Trong kinh doanh, con trâu còn được xem là đầu cơ nghiệp. Trong tuổi thơ của những người lớn lên từ đồng ruộng, ai cũng có ký ức về những buổi chăn trâu, vui đùa, phơi áo trên lưng trâu, cùng hát hò, cùng tắm với trâu và cùng thả tiếng sáo vi vu hòa lẫn tiếng kêu gọi đàn giữa đồng xanh bát ngát.
Với tôi, con trâu ấn tượng mãi trong tiềm thức còn bởi vì bài hát đã đi vào lòng người suốt mấy chục năm qua của nhạc sĩ Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ ! Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao… ”. Thế nhưng, trong công việc bào chữa của mình, có một vụ án liên quan đến câu chuyện con trâu cũng đã khiến tôi rất ấn tượng, xen lẫn cả day dứt, băn khoăn đến khó quên… Những người trong vụ án đều là những người có mối quan hệ tương thân, láng giềng xa gần. Gia đình họ là những người có nhiều công sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Vậy mà…
Vụ án xảy ra vào lúc 00 giờ 30 phút tại một quán nhậu ở khu vực ngoại thành, thành phố Hồ Chí Minh. Một số thanh niên là con cháu của chủ nhà (người cho thuê mặt bằng bán quán) có mời hai cô tiếp viên của quán, là Vy và Huyền, cùng ngồi “lai rai”, dù hai cô này đang chuẩn bị ra về vì quán đã đóng cửa. Khi đó, ông Chương chủ quán- cũng là chú của Vy, cùng hai thanh niên tên Sơn và Hoàng (anh em của Vy) đến tìm và gọi Vy về vì đã quá khuya. Lúc này, có lẽ do có chút sương sương của men rượu, một người tên Phong, là con trai của chủ nhà, cũng là người lớn nhất trong nhóm những người ngồi nhậu, đã lớn tiếng gây sự và tìm cách đuổi những người mới đến ra khỏi quán. Đôi bên lời qua tiếng lại, chợt Phong hô hào cả nhóm: “Chém chết nó đi! Đóng cổng không cho đứa nào thoát”. Thế là, ngay lúc đó, những vật gì tiện tay chung quanh, họ đều có thể cầm lên để tấn công những người vừa mới đến. Người cầm dao, người cầm đèn tuýp, có người chỉ dùng tay chân, đấm đá túi bụi… Cuộc ấu đả diễn ra tích tắc. Sinh- một sinh viên năm thứ hai của một trường Đại học- đang ngồi chung trong nhóm những người bạn nhậu kia, đứng dậy, cầm hai con dao Thái lan có sẵn trên bàn để gọt trái cây, chạy đến tấn công Sơn đang đứng cạnh đó. Sơn bỏ chạy ra phía sau nhà, Sinh đuổi theo, đến lúc không thấy Sơn nữa thì quay về hỗ trợ cả nhóm tiếp tục tấn công Hoàng- người đi cùng Sơn. Chợt Vy la lên: “Đó là anh của em!”. Cùng lúc, có một số dân phòng và công an xã đến hiện trường nên mọi người dừng lại. Sau đó, đám đông giải tán, mọi người đổ xô đi tìm Sơn. Trên đường về, các dân phòng thấy Sơn nằm bất động trên một rảnh nước, người đầy máu ở các vùng ngực, vùng cổ. Sơn chết trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đều bị kết tội “giết người” có đồng phạm. Câu chuyện nghe không có gì liên quan đến con trâu, chỉ khi nghe lập luận bào chữa của các luật sư vấn đề mới được đặt ra.
Biên bản giám định pháp y kết luận: “Nạn nhân Sơn chết do mất máu không hồi phục do đa chấn thương” và giải thích các vết thương và nguyên nhân gây ra cái chết là do vật sắc nhọn gây ra, chứ không phải do vật có bờ nham nhở (sau này được hiểu là sừng trâu), dẫn đến vết rách da 4×1,5cm từ ngực phải xuyên thấu thủng phổi phải, thủng tim làm chảy máu nặng, gây chết người.
Câu hỏi được đặt ra: Nạn nhân chết do dao đâm hay do trâu chém ? Luật sư bào chữa cho bị cáo Sinh cho rằng trong quá trình nạn nhân Sơn bỏ chạy khỏi sự truy đuổi của Sinh, đã trèo vào chuồng trâu và bị trâu húc. Đồng thời, tại xung quanh chuồng trâu chỉ có vết chân người đi vào, không có vết chân người đi ra, và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố các bị cáo không phạm tội “giết người”. Tuy nhiên, theo suy luận của luật sư bên bị hại: khi bị hại chạy về phía chuồng trâu trong tình trạng đã bị đâm và té ngã ngay phía ngoài chuồng trâu, nên không thể cho rằng nạn nhân bị trâu húc, hơn thế, trên sừng trâu không có vết máu, không có nhân chứng thấy trâu húc nạn nhân, và nền chuồng trâu không có vết chân người, chỉ có vết chân trâu. Người chủ cột trâu trước khi nhốt trâu vào chuồng cho rằng, dây cột dài chỉ một mét không đủ độ dài cử động để trâu có thể húc vào người.
Nội dung tranh luận cứ thế từ phiên tòa sơ thẩm đến phúc thẩm, câu hỏi đặt ra là có hay không hành vi giết người? Nạn nhân chết do dao đâm hay do trâu húc? Bằng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan điều tra, giám định pháp y và những lời cáo buộc đầy thuyết phục của Viện kiểm sát… cũng không thể giải tỏa những quan điểm mâu thuẫn, xung đột giữa hai phía. Gia đình phía bị cáo cho rằng việc gây ra cái chết cho nạn nhân là “tại con trâu”. Phía bị hại cho rằng vết thương là do dao đâm. Tại phiên xét xử phúc thẩm, tòa tuyên y án sơ thẩm, theo đó, bị cáo Sinh, người trực tiếp cầm dao truy sát Sơn bị tuyên phạm tội “giết người” với mức án chung thân, các bị cáo khác từ 4 đến 18 năm tù giam.
Tôi không muốn lạm bàn chuyện vụ án đã qua với nhiều vấn đề tranh cãi, thu hút không ít sự quan tâm của dư luận và báo chí. Nhưng, nhân ngày Tết Kỷ Sửu, chỉ xin được chia sẻ đôi dòng bởi những ấn tượng khó quên về hình ảnh con trâu. Tôi biết, từ vụ án này, trong những ngày Tết năm nay, có những gia đình sẽ thiếu vắng những người cha, người con vì họ đang vướng vòng lao lý. Những ngôi trường sẽ vắng bóng vĩnh viễn những sinh viên, học sinh dù họ có là tội phạm hay nạn nhân của hành vi vi phạm pháp luật. Và lại có thêm một gia đình đã vĩnh viễn mất đi sự hiện diện của đứa con thân yêu của mình bởi hành vi và tệâ nạn bạo lực trong xã hội.
Chúng ta đã nói về bạo lực gia đình, trường học, thế nhưng những hành vi bạo lực trong xã hội vẫn đang nhởn nhơ, thách thức cuộc sống của mỗi chúng ta cứ hiển nhiên tồn tại. Câu chuyện vụ án trên đã khép lại, cái chết của nạn nhân do trâu húc hay do bị dao đâm, có lẽ lương tâm người trong cuộc là có kết luận chính xác nhất. Chỉ có cái chuồng trâu định mệnh kia, với những con trâu vẫn vô tư ngày ngày ra đồng, đến giờ lại vào chuồng, chúng không đủ trí khôn để biết rằng cái giá trị hình ảnh của mình, đã được sử dụng như một công cụ pháp lý trong vụ án thương tâm này, và cũng đã làm đổ vỡ những quan hệ láng giềng vốn đã rạn nứt trước tác động khôn lường của xã hội. Về mặt pháp lý, tội danh đã được các cơ quan chức năng khẳng định, nhưng về mặt đạo lý, tôi vẫn cảm thấy quặn thắt và đau đáu trong lòng, khi chợt nhận ra chuẩn mực của lòng nhân ái đang bị tổn thương trầm trọng trong xã hội của chúng ta. Nơi mà ranh giới giữa cái có và không, cái thiện và ác, cái được và mất chỉ là những khoảng cách rất mong manh. Nơi mà có những con người có thể dễ dàng tước đi mạng sống của người khác vì những lý do đơn giản đến ngỡ ngàng!?
Tôi chợt nhớ về làng quê yêu dấu của mình, với đâu đó tiếng gọi “nghé ọ” của những con trâu cất tiếng kêu lạc lõng trong màn sương tĩnh lặng giữa đêm khuya, rồi tiếng gọi của thiên nhiên… đánh thức những người nông dân chuẩn bị cho buổi sớm mai ra đồng. Tôi tự hỏi, làm sao để đánh thức lòng nhân ái của con người khi hình ảnh thanh bình của làng quê thân thương ấy đã mất dần đi theo năm tháng?
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Luật sư Trần Thị Phụng (www.hcmcba)