Chuyện chăn trâu

Từ ngàn xưa, hình ảnh chăn trâu là nét chấm phá lãng mạn của miền quê, là thú thanh tao nơi thôn dã. Hình ảnh những đứa trẻ ngồi trên lưng trâu, thổi sáo hoặc thả diều, giữa khung cảnh nông thôn miền Bắc là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thi nhân. Có không ít tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài này đã được lưu truyền hậu thế. 

Vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497) có 2 bài “Vịnh người chăn trâu” viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài thơ “Trẻ chăn trâu” (1942)… Trong bài thơ Nôm “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan có hai câu thơ tuyệt tác:

“Gác mái, ngư ông về viễn phố

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn”

Đó là hai nét vẽ đẹp trong một bức tranh buổi chiều êm đềm ở thôn trang. Ông chài nhàn hạ gác mái chèo để về “viễn phố”, lũ mục đồng thong thả cởi trâu trở lại “cô thôn” khuất sau lũy tre làng, hồn nhiên “gõ sừng” hát đồng dao, giữa lúc hoàng hôn “bảng lảng”, có “tiếng ốc” từ xa vẳng tới… Đứng trước khung cảnh này, chắc không ai không khỏi “nhớ nhà”!

Chăn trâu là một trong 4 thú vui lao động của giới bình dân, gọi là “tứ thú” : ngư (đánh cá), tiều (đốn củi), canh (làm ruộng), mục (chăn trâu), cùng với cách phân chia thứ hạng trong xã hội phong kiến, có 4 “thứ dân” : sĩ (trí thức), nông (nông dân), công (thợ thủ công), thương (người buôn bán). Ở bên Trung Quốc, vào thời Xuân Thu (1), có ông Nịnh Thích, người nước Vệ, vì nhà nghèo phải sang nước Tề chăn trâu cho người khác. Một hôm, Nịnh Thích gõ sừng trâu để hát, Tề Hoàn Công đi qua nghe được, biết là người tài nên trọng dụng, sau đó Nịnh Thích giúp Tề Hoàn Công dựng nên nghiệp bá. Ngày nay, ở đâu đó trên những cánh đồng vẫn còn nghe câu hát :

“Ngày xưa Nịnh Thích chăn trâu

Mà rồi mang ấn công hầu, trâu ơi!”

Không chỉ là thú vui tao nhã, hình ảnh chăn trâu còn đi vào triết lý Phật giáo qua bộ tranh “Thập mục ngưu đồ”. Đó là mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng tượng trưng cho quá trình tu tập theo Phật giáo. Có nhiều bộ tranh chăn trâu, nhưng cơ bản gồm hai loại: loại tranh chăn trâu của Phật giáo Đại thừa và loại tranh chăn trâu theo khuynh hướng Thiền tông(2). Tranh Đại thừa vẽ con trâu đen, lần lượt qua từng bức họa, trâu đen trổ trắng lần lần, trắng từ trên đỉnh đầu, đến quanh mình, rồi chót đuôi. Tranh Thiền tông có loại vẽ con trâu đen, có loại vẽ con trâu trắng, nhưng màu lông vẫn giữ nguyên qua các giai đoạn biến đổi… Qua đó, có thể biết chuyện chăn trâu đã đi vào tâm thức của con người từ khái quát đến trừu tượng, từ giản đơn đến cao thâm, huyền diệu.

Chuyện chăn trâu trên đồng đất phương Nam có nhiều khác biệt. Đây là miền đất của những cánh đồng mênh mông “cò bay thẳng cánh”, nhưng là đồng sâu nước lụt, chăn trâu là một công việc vô cùng gian nan, vất vả. Không có cảnh “Bên này là núi uy nghiêm, bên kia là cánh đồng liền chân mây”(3) cho mục đồng thảnh thơi thổi sáo, thả diều. Đất Nam Bộ ngày trước còn hoang vu, những vùng được khai phá sớm, có ruộng lúa mới dùng sức trâu để cày cấy, nhưng có nhiều mối hiểm họa đe doạ người chăn trâu: sợ cọp bắt mất trâu, sợ trâu lạc vào rừng, sợ muỗi, mòng, đỉa, vắt… Thời Pháp thuộc, đất đai tập trung vào một số địa chủ lớn, dân chăn trâu thường là tá điền, người ở đợ, là nông dân nghèo, vì nghèo quá phải đi chăn trâu cho nhà giàu, nên thường bị đánh đập, bỏ đói, suốt ngày phải lặn lội ngoài nước mặn đồng chua.

Ở miền Tây Nam Bộ, hàng năm vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến tháng 11 âm lịch), nhiều cánh đồng ngập sâu trong nước từ 1 đến 4m, trâu không còn nơi để ở, không có cỏ để ăn, người ta tập trung lại thành từng bầy, lùa về những vùng cao ráo hơn như Tri Tôn, Bảy Núi (An Giang) để cầm trâu. Mùa này còn gọi là mùa len trâu. Chữ “len” có nguồn gốc từ tiếng Khmer, có nghĩa là thả rông, cho đi tự do(4). Vào mùa len trâu, người ta thả trâu đến những vùng nhiều cỏ để sống qua mùa lũ, chờ khi nước rút thì cho trâu về nhà. Thời điểm này, có khi tập trung đến hàng trăm, hàng ngàn con. Những người làm nghề len trâu   được gọi là “tằng khạo”, đó là những tay cầm đầu chuyên dắt trâu di thực, người gửi trâu phải trả tiền công hoặc chịu đong lúa mùa để trừ công “len trâu”. Những vùng đất ít bị ngập lụt như ở Cà Mau, Bạc Liêu, U Minh… cũng có mùa len trâu. Đó là lúc xong mùa cày cấy, trâu được đưa đến những cánh đồng năn hoặc những vùng đồng cỏ hoang vu để “cầm trâu”, trâu được cầm ở đây hàng tháng trời, đến mùa gặt lại lùa trâu về cộ lúa. Đi giữ trâu mùa này phải mang theo ít vật dụng, đặc biệt cái nóp(5) là vật bất ly thân được mang bên mình để ngủ bờ ngủ bụi. Cái nóp có nhiều tác dụng: ban ngày để gói quần áo, đồ dùng, lúc mệt trải ra nằm nghỉ ngơi; ban đêm thì mở nóp chui vào trong, tránh bị muỗi cắn, tuy không được thoải mái nhưng có thể vừa nằm, vừa đắp để ngủ qua đêm.

Đối với người nông dân, con trâu  “đầu cơ nghiệp”, là một tài sản lớn. Trâu được chăm sóc cẩn thận, được cất chuồng cho ở. Nhiều người cẩn thận còn làm mùng cho trâu ngủ hoặc cắt lá chuối khô cột thành từng chùm lớn treo trong chuồng trâu, gọi là “ trâu” để trâu chui vào tránh muỗi. Vào mùa mưa, thời tiết ẩm thấp nhiều muỗi mòng, bên những chuồng trâu thường có bếp un trâu, khói bay nghi ngút suốt ngày đêm. Vì có công lao động giúp con người tạo ra của cải vật chất nên con trâu còn được xem như một thành viên trong gia đình. Khi một con trâu được sinh ra, người ta chọn ngày lành tháng tốt để đặt tên cho trâu. Nếu trâu đực được đặt tên theo các quân cờ tướng (vì cho rằng chuyện chăn trâu còn khó hơn việc điều binh khiển tướng) như Xe, Pháo, Mã, Tượng… thì những con trâu cái thường có tên gọi nhẹ nhàng hơn như Chim, Én, Diều, Sáo… hoặc Bầu, Bí, Đậu… Người ta cho rằng trâu có khả năng nhớ tên mình, nếu được gọi đúng tên thì nó rất biết nghe lời. Trâu lớn lên, được gác ách, tập kéo lúa, rồi kéo cày, kéo trục, kéo bừa… Cái ách trâu được làm bằng gỗ, được gắn vào cổ trâu và dùng dây thừng cột lại cho chắc chắn, có dây nối ra phía sau để cột dàn bừa (hoặc gắn lưỡi cày, dàn trục), cây bừa và cây trục cũng được làm bằng gỗ. Để điều khiển trâu, người chăn thường sử dụng các “khẩu lệnh” như:  (hướng vô trong); thá (hướng ra ngoài);  (dừng lại)… Hình ảnh anh chăn trâu đi sau luống cày, tay cầm roi mây, miệng la “thá, ví”… đã đi vào trong lòng nhiều cô thôn nữ, vì vậy mà có câu hò Nam Bộ:

Hò ơ…

Ớ nầy anh nó ơi,

Phận em giao phó cho trời xanh,

Lấy anh thì em không lấy,

nhưng cũng không đành làm ngơ…

….

Em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi,

nhưng sợ ổng hay giọng quyển giọng kèn.

Em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn,

nhưng lại sợ nó nhiều điều thá, ví.

Em muốn lấy ông lái buôn thành thị,

nhưng sợ ổng kêu rêu mắc rẻ khó lòng…”.

Nhiều địa phương ở Nam Bộ còn có phong tục cho trâu ăn Tết(6). Sau khi mùa màng xong, lúa gặt đã lôi hết vào sân, trâu được dẫn về chuồng tắm rửa sạch sẽ để ăn Tết. Sáng mùng ba Tết, người ta chuẩn bị cúng “ông Chuồng, bà Chuồng”. Nghi lễ thông thường gồm có đầu heo nấu cháo, hoặc gà, vịt nấu cháo, chéo hai cánh trên lưng với đầy đủ tim, gan, ruột. Đây là lễ cúng để tạ ơn trên phù hộ cho trâu bò được khoẻ mạnh, mau lớn. Sau khi đọc bài khấn(7), người ta đem giấy tiền vàng bạc, giấy hồng điều đến dán vào các cây cột ở chuồng trâu. Sau đó cho trâu ăn Tết, gồm có những loại bánh được làm từ lúa gạo ngoài đồng. Dịp này, người ta thường cho trâu ăn bánh tét hoặc bánh cấp, bánh phồng… để tỏ lòng biết ơn trâu đã vất vả giúp mình cày bừa trong năm qua, nhờ đó mới có lúa gạo đầy bồ. Có khi người ta còn đổ cháo cho trâu ăn, hoặc đổ nước dừa rau má để trâu được khoẻ mạnh. Phong tục này thể hiện tình cảm của người nông dân với con vật gần gũi của mình.

Dân chăn trâu, thường là trẻ con ở nông thôn, được xem là con cháu của Thần Nông. Đây là vị thần trông coi lúa gạo, dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Tương truyền Thần Nông là ông tổ 4 đời của Kinh Dương Vương, 5 đời của Lạc Long Quân và 6 đời của Hùng Vương thứ nhất. Thần Nông được thờ cúng trong hầu hết các đình làng ở Nam Bộ. Theo tín ngưỡng dân gian, vì là con cháu của Thần Nông nên trẻ chăn trâu có khả năng liên lạc với cõi thiêng, các thế lực ở cảnh giới bên trên và bên ngoài trần thế. Vì vậy mà các thế lực ma quỷ, cô hồn đều phải kiêng dè, nể sợ. Trẻ chăn trâu được quyền hưởng các lễ vật dâng cúng ở các đình miếu, các lễ vật cúng cô hồn. Nhiều người tin rằng, trẻ chăn trâu chỉ cần đứng trên bờ dùng tay vẫy các bè chuối cúng cô hồn (trên đó thường có lễ vật: đầu heo hoặc gà vịt, trái cây, gạo, muối… dùng để “tống ôn, tống phong“), thì lập tức những bè chuối ấy cập vô bờ. Đối với vật phẩm dâng cúng ở đình làng, trẻ chăn trâu được tự nhiên lấy dùng mà không sợ thánh thần quở trách.

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện về những trẻ chăn trâu nặn tượng Phật bằng đất sét để chơi, sau đó bày trò cho Phật tắm, rồi mang những tượng đó thả xuống sông. Nhưng chuyện lạ đã xảy ra, những tượng Phật ấy không chìm xuống sông mà lại nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Thấy hiện tượng lạ, người ta cho rằng có thần phật hiển linh, bèn lập chùa để thờ những tượng Phật ấy, gọi là “chùa mục đồng” và càng tin rằng trẻ chăn trâu được một thế lực siêu nhiên nào đó phù hộ. Hiện nay, một số ngôi chùa ở Nam Bộ có nguồn gốc từ sự tích này. Tiêu biểu như Chùa Phật Nổi (Phước Lâm Tự) ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, Tp.Hồ Chí Minh, được xây dựng cách đây gần 200 năm, có nguồn gốc là chùa mục đồng; Chùa Hóc Tra (An Phước Tự) ở xã An Bình Tây, huỵên Ba Tri, tỉnh Bến Tre có sự tích do trẻ chăn trâu nặn tượng thờ ở chỗ hóc nước, gần gốc cây tra nên có tên là chùa Hóc Tra; Chùa Long Phước (Long Phước Tự) ở xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre vẫn còn cặp câu đối khắc trên hai trụ cổng: “Mục đồng chỉ tạo kim lưu tích / Ông Trí tiên tu hậu hữu danh” để giải thích đây vốn là ngôi chùa do trẻ chăn trâu tạo nên, sau đó nhà sư tên Trí làm trụ trì đầu tiên… Nhiều ngôi chùa vẫn còn lưu giữ được những tượng thờ có nguồn gốc từ trẻ chăn trâu.

Về sau này, hình ảnh con trâu ngày càng ít thấy trên những cánh đồng. Nhưng chuyện chăn trâu vẫn còn lưu lại trong ký ức của nhiều người, đó là những kỷ niệm về tuổi thơ lam lũ, về một quãng đời sống với nông thôn…Và, trong một chừng mực nào đó, con trâu đã đi vào đời sống tinh thần của người Việt Nam như một hiện tượng văn hoá dân gian cần được giữ gìn, trân trọng.

————————

Chú thích:

([1]) Thời Xuân Thu là một giai đoạn lịch sử của Trung Quốc kéo dài từ năm 722 đến năm 481 (trước Công nguyên), trước thời Chiến Quốc.

(2) Loại nào cũng có mười bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt, và một bài chú giải bằng văn xuôi. Tranh Đại Thừa gồm 10 bức : 1-Vị mục (Chưa chăn), 2- Sơ điều (Mới chăn), 3- Thọ chế (Chịu phép), 4- Hồi thủ (Quay đầu), 5- Tuân phục (Vâng chịu), 6- Vô ngại (Không ngại), 7- Nhiệm vận (Tha hồ), 8- Tương vong (Cùng quên), 9- Độc chiếu (Soi riêng), 10- Song dẫn (Dứt cả hai), bức này vẽ một vòng tròn. Tranh Thiền Tông cũng có 10 bức : 1- Tầm ngưu (Tìm trâu), 2- Kiến tích (Thấy dấu), 3- Kiến ngưu (Thấy trâu), 4- Đắc ngưu (Được trâu), 5- Mục ngưu (Chăn trâu), 6- Kỵ ngưu qui gia (Cỡi trâu về nhà), 7- Vong ngưu tồn nhân (Quên trâu còn người), 8- Nhân ngưu câu vong (Người trâu đều quên) với bức tranh vòng tròn, 9- Phản bổn hoàn nguyên (Trở về nguồn cội), 10- Nhập triền thùy thủ (Thõng tay vào chợ).

(3) Thơ Trần Đăng Khoa.

(4)Theo nhà văn Sơn Nam, tác giả tập truyện “Hương rừng Cà Mau“.

(5) Cái nóp thường được đan bằng cọng bàng, đầu tiên là chiếc đệm, dài khoảng 2m, ngang 1m, sau đó gấp đôi lại, may kín 2 đầu, chừa một cửa để chui vào (giống như cái phong bì thư). Cửa vào có nếp gấp, gọi là “lưỡi gà” để khi gấp lại được kín, tránh muỗi mòng chui vào bên trong.

(6) Theo lời ông Nguyễn Văn Thi (xã Khánh An, huyện U Minh), thì ở vùng U Minh cách đây vài năm vẫn còn phong tục này.

(7) Người viết có sưu tầm được một bài khấn, với nội dung như sau : “Hôm nay là ngày…tháng…năm…; tỉnh…, huyện…, xã…, ấp…. Gia chủ……… thành tâm dâng hương đăng, hoa quả trà tửu, trư thủ cộng tiết tâm (nếu cúng đầu và lòng heo), hay áp chúc nhứt song (một cặp vịt nấu cháo), bàn soạn thi lễ!

Cẩn cáo : Đương niên thái tuế, chí đức tôn thần, ngũ tự gia trạch tôn thần. Đương niên chưởng quản lục loại, lục súc gia cầm. Ngưu lang, Quách cảnh, Mục đồng, Mục tượng chi thần cập chư bộ hạ, chư thần cận viên, chứng giám : Nguyên vì gia chủ chúng tôi có lời van vái : Xin bảo hộ cho đoàn gia súc, gia cầm được bình an, mau lớn, tai qua nạn khỏi, đem lại kết quả như mong muốn. Nay sự việc đã kết thúc như ý nguyện, nên chúng tôi thành kính tạ lễ.

Kính mong chư tôn thần, cập các bộ hạ, âm linh chứng minh hưởng lễ!

Cẩn cáo!”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *