Ở nơi người nuôi trâu rồi trâu lại nuôi người

Ở nơi người nuôi trâu rồi trâu lại nuôi người: Ông Lầu Văn Vừ, 70 tuổi, Bí thư chi bộ xóm Phú Thọ, người Mông đầu tiên trong vùng nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo nói chậm rãi: Nhà tôi hết nghèo đói cũng nhờ vào con trâu, bò. Tôi nghiệm thấy việc nuôi nhốt con trâu, bò vỗ béo cho tiền nhanh, mà trong nhà trẻ nhỏ, người già cũng có thể làm được, nên vận động bà con cùng làm, coi đó như việc lên nương trồng bắp lấy lương thực… Bụng mình được no cũng nhờ nuôi con trâu, bò béo tốt. Rồi nó… nuôi lại mình.

Ở nơi người nuôi trâu rồi trâu lại nuôi người
Ở nơi người nuôi trâu rồi trâu lại nuôi người

Người người nuôi trâu

Ông Vừ tâm sự: Năm 1986, ông cùng vợ con và 2 gia đình nữa hạ sơn từ tỉnh Cao Bằng về xóm Phú Thọ – xã Phú Đô. Thời bấy giờ, xung quanh thung lũng chỉ rừng là rừng, chọn được dải đất trũng ông cùng các gia đình khác bàn kế hoạch xây dựng bản. Những ngày đầu khi mới về bản toàn bộ diện tích đất rừng chủ yếu là câu lau, sậy và cây rừng rậm rạp. Để khai khẩn được ông cùng người dân hàng ngày lên núi phát từng bụi lau, chặt từng dây rừng. Ông chỉ vào các vết chai sần ở bàn tay mình nói tiếp: những vết chai này đã thay không biết bao lần cái nọ phủ lên cái kia để rồi từ những cây rừng rậm rạp được ông và các hộ gia đình khai phá.

Trước năm 2000, xóm Phú Thọ được ví là vùng đất xa khuất của huyện Phú Lương. Bởi núi ôm bọc, đường đất khó đi, đời sống kinh tế của người dân luôn túng thiếu, con trẻ học hành dang dở vì xa trường, bụng chưa được ăn no. Vì thế nhiều người dân, chủ yếu là người miền xuôi lên lập nghiệp từ hàng chục năm trước đây, lấn bấn mãi rồi cũng tìm cách chuyển nhà ra trung tâm xã, hoặc chuyển hẳn về xuôi.

Dù nhớ nương, tiếc ruộng, nhưng việc trồng lúa, ngô có giá trị ngày công không cao so việc đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, nên nhiều gia đình chấp nhận bán lại ruộng đất để có thêm vốn liếng làm ăn. Hầu hết những người muốn bán đất đều tìm tới ông Vừ nhờ cậy. Ông Vừ không ngần ngại, sốt sắng giục vợ mổ gà, nấu cơm nếp gói vào lá chuối làm đồ ăn để ngược đường về Hà Quảng, bảo anh em họ mạc bán trâu, bò, dồn tiền về lũng núi này mua lại đất. Tin lời ông, nhiều hộ người Mông dắt díu theo về cùng tạo lập cuộc sống mới, cùng mưu sinh bằng việc dọn bãi trồng bắp, trồng rừng, phát triển thêm cây chè, động viên nhau làm chuồng trại chắc chắn để nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo cải thiện cuộc sống.

Từ một con trâu giờ gia đình ông có đến 10 con. Do dám nghĩ, dám làm mà gia đình ông trở thành hộ khá giả nhất xóm. Con cái được đi học và trưởng thành. Nhờ ông Vừ chỉ bảo, sau nhiều mùa cây rừng thay lá, các hộ người Mông xóm Phú Thọ đều thành thạo công việc trồng cỏ, cắt cỏ vỗ béo trâu, bò. Nhiều người chỉ cần nghe tiếng con vật cọ sừng vào gióng chuồng là biết chúng thèm muối, đói cỏ, khát nước hay muốn ăn dặm thêm cám ngô. Hầu hết các hộ người Mông trong lũng núi này đều đầu tư nuôi nhốt trâu, bò. Hộ khó khăn, thiếu vốn, nhân công ít, thì nuôi một con. Hộ kinh tế khá giả, có vốn, có lao động dôi dư nuôi 10 con.n Điển hình như gia đình anh  Lầu Văn Sình, về bản gần 10 năm nay, nghe ông Vừ mách, anh Sình mạnh dạn vay vốn, mua đất trồng rừng và chăn nuôi, cộng thêm được cán bộ khuyến nông của xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi trong tay anh đã có hơn 4ha rừng, đàn trâu của gia đình cũng tăng lên 7 con, chỉ nhìn qua như vậy cũng biết tài sản hiện hữu của anh lên đến vài trăm triệu đồng. Anh Sình phấn khởi nói với chúng tôi: Những năm trước cuộc sống gia đình khó khănđến cơm còn không  đủ ăn chứ chả nghĩ đến chuyện cho con cái đi học. Giờ kinh tế khá gia đình tôi có nhà xây kiên cố và có điều kiện chăm lo cho các con đi học.

Ở nơi người nuôi trâu rồi trâu lại nuôi người
Ở nơi người nuôi trâu rồi trâu lại nuôi người

Ông Lầu Văn Vừ (áo đen bên phải)- Bí thư chi bộ xóm Phú Thọ- xã Phú Đô (Phú Lương) cùng lãnh đạo Đảng ủy xã trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất với bà con nông dân xóm Na Sàng

Với người dân tộc Mông, việc mua trâu, bò về làm chuồng nuôi nhốt, vỗ béo không phải là nghề mới, mà đã có từ nhiều đời nay. Ông Lý Văn Thành, một người dân ở đây, nói rủ rỉ như tiếng rừng: “Người Mông chúng tôi cứ đi mua trâu, bò về chăm nuôi, lâu ngày thì nên thợ chứ chẳng có bí kíp gì. Chỉ khác ở chỗ là ngày trước đây, các cụ nuôi trâu, bò chủ yếu để sinh sản, đông đàn, khi có việc mới giết mổ, ít khi bán. Nhiều người còn dắt bò ra chợ phiên để khoe với bạn về con bò nung núc béo. Dân trong vùng nhìn đàn bò là biết tiềm lực kinh tế của gia chủ. Nhà nhiều trâu, bò thể hiện được sự giàu có. Nhưng đó chỉ là một khối tài sản di động không sinh lời và luôn lo sợ bị dịch bệnh”.

Trong phát triển chăn nuôi đàn gia súc, ông Thành và những nông dân người Mông Phú Thọ hôm nay là thế hệ mới. Họ vượt qua cách làm truyền thống, từ chăn nuôi gia súc thả rông sang nuôi nhốt, trồng cỏ cho ăn. Họ không khoe con trâu, bò gắn bó với gia đình nhiều năm, mà quan trọng là con trâu, bò ấy mang lại cho mình bao nhiều tiền lãi. Cơ chế thị trường đã theo bước chân tư thương len lỏi về bản người Mông xa khuất, rồi sự va đập của cuộc sống đã tác động tích cực vào tư duy làm kinh tế của đồng bào. Bà con đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tức là đi mua trâu, bò về vỗ béo.

Trâu bò “nuôi lại” người

Trong lúc dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại chăn nuôi của gia đình, ông Lý Văn Sinh cho biết: Chúng tôi đến các vùng lân cận như Định Hóa, Đồng Hỷ và sang tỉnh Bắc Cạn tìm mua bê, nghé hoặc trâu, bò gầy, giá từ 15 – 20 triệu đồng/con. Sau khi mua, rong về nuôi cách ly một thời gian mới cho nhập chuồng, tránh lây lan dịch bệnh. Thời gian nuôi nhốt từ ba đến chín tháng được xuất bán, trung bình một con có lãi từ 20 – 25 triệu đồng, có con được lãi 30 triệu đồng.

Việc mua, bán trung thực dần tạo cho các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở thẻo núi này một môi trường giao thương thuận lợi. Người mua, người bán tự tìm đến nhau, cùng định giá, nhất trí thì đập bàn tay vào nhau, cười sảng khoái, trả tiền, hể hả dắt trâu, bò về… Không ai nhớ mình đã bao nhiêu lần đi mua cũng như bao nhiêu lần bán trâu, bò. Chỉ biết trong chuồng lúc nào cũng có trâu, bò. Như nhà ông Vừ, ông Thành, ông Sinh thường xuyên duy trì đàn gia súc bảy đến tám con, có lúc lên đến 10 con trâu, bò. Để chủ động về nguồn thức ăn cho chăn nuôi, hầu hết các hộ đều dành đất trồng cỏ, những khu đất cằn bên mé rừng, đất bên lề đường trục xóm đều được tận dụng trồng cỏ Voi, cỏ VA 06, cỏ Ruzi… Ông Thành cho biết: Các loại cỏ này không kén đất, đặt xuống là ngoi mầm, lá tốt, trâu, bò thích ăn. Ngoài cỏ trồng, những hộ chăn nuôi nhiều còn lấy thêm các loại cây, lá ở rừng về làm thức ăn cho trâu, bò.

Chăn nuôi trâu, bò theo cách nhốt chuồng, vỗ béo vừa tạo được thêm việc làm tại chỗ, tăng thu nhập và bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên công việc đòi hỏi người chăn nuôi cần có kiến thức, kinh nghiệm để phòng tránh các loại dịch bệnh. Do vậy, khi địa phương tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, các hộ đều tích cực tham gia. Nhiều người chưa nói thành thạo tiếng phổ thông cũng đăng ký tham gia, vừa nghe cán bộ khuyến nông truyền đạt, vừa nhờ người dịch lại bằng tiếng Mông. Ông Vừ nói như một xác nhận: Được tập huấn, chúng tôi thấy tự tin hơn rất nhiều khi đầu tư vốn vào chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Vì qua đó chúng tôi biết cách phòng, chống một số loại dịch bệnh thường gặp trên đàn gia súc, như: Bệnh lở mồm long móng; bệnh nhiệt thán; ngộ độc thức ăn; bệnh tiêu chảy; bệnh xoắn khuẩn… Nhờ thế trên đàn vật nuôi của các hộ trong xóm, con nào cũng mau lớn, chóng béo và bán được giá cao.

Ông Sùng Văn Lý, một trong những hộ có mô hình chăn nuôi thường xuyên gần 10 trâu, bò vỗ béo của xóm chia sẻ: Để chăn nuôi đạt hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro, tôi vận dụng triệt để những tiến bộ khoa học kỹ thuật chăn nuôi do cán bộ khuyến nông huyện truyền đạt, như việc ủ chua thức ăn, ủ rơm với urê, cách làm mềm thân cây ngô cho trâu, bò ăn và cả việc dùng bao tải làm áo ấm cho trâu, bò khi trời rét đậm, rét hại. Các hộ chăn nuôi trâu, bò ở Phú Thọ đều làm như vậy. Nên trâu, bò chúng tôi nuôi, vỗ béo không bị đổ ngã vì thời tiết khắc nghiệt. Và không bị dịch bệnh gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Lũng núi xóm Phú Thọ vẫn núi ôm, mây ấp, nhưng từ 5 năm gần đây, Nhà nước đã làm đường bê-tông cắt núi vào xóm. Con đường ra huyện như gần hơn, đồng bào cũng thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhiều tư thương vào thu mua trâu, bò béo của đồng bào đã ví von: Ở lũng núi này, những người Mông không chỉ giỏi đi rừng, mà đã rất năng động, giỏi làm kinh tế bằng nghề vỗ béo trâu, bò. Còn bà con người Mông thì mộc mạc hơn Chăm con trâu, bò nhanh béo, cũng giống việc mình đi làm nương lấy bắp ngô, lên nương lấy cây thuốc. Bụng mình được no cũng nhờ nuôi con trâu, bò béo tốt. Rồi nó… nuôi lại mình.

Bài & ảnh: PHẠM NGỌC CHUẨN Nhân Dân

One thought on “Ở nơi người nuôi trâu rồi trâu lại nuôi người

  1. Pingback: Huyện Kỳ Sơn: Kinh Tế Khá Hơn Vì Có đàn Trâu Bò 50.000 Con » Di Sản Trâu Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *