Theo quan niệm dân gian, con trâu là “vật thiêng”, là biểu tượng của sức mạnh, sự bền bỉ, chăm chỉ, đồng thời là tài sản phản ánh sự giàu sang, phú quý. Năm Tân Sửu xin kể hình tượng con trâu trong ca dao, thành ngữ và truyện kể của các dân tộc Mông, Dao, Bố Y, Giáy ở Lào Cai.
Con trâu trong chuyện kể của người Mông: Đối với người Mông, con trâu được hình tượng hóa trong ca dao, thành ngữ. Để nói về tình cảm của cha mẹ đối với con cái và ngược lại, người Mông thường nói câu cửa miệng: “Cha mẹ nợ con trai một con dâu/Con trai nợ mẹ một con trâu” hoặc “Cha mẹ nợ con trai một đám cưới/Con trai nợ cha mẹ một con trâu ma”. Đề cập tới sức khỏe của con trâu, có câu “Trâu mà kềnh (ngã)/Hổ cũng không đứng vững”, “Đuôi trâu vụt vào thân không đau, sừng trâu không nặng đầu con trâu”. Nói đến kinh nghiệm nuôi và chăm sóc, thuần dưỡng trâu, có câu: “Lấy vợ, lấy chồng chọn nơi/Mua trâu, mua bò chọn khoáy”. Câu thành ngữ mượn hình ảnh con trâu, ngựa ví von với tính cách của con người: “Người già chưa hết ham muốn/Tựa trâu già, ngựa già ước cỏ non”…
Con trâu trong chuyện kể của người Dao: Theo quan niệm của người Dao tuyển, hình tượng con trâu chính là biểu tượng đội quân binh (quân âm binh) của thầy cúng. Hình ảnh con trâu được thêu trên dây lưng buộc bụng thầy, nửa trên dây buộc có 9 con trâu, nửa dưới có 10 con trâu, 2 con trâu quay đầu vào nhau có ý nghĩa thầy điều khiển được đội quân binh của mình đi bắt hoặc trừng trị ma tà. Sừng con trâu đực ngã núi chết tự nhiên sẽ được các thầy lựa chọn làm tù và, quẻ âm dương để thỉnh mời Ngọc Hoàng thượng đế và thần linh xuống chứng kiến các nghi lễ của người Dao như lễ cấp sắc, tết nhảy… Tranh thờ là loại tranh thiêng của người Dao đỏ có nhiều hình vẽ các con vật, trong đó có hình đầu con trâu, thân con người ở bộ tranh Tam Thanh (Phàm Sinh) có ý nghĩa cầu cho mùa cấy, gieo trồng được mùa màng bội thu…
Con trâu trong chuyện kể của người Bố Y: Người Bố Y có tết tạ ơn trâu (sử dề pà). Truyền thuyết kể lại: Ngày xửa ngày xưa, khi đó chưa có con trâu, con người chỉ sử dụng cuốc để làm đất và sản xuất nên cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Một ngày, Ngọc Hoàng cử hai người trên trời xuống báo với con người rằng ba ngày mới được ăn một bữa cơm, một ngày phải chải đầu ba lần. Có như vậy cuộc sống mới đỡ khó khăn, vất vả. Hai người này phụng mệnh xuống thông báo cho con người. Nhưng vì đường sá xa xôi, đi lâu ngày hai người này đã quên mất lời dặn dò của Ngọc Hoàng và thông báo nhầm. Họ nói rằng con người một ngày ăn ba bữa cơm, ba ngày phải chải đầu một lần. Vì vậy, con người ăn một ngày ba bữa và ba ngày mới gội đầu chải tóc một lần. Họ ăn rất nhiều và thải ra rất nhiều phân. Vì ăn nhiều nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn, làm mãi vẫn không đủ ăn. Vào ngày mùng 8/4, người Bố Y cử hai người lên thưa kiện với Ngọc Hoàng về chuyện này. Ngọc Hoàng đã phạt hai người đưa tin sai. Một người bị hóa phép biến thành con trâu xuống hạ giới giúp con người đi cày, bừa ruộng nương; một người bị hóa phép biến thành con bọ hung chuyên đi dọn dẹp phân. Từ đó, con trâu ở lại trần gian giúp con người cày kéo và sản xuất. Người Bố Y lấy ngày mùng 8/4 để kỷ niệm ngày sinh nhật của con trâu.
Con trâu trong chuyện kể của người Giáy: Trong Lễ hội Xuống đồng (Roóng poọc) của người Giáy, trên mâm cúng có bày món bánh giày đều làm theo hình núm vú, người Giáy gọi là núm vú trâu trắng. Người Giáy quan niệm rằng bà tổ sinh ra là trâu trắng (dà vài khao). Trâu trắng cứu người, tìm ra nguồn nước để người Giáy định cư ổn định cuộc sống lâu dài bằng cách làm ruộng nước. Do đó, trong Lễ hội Xuống đồng, người Giáy làm bánh giày biểu tượng là núm vú trâu trắng, biểu tượng cho sự sinh sôi phát triển, làm ăn may mắn…
Nguyễn Ngọc Thanh (Báo Lao cai điện tử)