Trong 12 con giáp, đa phần các con giáp đều có gắn với một môn công phu nào đó, tuy nhiên Trâu (Sửu) lại không được nhắc đến ở bất kỳ môn công phu nào.
Theo ý kiến của các chuyên gia võ thuật, nguyên nhân là bởi con trâu trên thực tế là loài vật to lớn nhưng chậm chạp, hiền lành, ít đánh nhau. Và nếu có đánh nhau, mảng miếng chính của trâu cũng chỉ là dùng cặp sừng sắc nhọn để húc. Do vậy, các võ sư ít chú ý đến trâu để chế tác thành các môn võ riêng biệt.
Tuy vậy, bản lĩnh trâu trong võ thuật liệu có đơn giản như vậy? Trong dòng chảy biến thiên của lịch sử, võ thuật dần có sự biến đổi, cách tân nhằm phù hợp với thời đại. Theo thời gian, những công phu bản lĩnh của loài trâu ngày càng được đề cao nhiều hơn.
Trong võ thuật hiện đại, tượng hình trâu mặc dù không xuất hiện nhiều trong các bài quyền nhưng động tác húc nhau của trâu lại được mô phỏng và sử dụng vào một số kỹ thuật chiến đấu cận chiến rất thực dụng, nguy hiểm. Trong đó, đặc sắc nhất là các kỹ thuật đánh cùi chỏ.
Trong SUMO, các võ sĩ khi lòng tay tư phải giữ thế vững vàng, kín kẻ. |
Thông thường, khi đánh nhau, trâu mặc dù không nhanh nhưng lại có một thế đứng và thân pháp hết sức vững vàng. Khi lao vào đối thủ, trâu dùng đôi sừng nhọn của mình để “thử độ cứng” của đầu hoặc sừng đối phương.
Động tác dạo đầu này khá giống với kỹ thuật của các đô vật khi bắt đầu xáp nội, “lòng tay tư” và tìm hiểu đối thủ. Trong giai đoạn tìm hiểu này, các đô vật luôn phải tạo ra một trạng thái cơ thể thăng bằng và tấn pháp vững vàng thì mới không bị đối thủ “bắt vía”, nhìn được sơ hở để triển khai những mảng miếng tấn công sau đó.
Trong võ thuật phương Đông truyền thống, tấn pháp được xem là yếu tố cơ bản nhất và hết sức quan trọng. Một môn sinh khi bắt đầu tập cho đến khi thành thạo một bài quyền nào đó, yếu tố bắt buộc là phải luyện cho được một tấn pháp vững chắc với các bộ tấn cơ bản như trung bình tấn, trảo mã tấn, đinh tấn, xà tấn…
Từ việc có thể đứng tấn tốt, môn sinh sau đó mới có thể học lên cao hơn và thực hiện được các đòn đấm, đá một cách vững vàng, đúng kỹ thuật. Nhìn rộng ra trong 12 con giáp hoặc so với một số loài vật thường được mô phỏng trong võ thuật, có lẽ trâu chính là con vật đạt được sự thượng thừa về thế đứng (tấn pháp) – chậm rãi, khoan thai, nhưng hết sức vững chắc.
Không chỉ có vậy, những mảng miếng lắc, lách, cạo, húc cặp sừng nhọn khi đánh nhau với đồng loại hay những loài vật khác của trâu giờ đây cũng đã được các võ sĩ nghiên cứu kỹ và tái hiện thông qua các kỹ thuật đánh chỏ: Chỏ ngang, chỏ cắm, chỏ tước, chỏ lệch. Đây là những kỹ thuật cận chiến hết sức lợi hại trên các võ đài ở những môn võ như MMA, Muay Thái…Đối thủ chỉ cần dính một đòn nào trong số đó sẽ dễ dàng bị hạ knock out.
Những đòn chỏ hết sức lợi hại khi đánh cận chiến. |
Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, môn phái Bình Thái Đạo cũng được xem là một môn phái rất nổi tiếng trong giới võ thuật. Đây là môn phái có xuất phát từ khu vực làng An Thái, một trong những vùng đất võ nổi tiếng của Bình Định.
Bình Thái Đạo gắn liền với tên tuổi của cụ Sáu Tàu (tên thật là Diệp Trường Phát), cố võ sư huyền thoại của đất võ Bình Định, người có ảnh hưởng rất lớn đến việc tạo nên tiếng vang của “quyền An Thái” trong võ lâm.
Sinh thời, khi lập ra môn phái Bình Thái Đạo, cụ Sáu Tàu lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái. Điều này bắt nguồn từ việc suy tưởng, nghiền ngẫm của cụ về bản chất tốt đẹp của loài trâu, rồi sau đó đúc kết thành giáo điều, môn quy của môn phái. Giáo điều gồm 5 điều: Nhẫn nại, đoàn kết, hy sinh, thật thà, dũng cảm. Môn quy cũng gồm 5 điều: Không phản sư phế đạo; không ỷ thế hiếp cô; Không sanh tâm đạo tặc; Không loạn dâm háo sắc; Không thắng vinh bại nhục.
Nói như vậy để thấy bản lĩnh của trâu rõ ràng cũng không hề đơn giản hay kém cạnh khi đặt bên cạnh bất cứ loài vật trong kho tàng võ thuật!
Võ sư Uông Ngọc Tân( https://tinnhanhchungkhoan.vn/)