Hiệu quả từ nuôi trâu lai ở Quảng Ngãi: Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, việc lai tạo giữa trâu ta bản địa với giống trâu ngoại- trâu Murrah (xuất xứ từ Ấn Độ) cho ra thế hệ trâu mới có sức kháng bệnh tật, tăng tỷ lệ sống của nghé con…Việc lai tạo trâu đã nâng cao chất lượng đàn trâu nuôi của hàng ngàn hộ dân ở Quảng Ngãi, góp phần giảm nghèo…
Lai tạo giống trâu mới: “Nhất tiễn song điêu”.
Cùng bò, lợn, gà….từ nhiều năm qua, đối với hàng ngàn hộ dân ở Quảng Ngãi, nuôi trâu đã tạo và trở thành nguồn thu nhập chính hàng năm của gia đình.
Tuy nhiên do trâu nuôi của hầu hết các hộ dân trong tỉnh là giống bản địa (trâu cỏ) có tầm vóc nhỏ, trọng lượng thấp, tỷ lệ thịt mang lại khá ít…nên hiệu quả kinh tế mang lại cho nhiều gia đình không cao.
Đáng nói hơn là sau 1 thời gian dài nuôi, cùng nhiều nguyên nhân khác, việc phối giống người nuôi thường để diễn ra tự nhiên và quanh quẩn trong vùng, dẫn đến lứa trâu con sinh ra bị ảnh hưởng rất lớn do tình trạng cận huyết, nên sức chống chịu bệnh tật kém và tỷ lệ sống thấp…
Bà Lê Thị Kim Thanh, một trong số người nuôi trâu ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa cho biết, nếu nghé của trâu cỏ khi sinh ra chỉ nặng tầm 25kg – 30kg/con, thì sau khi được phối giống với trâu Murrah, đã nặng gần gấp đôi.
Là người hiện đang sở hữu một đàn trâu lai ngoại Murrah, ông Võ Văn An, ở cùng xã phấn khởi cho biết, trâu con được phối giống sinh ra, nuôi rất nhanh lớn và đặc biệt sức đề kháng bệnh tật cao hơn nghé chưa lai tạo rất nhiều.
Chưa hết nghé lai Murrah 1 năm tuổi đã có trọng lượng trên 195kg, trong khi nghé địa phương chỉ đạt khoảng 158 kg; còn khi nuôi 24 tháng tuổi, đã có khối lượng từ 350 – 400 kg/con, trong khi giống nuôi bản địa chỉ khoảng 250 -300 kg/con.
“Người” nâng tầm đàn trâu cỏ địa phương
Được biết phong trào lai tạo trâu bản địa với giống Murrah trong tỉnh được khơi rộng từ năm 2018, khi 2 Sở NNPTNT và Sở KHCN tỉnh Quảng Ngãi, phối hợp triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah” (nhập từ Ấn Độ).
Ông Đỗ Văn Chung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ, sau 1 thời gian triển khai thực hiện (từ năm 2018 – 2021), kết quả chứng minh sau khi được lai tạo, nghé con sinh ra nặng và nuôi mau lớn, vóc dáng khi trưởng thành cao to hơn hẳn so với giống trâu bản địa.
Vì vậy sau dự án kết thúc (Ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah), ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhân rộng.
Theo đó từ 2021 đến nay, số hộ nuôi ở trong tỉnh đã ứng dụng và phát triển đàn trâu lai của gia đình ngày càng tăng lên. Với kết quả nêu trên, trong định hướng của ngành nông nghiệp thời gian đến, có kế hoạch phát triển cải tạo, nhân rộng đàn trâu, để thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp từ 2020 – 2025.
Việc cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp phối giống với giống trâu Murrah, đã và đang góp phần cải tạo khối lượng thịt, tầm vóc và tăng sức đề kháng của bệnh tật, tăng tỷ lệ sống của trâu con sinh ra…mở ra hướng phát triển đàn trâu của người dân Quảng Ngãi, theo hướng sản xuất hàng hóa lấy thịt.
Công Xuân (Dân Việt)