Từ năm 2009, khi lễ hội Tịch điền được phục dựng, năm nào lễ hội tổ chức (vào ngày mùng 7 tháng giêng), năm ấy gia đình chú Nguyễn Trung Đắc, thôn Lương Minh Nội, xã Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên) có trâu tham gia phục vụ lễ hội.
Trò chuyện với chúng tôi, chú Đắc nhớ lại: Gia đình tôi nuôi trâu đến nay cũng được ba bốn chục năm. Ngày trước, nuôi trâu chủ yếu để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trâu kéo cày, kéo bừa làm đất. Trâu kéo lúa từ ruộng lên bờ, từ bờ về nhà… Con trâu đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi cơ giới hóa chưa được đưa vào đồng ruộng. Ngày nay, nuôi trâu chủ yếu để phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Từ khi lễ hội Tịch điền được phục dựng, năm nào gia đình tôi cũng có trâu tham gia phục vụ lễ hội. Những ngày tham gia lễ hội, trâu được tắm sạch sẽ. Trước khi đi, tầm bốn rưỡi năm giờ sáng (dù trời đông giá rét) tôi vẫn tranh thủ dắt trâu ra đồng cho ăn cỏ no bụng, khoảng 6 giờ dắt tới xã Đọi Sơn (nay là Tiên Sơn) để phục vụ lễ hội. Trâu nhà tôi được chăm sóc tốt, béo khỏe, lại rất thuần, “rất hiền”. Hơn chục năm tham gia lễ hội, tôi từng vinh dự được dắt trâu cho “vua” (do một cụ già đóng vua Lê Đại Hành) cùng nhiều các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo của tỉnh… cày Tịch điền tại lễ hội.
Là người hằng ngày chăm sóc trâu, cô Trần Thị Thắm, vợ chú Đắc vui vẻ cho biết: Nuôi trâu không tốn kém (chỉ ăn cỏ, ăn rơm, uống nước lã), chỉ mất công chăn dắt. Mùa hè, để tránh nắng nóng, tầm bốn giờ sáng (khi ấy trời còn chưa rõ mặt người) tôi đã dắt trâu ra đồng, tầm chín giờ, khi ánh nắng mặt trời bắt đầu gay gắt là dắt trâu về. Chiều muộn chăn đến khoảng bẩy giờ tối hằng ngày. Mùa đông, khi người dân đã gặt xong vụ mùa, đồng không trồng cây vụ đông, gia đình thường giàng trâu cả ngày ở ngoài đồng, cứ mấy tiếng lại ra đổi chỗ mới để trâu có cỏ ăn. Gia đình tôi chỉ dùng cỏ và rơm để làm thức ăn cho trâu. Để tích thức ăn cho trâu, sau khi gặt xong vụ xuân và vụ mùa, sau khi gặt xong gia đình tôi tranh thủ ra đồng vơ rơm chở về đánh đống. Có cái thuận là giờ người dân không còn dùng rơm làm chất đốt nên rơm ngoài đồng thoải mái, bao nhiêu cũng có, chỉ việc vơ gom lại rồi chở về.
Nói về việc chăm trâu để phục vụ lễ hội Tịch điền, chú Đắc cười chia sẻ: Gia đình tôi nuôi trâu để phát triển kinh tế nên không chỉ lễ hội Tịch điền mà hằng ngày trâu luôn được chăm sóc tốt nên to, khỏe, đẹp. Khác biệt nhất so với ngày thường là khi tham gia phục vụ lễ hội trâu được tắm sạch sẽ. Tiếp lời chú Đắc, cô Thắm bộc bạch: Gia đình tôi làm nông, ngoài cấy lúa, nuôi thêm trâu để có thêm đồng ra, đồng vào nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhà tôi nuôi trâu mấy chục năm nay, từ khi lễ hội Tịch điền được phục dựng, được mang trâu phục vụ lễ hội tôi thấy vui và phấn khởi lắm. Nhớ năm đầu tiên, để trâu quen với tiếng trống, tiếng loa, tiếng nhạc; quen với khung cảnh cờ xí rợp trời, người tham gia hội đông đúc, ồn ã, náo nhiệt… các chủ trâu được yêu cầu mang trâu tới nơi diễn ra lễ hội luyện tập trong vòng bốn, năm ngày, ngày chính hội là ngày thứ sáu. Những năm gần, trâu đã quen với không khí lễ hội, ban tổ chức chỉ yêu cầu trâu phục vụ từ hai đến ba ngày, trong đó có ngày phục vụ các họa sĩ thi vẽ trâu.
Tiên Ngoại là một trong 2 xã được thị xã Duy Tiên giao nhiệm vụ lo trâu cày phục vụ lễ hội Tịch điền hằng năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Duệ, Giám đốc HTXDVNN Tiên Ngoại cho biết: Năm nào cũng vậy, sau khi được huyện phân bổ, giao nhiệm vụ chuẩn bị trâu cày phục vụ lễ hội Tịch điền, HTX tổ chức rà soát lại toàn bộ các hộ có trâu trên địa bàn, lập danh sách, sau đó mời về HTX ký kết hợp đồng phục vụ lễ hội. Đàn trâu phục vụ lễ hội hằng năm của HTX thường duy trì từ 18-24 con, đều là những chú trâu khỏe mạnh, béo, đẹp. Ngoài lo đủ số trâu theo đúng kế hoạch được giao, trong thời gian lễ hội, HTX cử cán bộ thú y xã trực tiếp đi cùng chỉ đạo, theo dõi sức khỏe đàn trâu. Trường hợp đột xuất, nếu có con trâu nào bị bệnh, bị ốm thì kịp thời cứu chữa. Tiền thuốc chữa bệnh cho trâu trong thời gian phục vụ lễ hội do HTX chi trả.
Phạm Hiền (Báo Hà Nam)