Với bà con nông dân, con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhưng giờ đây, ở những xã vùng cao, con trâu trở thành “của để dành” mỗi khi con cái đi học đại học. Trong những ngày đầu năm học mới, nông dân xã Vân Sơn (Sơn Động – Bắc Giang) lại rủ nhau dắt trâu đi bán, để tiễn chân con cháu vào giảng đường.
Là một trong những hộ đông con nhất xã nhưng điều khiến ông Trần Xuân Hậu tự hào là 8 người con của ông đều được học hành đến nơi đến chốn tại các trường cao đẳng, đại học. Ông Hậu bảo, mọi chi phí học hành của con cái đều lấy từ tiền bán trâu. Năm 1999, trong khi những người khác chỉ biết ở nhà lo mài dao, sắm rựa, dắt trâu vào rừng kiếm gỗ thì ông Hậu đã biết nuôi trâu để dành tiền cho con cái đi học. “Năm đó, thằng thứ tư nhà tôi vừa học xong THPT, thấy đám bạn lên rừng làm gỗ có tiền tiêu cứ nằng nặc đòi ở nhà đi rừng. Tôi khuyên nhủ nó phải học để có nghề nghiệp ổn định. Nhờ bán trâu cho con đi học mà giờ nó đã thành thầy giáo rồi đấy”, ông Hậu khoe.
Từ đó, cứ lần lượt đứa lớn ra trường thì đứa bé hơn tiếp bước, hơn 10 năm nay, lúc nào nhà ông cũng có người đi học. Trong đó, Trần Văn Dương, Trần Thị Tuyết cùng học Trường Cao đẳng sư phạm Ngô Gia Tự (Bắc Giang). Trần Văn Ngọc học Trường Cao đẳng nghề Hải Dương. Hiện ông đang lo cho cậu út Trần Văn Thêm theo học hệ đại học liên thông của Trường Cao đẳng công nghiệp dệt may thời trang Hà Nội. Chỉ tay về phía đàn trâu đang ăn cỏ, ông Hậu cho biết thêm: “Ngày xưa, nhà tôi nổi tiếng là nuôi nhiều trâu nhất làng đấy! Thế mà bây giờ chỉ còn 5 con thôi. Tôi phải để dành đầu tư cho thằng út ăn học. Để con được đi học, có công việc ổn định, dù có bán hết trâu tôi cũng không tiếc”.
Cũng theo ông Hậu, nuôi trâu cho lợi nhuận cao nên hơn 10 năm nuôi con ăn học, gia đình ông rất ít khi phải vay mượn bên ngoài. ông bảo, mỗi năm chỉ cần bán 2 con trâu là đủ mọi chi phí ăn học của con cái.
Không chỉ riêng gia đình ông Hậu, gia đình ông Trần Văn Cát cũng nổi tiếng về việc cho con đi học. Nhà ông có 3 người con thì đều đi học cao đẳng và học nghề. Không có nhiều trâu như gia đình ông Hậu, nhưng ông Cát nuôi khá nhiều bò. Tuy không có giá trị lớn bằng trâu, nhưng bù lại bò dễ nuôi và đẻ nhiều hơn. Từ khi các con đi học đến nay gia đình ông đã bán gần chục con bò. “Nhưng dù có phải bán hết bò tôi cũng sẵn sàng để con cái được học cái chữ, sau này đỡ khổ”, ông Cát tâm sự.
Là một trong những xã vùng cao nghèo nhất huyện Sơn Động, đời sống nhân dân chỉ phụ thuộc vào nghề nông, việc nuôi trâu, bò dành tiền cho con học chữ, học nghề trở nên phổ biến ở Vân Sơn. Từ đây, giấc mơ đại học của học sinh nghèo trong xã đã thành hiện thực.
Ông Nguyễn Hoàng Tiến, Bí thư Đảng uỷ xã Vân Sơn cho biết: “Hàng năm, xã có trên 10 em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Ngoài ra, hàng trăm em theo học tại các trường dạy nghề trên khắp cả nước. Để con cái được học chữ, học nghề, hầu hết các hộ đều nuôi trâu, bò. Hơn nữa, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng vào cuộc, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vay vốn. Nhờ vậy, phong trào thi đua học tập trong xã ngày càng phát triển”.
Văn Thương