Đồng bào Thái mường Trịnh Vạn xưa, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá cũng như những cư dân canh tác lúa nước, từ bao đời nay rất coi trọng con trâu. Con trâu không chỉ là “đầu cơ nghiệp” trong sản xuất, làm ra của cải vật chất để nuôi sống chính họ và cộng đồng, mà con trâu còn có hồn vía và là phẩm vật quý giá để dâng cúng các vị thần linh, như là sự trả ơn của con người đối với các đấng bề trên đã cho họ sức khỏe, giúp mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, vật nuôi sinh đàn, sinh lũ.
1. Đồng bào dân tộc Thái mường Trịnh Vạn luôn quan niệm “vạn vật hữu linh”, nên trâu cũng có hồn vía và là con vật gắn liền với đời sống tâm linh. Tục cúng vía cho trâu đã tồn tại và trao truyền từ bao đời nay trong tâm thức của đồng bào nơi đây. Lễ làm vía cho trâu tổ chức trọng thể vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch, thời gian này cũng là dịp tết quan trọng hàng năm của người Thái, gắn liền với truyền thuyết có vợ chồng người Thái xưa đã dùng mưu trí mượn trâu của Trời – Thẻn phạ để giúp cho con người ở trần gian có sức kéo. Bởi vậy để ghi nhớ ngày này và không sợ mất trâu do Thẻn phạ đòi lại, hàng năm người Thái mường Chiếng Ván – Trịnh Vạn tổ chức làn vía cho trâu và cũng là lúc việc cấy cày cũng đã hoàn tất, trâu cần được nghỉ ngơi chăm sóc béo tốt để có sức kéo cho vụ sau.
Để làm lễ cúng vía cho trâu, đàn ông trong nhà ngay từ ngày hôm trước đã xuống sông Đạt, sông Ác quăng chài bắt cá, đàn bà lo chặt ống lam, cắt lá dong để sửa soạn cho mâm cúng. Lễ vật gồm có: Một con gà luộc, nước luộc gà, xôi 7 màu lấy từ lá rừng, cá nướng, một bát gạo, đĩa muối trắng, lúa, ngô, khoai, mía…
Chọn giờ tốt, ông chủ nhà dắt trâu ra khu rừng rộng, cạnh đồi Pu Péo, Pu Tính cách bản không xa thả trâu vào rừng và ở lại trên rừng trong một thời gian dài. Trước khi thả trâu, ông mo tiến hành làm hai lễ cúng quan trọng: cúng vía cho trâu, cúng thần rừng và lễ cúng ông thần chăn trâu.
Trong lễ cúng vía trâu ông mo buộc vào mõm trâu một mớ cỏ lau, cỏ tranh hay lá lúa, với quan niệm “Cỏ lau che mắt – cỏ tranh che mặt – lá lúa giữ hồn” giúp cho trâu khi đi trong rừng tránh được thú giữ hãm hại. Khi cúng vía, ông chủ bón cho trâu ăn các lễ vật: xôi 7 màu, lúa, ngô, khoai, mía… và đổ rượu, nước luộc gà lên đầu trâu. Nghi lễ đổ rượu cùng với nước luộc gà này gắn với quan niệm của người Thái: uống rượu suông thì sẽ say bí tỉ, uống rựơu có bát nước luộc gà có tác dụng dã rượu giúp cho người uống tuy có say nhưng vẫn tỉnh biết được đường về, cũng như con trâu hồn vía sẽ không bị lạc. Trước khi trâu được thả vào rừng, ông mo khấn: Mưa xuống phải gieo mạ/có sấm lại cày bừa/Trâu kéo cày vất vả/Hết đồng dưới tới ruộng trên/Nay cày bừa đã xong/Tiễn trâu vào rừng cho khoẻ/Chủ nhà có mâm cơm cúng vía/Có gà luộc, cá nướng, cơm lam/Bánh chưng, chuối chín, mía ngọt, xôi đủ màu/ Mời hồn vía trâu ăn/Lá bông lau buộc giữ mồm trâu/Không để thú rừng bắt bớ/Chân trước không tụt xuống hố chết uổng, chết oan/ Tạ ơn trâu ta mang gà lớn đến hầu/Tạ ơn trâu ta mang xôi đỏ, cơm lam báo đáp/Trâu khoẻ, trâu béo tốt, trâu ơi…
Với lễ cúng thần rừng cũng có lễ vật đầy đủ, với lòng lòng thành kính, hướng vào rừng, ông mo khấn: Quỳ gối thưa với thần đất thần rừng/Nay mùa màng xong xuôi/Chúng tôi đem trâu đến thả/Mong thần rừng giữ hộ cho tốt/Đừng để thú dữ ăn thịt/Đừng để trộm đem đi xa/Trâu có cỏ ăn no/Có sức cày vụ tới/Mong thần rừng giữ hộ/Đến mùa đến vụ/Trâu về với chủ/Cho bản làng no đủ/Cho bồ lúa thêm đầy/Nhờ công trâu kéo cày/Cho lúa mẩy, hạt to/Cho nhà nhà no ấm.
Cùng với việc cúng vía trâu, người Thái còn cúng ông thần chăn trâu, bởi vì trong suốt thời gian ở rừng việc trông coi trâu do ông thần trâu đảm nhiệm. Mâm cỗ cúng thần chăn trâu bao gồm các sản vật của nhà nông như thịt lợn, gà, xôi, cá, rượu, trầu cau. Trong đó các món bánh chè lam, bánh chưng, “panh ịt” là không thể thiếu. Cùng với các lễ vật còn có một số dụng cụ liên quan đến việc chăn trâu của thần như: một cái gậy song dài hơn 1 m, một bộ dao nắp, một bộ quần áo dài mầu đen và một cái nón. Tất cả các đồ lễ đều được đặt trên sàn nhà, bên dưới là cây cột lớn, nơi thường cột trâu.
Ông mo đứng trước mâm lễ khấn: “Thưa thần chăn trâu, hôm nay là năm hết tháng cùng, kết thúc một năm, ông đã ngó xa nhìn gần chăn dắt cẩn thận, trâu con đi đứng vững, trâu lớn luôn béo tốt, đàn trâu càng nhiều thêm. Trâu khỏe làm lụng chăm chỉ, làm cho dân bản no ấm, bình yên. Trong ngày này con cháu lo được mâm cơm, dâng lên ông cái nón để ông đội, bộ quần áo để ông mặc, cái gậy để ông chống khỏi ngã, con dao để ông phát đàng, phát sá. Con cháu xin ông nhận lấy. Năm tới, cầu mong ông phù hộ trông coi con trâu bé nó lớn nhanh, con trâu già nó vẫn khoẻ, con mẹ mắn đẻ, ra ruộng ra rẫy không bị rắn cắn, đi ra ngoài rừng không bị hổ vồ, đi đường không bị vấp dây gẫy cẳng, trâu trắng thêm đàn, trâu đen thêm bầy, ngày càng nhiều thêm…”
Cúng xong chủ nhà lấy cho mỗi con trâu hai cái bánh chưng mang cho trâu ăn, sau đó thả chúng lên rừng. Sau khi lễ cúng vía trâu, cúng thần rừng và thần chăn trâu xong, mọi người về nhà làm lễ cúng tổ tiên, ăn uống vui vẻ, trao đổi kinh nghiệm về trồng trọt, mùa màng, chăn nuôi gia súc.
Lễ cúng vía trâu vừa đề cao vai trò và công sức của trâu đã vất vả giúp con người làm ra lúa gạo- hạt vàng, hạt ngọc “Ruộng nương rộng/Có sức trâu cày bừa/Thóc đầy bồ, đầy thung/ Từ bàn tay con người chăm bẵm” để nuôi sống cả cộng đồng, mà còn thể hiện sự ứng xử đầy tính nhân văn cao đẹp của con người đối với vật nuôi là con trâu cung cấp sức kéo cho nhà nông.
2. Trong sản xuất nông nghiệp, con trâu là đầu cơ nghiệp, trong các nghi lễ thiêng liêng con trâu là vật hiến sinh không thể thiếu, nhất là đối với các lễ nghi lớn: tế trời “sớ pha”, “xênh bản xênh mường” cúng thần bản, thần mường, “xển ban”, “ế phỉ”… con trâu còn hiện diện trong các ngôi nhà mồ của người Thái, bởi người Thái quan niệm rằng trong những lễ nghi đó chỉ có con trâu mới là lễ vật tương xứng dâng cúng và các thần linh mới hiểu thấu được những điều khẩn cầu của họ. Thông qua lễ vật dâng trâu họ cầu cho bản mường có cuộc sống bình an, no ấm. Khi đưa tiễn hồn người quá cố về mường trời, trâu là con vật không chỉ mang ý nghĩa vật chất đơn thuần, mà trâu còn là con vật theo hồn người đã khuất tiếp tục cùng họ tiếp tục sống ở một thế giới khác.
Bản Lùm Nưa, mường Trịnh Vạn có lễ tế trời trên đồi thiêng Pu Tính. Để tiến hành nghi lễ trọng thể này, từ trước đó một dòng họ có ảnh hưởng lớn trong mường phải tìm cho được con trâu đạt tiêu chuẩn và cắt cử gia đình có uy tín trong họ, trong bản lo việc chăm sóc và nuôi dưỡng trâu trắng tế trời. Trâu tế được chọn lựa kỹ, phải là trâu trắng, trâu tơ, tai sừng bằng nhau, không có đốm vết và xoáy lạ. Trâu được chăm thả cẩn thận, không ai được đánh mắng con vật được vinh dự chọn để dâng trời này. Nếu chẳng may trâu ăn lúa nhà nào, làm đổ rào dậu cũng không được rầy la. Mùa đông đốt lửa, thưng phên che gió cho trâu ấm, mùa hè làm chuồng ở nơi thoáng mát, xua đuổi ruồi muỗi, vì vậy trâu tế là những “ông trâu” béo tốt, sạch sẽ, nó không phải là con trâu bình thường mà là con trâu của thần linh. Khi làm thịt trâu, người giết thịt tay cầm chiếc búa ngoài bọc lá chuối làm nhiệm vụ thiêng liêng này. Trước khi hiến tế con vật dâng Sớ pha, ông mo làm lễ tỉnh sinh, thắp hương, khấn vái và vẩy rượu cúng vào đầu, cổ, và mình trâu và khấn: “Hôm nay, ngày lành tháng tốt, bản Lùm Nưa làm lễ tế trời. Lễ vật là trâu trắng mà vua Trời ưng ý. Con trâu này là con trâu tốt, được bản mường chọn cho vinh dự hiến tế vua Trời mà những con trâu khác không có được. Trâu quý, trâu yêu ơi, dân bản hóa kiếp để trâu được về bên kia núi, về với ông bà tổ tiên lên với mường trời, trâu thiêng, trâu quý hãy phù hộ cho bản mường khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, trâu đi xa đừng buồn nhé, trâu ơi!”. Sau khi làm lễ tỉnh sinh có đất trời chứng giám, dân bản dắt trâu ra bến Tà Phạ – bến trời để chọc tiết, mổ trâu và làm đồ tế lễ.
Lễ vật chính dâng Sớ Pha gồm có thủ trâu để nguyên, vó và đuôi trâu đã thui, tiết trâu đựng trong ống bương hoặc ống nứa tươi, thịt trâu thui chín cắt thành từng miếng xếp từng lượt cao đặt vào các mâm được đan bằng cật giang hoặc nứa cùng với lòng trâu luộc chín cùng với các lễ vật khác.
Từ bao đời nay trong tâm thức của đồng bào Thái mường Trịnh Vạn, lễ dâng trâu tế trời như là nghĩa cử đẹp của con người trong việc ứng xử với thiên nhiên, tạ ơn trời đất, bản mường của ông cha đã ban cho họ mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt mang lại cho họ cuộc sống bình yên, no đủ.
Trong nghi lễ đối với người đã mất, lễ vật dâng cúng cho linh hồn người đã khuất cũng là trâu. Bởi người Thái còn quan niệm, con người chết đi là sống ở một thế giới khác. Ở thế giới này họ cũng phải cần có trâu để làm ăn như khi còn sống ở “mường lúm” vậy. Trâu hiến tế trong đám tang không kể đực, cái , nhưng phải là trâu đen và đã trưởng thành. Lễ “xển quái” thường diễn ra vào đêm cuối của ngày đưa tang. Trâu hiến tế buộc dưới chân cột cái nơi đặt bàn thờ. Trước khi giết thịt, những người làm dâu một tay cầm một bó đóm, tay kia cầm một con dao đi quanh con trâu 3 vòng tỏ ý mời ma về nhận trâu và chứng nhận lòng thành của những người đang sống. Sau đó, người trưởng rễ trong gia đình sẽ cầm búa giết trâu. Chàng rể làm việc này với sự trợ giúp của ông “chá”. Thịt và các bộ phận khác sau khi luộc chín cắt lấy mỗi phần dọn ra một mâm gồm: bốn chân, thủ, xương đùi trước và sau còn để sống dọn ra một mâm riêng dâng lên cho người quá cố để linh hồn người chết mang về cùng với tổ tiên. Sau lễ ông mo được đùi trâu trước, những người con dâu được chia một đùi sau của con trâu. Số thịt còn lại mới được chế biến để thết đãi khách và các thành viên trong gia đình.
Con trâu luôn là vật hiến tế trong tất cả các nghi lễ trang trọng nhất của người Thái mường Trịnh Vạn. Con trâu gắn với chu trình vòng đời người, từ khi sinh ra cho đến lúc chết, là sợi dây nối giữa hai thế giới – thế giới thực và thế giới siêu thực. Thông qua lễ vật hiến tế, người sống bày tỏ sự biết ơn và nuối tiếc đối với người chết. Hiến sinh trâu – lễ vật cao quý, thiêng liêng làm dịu và nguôi ngoai nỗi đau, sự nuối tiếc của người trần thế tiễn đưa người thân của mình đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Lễ làm vía và hiến tế trâu cho linh hồn người chết và các vị thần linh của người Thái mường Trịnh Vạn, Thường Xuân là nét đẹp về cách ứng xử nhân văn với con trâu – bạn của nhà nông; thể hiện sự kính trọng, tri ân đối với người quá cố và các vị thần tự nhiên đã phù trợ, giúp đỡ họ để có mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, con người khoẻ mạnh, cuộc sống đủ đầy.