Chiều xuân nghé ọ câu truyện về dì Sáu bỗng thức giấc. Sự thức giấc của tuổi già nghe ráo hoảnh như sau cái nhắm mắt rồi mở ra. Lỗ thông gió nơi đầu hồi nhà vẫn còn tối hù. Tháng Chạp đêm thường sâu nên cữ này chỉ vào khoảng cuối canh ba là cùng. Hương trên bàn thờ con Mão dì thắp trước khi đi ngủ vẫn còn tròn quây mấy vòng. Bàn thờ tối om làm nổi bật lên đốm hương cháy đỏ nối giữa tàn tro xám ngoách chưa rụng với phần còn lại vàng nhờ nhờ. Gió bấc đã làm tắt ngọn đèn hột vịt chong trên ấy tự lúc nào. Dì Sáu trở mình. Giường ngủ của dì thường ngày ấm sực mùi trầu mà giờ cũng lạnh ngắt bởi sương khuya tháng Chạp.
Dì Sáu lần mò lại thắp đèn lên bàn thờ. Ánh đèn tỏa sáng làm bàn thờ mới rợi lên. Chẳng là dì mới dọn dẹp, sửa sang nó lại từ sáng hôm qua vì mai là ngày giỗ con Mão. Sắp tết rồi còn gì ! Mới đó mà hai mươi mấy năm qua rồi. Hai mươi mấy lần dì sửa sang lại nơi thờ phượng nó vào mỗi dịp sắp xuân về. Dì Sáu chậm mắt, đến chỗ ngồi quen thuộc nơi bộ ván và kéo ô trầu lại. Có tiếng dậm chân đuổi muỗi đồm độp, rồi cạ ngứa lạt xạt vào vuông chuồng của con trâu Chảng sau hè nhà. Chắc đống phân trâu khô dì un muỗi đầu hôm, sương khuya tháng Chạp đã không cho lên khói nữa. Chảng giờ chỉ được có mỗi cặp sừng, còn lớp da thì trông “trầy vi, tróc vẩy” tựa như con chuột cống già. Tuy nó đã bộn tuổi rồi nhưng dưới mắt dì Sáu, con Chảng cũng vẫn như là chú nghé của năm nào. Cái năm nó cất tiếng kêu “nghé… ọ… !” vừa ngơ ngác, vừa ngây thơ gọi mẹ vào một chiều tháng Chạp ở đầu làng. Tiếng kêu thống thiết đến độ mà bây giờ ở bất cứ đâu vào lúc nào, mỗi khi nghe “nghé… ọ…!” cất lên là dì lại rúng động tâm can và ngay lập tức, hồi tưởng giật lùi hai mươi mấy năm về trước…
Chiều xuân nghé ọ
Trong quầng sáng tù mù và luôn xê dịch của ngọn đèn dầu theo gió đêm tháng Chạp, dì Sáu ngồi cặm cụi vá áo cho con. Mái tóc thương khó nhuốm đỏ ánh đèn của dì nghiêng mãi xuống theo đường kim mũi chỉ.
– Để mẹ vá rồi con xem, ra đường đố ai biết được là mặc áo vá. Dì Sáu vừa cắn chỉ vừa nói mà mắt vẫn không rời mụn vá.
Đằng bộ ván tồi tàn cạnh đó, Mão – khoảng mười hai, mười ba tuổi – không nghe mẹ nói. Em đang mãi mê dùng lon sữa bò đong tới, lường lui số hạt đậu ván khô trong chiếc thúng nhỏ. Sau một hồi bụm, gạt đậu, Mão ngẩng lên:
– Mẹ, đậu chừng này liệu có được năm… ký không, hở mẹ?
– Thì… con lường! Cứ ba bơ sét (*) bỏ thêm một nắm nữa là đúng một ký.
– Nắm hay… bụm, mẹ?
– Bụm phải đến ký hai lận con à. Trừ phi đậu lép lắm thì mới…- Dì Sáu cúi xuống cắn chỉ đang vá và nói.
Mão lại bụm đậu khô lên lòng tay, thử nâng lên hạ xuống rồi nói trong tiếng hạt khô rơi lách cách:
– Giá mà con mót ở đất nhà ông Cả thì ngần chỗ này cũng phải hơn năm ký, mẹ ạ! Nhiêu đây, thêm chỗ tiền con để dành gửi mẹ nữa là… đủ mua cái áo tết rồi !
Nghe con gái nói thế, cây kim chợt bất động dưới tay dì Sáu. Miếng vá dở bỗng nhoè đi rồi lung linh dưới ánh lao chao của ngọn đèn dầu…
Chiều cuối năm đó, khi dì Sáu đang ngồi nhặt thóc trên tràng gạo trước sân nhà thì con Xí –bạn Mão- bỗng lao vào la thất thanh:
– Dì Sáu ơi… Con Mão lo mót đậu để trâu ăn lúa nhà ông Cả-an-ninh, bị ổng đánh gần chết rồi… !
Tràng gạo trên tay dì Sáu bỗng rơi tung toé xuống chân mấy con gà. Dì theo con Xí chạy hộc tốc đến nhà ông Cả. Gạt vội mấy đứa nhỏ bu đen bu đỏ trước cổng nhà ông, dì lao vào.
– Đù mẹ cha mày nề! Để trâu ăn hết lúa nhà tao nề! Đù mẹ… – Ông Cả miệng chửi, tay không ngớt vung roi xuống người con Mão. Nó thì đang chắp hai tay, lăn lộn khắp sân và luôn miệng van xin. Những hạt đậu ván đỏ như máu trong túi nó vương vãi ra khắp trên mặt sân gạch rộng…
– Trời… anh Cả! Anh Cả ơi, xin anh tha cho cháu…!
Dì Sáu gào lên và nhào vào ôm lấy Mão, dùng lưng mình để che đòn cho con.
– À… mẹ Ngọ! Để con cho trâu ăn hết lúa tao, rồi còn dám đến đây bênh nó, hử?
Chiều xuân nghé ọ: Những ngọn đòn roi của ông Cả bấy giờ hướng cả vào dì Sáu. Trong lúc dì lăn lộn dưới ngọn roi thì Mão vọt thoát được, lao biến ra ngõ…
Sâm sẩm tối đó, khi dì Sáu tơi tả về đến đầu làng thì bắt gặp con Chảng đang đứng ngơ ngác gọi mẹ. Những tiếng “nghé… ọ…!” thơ dại của nó chắc là chẳng vọng đến được con mẹ đang bị cột chồn chân bên sân nhà lão Ấp phó an ninh!
Mão chẳng về nhà. Trận đòn thập tử nhất sinh ấy, lão Cả đã khiến cho đứa con gái độc nhất của dì thành ra vĩnh viễn không dám trở về làng nữa. Nó đi theo về phía các anh chị Cách mạng vẫn thường dạy nó học, hát những khi chăn trâu trong rừng. Mãi đến ngày Ba mươi tháng tư rồi bây giờ nó cũng vẫn không về! Những hạt đậu ván nó mót để kiếm tiền mua áo tết năm nào, theo thời gian giờ lên nước đỏ quạch trên bàn thờ. Dì Sáu đành lấy buổi chiều đòn roi của lão Ấp phó an ninh làm ngày giỗ cho nó…
***
Con Chảng sau nhà lại bắt đầu kêu lên. Tiếng đòi ra chuồng của nó nghe khàn khàn. Trời chắc sắp sáng rồi. Dì Sáu đứng lên, đến sửa lại chồng giấy vàng mã trên bàn thờ con gái cho ngay ngắn. Giỗ con năm nào dì cũng đốt áo cho nó. Đốt như là lời xin lỗi và cũng nhớ về cái tết xưa đã không mua nổi áo mới cho con, dù bây giờ dì chẳng giàu có gì. Trong cái âu mây nhỏ, những mày hạt đậu ván như hàng trăm cặp mắt của Mão đang đau đáu nhìn lên dì. Mấy mươi năm rồi, những con mắt ấy vẫn sắt son, sống động làm vậy!
Dì Sáu thắp thêm tuần hương mới cho con. Khói hương bay lên gặp ánh của ngày mới rọi vào trở nên xanh biếc. Trong tâm tưởng của dì Sáu, mơ hồ như có tiếng “nghé…ọ… !” đâu đó từ tết xa lắm bỗng vọng về ./.
______________________________
(*) bơ sét: Ống bơ gạt ngang bằng miêng, không vun lên.
LÊ NGUYÊN NGỮ (https://hvhnt.binhthuan.gov.vn)
Pingback: Bài thơ: Thi nghé của Huy Cận