Tranh trâu bằng sơn mài – Nơi gửi gắm “mảnh hồn” quê hương:
Hình ảnh con trâu vốn đã đi vào nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam từ rất sớm: Nhắc đến con trâu là nhắc đến người bạn tâm giao mộc mạc và quen thuộc của mọi gia đình vùng nông thôn. Mọi sinh hoạt ngày xưa, từ hình ảnh lũ trẻ thả diều, huýt sáo, trạng nguyên miệt mài học tập trên lưng trâu, cánh đồng lúa vàng yên ả…, đều gắn liền với người bạn tâm giao này. Rất tự nhiên, con trâu đã trở thành chất liệu chính trong các loại hình nghệ thuật như tranh sơn mài con trâu, điêu khắc, âm nhạc…, và được coi là biểu tượng của “mảnh hồn” quê hương người Việt.
I. Đôi nét về hình tượng con trâu trong văn hóa Việt
Người xưa có câu, “Trâu ơi ta bảo trâu này, trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”. Chất giọng tâm tình thủ thỉ ấy chỉ đến khi đó là mối quan hệ gắn kết và gần gũi. Thật vậy, cùng với cây lúa nước, con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước người Việt và cả Đông Nam Á từ bao đời.
Trong văn hóa phương Đông, con trâu đứng vị trí thứ 2 thuộc bộ 12 con giáp và đứng đầu bộ lục súc (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn). Tượng trâu là biểu tượng của sự phú quý, cát tường cùng sự bền bỉ, chịu thương, chịu khó. Theo phong thủy, hình ảnh con trâu còn dùng để chế hóa, trấn yểm hung tinh giúp gia chủ xoay chuyển tình thế nhanh chóng biến hung thành cát.
Con trâu là “đầu cơ nghiệp” cũng là khối tài sản khổng lồ mà tạo hóa đã ban tặng cho cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Đặc biệt, đây cũng là thước đo độ giàu có “ba bò chín trâu” của người Việt xưa. Vì vậy, khi có một tượng trâu trong nhà sẽ giúp gia chủ thu hút tiền tài, phú quý, tránh được những tác động xấu của môi trường, xã hội đến cuộc sống gia đình.
I. Hình tượng trâu trong nghệ thuật tạo hình
Từ đời sống thực, con trâu đi vào đời sống tinh thần người dân Việt thông qua sự hóa thân thành hình ảnh mang vẻ đẹp dung dị, quen thuộc của làng tranh dân gian và điêu khắc. Với đặc trưng của chất liệu và kỹ thuật in khắc gỗ truyền thống, cho đến nay dòng tranh dân gian vẫn còn nguyên giá trị nội dung và nghệ thuật.
Hình tượng con trâu trong tranh Đông Hồ mang nét đẹp đặc biệt, không thô kệch mà cách điệu tạo nên sự mềm mại, phảng phất đâu đó cho người xem thấy được nét tinh nghịch, thân thiện. Khác với Đông Hồ, tranh Hàng Trống lại mang đến một vẻ đẹp bắt mắt bởi sự đa dạng trong cách thể hiện hình ảnh con trâu. Không bị bó buộc bởi gam màu, dáng vẻ có phần thanh thoát nhưng ở đó vẫn là nét hiền hậu, chân chất và thong dong của người nông dân xưa.
Một dòng tranh dân gian khác cũng có tiếng ở Việt Nam là tranh làng Sình. Tuy có phần đơn điệu và nhẹ nhàng hơn so với tranh Đông Hồ và Hàng Trống nhưng vẫn biểu đạt rõ tinh thần chăm chỉ của con vật có sức mạnh quan trọng trong nông nghiệp.
Rồi từ đó, ta thấy rằng giá trị nghệ thuật của bức tranh dân gian luôn tồn tại mãi mãi cùng năm tháng.
Ở mỗi dòng tranh truyền thống, hình ảnh con trâu có một tạo hình riêng và độc đáo, xuất phát từ dấu ấn vùng miền. Tựu trung lại, chúng vẫn mang bóng dáng của người nông dân Việt Nam chất phác, hiền lành. Không cầu kỳ, phức tạp mà cởi mở, giản đơn từ chính những sinh hoạt đời thường nhất.
Chạm ngõ nghệ thuật điêu khắc, hình ảnh con trâu gắn liền với các bức chạm kiến trúc đình làng, ngõ xóm. Nhiều nghệ nhân đã chế tác hình ảnh “chú Sửu” vào những vật dụng hằng ngày như gạt tàn thuốc lá, chân đèn, bát, đĩa, bình gốm… vô cùng phong phú cả về hình khối lẫn màu sắc. Và đó cũng là một chủ đề trang trí nội thất nhằm mô tả lại không khí thường nhật của người dân thuở xưa.
Trải qua bao đời, hình ảnh con trâu vẫn rất đỗi mộc mạc, thân thiết với người làm nghệ thuật tạo hình. Từ tranh Chọi trâu, Mục đồng thổi sáo, Cày bừa,… mỗi bức một vẻ nhưng thật sống động hình ảnh cuộc sống con người miền quê lam lũ.
Con trâu cũng được các nghệ sĩ đương đại yêu thích, là chủ đề được nhiều họa sĩ bậc thầy chọn lựa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm… Dẫu mỗi họ có nhiều phong cách vẽ trâu khác nhau. Thế nhưng, đa phần đều có điểm chung đó là người họa sĩ vẽ từ chính trải nghiệm thực tế của họ về miền ký ức tuổi thơ gắn bó với làng quê Việt Nam. Những người chơi tranh dường như được thả hồn về chốn xưa nghĩa cũ, cùng bầu bạn rong chơi chốn thanh bình thông qua nét bút của các họa sĩ tài ba.
Trong lĩnh vực sơn mài, họa sĩ Phạm Trinh là người nổi tiếng với chủ đề con trâu trong các tác phẩm của mình. Ông xuất thân từ vùng quê, tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng, con trâu đi cày. Cũng bởi vậy, hầu hết các bức tranh sơn mài con trâu được ông phóng tác đều mang nét đẹp thơ mộng, dung dị và chạm đến cảm thức của người chơi tranh.
Trở lại với cánh đồng cỏ mênh mông, họa sĩ Phạm Trinh trở lại với những ngày tháng chăn trâu bình dị đón bình minh mỗi sớm mai thức dậy, nét vẽ của ông cứ tự do, bay bổng giữa bầu trời trong xanh, sắc màu cứ thế tuôn ra như một dòng chảy cảm xúc nghẹn ngào. Mỗi bức tranh sơn mài chủ đề con trâu chứa đựng bản sắc quê hương là khát vọng mà ông đã ấp ủ trong từng khoảnh khắc để được tuôn trào trong từng nét vẽ mang hơi thở của cuộc sống muôn màu.
III. Tranh sơn mài con trâu – Chất chứa tình cảm thân thiết với quê hương
Dù đi đâu về đâu, những hình ảnh mang biểu tượng đặc trưng đậm sắc thái dân tộc: Mái đình, cây đa, giếng nước, con trâu, sáo diều,…vẫn in đậm trong tâm khảm mỗi người Việt. Sự rung động nhẹ nhàng của các sự vật ấy như lời ru của mẹ đi theo hết một đời.
Hơn hết, với những ai xuất thân từ đồng ruộng, hình ảnh con trâu lại càng chất chứa nhiều tình cảm thân thiết, gần gũi mà thân thương đến nghẹn ngào. Sự hóa thân của con trâu thành các lớp xúc cảm đã xóa bỏ ranh giới giữa con người và sự vật, tuy hai mà một, hòa quyện thành một thể thống nhất.
Con trâu đã gắn bó với những người nông dân Việt Nam. Nó không những mang lại cho họ giá trị về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Nếu nói đến các biểu tượng văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế mà không nhắc tới con trâu thì quả thật là một thiếu sót.
Có thể thấy rằng, dù ở thời gian nào thì hình tượng con trâu cũng đều có ý nghĩa vô cùng thân thiết với con người. Con trâu luôn được nghệ thuật hóa bằng nhiều hình ảnh đa dạng khởi nguồn từ hội họa và điêu khắc. Nó hiện diện trong đời sống người nông dân như một người bạn tâm giao, chia sẻ buồn vui trong quá trình lao động và nỗi niềm cuộc sống.
Những nét họa trong tranh sơn mài lột tả đầy màu sắc về con trâu, khi tinh nghịch như trẻ nhỏ, khi chịu thương bên cô, bên cậu, lúc lại bùng lên như ngọn lửa thôi thúc bản năng sinh tồn. Hồn làng quê Việt trong tranh vốn bình yên là thế mà nay như được hình ảnh con trâu khuấy động bởi sức sống mạnh mẽ, vươn lên trong nghịch cảnh.
Đông phương Art