“Ta lên rừng đi tìm cây thuốc/ Ta xuống suối đi bắt cá to/ Ta là mưa cho rừng xanh tươi/ Ta là nắng lúa chín trên bờ/ Ta là người của bản Dao ta”. Lần theo câu hát của những chàng trai, cô gái người Dao, chúng tôi về Khau Tàm, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) trong những ngày thu nắng vàng tràn ngập đồi ngô, nương lúa. Nơi đây còn lưu truyền biết bao huyền thoại thắm đượm ước vọng vươn lên của bà con bản Khau Tàm.
“Lùng à, lùng ơi…”
Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ leo ngược dốc, đôi chân như muốn rời ra, chúng tôi mới đến được Khau Tàm. Trưởng bản Triệu Văn Trường dí dỏm: “Bản mình thấp thôi mà, cách mực nước biển có hơn 1.000 mét, dân bản nó vẫn xuống xã, đi chơi chợ, có sao đâu”. Ngày xưa, đôi chân cha ông mình đi khắp nơi lần hồi tìm cái ăn, những cánh rừng tan hoang theo đôi chân người Dao. Lên đỉnh Khau Tàm này cũng là vì kế sinh nhai, nhưng nơi đây là vùng đất “thiêng”, đến rồi là ở đây mãi, người Dao Tiền không đi đâu được nữa. Trưởng bản Trường giải thích, đó là về tâm linh, thực tế, đây là vùng đất mưa thuận, gió hòa, thuận cho nghề nông, nhất là nghề nuôi trâu.
Tương truyền rằng, nghề nuôi trâu ở châu Khánh Thiện xưa, Chiêm Hóa nay được bắt nguồn từ bản Khau Tàm. Bà Chu Thị Hoa, năm nay gần 70 tuổi cho biết, “Khau” là trắng, “Tàm” là trâu, theo di chỉ của người dân tộc Dao có nghĩa là ngọn núi có ba con trâu trắng, trâu của nhà trời đưa xuống để cứu dỗi người Dao nơi đây quanh năm đói nghèo. Hẳn vì thế, giống trâu ở đây to, chắc thịt, khác hẳn với giống trâu thường. Bà Hoa bảo, bản mình có 50 hộ đều nuôi trâu, chúng nó đều mua được xe máy để đi cho đôi chân đỡ mệt, nhà to, lợp ngói đỏ cũng từ nuôi trâu mà có đấy. Nhưng chuyện nuôi trâu thì để cho trưởng bản dẫn nhà báo đến từng hộ mà xem cụ thể. Theo già thì ở đây mà không nuôi trâu chỉ có mà nghèo suốt, lại đi phá rừng thôi. Từ ngày lên đây lập xóm lập bản, cái đói không còn nữa, bọn trẻ chúng nó được học hành đến nơi đến chốn. Như già đây có biết chữ đâu vì ngày trước theo cha mẹ đi khắp núi này sang núi khác tìm cái ăn, biết học ở đâu.
Bà Hoa vừa chuyện nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt khâu vá. Đám trẻ đang vui đùa, thấy khách lạ, đứa nép sau cánh cửa, đứa vân vê tà áo lấm lét nhìn khách. Bà Hoa nhìn đám trẻ vẻ mặt rạng ngời. Chúng nó bây giờ sướng thật, bé tý tẹo đã đọc được cái chữ vanh vách, biết làm tính rồi. Ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng trường, lớp ngay tại bản cho lũ trẻ được đi học thuận lợi hơn, chỉ mấy nhảng chân là đến lớp rồi, vì thế có đứa nào bỏ học giữa chừng đâu. Có được học chữ thì cái đầu không còn tăm tối, làm ăn giỏi giang hơn, nhất là nghề nuôi trâu. Đàn trâu trên đỉnh núi này không chỉ có 3 con nữa mà có hàng trăm con. Mà nuôi trâu đã biết khoanh vùng rồi, không để cho chúng lên rừng tự do nữa, thất thoát lắm…
Nghề nuôi trâu
Toàn xã Kiên Đài hiện có 1.105 con trâu thì riêng Khau Tàm có đến 170 con. Hỏi về chuyện chăn nuôi trâu, Trưởng thôn Triệu Văn Trường vui vẻ đưa chúng tôi đến gặp những hộ nuôi nhiều trâu nhất bản. Những con trâu mộng giống, trâu ngố to và nặng đến ngót tấn đang thủng thẳng gặm cỏ dưới thung lũng mơn mởn cỏ non.
Nhà ông Chu Văn Thắng là hộ điển hình trong phát triển chăn nuôi trâu của bản. Thời điểm ông nuôi nhiều trâu nhất có đến 27 con, con nào con nấy cứ béo tròn, “chân bước đến đâu, lún đất đến đó”. Ông Thắng tự hào về đàn trâu nhà mình. Ông cho biết, ngày trước dân bản còn tập quán chăn nuôi thả trâu đi khắp núi này đến núi khác, nhiều khi trâu bị thú rừng ăn thịt, bị ngã xuống vực sâu cũng không biết. Rồi người ta muốn mua trâu ấy à, phải mất mấy ngày “hẹn hò” nhau mới hoàn thành được một cuộc mua bán. Thời buổi kinh tế thị trường, thế này thì gay lắm… Ông Thắng bảo rằng, những tổn thất đó, khiến dân bản phải nghĩ, họp nhau lại để bàn cách làm ăn mới. Người Dao họp bản nhanh thôi, thống nhất 3 hộ chung nhau một dải đất rừng dài hơn 2 km để thả trâu, trâu nhà ai mà đi quá khu vực “cấm” họp sẽ bị phê bình, mà người Dao sợ nhất là bị… chê trước đông người nên ai cũng làm tốt lắm, không để cho trâu vào rừng sâu núi thẳm nữa. Trong mấy năm vừa rồi, bản không có con trâu nào bị chết do ngã núi đá, ngã vực, bị thú rừng ăn thịt. Hơn thế nữa, trâu được chăn thả gần nhà, thuận cho việc tiêm phòng dịch bệnh, người mua trâu đến là xem được ngay, ưng là mua, là có tiền ngay. Nhà ông Thắng còn giỏi nuôi lợn, thu nhập cao nhất nhì ở bản Dao này. Ông đã làm được ngôi nhà gỗ khang trang lợp mái ngói đỏ tươi, có xe máy “xịn”.
Ở Khau Tàm còn rất nhiều nhà chăn nuôi trâu đạt hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Triệu Văn Tuân nuôi 13 con trâu, ông Bàn Văn Mận cũng nuôi 8 con… Nhờ chăn nuôi trâu nên các hộ trong bản đều có nhà ngói, có xe máy. Bà con còn đóng góp ngày công lao động, vật liệu hoàn thành xây dựng 5 phòng học cho phân hiệu Trường Tiểu học Pắc Đò, thu hút 100% số trẻ trong độ tuổi đến lớp.
Nhà nào thóc cũng đầy bồ, ngô phơi đầy sân còn là ấn tượng đẹp về Khau Tàm. Bí thư Chi bộ Bàn Văn Mận cho biết, cái khó trong sản xuất lương thực của bản là đất ở đây cao, dốc, nguồn nước không thuận lợi. Nhưng bằng sự quyết tâm giữ nước ở các khe, lạch lấy nước tưới cho lúa, cây lúa gặp nước ngọt từ mạch rừng tốt lắm, hạt chắc và dẻo, thơm. Cây lúa đã được đưa xuống ruộng, xuống nương ở Khau Tàm này 2 vụ trong năm nên không còn thiếu đói trong ngày giáp hạt nữa. Đói nghèo dần được đẩy lùi rồi. Nhưng có được điều đó là cả một sự nỗ lực của tập thể chi bộ đấy. Chi bộ giao nhiệm vụ cho từng đảng viên đi đầu trong việc trồng lúa 2 vụ để bà con làm theo. Những vùng đất như Nà Lốm, Nà Dáo, Nà Luông là những “vựa lúa” của Khau Tàm. Cả thôn có gần 9 ha diện tích lúa nước, trong đó có 7 ha đất lúa 2 vụ. Kênh mương được bắc từ các khe lạch suối sải đến từng thửa ruộng, mang về mùa màng bội thu cho người dân Dao Tiền nơi này. Bình quân lương thực của bản đã đạt 450 kg/người/năm. Thôn có đội bóng đá, bóng chuyền, đội văn nghệ góp phần tạo không khí thôn bản thêm tươi vui, phấn khởi. Mong ước của bà con Khau Tàm là được Nhà nước đưa điện lưới quốc gia về thôn để cuộc sống sinh hoạt, học tập, văn hóa của bà con thêm thuận lợi.
Qua những vạt rừng, thửa ruộng, bãi ngô, trong tôi rộn vang câu hát của người bản Khau Tàm truyền tụng nhau đến tận hôm nay: “Đẹp như hoa rừng, lùng à, lùng à/ Đẹp như lúa nương, lùng ơi, lùng ơi/ Cùng anh xuống chợ, rượu làm mặt hồng/ Gọi câu hát cho duyên thắm mãi mãi bên nhau” (Lùng à, lùng ơi – nàng à, nàng ơi)…