Trâu là động vật sinh sống phổ biến ở châu Phi, châu Á, nhưng hiếm gặp ở châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ. Chính vì vậy, hình tượng trâu trong mỹ thuật và văn hóa chủ yếu xuất hiện ở Ai Cập, Ấn Độ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Dù có những hình thức thể hiện khác nhau, nhưng hình tượng trâu ở các nền văn hóa đều có những điểm chung dưới đây.
Sức mạnh
Con trâu, trước hết là biểu hiện cho sức mạnh. Nó là vật nuôi lấy sức kéo trong sản xuất nông nghiệp. Tục ngữ Việt Nam có các câu thể hiện tầm quan trọng của sức trâu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp, “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”, “trâu ho bằng bò rống”… Một số địa phương nước ta như Đồ Sơn, Hải Lựu, Hàm Yên, Phù Ninh, hàng năm tổ chức lễ hội chọi trâu để coi trọng sức mạnh nông nghiệp.
Người Minang Kabau ở đảo Sumatra (Indonesia) thờ totem trâu. Tên của dân tộc này nghĩa là trâu chiến thắng (minang: trâu; kabau: chiến thắng). Sự tích của người Minang Kabau kể rằng ông tổ của họ nhờ một con trâu mà đánh thắng được giặc cướp.
Người Batak (Indonesia) cũng đề cao biểu tượng sức mạnh của trâu. Trong đám cưới, họ tổ chức chọi trâu với mong muốn những đặc tính của con trâu chiến thắng sẽ truyền sang cho những đứa trẻ tương lai.
Truyền thuyết một số dân tộc châu Phi có kể về một con quái vật mình trâu đầu bò tên là Catoblepas. Nó có sừng ở đầu và gai ở lưng, có sức mạnh rất đáng sợ, thậm chí có thể giết chết kẻ thù chỉ bằng hơi thở và ánh mắt. Đối phương có thể sợ quá mà hóa đá nếu nhìn vào đôi mắt của Catoblepas.
Phán xét sau cái chết
Trong Hindu giáo, trâu là vật cưỡi của thần Yama, vị thần của cái chết và công lý. Trong tranh, tượng cổ Ấn Độ, Yama thường được mô tả đứng hoặc ngồi trên lưng trâu, một tay cầm gậy, một tay cầm dây thòng lọng để kéo hồn người chết ra khỏi thân xác. Nơi ở của Yama là địa ngục Naraka, nơi linh hồn người chết phải trải qua quá trình luyện ngục trước khi được tái sinh. Địa ngục Naraka có 7 tầng khác nhau, nơi tra tấn linh hồn người phàm khi họ gây ra các tội lỗi nơi trần thế. Sau khi trải qua quá trình luyện ngục, Yama chịu trách nhiệm dẫn đưa các linh hồn đến 7 tầng ở cõi thiên đường Swarga.
Mối liên hệ giữa Yama và trâu cho thấy biểu tượng trâu góp phần vào sự phán xét con người sau cái chết. Điều này cũng khá gần gũi trong quan niệm tín ngưỡng của người Việt Nam, Trung Quốc, khi những sứ giả “đầu trâu mặt ngựa”, giám hộ của Diêm Vương, thường dẫn lối người chết xuống âm phủ, trừng trị tội lỗi của người ấy đã từng làm lúc trên dương thế với những hình phạt khủng khiếp.
Con đường tu đạo và trí huệ
Trong các tôn giáo phương Đông, trâu thường được sử dụng như một ẩn dụ cho quá trình tu tập, vượt qua khó khăn để đạt đạo. Nó là vật cưỡi của Lão Tử; sau khi truyền đạo xong, ông cưỡi trâu đi về hướng Tây và biến mất.
Đạo Phật cũng có nhiều sự tích liên quan đến trâu. Người ta cho rằng, trong thời gian 49 ngày thiền định của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ông đã được thôn nữ Sujata dâng cúng cháo sữa trâu và nhờ đó sức khỏe được hồi phục nhanh chóng. Phật giáo Thiền tông có bộ tranh-kệ rất nổi tiếng là Thập mục ngưu đồ (Mười bức tranh chăn trâu), tương ứng với 10 bước tu đạo: Tìm trâu, Thấy dấu, Thấy trâu, Bắt trâu, Chăn trâu, Cưỡi trâu về nhà, Quên trâu còn người, Người và trâu đều quên, Trở về nguồn cội, Thõng tay vào chợ.
Trong rừng công án bao la của thiền, không ít trong số đó liên quan đến hình ảnh trâu, ví dụ công án sau:
Mã Tổ Đạo Nhất hỏi đệ tử là Thạch Củng Huệ Tạng:
– Làm việc gì?
Huệ Tạng đáp:
– Chăn trâu.
Mã Tổ Đạo Nhất:
– Làm sao chăn?
Huệ Tạng:
– Một khi vào cỏ thì nắm mũi kéo lại.
Mã Tổ Đạo Nhất:
– Con thật là khéo chăn trâu!”
Trong chiêm tinh phương Đông, trâu được đặt tên cho một ngôi sao thuộc chòm sao Huyền Vũ ở phương Bắc. Sao Ngưu, cùng với sao Đẩu, sao Khuê, là những ngôi sao sáng, thường được ví với trí tuệ cao cả.
Huệ Viên (http://tapchimythuat.vn/)