Lệ tục yểm bùa bằng trâu của người Mường: Người Mường thường dùng con trâu trắng để giải hạn, trừ tà. Nếu trong dòng họ xảy ra những chuyện không may mắn, nhiều phụ nữ chửa hoang, nhiều người chết trẻ thì cả họ phải thịt trâu trắng để Khồ ông, nghĩa là giải hạn.
Những đồn thổi về bùa ác – “độc” nhất xứ Mường
Bao đời nay, người dân tộc Mường vẫn thường dùng con trâu trắng để yểm bùa. Họ quan niệm rằng, trong tất cả các con vật, thì yểm bùa bằng trâu trắng khó hóa giải nhất. Người Mường vẫn truyền từ đời này, sang đời khác cho nhau nghe những câu chuyện yểm bùa ác bằng trâu trắng. Chuyện nào cũng mang những nỗi buồn dai dẳng với những liên tưởng không hề tốt đẹp.
Ông Quách Công Tiễn, 72 tuổi, ở xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình kể về nguyên nhân dòng họ mình bị yểm bùa bằng thịt trâu trắng. Nó bắt nguồn từ sự tranh chấp thế đất giữa hai dòng họ Quách Ngọc và Quách Công. Ngọn núi Đống Thả (xã Bảo Hiệu) giống như hình cái đầu rồng. Trên đó, có giếng nước trong vắt như một cái yết hầu, con mương Khèn uốn lượn qua các cánh đồng, các nhánh tỏa chi chít như chân rồng. Nguồn nước sinh hoạt của dân làng được lấy từ giếng nước trên núi Đống Thả. Dòng họ Quách Công cho rằng, giếng nước và núi Đống Thả đã đem lại cho người dân trong họ cuộc sống thịnh trị bao đời nay.
Theo ông Tiễn, dòng họ Quách Ngọc thấy vậy nên ghen ghét, tìm cách hãm hại. Họ phá thế lực thịnh của dòng họ Quách Công bằng cách yểm bùa trâu trắng. “Nội gián” của dòng họ Quách Ngọc đã xúi giục dòng họ Quách Công đào một cái mương để đưa nước đến cánh đồng khô hạn nhằm phá thế hình đất hình rồng. Sau đó, dòng họ Quách Ngọc lại tìm cách trấn yểm con mương Khè bằng bùa trâu trắng.
“Họ bí mật mời thầy cúng về làm lễ, thịt con trâu trắng, thả toàn bộ vào giếng ở núi Đống Thả với mưu đồ làm cho linh khí của nguồn nước tinh khiết biến mất, giếng mất thiêng. Từ đó người ta gọi đó là giếng độc” – ông Tiễn nói. Các cụ của 2 họ vẫn truyền cho thế hệ con cháu nghe về việc yểm bùa ác này làm cho người của 2 dòng họ này hơn 7 thế kỷ qua vẫn không nhìn mặt nhau. Họ khắc cốt ghi tâm mối thâm thù không thể xác định đúng – sai ấy.
Ông Bùi Văn Ểu, 61 tuổi, chuyên sưu tầm văn hóa Mường cho rằng, trong các sách cổ, các cụ già có nhắc đến sức mạnh siêu nhiên của ác hiểm độc bùa, nhất là chuyện thả bùa ác bằng trâu trắng. Đó là “cuộc chiến kinh niên” về bùa ác giữa thôn Mường Ải và thôn Mường Lầm. Chuyện kể rằng, người Mường Lầm chăm chỉ nên mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, người Mường Ải sinh thói ganh ghét, tìm cách hãm hại. Vào mùa khô, đồng ruộng khô hạn, người Mường Lầm rủ người Mường Ải cùng đào con mương dẫn nước về ruộng.
Người Mường Ải không tham gia đào mương chung mà hì hục đào mương dẫn nước về ruộng riêng. Sau đó, họ tháo hết nước về đồng ruộng thôn mình làm cho người Mường Lầm không có nước canh tác, sinh hoạt. Người của hai thôn đã đánh nhau. Người Mường Ải ít hơn, nên đã bị đánh đau và ôm nỗi hậm hực. Họ tìm thầy cũng “cao tay” về yểm bùa ác để chơi khăm người Mường Lầm. Họ trấn yểm bằng ngà voi, nanh hổ và niệm chú với hy vọng, bùa này có sức mạnh gấp mấy lần bùa ác bằng sừng trâu trắng.
Người Mường Lầm biết mình bị yểm bùa đã tương kế, tựu kế bằng cách dùng chiêu yểm độc bằng sừng trâu trắng, rồi thề nguyền: Hai làng không bao giờ kết giao nữa. Nếu hai làng có người lấy nhau, người Mường Ải sẽ phải chết.
Ông Bùi Văn Rẩy, ở xóm Trọng, xã Phong Phú, người được mệnh danh là “thầy bùa” ở đất Tân Lạc (Hòa Bình), tiết lộ về cách yểm bùa ác bằng trâu trắng: “Thầy bùa” nào đi phá giải bùa của người khác mà không phá được, bị phản lại. Bùa ác độc nhất được luyện từ sừng trâu trắng và lời nguyền của người sắp chết sẽ không thể hóa giải được”.
Cũng theo ông Rẩy, lời nguyền thâm hiểm đã để lại bao nhiêu cái chết đau thương. Những mối tình đẫm lệ, tang thương, đôi ngả chia lìa cũng được người dân nơi đây truyền tụng từ đời này qua đời khác. Đó là trường hợp của cô gái Bùi Thị Xộm, ở Mường Lầm có tình ý với anh Bùi Văn Thân ở Mường Ải. Hai gia đình đã không thể ngăn cản được tình yêu của đôi trẻ. Họ lấy nhau nhưng người chồng trẻ đã ngã bệnh, ốm chết. Nhìn gương đó, chẳng đôi trai, gái nào ở hai thôn này dám yêu nhau. Họ sợ sự trùng hợp ngẫu nhiên cùng với điều cấm kỵ trước đó dẫn đến hậu quả đau lòng.
Chỉ là những câu chuyện dân gian, với nhiều yếu tố mê tín dị đoan
Ông Bùi Văn Ịa, trưởng thôn Lầm, xã Phong Phú (Tân Lạc, Hòa Bình) cho biết: “Lời đồn âm thầm truyền tụng từ đời này qua đời khác đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhiều đôi trẻ yêu nhau, nhưng không dám vượt qua lời nguyền bị trừng phạt, cuối cùng chia ly, thậm chí quên sinh”.
Ông Bùi Văn Xuân, cán bộ văn hóa xã Phong Phú (Tân Lạc, Hòa Bình), cho biết: “Đó là những câu chuyện dân gian. Đồn thổi thái quá làm người dân hoang mang. Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, nhận thức của người dân không cao, vì không thể giải quyết những công việc vượt ra khỏi tầm nhận thức của họ, họ lại dựa vào sức mạnh của thế lực siêu nhiên nên mới tin chuyện bùa mê, tà chú. Bây giờ, chất lượng cuộc sống tốt hơn, trình độ dân trí được nâng cao thì những chuyện mê tín, dị đoan sẽ không còn nữa”.
Theo lý giải của các chuyên gia chăn nuôi, trâu có da màu trắng tuyền là do đột biến gen. Người xưa không biết nên cho rằng nó quái dị, xui xẻo. Yểm bùa ác bằng trâu trắng chỉ là những lời đồn mê tín dị đoan, gây hoang mang cho người dân.
Ảnh đầu bài: Trâu được đồn đoán làm bùa “độc” nhất xứ Mường.
Hoàng Thế Tào (Người đưa tin Pháp luật)