lớp lang thực hành lễ nghĩa tại không gian văn hóa sinh kế của làng vì thế mang nhiều ý nghĩa giáo dục văn hóa sâu sắc. Cũng từ đây, hình ảnh con trâu – cái cày đã như những biểu tượng đích thực của nhà nông được in sâu đậm trong tâm thức của các vị vua đời sau, thể hiện qua sự quan tâm cụ thể, sâu sắc của triều chính đối với sinh kế của người dân, tạo nên niềm tin và cảm xúc tri ân giữa người dân nơi đồng ruộng lam lũ quanh năm với các bậc vua quan nơi triều chính, thể hiện qua việc lập đền thờ phụng và tổ chức lễ hội tri ân thường niên. Biểu hiện rõ nét nhất cho sự quan tâm gắn kết giữa vua quan với dân chúng về vị thế của con trâu – cái cày nhà nông đã được ghi trong chính sử.

Dưới triều vua Lý Nhân Tông, sử thần Ngô Sĩ Liên từng ghi: “Quý Mão, năm thứ 4 (1123). Tháng 3, (vua Lý Nhân Tông) ban Chiếu: Cấm giết trâu. Chiếu rằng: Trâu là một vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo (tức ba nhà phải bảo đảm cho nhau, một nhà có tội thì hai nhà kia cũng chịu tội chung), không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo pháp luật”…Giáp Thìn năm thứ 5 (1124). Mùa xuân tháng giêng nhuận. Vua ngự đến hành cung Ứng Phong xem cày ruộng”.

Nhưng đặc biệt nhất vào thời Lý, sau khi vua Lý Thái Tổ lên ngôi và dời đô về Thăng Long, xây dựng Kinh thành, đã qua giấc mơ huyền kỳ của mình phối kết hợp cùng các huyền tích trong dân gian mà ban chiếu tổ chức một lễ hội cực kỳ độc đáo trong tiết đón xuân tại đền Bạch Mã – Trấn Đông Thăng Long, tạo nên một sinh hoạt hội làng giữa đất Thăng Long vào loại lớn nhất trong lịch sử, theo nghi thức lễ hội nông nghiệp được triều đình cùng dân chúng Hà Khẩu tổ chức để cầu một năm ngũ cốc phong đăng, mưa thuận gió hòa, làng xóm bình yên, con đàn cháu đống! Đó là Lễ tiến Xuân Ngưu (lễ tiến con trâu nặn bằng đất về tiết lập xuân) cực kỳ độc đáo và mang nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu cho vùng đất kinh đô nghìn năm văn hiến. Cổ sử cũng như truyền thuyết dân gian còn truyền lại: Lễ Tiến Xuân Ngưu vốn xuất hiện từ đời Lý, khi vua Lý dời đô về Thăng Long, nhờ Thần Bạch mã phù trợ, xây xong thành Đại La, đã sắc phong cho Thần làm Thăng Long Thành hoàng Đại Vương và tổ chức lễ Nghênh xuân tại hoàng cung kéo sang đền Bạch Mã. Sử gia Phan Huy Chú (1782 – 1840), vị quan đương triều nhà Nguyễn, nhà thư tịch – bác học lỗi lạc của Việt Nam, trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, tại quyển hai, phần Quan chức chí – Lễ nghi chí đã ghi cụ thể về Lễ tiến Xuân Ngưu: “Hàng năm, đến tháng 11, cư dân phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức của Thăng Long tuân thủ cùng triều đình hàng năm tổ chúc lễ Tiến Xuân Ngưu một cách trang trọng, hoành tráng vào loại bậc nhất của đất Thăng Long nhiều trăm năm qua”. Có thể nói rằng, nhờ tâm thức dân gian ưu ái cùng sự chuẩn trị của bộ máy công quyền, con trâu là loài vật duy nhất được hiện diện một cách rực rỡ giữa không gian thiêng nhất của Kinh thành Thăng Long trong lịch sử!

5.Như vậy là, chỉ dừng lại khảo qua hình ảnh của con trâu – từ loài động vật rất thực ngoài đời đến khi được người dân thuần phục, sử dụng, thậm chí kết bạn để cùng nhau gắn bó với đời sống nhà nông, hòa nhập hoặc can dự vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mình, đã trở thành hình tượng văn hóa mang nhiều ý nghĩa nhân sinh và xã hội sâu sắc. Đồng hành cùng con người qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, con trâu dần dần chiếm lĩnh vị thế “đầu cơ nghiệp”, len lỏi bóng dáng vào mọi ngõ ngách tâm tư, tình cảm của người Việt, trở thành biểu tượng đặc sắc qua các mối cộng sinh, cộng cảm, cộng mệnh với bao thế hệ người dân gắn cả đời mình với nghề nông trồng lúa nước, tạo nên một hiện trạng văn hóa sinh động, đa dạng và góp phần khắc họa nên bản sắc văn hóa tộc người cùng những giá trị văn hóa truyền thống trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong lịch sử. Đã nhiều trăm năm qua, con trâu trong tâm thức người Việt đã từ thềm văn hóa – văn minh sông Hồng, bước vào mối quan hệ với các thế hệ trâu đồng tộc của các dân tộc khác trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, làm nên bức tranh văn hóa đa dạng, phong phú cho đời sống văn hóa xã hội dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, đủ sức đương đầu, ứng xử với mọi thách thức của lịch sử cũng như sinh thái tự nhiên ở mọi vùng, miền đất nước, mang lại niềm tự hào cho các thế hệ chủ nhân Việt Nam, hôm nay và mai sau!

GS.TS BÙI QUANG THANH (Lao động cuối tuần)
Ảnh đầu bài: Đền thờ Trâu Vàng trong phủ Tây Hồ – Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *