Mùa Đông ở Sính Phình – Truyện ngắn của Phan Đức Lộc
– Hay là bán con trâu, mình ơi!
Đây là lần thứ hai Lìa nói câu này. Sùng bập lưỡi rìu vào gốc ban, ngồi thừ giữa đống củi đang bổ dở, hai tay bứt rứt vò đầu. Bán trâu đi rồi, đến mùa gieo hạt, lấy gì cày đất? Sùng nhớ ngày xưa, nhà nghèo, không tậu nổi con trâu nên đến mùa trồng ngô, cha đành phải làm con trâu hùng hục kéo cày, mẹ đẩy theo sau nước mắt rơi lã chã. Người gắng đến mấy cũng chẳng khỏe bằng trâu. Đá thì cứng. Chân thì mềm. Khom lưng, hóp bụng cả ngày chưa cày xong một vạt nương nhỏ trong khi nương các nhà bên cạnh, mầm ngô đã nhú lên mơn mởn. Thành ra, cái đói cứ dai dẳng bám vào nhà Sùng như con vắt gặp bắp chân nà nõn…
Mùa đông năm nay rét hơn mùa đông năm ngoái. Sính Phình suốt ngày âm âm, u u màu nước vo gạo khiến người ta không còn phân biệt được đâu là bảng lảng của khói, đâu là bàng bạc của sương. Những nhành cây, chiếc lá được bao bọc bởi lớp băng mỏng như thủy tinh trong suốt. Dưới gầm sàn, lợn, chó từng đàn cuộn mình nằm thu lu trong những ổ rơm thơm vàng xuộm. Rét quá! Rét đến mức cỏ hoa ngừng nở, con chim ngừng bay. Chỉ tiếng gió loạt soạt trên những mái gianh ẩm mục thê thiết rít mãi không ngừng, rít từ ngày chẵn sang ngày lẻ, rít từ khi con gà rừng le te gọi sáng cho tới lúc chim cú lợn rền rĩ ăn đêm. Bản là cái túi đựng gió, đựng sương, đựng mưa phùn và giá lạnh. Mùa này, trồng cây, cây không bám rễ, gieo hạt, hạt không nứt chồi. Đất nương đành để cho cây cỏ lún phún mọc dày. Cỏ nhoài ra đến đâu, cái nghèo, cái đói lan ra đến đó. Thầm mong ăn ít vẫn no, mặc mỏng vẫn ấm. Rồi qua Giêng Hai sẽ gắng lách đường cày, lưỡi cuốc khai khẩn đất hoang, thả thêm hạt ngô, nhúi thêm hạt thóc. Còn bây giờ, chân không muốn bước qua bậu cửa. Chẳng kể đêm hay ngày, những bếp lửa của các nhà trong bản luôn bập bùng cháy hồng rạo rực. Trẻ con nướng củ khoai, đụn sắn. Phụ nữ dệt váy, thêu khăn. Đàn ông quây quần nâng chén rượu nồng và hút thuốc lào sòng sọc. Thú vui ngày đông chỉ có vậy.
Cơn lũ mùa thu nhanh như con rắn gió đã cuốn phăng ngôi nhà gỗ của vợ chồng Sùng xuống con suối Tả Sìn Thàng. Vợ chồng hì hụi hai tuần ròng mới gom đủ cỏ gianh dựng lại được một căn nhà trệt lè tè để gia đình Sùng có nơi ngả lưng ngủ tạm và một cái chuồng cao hơn chút để con trâu có chỗ chui vào, chui ra. May mà buổi chiều trước hôm lũ sắp về, Sùng đi đốn củi, thấy con sáo đen tắm suối, biết thể nào cũng sắp mưa lớn nên đã kịp mang trâu lên gửi gầm sàn nhà hàng xóm bên trên. Mất con trâu vợ chồng Sùng chỉ còn nước nai lưng vác lù cở đi làm thuê, làm mướn suốt đời. Sính Phình ơi, Sính Phình à, con người thương đất nhưng đất đâu thương người? Cái vùng đất mùa hè nắng nẻ cành lim, mùa đông rét co hòn đá. Mùa nối mùa trôi nhanh hơn cả đôi chân người con trai rượt đuổi nai rừng. Cái mặc, miếng ăn lũ nuốt hết rồi. Và mùa đông năm nay, vợ chồng Sùng không có nổi một chùm ngô lép treo lên gác bếp chứ nói gì đến việc mua thêm gối ấm, chăn êm. Trong bản, nhà ai cũng nghèo. Họ cho mình vay bữa một, bữa hai chứ không ai đủ lương thực cho mình vay lần ba, lần bốn. Mấy ngày nay, cả gia đình Sùng ăn rau cải luộc đến xanh đường ruột. Đứa con ôm bụng, nhéo nhẳng khóc:
– Cơm! Con thèm cơm!
Âu yếm ôm đứa con vào lòng thật chặt, cái Lìa, vợ Sùng nựng nịu dỗ dành:
– A Hồng đừng khóc! Con trâu làm việc vất vả còn phải ăn rơm kia kìa.
Đang hì hục bổ củi bên gốc ban, Sùng quát vọng vào, giọng ồm ồm như tiếng nước vỡ ra từ miệng thác:
– Lại khóc gì đấy, A Hồng!
A Hồng giật mình co rúm vào lòng mẹ. Lìa vuốt tóc con, đôi mắt nhìn chồng rồi nhìn xuống những ngón chân cáu đất của mình, chùng giọng:
– Hay là bán con trâu, mình ơi!
Đây là lần thứ hai Lìa nói câu này. Sùng bập lưỡi rìu vào gốc ban, ngồi thừ giữa đống củi đang bổ dở, hai tay bứt rứt vò đầu. Bán trâu đi rồi, đến mùa gieo hạt, lấy gì cày đất? Sùng nhớ ngày xưa, nhà nghèo, không tậu nổi con trâu nên đến mùa trồng ngô, cha đành phải làm con trâu hùng hục kéo cày, mẹ đẩy theo sau nước mắt rơi lã chã. Người gắng đến mấy cũng chẳng khỏe bằng trâu. Đá thì cứng. Chân thì mềm. Khom lưng, hóp bụng cả ngày chưa cày xong một vạt nương nhỏ trong khi nương các nhà bên cạnh, mầm ngô đã nhú lên mơn mởn. Thành ra, cái đói cứ dai dẳng bám vào nhà Sùng như con vắt gặp bắp chân nà nõn. Sau mấy mùa ngô, cha Sùng bị đau thắt vùng ngực đến nỗi thở khẽ cũng nhoi nhói như có hàng chục mũi kim xuyên thẳng vào tim. Rồi không chịu được cơn đau dày vò ngày càng dữ dội và cảnh vợ con nheo nhóc nhịn đói nhường cho mình từng hạt mèn mén, củ khoai, ông đã lót dạ bằng một nắm lá ngón. Đó là một buổi chiều mùa đông tuyết rắc mịt mùng, khi mẹ Sùng bê bát cháo lên thì đã thấy miệng cha Sùng sùi đầy bọt mép. Năm ấy, Sùng bảy tuổi. Sau lưng là bầy em lít nhít…
Cha mất, mẹ thế chỗ làm con trâu kéo cày, Sùng theo sau mồ hôi giàn giụa. Chân mẹ bước đến đâu, đất nở bung đến đấy. Bắp ngô nặng hạt, lưng mẹ còng dần. Người mệt, đất cũng hao mòn. Qua mỗi năm, bắp ngô trên nương lại càng thêm còi cọc. Lưỡi cày giục đôi chân tìm vùng đất mới. Cứ thế, quãng đường cõng bắp ngô về bản cứ xa ra, xa mãi, cheo leo, ngút ngát mây ngàn. Khi Sùng trở thành chàng thanh niên cường tráng thì mẹ Sùng đổ xuống giường bệnh như cây ngô bị sâu đục thân vấp phải cơn gió mạnh. Cả đời mẹ Sùng mài bàn chân trên mũi đá, nên đến lúc về già, nằm một chỗ, bà quay quắt nhớ những ngày trèo đèo nhặt củi, leo núi tra ngô. Nỗi nhớ không chịu ở yên trong lồng ngực nên đành bật ra thành tiếng hát lắt lay. Và cứ thế, qua ô cửa sổ, tiếng hát bay lên đỉnh núi Sáng Nhè. Tiếng hát bay về cổng trời mây phủ. Núi mệt rồi, núi nghiêng đầu ngủ. Mây mỏi rồi, mây chẳng buồn trôi. Tiếng hát khiến mẹ Sùng quên đi nỗi đau. Nhưng khi cái miệng vừa nghỉ thì cái lưng lên tiếng, cái lưng khó tính, khó nết, trái gió trở trời không vừa ý lại sưng lên đỏ tấy, đem mũi kim chích nhẹ, mủ bật ra trắng đục. Mẹ Sùng mất. Cỗ quan tài đóng bằng gỗ táu chẳng đủ rộng bởi lưng mẹ oằn oèo, xiêu vẹo và cứng như đá nên đặt mẹ nằm ngửa không được, nằm nghiêng cũng không xong. Sùng đau đớn gục đầu trên ngực mẹ…
Sùng nghĩ, giá nhà mình có một con trâu giúp việc thì cha mẹ đã không phải chết khổ, chết sở thế này. Sùng giờ là trụ cột trong gia đình. Mặc kệ nắng mưa, sương gió, ngày nào Sùng cũng dẫm cỏ, đạp gai hăm hở vác nỏ băng vào rừng săn thú bán cho mấy quán ăn đặc sản dưới thị trấn lấy tiền mua gạo nuôi đàn em và dành ra một khoản nhét vào cái ống tre bịt kín hai đầu để mai này mua một con trâu trước lúc cưới vợ. ấy thế mà Sùng chưa đủ tiền mua trâu, cái bụng Lìa đã lùm lùm đội lên sau lớp áo. Sùng cưới Lìa. Ước mơ sở hữu một con trâu vẫn luôn đau đáu trong đầu Sùng. Một ngày nọ, khi ống tre đã đặc lại và không thể đút thêm tiền được nữa, Sùng đập vỡ nó ra, hai vợ chồng ngồi đếm những tờ tiền quăn queo, nhàu nhĩ. Bảy triệu tám trăm mười sáu nghìn. Cầm món tiền như nâng quả trứng chim nhỏ bé trên tay, lòng Sùng lâng lâng sung sướng. Lìa bán nốt cái kiềng bạc đang đeo ở cổ và chiếc váy thổ cẩm hồi môn chưa mặc một lần, cất trong rương gỗ, vẫn không đủ tiền mua trâu. Sùng lại băn khoăn nghĩ, mình còn khỏe, kéo cày cả ngày không thấm mệt. Nhưng cứ bắt Lìa vừa địu con, vừa đẩy cày như những vụ trồng ngô vừa qua, cái lưng vợ sớm muộn cũng cong oằn như lưng mẹ mất thôi. A Hồng lại đang lớn từng ngày. Rồi mai này còn mang cặp theo chúng bạn đến trường học chữ nữa. Bao nhiêu thứ phải lo. Sùng nói với vợ, giọng dứt khoát:
– Tôi sẽ mua trâu. Còn nợ một ít, hẹn với người ta trả vào mùa thu hoạch ngô năm sau…
– ừ, mong trời thương cho mùa màng tươi tốt.
Cuối cùng, điều ước của Sùng cũng thành hiện thực. Một con trâu khỏe bằng mấy chục con người. Có trâu, vợ chồng khai khẩn được nhiều vùng đất hoang màu mỡ. Từ dấu chân trâu, cây sắn nảy chồi, hạt ngô mở mắt, lúa đồi bật xanh. Mượn câu hát thương nhau mà vượt qua mười núi, chín đèo. Người ở đâu, trâu ở đấy. Chẳng lo đá cứng, không sợ đất cằn, người còn sức thì trâu còn sức, mùa gọi mùa mang đến ấm no. Nơi góc nhà, sắn gối đầu lên sắn. Trên vách bếp, ngô chen chúc vai ngô. Tha hồ nấu rượu, đồ xôi, làm mèn mén, tha hồ sẻ cho đàn gà, chia cho bầy lợn nhặt nhạnh, nhằm nhặp suốt ngày. Sùng chăm con trâu còn hơn chăm A Hồng. Mỗi lần Sùng tắm cho A Hồng, thằng bé đều khóc ré lên. Vậy mà, Sùng tắm cho con trâu, con trâu sáng bóng nước da đen mượt. Rồi tay Sùng cứ vuốt ve mãi bộ sừng cong vút của nó cho đến khi Lìa giục Sùng đi làm việc khác mới thôi. Tiền bán ngô, bán sắn, Sùng xuống thị trấn sắm thêm nồi, xoong, chăn, màn. Cái đói bị lùa ra khỏi nhà để đón niềm vui ùa vào rôm rả. Những tưởng gia đình Sùng cứ sống đầm ấm như thế mãi thì bỗng chốc, cơn lũ đã cướp đi gần như tất cả. Vợ chảy nước mắt ra ngoài. Chồng nuốt nước mắt vào trong. Đứa con thì cứ lon ton, đói đòi ăn, lạnh đòi mặc. Mùa đông còn rất dài, dài hơn cả con suối Tả Sìn Thàng, vợ chồng Sùng biết phải làm sao đây?
Mắt Lìa vẫn chăm chăm nhìn Sùng chờ đợi một câu trả lời. Sùng cứ ngồi nghệt ra, mặt ngẩn ngơ vô hồn như tảng đá. Mãi một lúc lâu sau, Sùng mới dứt ra khỏi dòng hoài niệm miên man để trở về với thực tại chán chường:
– Tôi là thằng vô dụng!
Đứa con bị cúm nhẹ. Trong giấc mơ đêm đêm, nó luôn miệng đòi cơm. Sùng nằm ngoài, vợ nằm trong nghiêng người ủ ấm cho đứa con nằm ở chính giữa trên chiếc giường ghép từ những cây nứa ọp à ọp ẹp, lách tách tiếng mọt ăn đêm. Càng về khuya, trời càng rét đậm. Không gian ngoài kia quánh đặc, tù mù nhưng tiếng gió vẫn sắc lẹm như tiếng roi quất mạnh vào mông con ngựa vía, từng nhát một. Căn nhà quá nhỏ và chật để có thể nhen lên một bếp than hồng. Thành thử rét quờ quạng lùng sục từ bên ngoài, rét thông thống luồn lách vào bên trong. Sùng vờ ngáy khẽ mà đầu vương vương bao ý nghĩ ngổn ngang. Lìa khép mắt mà tiếng sụt sịt còn nén trong khoang mũi. Con chim cú lợn đậu trên cành bên cạnh chuồng trâu, tỉ tê kêu như muốn hát:
Mùa đông rét, rét lắm người ơi
Tìm mái tóc, mái tóc rối bời
Tìm bông hoa, bông hoa vừa rụng
Tìm hòn than, than đã tàn rồi…
Nửa đêm, đợi khi vợ và con đã thiu thiu ngủ, Sùng rón rén trở dậy. Chiếc giường nứa khẽ rên lên ót ót, ét ét. Sùng kéo chiếc gối của mình chèn bên sườn A Hồng rồi bước ra ngoài bóng tối âm u. Quờ tay không thấy chồng đâu, Lìa choàng dậy, kéo chăn ém chặt cho con rồi cũng vội vàng chạy ra bóng tối bít bùng vây bủa ngoài kia. Trời tối đen như bồ hóng bám lâu ngày trên vách bếp, Lìa không nhìn thấy rõ con đường trước mặt. Chẳng biết Sùng đi đâu, nhưng có một thứ lực kéo khó cắt nghĩa thôi thúc đôi chân Lìa quýnh quáng bám theo tiếng bước chân chồng càng lúc càng mờ dần. Tiếng bước chân lẫn vào gió bấc, như có, như không, mơ hồ, hoang lạnh. Lìa sấp ngửa đi như chạy, bàn chân giẫm lên cỏ sắc và vấp vào đá nhọn suýt ngã mấy lần, đau buôn buốt. Nhưng Lìa không dám gọi tên chồng vì sợ chó nhà hàng xóm bừng tỉnh, sủa nhặng làm mất giấc ngủ của người ta. Sùng đang đi về phía nhà Dơ. Đến chỗ gốc đào, Sùng đứng quan sát một lúc rồi ngón chân cái lần theo những cái kẽ hở trên hàng rào đá, nhấp nhổm định trèo sang. Lìa đã kịp kéo gấu áo Sùng lại:
– Chồng định làm gì đấy?
Sùng quay đầu về phía vợ, thụt xuống, ấp úng:
– Tôi… tôi… định vào nhà thằng Dơ lấy trộm ít gạo và con gà về nấu cháo cho con! Sau này, mình có, mình sẽ mang trả họ.
– Chồng ơi! – Lìa nói như van nài – Không thể làm thế được đâu. Lỡ bị bắt, vợ chồng mình sẽ bị cả bản cười chê đấy. Tôi có cách khác. Sáng mai thể nào tôi cũng mua được gạo và gà về nấu cháo cho con.
– Tiền không có, lấy gì mua bây giờ – Sùng nghẹn ắng ở cổ họng.
– Chồng cứ theo tôi về cái đã.
*
Buổi chợ phiên, thời tiết hãy còn giá lạnh và nhiều sương muối nhưng từ tờ mờ sáng, người các bản gần xa đã là lượt váy áo tưng bừng rủ nhau đi chợ. Búp chồi đang ngủ quên. Nụ hoa chưa tỉnh giấc. Băng giá vẫn chưa tan. Nhưng cái hắt hiu, ảm đạm của mùa đông như được khuấy động bởi tiếng khèn thổn thức của con trai và như được sưởi ấm bởi những váy xòe sặc sỡ hoa văn, những vành ô đủ sắc màu rạng rỡ của con gái. Người cắp nách con lợn. Người xách đôi con gà. Người cõng mớ rau rừng. Chân rảo bước. Mặt ai cũng hân hoan. Mắt ai cũng hớn hở. Hòa vào dòng người nô nức ấy xuống chợ, lòng Lìa quạnh quẽ, muộn phiền. Lìa không có khuyên tai, kiềng bạc, cũng chẳng có váy mới làm duyên. Chiếc váy Lìa mặc đã bám mờ màu nâu của đất. Lìa chẳng còn tâm trí nào để quan sát những người xung quanh. Chợ phiên đã hiện ra, đông vui, nhộn nhịp như cánh đồng hoa rộn ràng ong bướm. Len vào dòng người nườm nượp ngược xuôi, Lìa cúi đầu đi như kẻ mang tội. Run rủi thế nào, Lìa lại vấp phải bờ vai một người đàn ông làm chiếc khèn bị rơi xuống đất. Lìa cuống quýt nói lời xin lỗi, cúi xuống nhặt chiếc khèn, phủi sạch bụi. Rồi Lìa rụt rè ngẩng gương mặt nhìn lên. A Chá! Mặt Lìa lại đỏ và nóng bừng như than bén lửa. Đỡ lấy bờ vai của Lìa, A Chá chòng ghẹo:
– Lìa, chồng đâu mà xuống chợ một mình thế này? Không có váy đẹp à?
Lúng túng gạt bàn tay của A Chá ra khỏi bờ vai mình, Lìa nhìn xuống chiếc váy cũ sờn đang mặc. Cái bộ dạng nhếch nhác lúc này làm Lìa cảm thấy xấu hổ, gương mặt vẫn chưa thôi ửng đỏ lại ngượng ngùng cúi gằm xuống:
– Tôi không cố ý! Xin bỏ qua cho tôi.
– Khoan đã – A Chá nói như ra lệnh rồi nâng cằm Lìa lên – Mày không có váy đẹp nhưng mặt mày đẹp. Ngày xưa làm vợ tao thì có phải bây giờ có váy đẹp mặc đi chợ rồi không?
– Muộn rồi – Tim Lìa thình thình đập – Xin cho tôi đi!
– Cái khèn này làm từ gỗ quý, đắt bằng cả con trâu mộng đấy – A Chá câng câng – Mày làm rơi rồi muốn đi là đi sao?
– Tôi… – Bằng một con trâu mộng? Lúc này thì chân tay Lìa run lật bật, môi mấp máy không biết nói gì thêm để A Chá tha tội.
A Chá ghé môi vào vành tai Lìa gần như hôn, nói thì thầm:
– Hay mày về làm vợ bé của tao đi. Tao vẫn còn thương mày. Theo tao mày sẽ được ăn cơm ngon, mặc váy đẹp.
Câu nói của A Chá làm Lìa chết lặng một vài giây. Rồi tiếp đến, từng đốm da gà nổi lên trên cánh tay Lìa rần rật. Ngày ấy, cả A Chá và Sùng đều yêu Lìa. A Chá nhà giàu nhưng tính tình ngạo mạn. Sùng nhà nghèo nhưng tính tình chất phác. Đàn bà Mông vớ phải chồng nghèo thì cực khổ chẳng khác gì thân trâu, kiếp ngựa. Bởi vậy, cha mẹ hết lòng khuyên nhủ Lìa lấy A Chá để nhàn rỗi cái thân. Nhưng nghe theo trái tim, Lìa lại chọn Sùng để gửi gắm cả cuộc đời mình. Vợ chồng đã từng nguyện thề với nhau, vui thì cùng vui, khổ thì cùng khổ. Lìa yêu chồng. Lìa thương con. Lìa không thể làm một người vợ phản bội. Thà mặc chiếc váy xấu mà có cái bụng tốt còn hơn mặc váy đẹp mà cái bụng xấu. Chợ phiên vẫn rộn rã tiếng người lại qua. Ai cũng vui, chỉ Lìa là đang bồn chồn, ủ rũ. Lỡ người trong bản bắt gặp, mách với Sùng rằng Lìa đứng cạnh người đàn ông lạ ở chợ thì biết ăn nói ra sao với chồng? Dồn sức đẩy mạnh A Chá ra, Lìa nhanh trí bịa một lý do:
– Tôi bị bệnh lao đấy. A Chá muốn bị lây thì cứ đứng cạnh tôi!
Đến nước này, A Chá mới chịu buông bỏ cho Lìa đi.
*
Lìa về đến bản thì màn sương mờ đục đang dần tan loãng ra. Váy Lìa ướt nhèm nhưng niềm vui khi vác túi gạo và xách tòn ten trên tay con gà tre nhỏ nhắn làm Lìa quên cả cái rét. Bước chân Lìa như đang nhảy xập xình trên những bậc đá lớm chớm cỏ dẫn vào nhà.
– Con đỡ chưa, chồng?
– Đỡ hơn chút rồi, đang ngủ. – Đang thái thân chuối cho trâu, Sùng đáp. Rồi ngạc nhiên hỏi vợ – Mình lấy đâu ra tiền mua những thứ này vậy?
– Tiền người ta cho vay?
ở cái bản này, Sùng đã đi vay không sót một nhà nào. Ai lại tốt bụng cho Lìa vay thêm thế nhỉ? Sùng chưa kịp đoán ra thì Lìa đã vội giục chồng mang con gà tre đi cắt tiết. Còn Lìa lẳng lặng vào nhà, khẽ đặt tay lên trán con kiểm tra nhiệt độ rồi xắn ống tay áo, nhặt những mẩu củi khô, chụm bếp nấu nước sôi ngoài trời. Củi còn ướt sương nên khói um lên lún ngún. Lìa ngồi yên như thế để khói xông vào mũi, vào mắt cay xè. Lìa thích ngắm, thích ngửi mùi của khói. Khói vẽ nên dáng hình của sự vấn vương, no đủ. Khói làm lòng Lìa thấy ấm áp, bình yên. Củi bén lửa và cháy đượm dần. Một ngọn lửa hồng bùng lên êm dịu. Chỉ đến khi kề lửa, Lìa mới nhận ra chân tay mình đã tê cóng tự bao giờ. Lìa chà chà bàn tay hơ trên ngọn lửa, ấp vào gò má mịn màng của mình rồi ngồi bó gối nhìn Sùng đang hóa kiếp cho con gà và chia nó ra hai nửa, một nửa ướp muối để dành, một nửa nấu cháo bữa trưa. Những hình ảnh hạnh phúc và vui tươi của ngày hôm qua hiện về trong tâm trí Lìa, da diết. Đến trời còn có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì đời người cũng phải có lúc no, khi đói. Mùa đông dài thật dài. Nhưng mùa đông cũng sẽ phải ra đi như chiếc lá ban héo vàng rụng rơi về cội. Lìa còn chờ đợi mùa xuân…
Tô cháo gà loang loáng váng mỡ vàng trên tay đang bốc hơi nghi ngút. Lìa bón từng thìa cho A Hồng. Nó ăn một cách ngon lành. Ăn xong lại chui vào chăn ngủ thiếp. Còn cái dấu cháo dính trong tô, Lìa đổ nước sôi vào tráng sạch, đưa lên môi húp khe khẽ. Mấy ngày liền ăn rau cải luộc chấm nước muối, cái bụng Lìa cũng quặn riết như bị buộc chỉ. Thấy thế, Sùng bảo vợ:
– Còn một ít cháo đây, vợ ăn đi!
– Tôi ăn no rồi, chồng ăn đi!
– Hai vợ chồng mình chia nhau mỗi người một muôi!
Lìa đến ngồi bên Sùng, e ấp như thuở còn son rỗi. Cái đói đã khắc lên bên khóe mắt Sùng những rãnh nếp nhăn hoắm sâu như vết dao rạch. Sùng nhìn Lìa, thấy thương cho người vợ đẹp phải theo anh gùi chung cái khổ. Lìa ngượng nghịu cúi mặt rồi bất chợt cái khăn quấn đầu bị bung xõa. Nhận ra sự khác lạ của Lìa, Sùng thảng thốt như bị rìu bổ phải ngón chân:
– Vợ ơi! Vợ cắt tóc rồi ư?
Ôm choàng lấy cổ chồng, Lìa nghẹn ngào:
– Tôi bán tóc chợ phiên được hai trăm nghìn!
Mái tóc Lìa, mái tóc suôn dài, óng mượt và thơm tho hương hoa cỏ miền sơn cước thanh tân. Mái tóc khiến suối cũng phải hờn, núi cũng phải ghen. Mái tóc làm con trai ngơ ngẩn si mê, con gái trầm trồ ao ước. Ngày ấy, khi ra suối cõng nước, đôi mắt Sùng đã bị cuốn vào dòng tóc rũ mềm, huyền hoặc, mượt mà. Có lẽ Sùng yêu Lìa trước hết là bởi vì yêu mái tóc ấy. Sùng tiếc lắm, nhưng chỉ biết an ủi vợ:
– Tóc cắt đi rồi, tóc lại dài ra…
*
Mùa đông không thương nhà nghèo. Hết sương muối, mưa phùn, gió bấc, giờ mùa đông lại ngẫu hứng rải tuyết trắng xóa khắp bản làng như choàng lên một mảnh khăn tang u uất. Bệnh cúm của đứa con đã biến chứng thành viêm phổi. Nó co ro như con mèo hen suyễn, thi thoảng lụ khụ ho ra từng bãi đờm nhỏ bầy nhầy máu rồi tiếp đến ghì xiết lấy cổ họng nôn khan thốc tháo. Lòng Lìa đau. Lòng Sùng xót. Cái chăn mỏng không giữ đủ ấm. Lìa rút một ôm rơm lót dưới chiếu làm đệm. Suốt ngày, hai vợ chồng quanh quẩn trông con. Chỗ gạo Lìa mua hôm xuống chợ phiên chỉ còn đủ chia ra nấu cháo vài ba hôm. Đứng ở chuồng trâu, lần thứ ba Lìa nhắc Sùng chuyện bán con trâu để có tiền mua thức ăn và đưa con đi bệnh viện. Sùng áp tai vào cái bụng căng mướt của con trâu đang nghễu ngão nhai rơm, đầu rối như bòng bong. Bất chợt, Sùng lại nhớ đến cái miệng sùi bọt mép của cha và cái lưng còng quèo không lọt nổi vào cỗ quan tài của mẹ. Những cái chết quại quằn, vật vã. Sùng lại nghĩ, giá ngày đó, nhà mình có một con trâu… Bán con trâu là mua cái khổ vào nhà. Và Sùng tưởng tượng ra một ngày nào đó, mình phải chết bằng lá ngón và cái sống lưng Lìa qua mấy mùa ngô sẽ oằn cong như ngọn núi Sáng Nhè. Vẫn đang đợi câu trả lời của chồng, Lìa tiến lại gần con trâu, bắt những cái trứng rận li ti bám trên từng cọng lông nó, khẽ hỏi lại Sùng:
– Thế nào chồng?
Sùng đã định gắt lên nhưng anh đã kịp ngăn cơn nóng giận lại:
– ừ, bán thì bán. Sống ngày nào, biết ngày ấy.
*
Đầu buổi chiều, tuyết lác đác rơi. Giữa lúc vợ chồng Sùng đang lom khom chằm khâu những tấm bạt rách quây quanh cái chuồng lủm xủm thì ông chủ lò mổ dưới thị trấn cùng một cô gái trẻ lên nhà Sùng xem trâu, như đã hẹn. Trong lúc Sùng vừa đưa ngón tay cái ấn vào cái hông mây mẩy của con trâu như thể muốn chứng minh nó chắc thịt, vừa nói chuyện với ông chủ lò mổ bằng một thứ tiếng Kinh hơi lơ lớ thì mắt Lìa cứ đậu mãi trên mái tóc bườm xườm nhuộm đỏ chói của cô gái trẻ mặc một chiếc áo lông dày sụ, đang đứng bên gốc ban. Cô gái cũng nhìn Lìa bằng ánh mắt thân thiện. Rồi cô thao thao bắt chuyện:
– Tuyết ở đây đẹp quá, chị nhỉ. May mà em kịp lên đây đúng độ tuyết rơi.
Lìa không biết đáp lời cô gái thế nào. Lìa chỉ thấy sợ tuyết như người ta rùng mình trước con gián, con chuột. Cô gái vẫn nhí nhảnh:
– Váy chị mặc sặc sỡ quá. Chị còn cái nào không, cho em thuê một cái mặc selfie. View đẹp thế này mà không làm đôi ba pic thì phí công quá.
Lìa không hiểu những từ “seo – phi”, “viu”, “pích” mà cô gái trẻ vừa nói có nghĩa là gì? Mãi một lúc, Lìa mới rụt rè lắc đầu:
– Tôi chỉ có hai cái thôi. Nhưng một cái nữa ướt rồi.
Thế rồi, Lìa phải vào nhà cởi váy nhường cho cô gái trẻ kia mặc chụp ảnh. Cô ta bảo Lìa mặc tạm cái quần bò nhâm nhít lỗ thủng và cái áo lông thùng thình của cô ta, nhưng một lần nữa, Lìa lại lắc đầu, chỉ dám đứng núp trong nhà, quấn tạm quanh mình một miếng bạt đã rạc rài. Qua vuông cửa nhỏ bằng bàn tay, Lìa trông thấy ông chủ lò mổ đã thôi ngắm nghía con trâu và chuyển qua quàng cổ, bá vai, ôm eo, hôn tóc cô gái trẻ, nói cười đong đưa, tình tứ. Cô gái trẻ cầm chiếc điện thoại, chìa ra trước mặt, thích thú bấm liên tục. Bên cạnh, như chẳng nghe, chẳng thấy gì, Sùng cứ mải mê vuốt sống lưng con trâu, bịn rịn.
Ông chủ lò mổ đã ưng ý con trâu này rồi. Nhưng mấy hôm nay có mưa kèm tuyết, đường sá sình lầy, trơn trượt, nhiều đoạn núi đất bị sạt lở kéo dài, giao thông trở ngại nên người ta chưa vào bắt trâu được. Muộn một ngày là tính mạng của con sẽ nguy hiểm thêm một cấp. Hai vợ chồng cũng không biết làm cách nào khác được, hết đi vào, lại đi ra. Da thịt tím tái, lạnh ngắt mà ruột gan bừng nóng, cồn cào. Sương tuyết bao vây cả bản làng, mù mù, mịt mịt. Chưa bao giờ Sính Phình rét như mùa đông năm nay.
*
Đêm về. Cái rét đêm rẻo cao này mới thực đáng sợ. Cái rét như lưỡi cưa tàng hình cứa sâu tận xương, tận tủy, đốn hạ dần những người yếu ớt. Gió hú hét lùng sục khắp các mái nhà trong bản như phẫn nộ đi tìm một món đồ bị lấy cắp. Tuyết rơi dày đến lút mắt cá chân người lớn. Căn nhà lụp xụp này có đứng vững qua mùa đông không? Không có bếp than sưởi nên Sùng vặn to ngọn đèn lên để ánh sáng tỏa ra trông sẽ bớt ủ dột, tăm tối hơn. Rồi hai vợ chồng Sùng co ro nằm ôm đứa con thật chặt. Sau trận ho ban nãy, giờ nó đang ngủ yên. Nằm chưa ấm chỗ, Sùng đã cởi chiếc áo khoác ra đắp thêm cho con rồi khẽ trở dậy. Biết Lìa chưa ngủ, sợ vợ lật đật chạy theo như cái đêm hôm trước, Sùng dặn vợ:
– Tôi ra thăm con trâu xem thế nào.
– Chồng lấy áo tôi mà mặc này, bên ngoài rét lắm.
– Tôi chỉ ra một chốc rồi quay vào ngay thôi.
Sùng vừa mở cửa thì như chỉ chờ có vậy, gió phục kích sẵn bên ngoài xồng xộc xông vào xô anh ngã dúi dụi. Hơi lạnh tràn vào nhà nhanh như cơn lũ quét phăng ngôi nhà sàn của họ cách đây mấy tháng. Ngược gió, Sùng cố kéo cánh cửa khép lại rồi buộc chặt bằng mấy sợi lạt giắt bên vách tường. Sùng đổ người đi về phía chuồng trâu. Chân anh đặt lên tuyết mà cảm thấy bỏng rát như đi trên đống than nóng. Sùng thắp lên một ngọn đuốc nhỏ rồi soi vào chuồng trâu. Thôi chết! Con trâu đang nằm duỗi chân, đầu úp vào chỗ rơm ăn thừa thở khọt khẹt như bị chọc tiết, miệng nó nhễu ra một thứ bọt trắng như tuyết. Sùng lấy tay xoa xoa mặt nó. Nó nhìn Sùng, mắt khép hờ rệu rã. Sùng hốt hoảng chạy vào gọi vợ. Lìa cũng hốt hoảng chạy ra. Lìa cầm đuốc soi cho Sùng rút thêm rơm khô đắp lên mình con trâu. Xem chừng nó vẫn không ấm hơn là mấy. Lìa rối rít:
– Hay tôi thắp lên một đống lửa bên ngoài này?
– Gió mạnh và rơm rạ nhiều thế này, lỡ lửa tớp thì cháy chuồng mất.
Những ngày đông rét đậm, các nhà trong bản đều mang chăn bông ra đắp cho trâu, cho bò. Nhà Sùng chỉ có một chiếc chăn bông xẹp lép ngắn cũn cỡn, ấm cổ thì hở chân, ấm chân thì hở cổ nên không nhường cho con trâu được. Cái số con trâu về phải nhà nghèo nên phải chịu khổ. Sùng thương vợ, thương con, thương cả con trâu trung thành này nữa. Vậy mà Sùng đành lòng bán nó cho người ta mổ thịt. Có lẽ con trâu đọc được ý định của vợ chồng Sùng nên nó muốn tự tử chăng? Ngồi bên cạnh con trâu trong chiếc chuồng khăn khẳn mùi nước tiểu và phân, mắt Sùng ầng ậc chảy nước. Trâu ơi, mày mà chết lúc này thì cả gia đình tao cũng phải ăn lá ngón mất thôi. Nước mắt Sùng rơi trên gương mặt con trâu. Lìa cầm đuốc, bần thần đứng bên ngoài những thanh chắn chuồng trâu, vạt áo trước ngực cũng thấm mềm vị mặn. Dường như đồng cảm với nỗi khổ con người, mắt trâu chầm chậm chớp chớp. Sùng cởi cúc áo, ôm chầm lấy cổ trâu để da anh chạm vào da trâu như người cha che chở cho đứa con bé bỏng. Sùng mong hơi ấm từ tấm lòng anh sẽ truyền sang cho con trâu tội nghiệp. Hẳn nhiên, hơi ấm tình người sẽ ấm hơn hơi ấm từ rạ rơm, gối chăn, củi lửa. Hơi ấm tình người sẽ xua đi giá lạnh mùa đông. Được Sùng ấp ủ, con trâu chầm chậm co chân gượng dậy, ọ lên một hồi mạnh mẽ rồi ghé miệng nhai một ngặm rơm đầy như muốn nói rằng nó đang dần bình phục. Sùng xát xát hai bàn tay cho nóng rồi xoa xoa khắp mình con trâu. Đêm nay, Sùng sẽ thức cùng trâu để trò chuyện cho trâu nghe. Bởi ít hôm nữa thôi, Sùng phải xa con trâu quý này rồi. Sùng thương trâu nhưng đứa con Sùng cần được chữa bệnh. Trâu sẽ hiểu cho nỗi lòng của Sùng thôi, trâu nhỉ?
Đột nhiên, có cơn gió vi vút thổi qua làm tắt phụt ngọn đuốc trên tay Lìa. Con chim cú lợn từ cành ban gầy guộc bỗng chốc lao vụt ra như mũi tên, đành đạch vỗ cánh đâm vào gió tuyết bời bời, thảm thiết kêu lên tràng dài rùng rợn. Lìa run rẩy thắp đuốc. Ngọn đuốc run rẩy sáng. Con trâu nghển cổ nhìn Sùng, ánh mắt lờ đờ, ươn ướt. Sùng cúi xuống nhìn con trâu, ánh mắt lo lắng, thẫn thờ. Con trâu khò khè thở. Một giọt nước nhỏ rỉ ra bên khóe mắt nó soi rõ ánh đuốc đang cháy trên tay Lìa, lẩy bẩy. Sùng nhận ra trong giọt nước mắt mắc lại trên đám lông chưa kịp tan vỡ của con trâu có chút gì đó vừa như mang ơn, vừa như trách móc. Sùng chạm nhẹ bờ môi lên giọt nước ấy. Con trâu gom sức rống mấy tiếng ồ ồ rồi cái đầu từ từ gục vào phần rơm đang ăn dở. Đầu gối Sùng khuỵu xuống hẳn. Đờ đẫn lay đầu con trâu, Sùng bỗng gầm khóc nức nở:
– Ơ, trâu ơi! Trâu ơi!
Đúng lúc ấy, từ trong nhà, tiếng ho của A Hồng vọng ra từng hồi lục khục. Sực nhớ ra đứa con đang nằm ngủ một mình, Lìa tém váy, tất tả chạy về phía hạt lửa đèn dầu leo lét đắm chìm giữa màn đêm nhung huyền, lạnh lẽo. Sau lưng, tiếng khóc tức tưởi của Sùng hòa lẫn tiếng con chim cú lợn rên dài ết… ết…
P. Đ. L
Ngày 12/1, tại Thanh Hóa, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải thưởng văn học của Tạp chí xứ Thanh. Theo đó, trong hai lĩnh vực thơ và văn xuôi chỉ có 1 giải nhất dành cho tác giả trẻ 9x Phan Đức Lộc của Điện Biên với tác phẩm Mùa đông ở Sính Phình. Ngoài ra 4 giải nhì được trao cho tác giả: Nguyễn Văn Học (Con khổng tước và cô tiểu thư); Hiền Nguyễn (Thí dụ ngày mất tiền); Phạm Tiến Triều (Bùa lá; Lũ trẻ với những chú chim non); Việt Hưng (Từ khóa; Cúc áo anh rơi thảm ỏ nhà người) cùng 6 giải ba và 8 giải tư.