Sáng 17/3/2012, Lễ trao giải Cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” lần thứ hai đã diễn ra tại đình làng Chùa, Ứng Hoà, Hà Nội . Một ngôi làng đặc biệt, với những con người tuyên ngôn “lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức”, lập nên một giải thơ đặc biệt.
1.Nhiều nhà thơ chuyên nghiệp lấy làm ngạc nhiên và cảm phục. Từ trên đê sông Đáy, xe lăn chầm chậm đến đình làng Chùa, trong tiết mưa xuân tháng ba lất phất, thấy cờ phướn, băng rôn, biểu ngữ chăng đầy. Tại sân đình, hai cây cột đèn dựng hai bên gắn đầy những cờ vải đỏ như bàn tay vẫy. Những chùm bông tre vót xù được người làng Chùa nhuộm xanh đỏ kỳ công. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bảo, từ ngày anh lớn lên, thấy mỗi dịp làng có việc đều dựng hai cây cột đèn này. Nhiều nhà thơ chuyên nghiệp lấy làm ngạc nhiên và cảm phục. Có người thốt lên “Thật tuyệt vời làng Chùa!”. “Một ngôi làng nghèo khó và bình yên bên sông Đáy, có lẽ là “độc nhất vô nhị” trong lòng một dân tộc có tuyền thống yêu thơ. Gọi là độc nhất vô nhị bởi người làng Chùa hầu như ai cũng mê thơ và biết làm thơ, tìm đến nhau bằng sự giao cảm kỳ lạ của thơ ca” (nhà nghiên cứu văn học, TS Nguyễn Đăng Điệp).
Độc nhất vô nhị, bởi có lẽ không ở đâu như làng này, nếu bạn lang thang trong các con ngõ nhỏ, thỉnh thoảng gặp những tấm biển giống như biển chỉ đường, treo trên các cột điện. Không phải để chỉ đường, hay viết lên đó một chủ trương, khẩu hiệu nào, mà là những câu “châm ngôn” về thơ. Bạn có thể bắt gặp những tấm biển ghi rằng: Một chữ có Ân thì nở hoa, vạn chữ có Oán thì chỉ sinh sâu bọ; Người yêu thơ, ta yêu người/ Nhưng người không yêu thơ, ta phải yêu người hơn; Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng…
Thật kỳ lạ người làng Chùa, họ là những nông dân, cùng với việc cày cấy và đan lát, họ làm thơ và đọc thơ. “Những câu thơ loé lên từ ánh sáng lưỡi cày, tứ thơ giản dị và mộc mạc như củ khoai, củ sắn, ý thơ xanh tốt như ruộng lúa, nương ngô..”. Các cụ già trong làng nói vậy. Và họ cho biết, truyền thống yêu thơ và làm thơ ở làng đã có từ hàng trăm năm trước. Nhưng điều kỳ lạ là, trong cuộc sống hiện tại, trong lam lũ và nghèo khó, người làng Chùa, từ các cụ già hơn 90 tuổi đến những em bé mới bắt đầu đi học, đều thích đọc thơ hoặc làm thơ…
2. Cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội” khởi đầu từ ba năm trước và đây là lần thứ hai, do người làng Chùa tổ chức và được Công ty TNHH Lối sống Việt tài trợ.
“Cuộc thi chỉ là cái cớ để mọi người bước đến và ngồi xuống bên nhau và cất lời kể cho nhau nghe về những gì yêu thương và thiêng liêng đang chảy trong huyết mạch mình (ông Lê Xuân Dân – Chủ tịch UBND xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội).
Thật tự nhiên, cuộc thi thơ do một ngôi làng tổ chức, lại thu hút sự tham gia của những cây bút viết thơ chuyên nghiệp, và không chỉ phải chỉ có người làng Chùa, mà là từ các “ngôi làng” khắp nơi trong cả nước. Hơn 6 nghìn bài thơ gửi đến, trong đó có những bài thơ của các tác giả hơn 80 tuổi. Mặc dù làm thơ như những người không chuyên, nhưng tổ chức một giải thơ, người làng Chùa đã nhờ một Ban giám khảo là những nhà thơ, nhà phê bình chuyên nghiệp “cầm cân nảy mực”.
Với một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và 9 giải tư, TS. Nguyễn Đăng Điệp, đại diện các thành viên Ban chung khảo khẳng định, “cuộc thi thành công ngoài mong đợi”.
Giải nhất năm nay được trao cho Đinh Thị Như Thuý, một người viết gắn bó với Tây Nguyên. Nhận giải thưởng trị giá 15 triệu đồng do người làng Chùa trao tặng, Đinh Thị Như Thuý rớm nước mắt vì cảm động. “ Tôi nghĩ trong mỗi nhà thơ đều có một ngôi làng, gắn bó với một mảnh đất riêng mình. Tôi gắn bó với Tây Nguyên, viết về Tây Nguyên và tôi muốn chia sẻ tình cảm, sự gắn bó đó của mình. Và tôi nghĩ, đó là điều mà cuộc thi Thơ ca và nguồn cội muốn hướng tới”
Làm thơ về những gì gần gũi nhất, thân thương nhất, bằng tiếng nói của chính mình trên quê hương mình, có lẽ chính vì thế mà những người nông dân làm thơ ở làng Chùa nhận được sự đồng cảm của các nhà thơ chuyên nghiệp. Hay nói đúng hơn, về với làng Chùa, là một dịp để những nhà thơ chuyên nghiệp nhận rõ hơn bản chất của thi ca…
Ânh đầu bài: Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy (sinh năm 1965 tại Huế, hiện dạy học tại Đắc Lắc) lần thứ hai “đăng quang” ngôi vị quán quân cho các trích đoạn trong bài thơ Nơi ngày đông gió thổi.
https://dangcongsan.vn/van-hoc-nghe-thuat/cau-tho-loe-len-tu-anh-sang-luoi-cay-119432.html
Pingback: Bài hát: Em bé quê của nhạc sĩ Phạm Duy: Ai bảo chăn trâu là khổ