Con trâu trong đời sống văn hóa của người Tày, Nùng Xứ Lạng

Đối với đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng, con trâu không chỉ là tài sản quý giá giúp người nông dân sản xuất ra lúa gạo mà còn là con vật linh thiêng. Từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất cho đến những nét văn hóa, con trâu thực sự đã gắn bó và trở thành biểu tượng tốt đẹp được đồng bào dân tộc Tày, Nùng nâng niu và coi trọng.

Trong sản xuất nông nghiệp, với người nông dân cả nước nói chung và ở Lạng Sơn nói riêng, con trâu luôn là “người bạn thân thiết”, là tư liệu sản xuất quan trọng. Đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, nên con trâu là một tư liệu sản xuất chính, quan trọng; sức kéo của trâu được dùng vào việc canh tác lúa. Ở thời điểm nào, con trâu vẫn luôn có vai trò quan trọng đối với người nông dân, “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, sức kéo của trâu không còn được sử dụng nhiều, thay vào đó, ở nhiều vùng nông thôn của Lạng Sơn, người dân nuôi trâu vỗ béo để lấy thịt nhằm phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Giá trị là vậy nên cùng với nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc thì  theo phong tục của đồng bào Tày, Nùng, con trâu còn là một tài sản lớn được nhiều người để lại cho con cái …

Không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, con trâu còn gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người Tày, Nùng thông qua nghi lễ cúng vía trâu (khoăn vài) vào ngày 6/6 âm lịch hằng năm (so Lộc, bươn Lộc) để tạ ơn thần trâu, thần ruộng.

Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Lạng Sơn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tày, Nùng cho biết: Không giống những nền văn hóa khác là thờ các con vật có sức mạnh như: hổ, sư tử, chim ưng… thì tín ngưỡng Tày, Nùng Lạng Sơn lại thờ các con vật hiền lành hơn như: trâu, cóc, rắn, chuột, chó, mèo, voi… Các con vật đó gần gũi với cuộc sống của người dân, đặc trưng cho xã hội nông nghiệp lúa nước.

Trong lễ cúng vía trâu (6/6 âm lịch), người ta chặt cành cây núc nác, có mấu tựa như đầu gối của trâu đặt lên mâm lễ người thay cho trâu thật. Nhà nào có bao nhiêu con trâu thì đặt lên mâm lễ bấy nhiêu cành núc nác. Họ còn thắp hương, dán giấy đỏ ở chuồng trâu và làm bánh, đồ xôi, làm bún, thịt gà, vịt cúng tổ tiên. Sáng sớm chủ nhà đặt mâm lễ, thắp hương khấn cầu Thần Nông trả lại vía cho trâu và cầu phù hộ cho trâu luôn mạnh khoẻ…

Ngoài ra, con trâu cũng xuất hiện trong tục lệ kiêng kỵ của người làm then. Họ không bao giờ ăn các loại thịt trâu, thịt bò, thịt rắn bởi họ tin rằng nếu làm trái với điều đó sẽ bị thần linh bắt tội. Hình ảnh con trâu cũng xuất hiện trong trường đoạn “Tu Vỏ Khuông, Vỏ Khắc” của then tín ngưỡng. Nói về chi tiết thú vị này, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Bông, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, người đã có hơn 50 năm gắn bó với then chia sẻ: Trong quá trình hành quân, đoàn quan quân Then vượt qua những khu rừng ve đến vùng đồng bằng, nơi có hai ông Khuông, ông Khắc chiếm giữ. Để đi qua được vùng này, đoàn quân binh phải sắm lễ tam sinh (thịt trâu, hươu nai và cá) để dâng biếu thì mới được thông đường…

Như vậy, có thể thấy con trâu từ đời sống đã đi vào tín ngưỡng, phong tục tập quán góp phần làm nên bản sắc văn hóa của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng.

Đặc biệt, vào thời điểm mùa xuân, sau khi đón tết cổ truyền, khắp nơi trên quê hương Xứ Lạng tổ chức lễ hội lồng tồng (xuống đồng) với nhiều nghi lễ, trò chơi đặc sắc như: cúng tế Thần Nông, ném còn, múa sư tử… đậm nét văn hóa truyền thống. Đặc sắc nhất trong đó có tục dắt trâu xuống ruộng cày với quan niệm trâu là con vật thể hiện sự no đủ, thịnh vượng trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể khẳng định rằng, con trâu là loài vật gắn bó và đã trở thành biểu tượng tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Tày, Nùng Xứ Lạng. Nhân dịp đón xuân mới Tân Sửu 2021, có dịp tìm hiểu về những nét văn hóa, biểu tượng đẹp và ý nghĩa, mỗi ngưỡi sẽ có thêm những kiến thức bổ ích, làm giàu thêm vốn tri thức của bản thân và càng thêm hiểu, thêm trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ảnh đầu bài: Người dân khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chăm sóc đàn trâu của gia đình

HOÀNG HIẾU (https://baolangson.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *