Trâu đạp lúa

Trâu cày ruộng, trâu đạp lúa, trâu kéo che, trâu kéo xe, kéo gỗ … Người nông dân quanh năm tất bật vất vả đã đành, trâu dù chỉ ba miếng rơm cỏ qua ngày còn vất vả gian nan gấp bội.

DSTV. Bắt đầu từ những năm 1990 quá trình cơ giới hóa nông nghiệp bắt đầu tăng tốc tại Việt Nam và đến nay, phần lớn các công việc nặng như làm đất, vận chuyển đều do máy móc đảm nhiệm, làm cho người nông dân không phải lao động cực nhọc như hàng ngàn đời nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc vai trò “đầu cơ nghiệp” của con trâu ngày càng giảm sút, người ta nuôi trâu chủ yếu không phải để cày ,bừa ruộng nương, kéo xe vận chuyển…mà là để cung cấp…thịt, da cho nhu cầu của người tiêu dùng! Ở các vùng đồng bằng con trâu ngày càng vắng bóng, thậm chí có nhiều làng xã không còn lấy một vài con. Đến mức trẻ em nông thôn đã không còn nhìn thấy con trâu, con nghé thật ngoài đời mà chỉ qua sách vở, phim ảnh, hoặc qua các chuyến đi tới các nơi người dân còn nuôi trâu. Những người còn giữ ký ức về trâu cũng bắt đầu bước vào tuổi già. Cứ đà này, vài chục năm tới thì ngay cả lớp người biết đến con trâu, tiếp xúc với trâu, lưu giữ những kỷ niệm về con trâu và tuổi thơ sẽ mai một dần và họ cũng đi vào ký ức. Đến khi ấy thì làm gì có ký ức về trâu nữa.

Qua tìm hiểu DSTV thấy rằng, trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các trang viết cá nhân hiện có một số lượng khá nhiều những bài viết thể hiện dưới dạng tản văn về những ký ức của các tác giả về con trâu với tuổi thơ của họ, về làng quê, về đời sống nông thôn qua cặp mắt của những người từng gắn bó một phần cuộc đời của mình. Đó là những áng văn tuy rất khác nhau về đề tài , về cách nhìn và về trình độ thể hiện…nhưng nhìn chung đều chứa đựng những tình cảm chân thật về con trâu tuổi thơ của tác giả.

Để lưu giữ lại những tình cảm đó, những ký ức đó, từ số này, DSTV sẽ xin phép các tác giả cho đăng lại các tác phẩm của mình trong mục “Ký ức về trâu”. Rất mong nhận được sự góp ý , nhận xét của người đọc và sự bổ sung của các tác giả mới.

 

 

 

 

Trong số này, chúng tôi đăng lại hai bài của blogger Bút Nguyên Tử – Tiểu Hùng Tinh

1. Đi vòng

Ở Tây Nam bộ, gặt xong, đập tại chỗ, quẳng bỏ rơm, chỉ mang lúa về. Nhiều nơi khác nhất là miền Trung, không như vậy, người ta tận thu cả rơm để làm chất đốt và thức ăn cho trâu bò trong những ngày mưa bão lụt lội.

     Gặt lúa, gánh về chất các bó lúa lại thành vòng tròn gọi là giã và cho trâu đạp. Tùy số lượng nhiều hay ít, giã lúa to hay nhỏ mà dùng một hay nhiều trâu. Một người đứng giữa, dắt mũi trâu cho đi vòng vòng, con trước con sau, chỉ cần thu hoặc nới dây là trâu đi theo vòng rộng hoặc hẹp. Có khi trâu nghé cũng lên đeo theo mẹ, vừa đi vòng vừa bú. Cứ hình dung người điều khiển là trục quay giữa còn trâu là bánh , cứ thế mà xoay cho đến khi nào lúa ra lúa rơm ra rơm. Đạp sạch, lúa rụng hết gọi là thục (thành thục), đạp còn sót lúa trên chẹn là sống. Phải dự phòng hai thứ, rổ lót rơm và thùng để hứng phòng khi trâu ỉa đái. Khi thấy trâu nhợm nhợm cong đuôi, người dắt kêu to lên, người nhà bớ bết bưng ra hứng. Chưa kịp, người dắt phải ép mạnh đuôi trâu xuống chưa cho ỉa. Gặp trâu đi đặc còn đỡ chứ gặp trâu ỉa chảy nhiều khi văng cả vào mặt. Lấy thùng hứng, trâu đái vào nghe “rột rột rồ rồ”, nhiều con hoảng kinh bứt dây mà chạy. Lại một phen bở hơi tai chạy lùa. Cười hết nổi!
Thường thì một giã lúa phải cho trâu đạp từ xế trưa cho đến tối mịt mới xong lượt đi. Trâu tạm nghỉ, lớn bé tập trung xảy bươi rũ thóc ra rồi xảy tấp thành giã và cho trâu đạp lượt lại. Đến khuya coi đã thục, trâu nghỉ, mọi người tiếp tục xảy tấp rơm ra một góc riêng rồi cào lúa lại.

Bút Nguyên Tử - Tiểu Hùng Tinh: ĐI VÒNG

Nhìn cảnh trâu cày giữa những ngày hè nóng bỏng hoặc những ngày đông lạnh buốt  mới cảm nỗi vất vả nhưng chứng kiến cảnh trâu kéo che đường mới thấy hết gian nan.Trước đây, người ta thường ép mía làm đường theo cách thủ công. Nhà nào  khá giả  nhiều mía thì có che riêng, không thì vài nhà hoặc anh em lập chung một che, hết phiên nhà này thì đến lượt nhà kia làm đường. Che rảnh mới ép thuê. Người ta thường dựng lều rạp đặt che ở góc vườn để rộng rãi và thông khói. Che nghiền mía gồm  ba bánh trục bằng gỗ cứng lớn, bên trên trục giữa gắn cần ngang dài mắc hai đầu gắn vào trâu, cứ thế hai con trâu đi vòng. Trục giữa quay kéo hai trục hai bên xoay ngược chiều nhau. Đun mía vào giữa rãnh trục để ép, bên che quay vào- đút, bên che quay ra- rút, hai người hai bên, đối diện nhau vừa đút vừa rút. Đại thể, hai trục che cũng giống như trục ở xe nước mía nhưng dựng đứng, to lớn và do trâu kéo. Nước mía ép ra được đưa vào các chảo lớn, dùng lá mía khô, bả mía để đun, khói um mịt mù. Nước mía sôi sùng sục, người ta dùng giỏ lưới để vớt dần cặn bẩn hất ra ngoài. Sôi đến độ dẻo đặc, nước mía được đổ vào thùng gỗ rồi rợt ra dãy bát đã được sắp hàng sẵn cho động lại thành đường bánh.

       Cày ruộng vất vả thật nhưng trâu còn được hưởng chút gió máy thoáng mát của đất trời, thỉnh thoảng bứt ngoạm được vài miếng cỏ non giữa ruộng nhưng kéo che thì không thể. Hai con trâu quàng ách bị buộc vào cần che như mang gông vào cổ cứ thế kéo gông nặng nề đi quanh. Rạp che chật hẹp trên nóng dưới nóng hầm hập, khói um mịt mù, bức bối lùng bùng, hai trâu rướn từng bước đẩy kéo xoay hai bánh xe nghiến rít vào mía. Rồi tiếng gỗ cọ xát “cọc cạch rít …cọc cạch rít…” thực  không khác chi cảnh tù khổ sai xay lúa kéo đá ngày xưa. Trâu kéo đến khi nào hết mía mới được nghỉ, nhiều khi từ sáng tinh mơ đến khuya mới thả ra, phần thưởng chỉ là đống lá mía gom sẵn cho nhai để lấy lại sức.

Trâu cày ruộng, trâu đạp lúa, trâu kéo che, trâu kéo xe, kéo gỗ … Người nông dân quanh năm tất bật vất vả đã đành, trâu dù chỉ ba miếng rơm cỏ qua ngày còn vất vả gian nan gấp bội.

2. Cưỡi trâu

Ở quê tôi, giữ trâu không những là việc con  nhà nghèo mà còn là việc của  con nhà khá giả. Trong nhà nuôi trâu cày thì con cái cực, không có trẻ con mới phải thuê người giữ.

Giữ trâu gian nan chứ không “sướng lắm chứ” như trong bài hát của Phạm Duy. Tuổi ăn tuổi ngủ mà   trời chưa sáng phải bớ bết thức dậy, bụng đói lùa trâu ra đồng cày rồi cắt cỏ trâu. Mùa hè đã cực, mùa đông giá rét cũng phải mang tơi đội nón, thấm thía cái lạnh cắt da. Cũng may, nhà  tôi tuy nghèo nhưng chưa quá cực, không nuôi trâu nên khỏi giữ.

Sợ giữ trâu, tôi chỉ thích cưỡi trâu.

Thằng Bê có kinh nghiệm cưỡi trâu trước tôi. Nó rủ tôi ra bãi thả trâu ngoài đồng rồi hai đứa năn nỉ con Năm con ông Hốt cho cưỡi trâu và cuối buổi đưa trâu về. Con Năm đồng ý giao trâu cho hai đứa tôi giữ. Thằng Bê đỡ đẩy tôi lên trâu vịn sống vai rồi đạp vào chân trước trâu nhợm nhợm nhảy leo lên cùng cưỡi. Lần đầu tiên cưỡi trâu, tôi thấy ngợp nhưng có thằng Bê ngồi cùng nên đỡ sợ. Trâu  bước điềm nhiên ngoạm cỏ,  ngồi mình trâu thấy mình  cao hẳn, thích lắm!

Trước khi đưa trâu về, thằng Bê dặn đi dặn lại tôi rằng  khi trâu leo lên mô dốc thì phải bám chặt vào sống lồi giữa hai vai trâu giữ cho khỏi tuột, khi trâu từ bờ xuống ruộng thì phải xô vào mô  sống lưng để không bị ngã chúi. Tôi ừ à nghe lời.

Đưa trâu về, trâu không còn ăn trên bãi cỏ mà đi theo bờ ruộng mấp mô, vần qua vần lại gây ngợp hơi run nhưng thú lắm. Trâu leo lên mô đất cao, tôi ấn người tới trước bám ôm lấy thằng Bê, nó  níu chặt lấy sống vai trâu, ngợp khiếp quá!  Trâu từ mô cao  xuống  bờ ruộng, tôi hoảng thay vì xố vào sống lưng trâu thì xô vào lưng thằng Bê, cả hai đứa té lăn xống ruộng lấm lem. May mà không  bị gì.  Thằng Bê mắng tôi một trận.

Xong, nó lại  đỡ đẩy giúp tôi lên mình trâu và tự mình  leo lên, giật dây mũi điều khiển trâu về.

Những lúc rỗi rảnh, tôi thường chạy theo mấy bạn chăn trâu xin cưỡi.  Một cảm giác êm đềm, mênh mông chơi vơi, ngồi mình trâu giúp mình cao hơn, ngóng nhìn  xa hơn đã đành mà còn có cảm tưởng oai vệ bản lĩnh như Đinh Bộ Lĩnh phất ngọn cờ lau tập trận ngày xưa.

1-2015

https://butnguyentu.blogspot.com/2022/02/ap-lua.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *