Chuyện “gọi trâu” của người Cơ Ho

Chuyện “gọi trâu” của người Cơ Ho: Xưa, ở vùng người Cơ Ho Lạch, Cơ Ho Cil dưới chân núi Lang Biang, nhiều nhà không thể có chiêng, ché; song, nhà nào cũng có vài con trâu. Trâu được thả hoang trong rừng, lâu lâu dùng ngựa đi thăm để xác định vị trí, lúc nào có lễ trọng của dòng họ, buôn làng, hoặc cần đổi chác, làm sính lễ mới gọi trâu về. Và, gọi trâu đã thành chuyện thú vị.

Chiều yên ả phía chân núi Lang Biang, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), tôi ngược núi để tìm hiểu chuyện gọi trâu của người Cơ Ho. Bên chú ngựa được đặt tên Rambô, anh K’Truik nói: “Ở đây già, trẻ, gái, trai ai cũng biết cưỡi ngựa. Ngựa giúp con người qua đèo dốc hiểm trở, ngựa để đổi chác và dùng ngựa để cưỡi đi thăm trâu, gọi trâu nữa đó”.

Đàn trâu được thả trên đồi cỏ hồng dưới chân núi Lang Biang.

K’Truik bảo, anh từng được nghe những người già trong buôn làng kể, những năm thập niên 80 thế kỷ trước là thời hoàng kim của đàn trâu nhà thả rừng ở xứ này. Khi đó, khu vực rừng núi Lang Biang có hàng nghìn con trâu. “Vì thả rừng tự nhiên cho nên chúng rất dữ, nhiều con đã thành con min (trâu rừng). Anh muốn tìm hiểu chuyện trâu của người Cơ Ho thì vô rừng, may thì gặp vài người đi thăm trâu chuẩn bị mùa hội mới”, K’Truik nói.

Ở miền đồng bằng, những mùa len trâu đã đi vào phim, vào nhạc, vào thơ… Trâu ở xứ Lang Biang cũng có mùa lai dắt, dẫn chúng vào khu vực rừng đã định và chúng được sống tự do, phóng túng giữa đại ngàn. Từ gợi ý của K’Truik, tôi tìm đến khu vực Suối Vàng. Trên cung đường uốn lượn men theo những triền đồi, tôi gặp đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ. Thấy tôi tỏ vẻ hiếu kỳ, ông Krajăn Treo nói, chăn trâu trong rừng khá nhàn nhã.

Cái khó là khi trâu nhà nhập sang đàn khác, mình phải có cách để gọi về. Thả trâu trong rừng cũng gặp không ít rủi ro, như mất trâu, trâu đi lạc, rơi xuống hố sâu… hay trâu đực tới mùa tìm “bạn tình” chạy sang đàn khác rồi không thấy về nữa. “Trâu thả rừng rủi ro cũng nhiều, mà niềm vui cũng có. Nhiều gia đình sau khi thả trâu cả tháng trong rừng, lúc gọi về lại thấy đàn trâu sinh sôi. Vài con trâu mẹ trong đàn dắt thêm con trở về, rồi trâu nhập đàn…”, ông Treo chia sẻ.

Với người Cơ Ho, tự ngàn xưa, trâu là con vật quý và linh thiêng, trâu không chỉ dùng để cày ruộng, đạp lúa lúc thu hoạch… mà còn để hiến sinh cúng tế thần linh mỗi khi dòng tộc, buôn làng mở hội. Xưa kia, hầu như nhà nào của người Cơ Ho cũng đều có trâu, nhiều gia đình khá giả có đến hàng trăm con.

Vì vậy, cùng cái chiêng, cái ché quý, vật thiêng, thì trâu cũng là một biểu hiện để nhận biết người giàu hay nghèo. Tôi từng nghe già Păng Ting Bụt ở Lạc Dương kể, ngoài những mục đích trên, người Cơ Ho còn lấy trâu làm vật đổi chác, làm sính lễ, vật đền bù, phạt vạ và trả nợ. Linh thiêng nhất là lễ cúng Yàng trong các ngày hội lớn thì không thể thiếu trâu.

Mùa này, cao nguyên Lang Biang bồng bềnh mây trắng, rẫy đồi cà-phê ngào ngạt hương hoa. Nhiều buôn làng chuẩn bị vào hội, tiếng chiêng sắp sửa đánh, tiếng mời nhau về miền dân dã, tự nhiên và đầm ấm, đó là không gian của buôn làng.

Nhiều buôn làng đã cử người đi thăm trâu để biết chỗ gọi về. Băng qua thung lũng, tôi may mắn gặp K’Hòa và được anh dẫn đến đồi cỏ bạt ngàn phía chân núi Lang Biang để thăm trâu. K’Hòa kể: “Để gọi được đàn trâu thả rừng về là một nghệ thuật. Theo người già truyền lại, mình phải đặt tên cho một số con đầu đàn và thường xuyên gọi tên để chúng quen dần với chủ. Cực nhất là đi tìm trâu trong các thung lũng, rừng tạp để gọi về buôn làng”.

Về nghệ thuật gọi trâu thả rừng, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên K’Plin cho biết, người Cơ Ho Lạch bao đời nay đã có thói quen thả trâu vào rừng và tập tục đó nay vẫn còn. Để gọi được trâu về, các chủ nuôi trâu phải đặt tên cho từng con đầu đàn; trâu mộng, trâu me (mẹ, cái) đều có tên riêng và gọi chúng thường xuyên mỗi khi đi thăm. Khi lai dắt phải biết cách rải muối trên cỏ, liên tục nói “muối đây” để dụ trâu đi dần về buôn làng.

“Cứ vậy, vừa gọi tên mấy con đầu đàn, vừa dụ trâu ăn cỏ rải muối, có khi dùng “bị lơ” (dụng cụ thường dùng đựng muối, cơm, cá khô…) lắc thành tiếng, chúng sẽ nhớ chủ mà bớt hung hăng, rồi cứ thế theo chủ về buôn”, ông K’Plin nói.

Và, khi buôn làng nam Tây Nguyên mở hội, núi rừng sẽ vang tiếng gọi trâu…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *