Ai bảo chăn trâu là khổ…qua con mắt các họa sĩ

“Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ…”. Nhiều thế hệ người Việt đã nằm lòng bài học Chăn trâu, trong cuốn sách đầu đời Quốc văn giáo khoa thư. Và dòng ký ức tuổi thơ ấy, nơi “tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng”, không hẹn mà nên cùng trở lại trong miền nhớ với những bức tranh con giáp mà các họa sĩ – những cộng tác viên vô cùng thân thiết gửi tặng giai phẩm Nhân Dân hằng tháng chào năm mới Tân Sửu 2021, như một lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và bình an.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền:  Thanh bình bên “Mục đồng thổi sáo

Mỗi khi nghĩ đến con trâu, tôi lại thấy hiện lên trong tâm trí cái cổng làng thân thuộc cùng những thửa ruộng xanh mướt ở một miền quê thanh bình nào đó. “Con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã trở thành hình ảnh đặc trưng cho nền văn minh lúa nước từng gắn bó máu thịt với chúng ta cả nghìn đời nay. Chú trâu hiền lành chất phác, cần cù lao động đã song hành suốt chiều dài lịch sử, đã một nắng hai sương chia sẻ cả ngọt bùi lẫn gian khó với người nông dân. Thủy chung, tận tụy vô điều kiện.

Trong bức tranh khổ nhỏ (24,5 x 22,5 cm, acrylic trên giấy) của tôi cũng có “mục đồng thổi sáo”, như tác phẩm quen thuộc cùng tên của làng tranh dân gian Đông Hồ. Nâu trầm, xưa cũ cái cổng làng thấp thoáng phía sau. Giữa bạt ngàn những cánh sen hồng – quốc hoa của dân tộc Việt, giữa dập dìu những chim cùng bướm, giai điệu đồng quê dặt dìu lan tỏa giữa đồng xanh bát ngát. Đào thắm, mai vàng đón Xuân không hiện hữu cụ thể, mà ẩn sau sắc màu đại diện của những cái xoáy trâu điệu đà, như những họa tiết trang trí được cách điệu nhẹ nhàng. Là phụ nữ, tôi thổi góc nhìn đầy nữ tính vào hình tượng trâu. Con trâu trong tranh tôi mang vẻ đẹp hiền hòa, nhân ái.

Chia tay Canh Tý, đón chào Trâu vàng Tân Sửu, xin được chúc mọi người cùng mọi nhà một năm mới sức khỏe, bình an, thịnh vượng và may mắn. Và cầu cho đại dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi, để thế giới này lại tràn đầy hạnh phúc, no ấm và bình yên.

 Họa sĩ Phạm An Hải:  Giấc mơ thịnh vượng gửi gắm cùng “Trâu Tân Sửu”

Ai bảo chăn trâu là khổ... -0

Trâu gắn bó vô cùng mật thiết với người nông dân trong suốt cuộc đời. Năm mới Tân Sửu khơi gợi cảm hứng cầm cọ trong tôi, thôi thúc tôi thể hiện linh vật của năm bằng ngôn ngữ tạo hình cùng bảng màu ấm áp của mình. Hỏa sinh Thổ trong mối quan hệ tương sinh ngũ hành nên tôi chọn mầu đỏ đặc trưng của hành Hỏa làm gam chủ đạo trong bức tranh con giáp chào Xuân mang cái tên giản dị “Trâu Tân Sửu”.

Qua góc nhìn phong thủy, những đứa trẻ chào đời trong năm mới 2021 sẽ mang mệnh Bích thượng thổ. Mang nghĩa đất tò vò – đất trên vách, loại đất này có trọng trách chở che, bao bọc nhằm mang lại cuộc sống bình yên, an toàn và thịnh vượng. Đó cũng là lý do nâu đất được chọn làm mầu nền cho tranh. Và tạo hình chú trâu, tuy vẫn trung thành với phong cách trừu tượng xuyên suốt của cá nhân tôi nhưng đã mang ngôn ngữ đơn giản, để người xem dễ dàng thưởng thức.

Một chú trâu mang nhiều nét tinh hoa được chắt lọc từ vốn cổ dân tộc. Họa tiết Như ý, Triện trong đình chùa, cờ phướn tưng bừng sắc mầu lễ hội. Sau một năm cả nhân loại lao đao vì dịch bệnh cũng như thiên tai, cảm xúc phấn khởi, vui tươi cùng góc nhìn lạc quan, đầy tích cực về một tương lai hạnh phúc ngập tràn là điều tôi mong muốn chuyển tải qua bức tranh khổ 40 x 50 cm, với chất liệu acrylic trên toan này.

 Họa sĩ Nguyễn Văn Đức: Cùng đón chào “Xuân mới”

Những tháng ngày tuổi thơ tôi luôn gắn chặt với chú trâu lành hiền, chịu thương chịu khó. Ngoài giờ học, lang thang trên đồng ruộng, nô đùa cùng bè bạn hay vừa cưỡi trâu vừa thổi sáo, thả diều là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi.

Ai bảo chăn trâu là khổ... -0

Bởi thế, chào đón một năm mới Tân Sửu, nghênh đón chú Trâu Vàng theo quan niệm dân gian, tôi dự định cho ra mắt bộ tranh Trâu ngũ hành gồm năm bức. Tác phẩm mà tôi gửi tặng độc giả Nhân Dân hằng tháng có tên “Xuân mới” (73 x 92 cm, acrylic trên toan). Mùa Xuân mới đang đến, trong hình hài khỏe khoắn, vâm váp đầy dữ dội của chú trâu cổ vại. Sắc đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, mạnh mẽ, nóng bỏng và tạo sự va đập tức thời về thị giác. Thế nhưng, vẻ ngoài ấy, sắc mầu ấy vẫn không thể che lấp vẻ hiền lành, thân thiện vốn dĩ của trâu, khi nhẫn nại để chú chim nhảy nhót trên đầu, khi hiền từ để lũ trẻ chơi trốn tìm dưới bụng.

Tôi vốn thiên về phong cách sáng tác đồng hiện, nhằm kết hợp và tái hiện cùng lúc nhiều không gian khác nhau. Tạo hình ôm chứa yếu tố đồ họa, họa tiết cách điệu hoa lá trong vốn cổ cùng sự kết hợp hình tượng mặt trời – trâu cũng là cách tôi dụng công tạo sự hài hòa về mầu sắc và bố cục cho tranh.

Tết đến, hoài niệm ùa về nhắc nhớ bao kỷ niệm không thể quên với người bạn thân thiết đã bên tôi suốt những tháng năm thơ bé. Nâng niu, khơi nguồn cảm hứng từ chúng cũng chính là phương cách hữu hiệu giúp ta sống tốt hơn, biết trân trọng hơn những gì đang có.

 Họa sĩ Lê Trí Dũng: Hạnh phúc với “Mục đồng cưỡi trâu”

Chiều cuối năm bâng khuâng, ngẫm ngợi bao điều về năm mới Tân Sửu đang khẽ khàng về bên ngưỡng cửa. Trâu nhẫn nại, chịu thương chịu khó cùng người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng, để mang lại nồi cơm ủ trong tro ấm.

Ai bảo chăn trâu là khổ... -0

Chẳng hiểu vì sao, trong dòng chảy ký ức của tôi luôn hiện diện hình ảnh một lão nông giong chú trâu ra đồng buổi ban mai, với chiếc bánh chưng cỡ đại treo toòng teng trên cổ. Ngồi nghỉ bên bờ ruộng, lão chậm rãi bóc chiếc bánh, chậm rãi chia sẻ cùng con trâu mùi vị của cái Tết no đủ gói ghém trong tấm bánh cổ truyền. Cứ mỗi lần đặt bút vẽ tranh Trâu, tôi lại nhớ tới vẻ mãn nguyện đầy hạnh phúc của cả người và vật. Con người không coi trâu như một công cụ hỗ trợ sản xuất đơn thuần. Trâu là bạn, trâu như một thành viên không thể thiếu của cả gia đình. Trâu chiếm vị trí vô cùng quan trọng, “con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Bởi thế, chú bé trong tranh mới hái cái lá sen to để che nắng cho mình và cả cho trâu. Còn con trâu đen bóng đã dành cho cậu chủ biểu cảm yêu thương rất đỗi dịu dàng. Dáng nằm thảnh thơi, đầy tin cậy trên lưng trâu của chú mục đồng sẽ gợi cho người xem nhớ tới bức tranh dân gian Đông Hồ có tên “Chăn trâu thả diều”, với quang cảnh thanh bình quen thuộc. Với bức “Mục đồng cưỡi trâu”, khổ tranh 30 x 44 cm, chất liệu acrylic trên bìa vân, tôi muốn gửi gắm lời chúc bốn phương hanh thông thịnh vượng, chăm chỉ cày bừa để nhận lại những vụ mùa trĩu hạt, ấm no. Tân Sửu là Trâu Mới mà. Trâu mới thì mọi sự cũng đều phải mới. Tôi tin thế!

Đàm Bảo Ngọc (Nhân dân hằng tháng)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *