Tại các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như ở Đông Nam Á, hình ảnh con trâu luôn gắn liền với người nông dân, trở thành một biểu tượng của sức mạnh và tinh thần dũng mãnh.
Những con trâu mang theo chiếc cày gỗ truyền thống chạy đua trên những cánh đồng ở đảo Bali, Indonesia. Ảnh: Wikimedia Commons
Cũng bởi lẽ đó, nhiều phong tục, lễ hội như chọi trâu, đua trâu, tạ ơn trâu… được tổ chức rất phổ biến ở các quốc gia này và mang những giá trị văn hóa riêng biệt.
Lễ hội đua trâu làng ở Campuchia
Vào tháng 10 hàng năm, tại ngôi làng Vihear Sour, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 40 km về phía đông bắc, những con trâu to nhất, khỏe mạnh nhất, sẽ được lựa chọn để tham gia cuộc đua trâu làng, một lễ hội có ý nghĩa bảo tồn truyền thống gần một thế kỷ của “xứ sở chùa tháp”. Đua trâu làng là một phần của lễ hội Pchum Ben, lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer. Trong lễ hội này, người dân trong làng sẽ cưỡi trên lưng những con trâu được trang trí lộng lẫy chạy đua trên một con đường đất hẹp, dài khoảng 500 mét. Xung quanh là hàng nghìn khán giả cuồng nhiệt hò reo cổ vũ.
“Chúng tôi đã khuyến khích các chủ trâu tham gia cuộc đua để bảo tồn truyền thống lâu đời này. Chúng tôi hy vọng có nhiều trâu sẽ tham gia sự kiện này vào những năm tới”, ông Heng Than, Trưởng ban Tổ chức giải đua trâu nói và cho biết người thắng cuộc sẽ nhận được giải thưởng 50.000 riel (khoảng 300.000 đồng) khi tham gia đua trâu.
Yan Than, một người tham gia cuộc đua trâu, cho biết anh đã góp mặt trong lễ hội 10 năm liên tiếp. Đây là một lễ hội nhằm bảo tồn truyền thống của ngôi làng từ những năm 1920.
“Cuộc đua chỉ nhằm mục đích giải trí, không phải để tranh giành thắng thua. Sau mỗi cuộc đua, chúng tôi cưỡi trâu trở về nhà và chúng lại đồng hành cùng chúng tôi trong công việc đồng áng”, anh nói.
Đua trâu là sự kiện vui nhất trong năm của người dân làng Vihear Sour. Không chỉ thu hút người dân địa phương, lễ hội còn tạo không khí phấn khích cho nhiều du khách từ khắp nơi đến tham gia.
Trước đây, có rất nhiều trâu tham gia cuộc đua, nhưng hiện nay số lượng trâu đang giảm dần do nông dân không còn mặn mà với việc nuôi trâu. Hầu hết mọi người đã chuyển sang sử dụng các thiết bị canh tác cơ giới khác để thay thế trong công việc đồng áng.
Lễ hội đua trâu kịch tính ở Thái Lan
Nông dân Thái Lan điều khiển một cặp trâu chạy đua trên cánh đồng ngập nước tại tỉnh Chonburi, Thái Lan. |
Trong số hàng nghìn lễ hội của người Thái, Wing Kwai dường như là lễ hội đua trâu thú vị nhất.
Được tổ chức vào tháng 10 hàng năm tại tỉnh Chonburi, lễ hội truyền thống đã có cách đây hơn 1.400 năm, đánh dấu mùa mưa kết thúc và bắt đầu thu hoạch vụ mùa ở Thái Lan. Người dân tin rằng lễ hội này sẽ giúp trâu khỏe mạnh hơn, giúp mùa màng bội thu và người dân có cuộc sống no đủ hơn.
Theo kinh nghiệm của người đua trâu lâu năm, một con trâu đẹp, đủ tiêu chuẩn tham gia lễ hội phải là con đực, sức khỏe tốt, lông dày, đen bóng, ức rộng.
Sau khi làm công việc đồng áng, trâu sẽ được tuyển chọn, chăm sóc theo chế độ riêng, thậm chí chúng còn được cho uống bia để thêm “hăng máu” trên đấu trường.
Để cạnh tranh công bằng, trâu sẽ được phân loại theo hạng cân, gồm 5 hạng từ những con trâu nhỏ đến những con khổng lồ. Cuộc đua diễn ra trên con đường đất thẳng, dài hơn 1km.
Một con trâu tham gia cuộc đua có thể nặng tới hàng tấn. Chính vì vậy, việc điều khiển loài vật này không phải là điều dễ dàng. Trong khi đó, các tay đua không được mang theo một dụng cụ nào khác ngoại trừ một đoạn dây và một chiếc roi. Tốc độ tối đa mà một con trâu có thể đạt được là khoảng 50 km/h.
Điều này khiến việc giữ thăng bằng trên lưng của con vật khá khó khăn và chỉ những “tay đua” kinh nghiệm mới có thể điều khiển được những chú trâu “chiến binh” này.
“Để trở thành người chiến thắng, trâu sẽ phải phi nước đại để hoàn thành cuộc đua. Nếu chủ trâu ngã xuống, người đó sẽ thua cuộc”, Jai Indramaporn, một nông dân 73 tuổi, cho biết.
Khi trận đua gay cấn kết thúc, trâu thắng cuộc sẽ được vinh danh và chủ trâu sẽ nhận được phần thưởng khích lệ khoảng 9.000 USD. Người dân địa phương cho rằng Wing Kwai là một lễ hội tôn vinh “người bạn của nhà nông”, những con trâu đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền nông nghiệp Thái Lan – một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Hội đua trâu trên đảo thiên đường Bali
Những “chiến binh” trâu được trang trí lộng lẫy, đầu đội vương miện đầy màu sắc tham dự lễ hội Makepung. |
Không chỉ được mệnh danh là hỏn đảo thiên đường của các vị thần, Bali còn là nơi diễn ra lễ hội đua trâu Makepung vô cùng độc đáo.
Bắt nguồn từ đời sống nông nghiệp của người dân trên đảo, từ thời xa xưa, Makepung (có nghĩa là “đuổi bắt”) chỉ là một trò vui tiêu khiển của người nông dân sau những giờ làm đồng mệt mỏi. Giờ đây, lễ hội này được người dân coi là một cách bảo tồn truyền thống văn hóa lâu đời của địa phương.
Các cuộc đua trâu Makepung thường bắt đầu từ buổi sáng sớm. Tại đây, hàng trăm cặp trâu sẽ mang theo những chiếc cày gỗ truyền thống cùng những người nông dân băng qua những cánh đồng bát ngát trên đảo Bali với tốc độ nhanh nhất. Trâu đua được người dân địa phương gọi là “kerbau pepadu”.
Trong các cuộc đua, trâu sẽ đội vương miện đầy màu sắc. Những con vật thường ngày lấm lem bùn đất giờ đây trở thành những chiến binh lộng lẫy, dũng mãnh nhất. Chúng sẽ phải thi đấu trong các vòng đua khác nhau, thường chia thành 3 hạng đua. Chủ trâu và con vật chiến thắng sau đó sẽ được tham dự vòng chung kết cấp tỉnh.
“Cứ mỗi khi vào mùa vụ, người dân lại háo hức đón chờ lễ hội đua trâu Makepung. Lễ hội như gắn kết tình bạn khăng khít giữa người nông dân và những con trâu luôn đồng hành cùng họ”, ông Made Mara, Trưởng ban tổ chức cuộc đua trâu Makepung, chia sẻ./.
Ảnh đầu bài: Những con trâu mang theo chiếc cày gỗ truyền thống chạy đua trên những cánh đồng ở đảo Bali, Indonesia
Hải Vân/Báo Tin tức