Răn dạy, trả ơn trâu trong văn hóa Thái

Răn dạy, trả ơn trâu trong văn hóa Thái: “Ngựa là tiên bị giáng trong cõi thế, trâu là phật bị đày dưới dương gian” (Trương Trào). Trâu loài vật “ăn chay” hiền lành, chịu thương, chịu khó. Trâu gắn với nền văn hóa lúa nước, giữ vị trí cốt yếu trong sản xuất và đời sống kinh tế của cư dân nông nghiệp. Tục ngữ Thái có câu: “Tô quai tai hươn” (Con trâu là cái nền nhà). Do đó, họ coi trâu như một thành viên của gia đình, mường bản.

Văn hóa lúa nước gắn với việc sử dụng sức kéo của trâu, bò. Nhưng trâu được sử dụng nhiều hơn cả. Trâu là người bạn gần gũi và sớm có mặt trong đời sống văn hóa tinh thần của những cư dân trồng lúa nước. Ðã là cư dân lúa nước thì luôn yêu và coi trọng trâu. Tuy nhiên ở mỗi dân tộc lại có những cấp độ “trọng” và “cư xử” khác nhau đối với người bạn của mình.

Dân tộc Thái sống ở lòng thung, gắn với nghề trồng lúa nước sớm biết sử dụng trâu thay sức người làm công việc đồng áng.

Trong vỉa tầng văn hóa dân gian cũng như đời sống tâm linh dân tộc Thái, hình tượng con trâu được nhắc đến khá nhiều.

Xá cày mở đất và con trâu khổng lồ của “Ải Lậc Cậc” đã để lại bốn bình nguyên trên núi “Thanh, Lò, Than, Tấc” ở Tây Bắc.

Nếu như người Kinh coi trâu là thân hữu của nhà nông: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa”. Thì người Thái cũng coi trâu là một thành viên của cộng đồng, gia đình mình: “Làm nương thay cô/ Xuống ruộng thay mẹ/ Cho người già ở nhà”.

Trâu còn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của dân tộc Thái. Là con vật hiến tế trong lễ hội Xên bản, Xên mường, ma chay, cưới hỏi. Ðặc biệt trong lễ hội Xên bản, Xên mường, nghi lễ chém trâu để hiến tế thần linh là nghi lễ bắt buộc và phải là cặp trâu đen – trắng cỡ từ mười tuổi trở lên. Trong đó trâu trắng được coi là con chủ đạo để con người gửi gắm niềm tin thiêng liêng, sự cầu mong an lành, hạnh phúc cho bản mường tới các thần linh.

Hiểu rõ vị trí quan trọng của con trâu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần, nên trong văn hóa truyền thống người Thái rất trọng và biết ơn công lao của trâu.

Tết “Xíp xí” vào ngày 14 tháng 7 âm lịch. Theo lịch Thái cổ ngày này là rằm tháng Giêng. Cũng giống như người Kinh quan niệm: “Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, người Thái coi trọng tết này. Ðiều đáng nói, nghi lễ đầu tiên của ngày tết Xíp xí gắn liền với việc trả nghĩa cho trâu. Sáng sớm trẻ em đưa trâu đi tắm rửa sạch sẽ, chủ nhà trang trọng đeo chiếc vòng bạc vào sừng của con trâu đầu đàn và chuẩn bị một mâm lễ vật gồm có: Một con gà luộc chín, một bát cơm, một bát gạo, một đĩa muối, nến, hương, có bao nhiêu trâu thì rót bấy nhiêu chén rượu. Trong lời cúng, với tấm lòng trọng và biết ơn người bạn đã đồng hành suốt mùa cày, bừa vất vả.

Vỗ về, mong trâu hiểu tình cảm của con người với trâu, công lao đóng góp của trâu trong gia đình: “Mời vía của trâu/ Mời trâu ăn nhé/ Rượu cái ăn rất ngọt/ Rượu nấu uống rất ngon/ Ăn cơm ruộng thơm dẻo trắng nõn/ Ăn cơm gạo sạch sẽ trắng ngần/ Nhờ có công cày bừa cho người được ăn cơm/ Mới được thóc ngàn gánh về kho/ Mới có lúa mang về đầy bịch/ Cả gia đình vợ chồng con cái đều được ăn nhờ vào đó/ Có miếng cơm trắng ngon no đủ gia đình mới được ấm cúng trâu ơi!”. Khấn xong, lần lượt từ chủ nhà đến các thành viên trong gia đình đổ rượu, xoa muối vào mồm trâu, bón cơm, thịt gà, cỏ non cho trâu cái trước rồi mới bón cho các con trâu khác.

Việc răn dạy trâu đều được các cư dân nông nghiệp quan tâm, tuy nhiên ở mỗi dân tộc có mức độ khác nhau. Người Kinh thường khái quát và lồng ý tưởng thế sự vào lời dạy: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta/ Cày cấy vốn nghiệp nông gia/ Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/ Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Người Thái xưa làm ruộng một vụ vào mùa mưa. Khi cày cấy xong thường đem trâu thả vào rừng. Trâu là con vật trung thành, coi lao động là nghĩa vụ cao cả, không thoái thác và có trách nhiệm cao. Do đó, đến mùa vụ trâu tự về. Trước khi thả vào rừng cho trâu ăn ngon và dặn dò: “Ăn cỏ qua hai, ba đồi phải nhớ đường quay/ Ăn cỏ qua chín núi, mười đồi chớ quên đường ruộng/ Nhớ đinh ninh/ Nhớ vào ruột thấm vào tim gan/ Nhớ cả đêm lẫn ngày”.

Trong đời sống hàng ngày đến lễ Tết, hội hè dân tộc Thái luôn nghĩ đến trâu và trả ơn người bạn của mình, đó là một nét văn hóa đẹp có ý nghĩa nhân sinh. Tuy nhiên theo dòng biến thiên của văn hóa vật chất, tuy con trâu vẫn gắn với sản xuất lao động của bản mường Thái, nhưng tình cảm, truyền thống trọng và coi trâu là bè bạn đang bị mai một dần. Trong Tết Xíp xí hầu hết các gia đình không có nghi lễ cúng hồn trâu và dâng lễ vật cho trâu. Những lời răn dạy trâu là việc làm thường xuyên của ngày xưa đã không còn./.

Trần Thành – (Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Điện Biên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *