Vẽ trâu từ những giấc mơ mục đồng

Vẽ trâu từ những giấc mơ mục đồng: Vẽ trong nỗi nhớ, trong văn thơ, lời hát hay tranh thì có lẽ không một người Việt nào lại không “vẽ” trâu ít nhất một lần trong đời. Dẫu ai đó xuất thân từ thành thị hay nông thôn thì hình ảnh con trâu vẫn cứ quen thuộc như từ trong tiềm thức. Và như thế không loại trừ có người đã vẽ trâu từ trong những giấc mơ.

Vẽ trâu từ những giấc mơ mục đồng
Vẽ trâu từ những giấc mơ mục đồng

Vẽ trâu từ những giấc mơ mục đồng:Nhắc đến tranh trâu thì không thể không nói đến Thập mục ngưu đồ (10 bức tranh chăn trâu), mà chúng ta có khi được thấy ở các ngôi chùa, dẫu rằng theo nhiều tư liệu thì tác phẩm này có xuất xứ từ thời Nam Tống (1127-1279), được các thiền sư Trung Hoa vẽ. Ở VN, bộ tranh Thập mục ngưu đồ được phát hiện vào năm 1721, có kèm theo luận giải tụng của thiền sư Thích Quảng Trí. Năm 1972, Nhà xuất bản An Tiêm (Sài Gòn) có ấn hành bộ tranh Thập mục ngưu đồ do Trúc Thiên sưu tập.

Theo ấn bản này, có hai phần tranh chăn trâu khác nhau, đó là bộ tranh trâu tiệm hóa (còn gọi là tranh Đại thừa) và tranh trâu toàn đen (còn gọi là tranh Thiền tông). Bộ tranh tiệm hóa mô tả hình ảnh con trâu đen biến dần thành trắng, như là quá trình tu tập; còn bộ tranh trâu toàn đen thể hiện bản chất như nó vốn có, vấn đề là con người có chế ngự được nó hay không mà thôi. Nhưng tại sao Phật giáo mượn hình ảnh con trâu để nói đến chăn tâm mà không phải con vật khác?

Theo luận giải nhà Phật, trâu tượng trưng cho năm giác quan: mắt, mũi, miệng, tai và da thịt; mục đồng là thân còn hành động chăn là ý thức. Dùng tâm (trâu) để chăn thân (mục đồng) hay ngược lại, là điều gửi gắm cốt lõi của triết lý nhà Phật. Cho nên nói đến tranh trâu thì không thể tách rời hình ảnh mục đồng. Cuối cùng là trâu thuần, còn người thì an vui “thõng tay vào chợ”.

Trong cuộc sống đời thường, hình ảnh mục đồng ngồi vắt vẻo lưng trâu đọc sách hay thổi sáo đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp nông thôn thanh bình. Khi được Công ty truyền thông Nhã Nam giao nhiệm vụ vẽ logo sách, họa sĩ Hữu Khoa (còn có bút danh biếm họa là Khoái, Còm) đã vẽ một mục đồng ngồi lưng trâu đọc sách cách điệu trông rất đẹp. “Đọc sách theo cách thức truyền thống” – cũng là thông điệp mà Nhã Nam gửi gắm qua logo này.

Nhưng tại sao là trâu mà không phải bò? Ở nông thôn, chăn trâu hay chăn bò về tính chất công việc đều giống nhau. Song có lẽ gọi chăn trâu nghe “sang trọng” hơn chăng, hay “con trâu là đầu cơ nghiệp” trong quan niệm dân gian? Ví như bài thơ Chăn trâu đốt lửa của thi sĩ Đồng Đức Bốn, nếu thay chữ trâu bằng chữ bò thì tứ thơ vẫn không thay đổi gì mấy, nhưng rõ ràng chữ chăn trâu nghe “sướng” hơn chăn bò nhiều…

Họa sĩ VN vẽ tranh trâu không hẳn là ít, nhưng hầu như chỉ là những nét chấm phá từ ký ức, còn vẽ thành vệt tạo dấu ấn cũng chỉ vài ba người như Lưu Công Nhân, Nguyễn Tư Nghiêm, Thành Chương, Nguyễn Văn Cường… Khi nói về cuộc đời làm nghệ thuật của mình, họa sĩ Lưu Công Nhân bảo: “Cả đời tôi chỉ vẽ được mỗi con trâu”. Đó là những bức tranh trâu được vẽ từ những chuyến thực tế nông thôn miền Bắc của Lưu Công Nhân từ những năm 1950-1980.

Xem tranh trâu của Lưu Công Nhân lòng chợt dấy lên một tình cảm ấm áp, gần gũi lạ thường. Chỉ là những bức tranh tả thực nhưng đẹp như đường nét của cảm giác. Nguyễn Tư Nghiêm thì vẽ tranh trâu theo kiểu lập thể, Thành Chương cũng theo lối ấy nhưng màu sắc tươi tắn như tranh tết. Còn Nguyễn Văn Cường vẽ trâu theo trường phái ấn tượng và sử dụng màu đỏ làm màu chủ đạo, nên tranh của ông còn được gọi là tranh “trâu đỏ”.

Vẽ trâu từ những giấc mơ mục đồng

Dẫu mỗi họa sĩ có cách vẽ tranh trâu khác nhau, nhưng hầu hết đều gặp ở một điểm là họ vẽ từ ký ức làng quê tuổi thơ. Người xem tranh trâu như đang đi ngược thời gian, trở về nơi làng quê cũ. Có một diều gì đó còn hơn sự gần gũi, là sự tin yêu, nơi con trâu từ đời sống đến tranh vẽ. Và có thể với nhiều người giấc mơ mục đồng dong trâu giữa thanh bình vẫn là một giấc mơ đẹp nhất trong đời.

TRẦN NHÃ THỤY

__________________

Ở đất nước Việt Nam thuần nông đã nghìn năm, con trâu là gia súc thân thuộc bậc nhất của người nông dân, thậm chí “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là mơ ước “ruộng sâu, trâu nái” của nhà nông nên không lạ khi trâu là đối tượng nghệ thuật tạo hình của người Việt từ cổ chí kim. Trên vách hang Đồng Nội thuộc nền văn hóa Hòa Bình cách nay chừng mười nghìn năm đã có bộ mặt con thú ăn cỏ với cặp sừng cong, mũi to, mắt lớn, miệng rộng. Tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh) được tạc từ thời Bắc thuộc. Trâu là hình chạm khắc trang trí quen thuộc ở đình, chùa miền Bắc nhiều thế kỷ trước, được vẽ trên tranh dân gian, đặc biệt là tranh tết của làng Đông Hồ.

Trâu còn được các họa sĩ Việt Nam vẽ rất nhiều, kể cả những họa sĩ đương đại và chủ yếu là các họa sĩ ở miền Bắc. Hẳn là sinh hoạt nông thôn với “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã in dấu đậm nét trong cuộc sống của nhiều họa sĩ miền Bắc ngay từ thời thơ ấu, cả trong những năm tháng chiến tranh, khi nhiều gia đình ở phố phường phải về nông thôn sơ tán. Trong khi đó, phần đông họa sĩ miền Nam sống ở đô thị nên thật hiếm hoi trong tranh của họ có hình ảnh con trâu được vẽ cận cảnh, như một đối vật, có chăng chỉ là đôi nét trong một bức phong cảnh đồng quê…

Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Mai Văn Nam… đều vẽ trâu. Trong một bức thiệp chúc tết vẽ năm Ất Sửu 1985, ba năm trước khi qua đời, Bùi Xuân Phái thật hóm hỉnh khi vẽ trên lưng trâu một anh chàng bảnh chọe với veston, cà vạt, giày da. Nguyễn Sáng mô tả cuộc chọi trâu bằng phấn màu cực kỳ hiện đại. Những con trâu “dọc đường kháng chiến và bình yên” của Lưu Công Nhân dung dị nhưng cho thấy kỹ thuật vẽ aquarelle (màu nước) điêu luyện của ông.

Lê Thiết Cương vẽ trâu đầy sắc màu với cách nhìn ngộ nghĩnh của hội họa cực thiểu. Hà Trí Hiếu với mảng tranh nông thôn đầy ắp trâu, có khi chúng cùng hát với mục đồng. Phạm Quang Vinh, Quách Đông Phương, Hoàng Phượng Vỹ… cũng không bỏ qua hình ảnh chú trâu bè bạn tuổi thơ.

Con trâu còn là đề tài không cạn trong tranh Thành Chương, cả bột màu, sơn dầu lẫn sơn mài. Tác giả đã có một tuổi thơ sống bên cạnh trâu, vui đùa, ăn ngủ cùng trâu, nên con trâu của ông nặng trĩu tình cảm và được thể hiện chẳng khác gì con người. Theo Thành Chương, con trâu trong tranh của ông “là con vật cực kỳ quan trọng trong cuộc sống làng quê được mô tả theo cách của Việt Nam”.

Chăn trâu – tranh tết Đông Hồ
Hình đầu bài: Tết Ất Sửu – tranh bột màu Bùi Xuân Phái
TTX Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/ve-trau-tu-nhung-giac-mo-muc-dong-298346.htm)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *