Vào những buổi trưa hè, trâu nằm thảnh thơi dưới gốc tre làng “nhai trầu” bỏm bẻm. Con trâu “làm thật ăn giả”, sớm hôm cần cù, chịu khó, tính cách mạnh mẽ, được người nông dân coi là “đầu cơ nghiệp”. Trong 3 việc lớn của đời người: “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” thì việc tậu trâu được xếp đầu tiên. Nhà có con gái lớn đến tuổi gả chồng thì bố mẹ bảo: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta con ạ!”…
Trong đời sống cư dân lúa nước, trâu với người gắn bó tình cảm thân thiết. Cứ mỗi độ xuân về thì trâu cũng được nghỉ ngơi, thảnh thơi cùng người đón Tết.
Làng An Phú (nay là thôn Minh Long, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) có cánh đồng Nhum, cánh đồng Lớn rộng thẳng cánh cò bay. Trâu làm đất một năm hai vụ và kéo mía nấu mật vào tháng Mười, tháng Một (âm lịch). Nhà ít nuôi 2 – 3 con, nhà nhiều nuôi 5 – 6 con. Nhiều nhà còn nhờ người Cà-tu nuôi trâu trên núi. Tại các gia đình, độ 20 tháng Chạp, chủ nhà chuẩn bị cỏ, lá mía, cây ngô để trâu ăn trong 3 ngày Tết. Sau đó, người nuôi trâu được nghỉ về quê ăn Tết. Chiều mùng 3 Tết, người ta tổ chức cúng cho trâu, người làng gọi là “Tết Trâu”. Lễ vật cúng trâu là bánh tét. Mỗi trâu một cái, tất cả được bày vào mâm đặt lên bàn trước chuồng trâu. Trên cửa chuồng và mỗi sừng trâu người ta đều dán vàng lá. Chủ nhà mặc áo the, khăn xếp trịnh trọng khấn vái cầu cho trâu sang năm mới luôn mạnh khỏe. Trong lúc khấn, nhà khá giả đốt 3 quả pháo tre gói bằng lá dừa hình vuông cỡ 4cm. Cúng xong, bánh tét cho hết người nuôi trâu.
Ở kinh đô Thăng Long, vào thời Lý, Trần, Lê nhà vua đều tổ chức lễ Nghênh xuân bằng phép “Đả xuân ngưu”. Sách Kinh lễ, thiên Nguyệt lệnh viết: “Người ta làm con trâu bằng đất để tống hết khí lạnh, hung tà kẻo sang năm làm hại người”. Sách Đại Việt sử lược ghi, năm 1048, vua Lý Thái Tông xuống chiếu “định phép đánh trâu xuân”. Và An Nam chí lược thì chép: “Tiết lập xuân vua sai vị trưởng họ dùng roi đánh con trâu bằng đất. Xong thì các quan liêu đều cài hoa lên mũ vào cung hội yến”.
Theo sách Lễ hội Việt Nam do Phó Giáo sư Lê Trung Vũ chủ biên, vào sáng mùng 2 Tết, tại thôn Bến Bây, xã Chí Chủ (nay thuộc xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) diễn ra lễ hội vật trâu. Từ rằm tháng Chạp, người làng tìm mua một con trâu khỏe đẹp đưa về nhà đăng cai. Gia đình đăng cai làm ván lễ, lễ Thành hoàng làng là Đào tướng quân. Cúng lễ xong, người chủ nhà đăng cai nổi chiêng trống cho dân làng đến chiêm ngưỡng trâu thờ. Hằng ngày, các gia đình trong làng thay nhau cho trâu ăn cỏ, rơm sạch, nước uống và tắm cho trâu.
Sáng mùng 2 Tết, 8 trai đinh khỏe mạnh lấy nước giếng làng tắm rửa cho trâu sạch sẽ rồi dắt ra lễ Thành hoàng làng. Những trai đinh này cởi trần, mặc quần dài trắng, ống xắn thật cao, chân đất, đầu đội khăn xanh bỏ mối. Gia đình đăng cai chuẩn bị 2 mâm xà sơn son, một mâm để ván thờ gồm xôi nếp trắng, một con gà thiến luộc chín; mâm kia đặt hương hoa, trầu, rượu. Từ nhà đăng cai, đoàn người rước trâu ra đình. Đi đầu là một người đứng tuổi, cầm đóm bằng cây chiết chủ chẻ đôi, người thứ hai cầm gươm, người thứ ba cầm búa thờ…, tiếp theo là chủ tế và người đăng cai. Đến cửa đại bái, người cầm đóm đạp mạnh vào cửa. Cửa đình mở ra, người cầm đóm đi vào mở cửa hậu cung rồi các mâm thờ được đặt lên bệ.
Công việc chuẩn bị cho lễ hội vật trâu đã xong, các quan viên vào chiếu tế. Đoàn dắt trâu đứng nghiêm giữa sân đình, dân làng đứng vây xung quanh. Sau khi tế xong, ông chủ tế cầm bát rượu từ hậu cung đi ra dừng trước đầu trâu khấn vái rồi đổ rượu lên đầu. Sau đó, 8 người được lệnh dắt trâu ra bãi vật. Người ta dùng thòng lọng cho trâu bước vào tròng rồi cùng hô to vật đổ trâu. Cùng lúc, có một trong 8 người này được cử vào lĩnh búa thờ tại đình. Lễ tạ thành hoàng xong, ông chủ tế trao búa thờ, người lĩnh búa chạy một mạch ra bãi vật. Đến giữa bãi vật, búa được tung lên cao, thế là hội giằng búa bắt đầu. Một cuộc giằng co, rượt đuổi, chèo kéo, tiếng trống hòa cùng tiếng hò reo cổ vũ của người dân vang lên từng hồi. Sau một hồi giằng búa, ban tổ chức nổi chiêng chấm dứt cuộc chơi và cho mổ trâu để nấu cỗ thờ vào sáng ngày mùng 3 Tết.
Từ lâu, người dân Đồng bằng Bắc Bộ cũng đã rất quen thuộc với Hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ tháng 5, người dân 14 giáp ở 3 xã Đồ Sơn, Đồ Hải, Ngọc Xuyên thuộc tổng Đồ Sơn đã tìm mua những con trâu to khỏe để dự 2 kỳ đấu loại. Vòng loại thứ nhất diễn ra vào trung tuần tháng Năm (âm lịch), vòng thứ hai diễn ra vào mùng 8 tháng Sáu. Cuộc đấu loại được bố trí sao cho cả 3 xã đều có trâu dự đấu. Cuối cùng, hội chính thức diễn ra vào ngày mùng 10 tháng Tám. Dân Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) ở xa cũng giong buồm ngược nước kéo về, vì đây là đất tổ của họ (“Trà Cổ tổ Đồ Sơn”). Dân các huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo (Hải Phòng); dân các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội cũng tấp nập về Đồ Sơn dự hội. Vì thế ca dao xưa mới có câu: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng 10 tháng Tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng 10 tháng Tám thì về chọi trâu”.