50 năm có lẻ, xa quê, xa hẳn cái lưng trâu mềm mại mà hôi hám. Một ngày về làng, bỗng nhớ cây mưng già trầm mặc bên bờ ao, tiếng chim cu gù cuối xóm và một hình khối gì to đen mà nhẫn nại thấp thoáng trong ký ức, bèn đi lang thang. Ký ức xưa ùa về…
Bạn nối khố
Tuổi thơ chúng tôi gắn với những “người bạn trâu”. Năm 1960, lập hợp tác xã (HTX), nhà nhà bỏ trâu vào làm tài sản chung. Chúng tôi đến trường, đứa nào cũng mang theo mùi trâu ám vào mỗi ngày. Trâu là của HTX giao cho mình chăn dắt mà coi như thú cưng. Trâu mình chăn nhưng thợ cày mỗi buổi là do đội trưởng phân công.
Ngồi học trong lớp mà lòng thổn thức theo từng bước trâu đi. Hôm nào gặp người cày nóng tính nặng tay, trâu mệt, nhiều lằn roi, trẻ chăn trâu chỉ thiếu điều khóc. Sau mùa lụt là vào tiết thu phân. Cánh đồng ngập ngụa nước, dập dềnh cỏ ngoài xa. Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm cùng nhau lùa trâu ra thả hoang ngoài đồng rồi đến lớp, nửa chiều ra rìa đồng đón trâu về.
Rồi, trẻ trâu đi xa, lòng vẫn gửi lại cánh đồng và số phận từng “người bạn”. Năm 1967, chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ dần dần đẩy đến độ hủy diệt. Gần năm vạn trẻ con Quảng Bình-Vĩnh Linh phải sơ tán ra các tỉnh phía Bắc để giữ lấy nhân lực cho tương lai.
Một ngày, từ vùng trung du Thanh Hóa xa xôi, Thí nhận được thư nhà. Thân phụ của cậu là một nông phu chính hiệu mở đầu bức thư bằng một câu không giống ai: “Thí con thân yêu của cha! Ve Hoa chết rồi con nờ…”. Ve Hoa là con trâu mà gia đình Thí nhận chăn dắt. Suốt đời tôi không thể quên đôi mắt thất thần của Thí khi nhận được tin dữ về con Ve Hoa! Cậu ta yêu trâu đến mức, con Ve Hoa ăn cỏ Thí ta cũng giả vờ ăn cỏ. Con Ve Hoa đầm dưới hói Thí cũng cởi áo xuống tắm chung dù nước hói vô cùng bẩn. Mỗi ngày Thí đều bày trò bắt chước trâu húc nhau…
Cắt cỏ cho trâu là công việc vừa đôi phần thú vị vừa có lúc khủng khiếp. Buổi sáng trâu phải đi cày thì trước đó, chừng 3 hay 4 giờ sáng, nông phu phải thức dậy đến nơi chuồng trại tập thể bón cỏ cho trâu ăn. Cỏ phải được cắt từ ngày trước. Mùa xuân, cỏ sẵn, không vấn đề. Mùa đông mới là chuyện. Mỗi đội sản xuất có một cây rơm dành cho trâu vào ngày rét mướt.
Nhưng, ăn rơm khô lâu ngày lại đứng mãi trong chuồng, phù chân, trâu có thể bị đổ. Mỗi sáng mùa đông lạnh giá, nghe xã viên lao xao í ới là lo thắt ruột vì biết rằng có con trâu nào đó chết, mọi người gọi nhau đi mổ thịt. Ngày ấy, thịt hiếm lắm. Có con trâu chết mỗi nhà đều được bữa xào. Trẻ con thì không như vậy. Trâu đứa nào chết, đứa ấy chỉ muốn khóc.
Năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc ấy là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương về Lệ Thủy chỉ đạo điểm phong trào “Gió Đại phong” trong nông nghiệp miền Bắc. Mùa đông, xã tôi mấy trăm con trâu chết. Đại tướng, áo tơi chân đất lội ruộng kiểm tra. Sau lụt, cỏ ngoài đồng ngoi lên cao dính đầy phù sa, người lười biếng thì cắt tận gốc lấy số lượng. Gặp một ông bứt cỏ, Đại tướng hỏi: “Bứt cỏ dư ri thì trâu ăn răng được, bác?”. Ông nông dân dừng tay, thấy một ông áo tơi nón lá hỏi “móc họng” bèn ngúng ngoẳng trả lời: “Không ăn thì hắn chết, bầy tui được bữa xào lá lốt.”
Đại tướng vào UBND xã, gặp lúc trời se lạnh, cán bộ đóng cửa đánh tú lơ khơ. Tan hội bài, ra về vẫn thấy một ông gầy gò đen đúa ngồi đó, hỏi thì ông bảo chờ gặp ủy ban. Hỏi ông là ai thì ông đưa giấy tờ, cán bộ xã mới tá hỏa…
60 năm trôi qua, trong cuộc chống tiêu cực tham nhũng hiện nay, bên ấm trà, đôi khi các cụ lão nhắc lại chuyện xưa còn hỷ hả.
Đưa trâu
Tiếng miền Nam gọi là len trâu. Đồng đất Lệ Thủy ven sông Kiến Giang thấp trũng. Mùa lụt, người người phải trèo lên mái nhà nhưng trâu thì phải sơ tán lên chân thềm Trường Sơn, vùng đồi không ngập nước và có cỏ. Thử hình dung, cả cánh đồng ngập nước mênh mông như biển cả, một đàn trâu băng mình nhắm hướng núi mà bơi. Con trâu đầu đàn vừa di chuyển thân hình nặng nề của mình còn phải kéo theo chiếc đò chở cả chục người cùng gạo, muối cho những ngày tránh lụt. Khung cảnh như vậy mỗi năm lặp lại vài lần khi nước lụt dâng cao.
Trận đại hồng thủy năm 2020, vùng châu thổ Kiến Giang thêm vài chuyện lạ. Nước lụt ngập chóp chài (nóc nhà), một con trâu ở xã Tân Ninh (Quảng Ninh) bơi lạc ghé vào sân thượng một nhà “trú tạm”. Sảng đi 1-2 ngày, nước rút rồi mà trâu còn trên tầng 2, báo hại chủ trâu phải thuê xe cẩu đưa xuống.
Lại một “mẹ bầu” ở xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) bị chủ bỏ quên trong chuồng, nước ngập, nguy cơ chết cả mẹ liền con. Trong cơn tuyệt vọng cho số phận mình và thương đứa con nhỏ chưa ra đời, trâu mẹ ráng sức phá chuồng. Dù bụng chửa “vượt mặt” vẫn đủ sức bơi đi tìm chỗ cao sinh hạ mẹ tròn con vuông. Tình huống vượt cạn và thoát hiểm này, trăm năm có một!
Hò lỉa trâu
Ở độ tuổi 12, 13, đã theo cha lên rừng kiếm củi, may mắn, tôi được một lần đi hầu điếu đóm cho thợ sơn tràng mà được nghe hò lỉa trâu (hay hò lỉa gỗ) ngay giữa núi rừng nguyên sinh. Ngày ấy, rừng Trường Sơn còn nguyên vẹn. HTX có hẳn một đội sơn tràng chuyên khai thác gỗ phục vụ cho việc đóng thuyền và nông cụ.
Những “đực trâu” khỏe mạnh, gan lỳ được chọn đi kéo gỗ. Núi rừng hoang vu, đường rừng khúc khuỷu, trâu kéo gỗ lên dốc cao, thợ sơn tràng người thì cầm cục chèn, người thì hò như “hò kéo pháo” trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Người hò, trâu nhích được vài mét đứng nghỉ là chục chèn được khóa vào tránh khúc gỗ lao ngược trở lại. Lần ấy, con Xề đang ráng sức kéo khúc gỗ, đã mệt, bỗng gặp lườn đất cao đành dừng lại nghỉ và…chờ. Thợ sơn tràng hiểu ngay. Ông Vĩnh là một cây hò khoan Lệ thủy có hạng và mặc nhiên đảm nhận việc hò lỉa trâu. Đầu tiên, ông xoa hết từ đầu tới mông con vật ra chiều âu yếm cảm thông, ghé vào sát đôi tai đang xuôi xuống vẻ mệt mỏi mà thì thầm, rồi bỗng cất giọng vút cao lên giữa rừng sâu núi thẳm: “Hò ơ ơ ơ… thôi… thôi… buông áo em ra/Để em về buôn bán hơ hơ hơ… kẻo hoa… em… tàn… hô hô hô… trâu… ơi…Xề.., ơ…ơi…ơi…”
Tiếng ông Vĩnh như buồn thảm, như oán trách, như chia sẻ với con trâu Xề đang làm việc quá nặng nhọc mà ông không thể nào gánh đỡ và hò hẹn rằng chỉ vượt qua vật cản này nữa thôi, ta và trâu sẽ cùng về nhà. Tôi thấy rất rõ đám lông gần cổ con trâu đực bỗng rùng rùng chuyển động. Hai tai dựng lên, đôi mắt con trâu phút chốc như dại đi rồi bừng lên đầy khí thế.
Ông Vĩnh bắt kịp cái thời khắc cảm khái này để tiếp lời ngay: “Rú rậm truông cao chi mà đường trường xa ngái/Trâu đó ta đây nặng cái ngãi sơn tràng/Mai mốt ta về hạ bạn xênh xang/Rơm thơm cỏ ngọt… xuống Kiến Giang ta đằm…trâu… ơ…i…! Xề…ơ…i…! Giật lên nào!” Những từ cuối, ông Vĩnh hét lên như một mệnh lệnh và, con trâu bất ngờ rướn toàn thân giật mạnh khúc gỗ rất nặng vượt qua được cái sống trâu chắn ngang đường, thuận đà kéo băng ra bìa rừng.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tôi đã đi qua bao truông dài, rú rậm, bao chặng đường chiến tranh và hòa bình, cả khi ấm no và những ngày đói khát, nhưng mỗi lần trở về miền Trung, nhìn lên phía Tây, bắt gặp dãy Giăng Màn (Trường Sơn) hũng vỹ là cái cảm giác xốn xang mà giọng hò lỉa trâu năm xưa của ông Vĩnh lại như ngân vang trong trái tim. Sau này, một lần đọc được tư liệu về những ngày đầu kháng chiến 9 năm ở Nam bộ, chúng ta thu được một khẩu đại bác của quân đội viễn chinh Pháp.
Chiến sỹ ta cho trâu kéo khẩu đại pháo qua bùn lầy. Con trâu gắng sức quá mà đứt ruột chết. Cũng là cái sự vì bạn mà nể nang, mà đánh đổi cả sinh mạng mình. Không biết vùng đồng đất sình lầy ấy có hò lỉa pháo như quê tôi nhờ sức trâu lỉa gỗ. Chỉ biết, ở đó, bây giờ người ta đã xây tượng đài con trâu kéo pháo…
50 năm có lẻ, xa quê, xa hẳn cái lưng trâu mềm mại mà hôi hám. Một ngày về làng, bỗng nhớ cây mưng già trầm mặc bên bờ ao, tiếng chim cu gù cuối xóm và một hình khối gì to đen mà nhẫn nại thấp thoáng trong ký ức, bèn đi lang thang. Làng quê đô thị hóa, đồng bãi bị thu hẹp như không còn hay bởi vì mình lớn lên đi xa gặp nhiều thảo nguyên rộng lớn. Không còn HTX làm chung ăn chung nên vắng hẳn hình ảnh một đàn trâu.
Đi nữa, rồi cũng gặp một hình trâu. Khi tôi bước đến gần với thái độ hết sức thân thiện, chìa bàn tay ra lòng những muốn thì thầm “Trâu ơi ta bảo trâu này…” thì… con trâu giương sừng, lùi lại thủ thế. Mới biết, trên người mình đã phai lạt hẳn mùi trâu rồi.
Ôi, tuổi thơ, có tìm lại được chăng?!
Ảnh đầu bài của Văn Báu
Nguyễn Thế Tường (báo Quảng Bình điện tử)