1.Chuyện về Chánh quan Lang không tai
Năm 1932, khi được vua Bảo Đại vời vào kinh đô Huế yết kiến, Chánh quan Lang tỉnh Mường Hòa Bình Quách Vị đã đưa người con gái nuôi xinh đẹp cùng đi. Trong lần ấy, Quách Vị được vua ban cho một bộ cẩm bào và mũ cánh chuồn thay cho đôi tai thật mà Quách Vị không có.
Xứ Mường Hòa Bình xưa, cùng với 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động là các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hà nối đời làm Lang cai quản. Đối với từng dòng họ thì con trai trưởng làm Lang Cả, con trai thứ làm Lang em chia nhau đi Ăn Lang (cai quản) từng vùng. Toàn tỉnh có một hội đồng Quan Lang gồm 12 thành viên. Trong đó đứng đầu là Chánh Quan Lang mà quyền thế như ông vua một vùng.
Chánh quan Lang Quách vị được vua Bảo Đại ban cho mũ cánh chuồn thay vào đôi tai mà ông không có
Vùng đất Mường Vang, Mường Vó nằm gọn trong một thung lũng rộng lớn, với diện tích lúa nước lên đến hàng ngàn ha, thuộc 7 xã: Miền Đồi, Quý Hòa, Tuân Đạo, Tân Lập, Mỹ Thành, Văn Nghĩa và Nhân Nghĩa của huyện Lạc Sơn ngày nay. Các cụ già ở vùng này vẫn thường ngâm nga cho con, cháu nghe bài thơ cổ ca ngợi cảnh đẹp của vùng Mường Vang:
Bốn bề rừng rậm núi nguy nga
Nước hát chim ca cảnh thái hòa
Man mác trời mây bày trăm vẻ
Dập dìu hoa lá thác ngân nga
Trời xanh cũng khéo tựa chiều ta
Bốn bề non nước ấy cảnh nhà
Hòa cùng trời đất đưa hương sắc
Bông thơm trái ngọt nở muôn hoa
Về Mường Vang hôm nay, chưa chắc bạn đã hình dung ra sự trù phú khi xưa của nó. Nhưng tiếp xúc với gia đình quan lang cũ ở đây, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về uy quyền và sự thịnh vượng của Lang Cun Mường.
Khi xưa, cai quản vùng đất trù phú, nên thơ này là dòng lang họ Quách mà dinh thự đặt tại trung tâm xã Tân Lập để thay nhau ăn lang ở vùng Chiềng Vang. Không biết là đời thứ bao nhiêu, nhưng vào một ngày lành, tháng tốt, mưa thuận, gió hòa của năm 1883, bà Chu – vợ lang Cun (Lang to) Quách Tiết sinh ra người con trai và đặt tên là Quách Vị. Quách Vị ngay từ lúc ra đời đã có khuôn mặt rất đẹp nhưng lại không có cả hai vành tai. Càng lớn, Quách Vị càng khôi ngô, thông minh và cao lớn hơn người.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình dòng dõi quan lang, Quách Vị được nuôi dưỡng chu đáo và được ăn học cẩn thận. Xác định bổn phận sau này thay cha làm Lang Cả cai quản thần dân nên Quách Vị càng cố gắng học tập và rèn luyện, tiếp cận vị thế tương lai của mình. Năm 1903, khi mới 20 tuổi, Quách Vị được bổ làm Thông sự Tri Châu Lạc Sơn nên càng có điều kiện, giao lưu, tiếp kiến với người Pháp và các quan lang trong vùng. Với những cố gắng của mình, 5 năm sau, mới 25 tuổi, Quách Vị được thăng làm Phó Tri châu, rồi Tri châu Lạc Sơn.
Đêm mồng 2, rạng sáng mồng 3/8/1909, từ hang Can (thuộc xã Độc Lập ngày nay), Tổng Kiêm và Đốc Bang dấy quân khởi nghĩa đánh chiếm tỉnh lỵ Hòa Bình. Sau khi đánh vào tỉnh lỵ, tiêu diệt được một số quan, quân Pháp, thu được không ít vũ khí và lương thực, nghĩa quân theo sông Đà rút về đồn trú ở vùng núi Viêm Nam để phục binh đánh Pháp lâu dài. Trước tình hình trên, Quách Vị được lệnh mang quân Sơn dõng của Châu Lạc Sơn ra bảo vệ tỉnh lỵ và truy kích quân khởi nghĩa. Mãi tới cuối năm 1910, do lực lượng không cân sức, quân khởi nghĩa thất bại, lãnh tụ của họ bị bắt và đày ra Côn Đảo, chấm dứt cuộc khởi nghĩa yêu nước của Tổng Kiêm, Đốc Bang.
Do chiến công này, Quách Vị được người Pháp chú ý nhưng còn phụ thuộc vào Hội đồng Quan Lang cấp tỉnh, nên ông tiếp tục về làm Quan Tri châu Lạc Sơn. Cho đến 1920, nghĩa là 10 năm sau, khi đã “cứng cáp”, Quách Vị mới được bầu vào Hội đồng Quan lang gồm 12 người. Hội đồng Quan lang lại bầu ra 6 vị từ Chánh quan lang và 5 chức sắc tiếp theo. Trong 6 người ấy, Quách Vị được bầu là quan Án sát. Đến năm 1925, Quách Vị trúng liền 2 khóa làm Chánh Quan Lang tỉnh Mường – tương đương với quan Tuần phủ người Kinh.
Ông Quách Vị có bốn người vợ, trong đó có 2 vợ thuộc dòng dõi nhà Lang. Đinh Thị Yên – vợ cả đẻ được con trai Quách Hàm.Vợ hai là Quách Thị Yềm, người Mường Vang lại không biết sinh con; người vợ thứ Ba, thứ Tư là Bùi Thị Mếu và Bùi Thị Bì không thuộc dòng dõi nhà Lang nên phải chịu gọi là “vợ nuôi”. Cả 4 bà vợ đều ở quê nên Quách Vị ở trên tỉnh có một mình. Ngay từ khi còn làm quan Án sát, Quách Vị đã làm giấy nhận một người con gái của vợ chồng người hầu bếp làm con và đổi sang họ Quách.
Năm 1932, khi được vua Bảo Đại vời vào kinh đô Huế yết kiến, Chánh quan lang Quách Vị đã đưa người con gái nuôi xinh đẹp cùng đi. Trong lần ấy, Quách Vị được vua ban cho một bộ cẩm bào và mũ cánh chuồn thay cho đôi tai thật mà Quách Vị không có. Sau, người con gái nuôi này chính là hoa hậu sứ Mường vào các năm 1932 – 1933. Và rồi trở thành con dâu ngoài ý muốn của Quách Vị. (sẽ đề cập ở phần sau)
Dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, ở miền núi Hòa Bình, tuy đã có Hội đồng Quan Lang do Chánh Quan Lang đồng thời là quan Tuần phủ người Mường đứng đầu tỉnh, nhưng toàn quyền lại do Quan Công sứ người Pháp quyết định. Bên cạnh quan Công sứ thì Phó Công sứ cũng là người Pháp. Vào năm 1934, Công sứ Tuyxtơ, hết nhiệm kỳ được triệu về nước, Moóclơva được bổ nhiệm là Công sứ mới cai quản tỉnh Mường Hòa Bình. Trong buổi “Tống cựu, nghinh tân”, thấy Chánh Quan lang Quách Vị thể hiện sự lưu luyến với cựu Công sứ mà không mấy đậm đà với tân Công sứ, nên Moóclơva đã buột miệng mắng ông là “Đồ con lợn”.
Đối với người phương Tây, đó không phải là câu nói xúc phạm. Nhưng đối với một Chánh Quan Lang người Mường thì quả là quá xúc phạm. Nhất là đối với người dân tộc Mường, vốn lại không phân biệt mắng, chửi như người Kinh. Nghĩa là nếu đụng chạm đến nhau, đối với họ đều là chửi. Chính thế, Quách Vị nổi đóa và văng tục trước mặt Công sứ Moóclơva: “Tao đút C vào làm nữa”, rồi sai thuộc hạ bốc đồ đạc trở về Mường Vang. Nhìn nhận sự việc trên không phải để thấy vị Lang không tai kia nóng tính, bảo thủ của tính cách bản địa. Con người bộc trực ấy từ chức quan, vào rừng ở cho đến cuối đời. Để rồi thế hệ con cái sau đó có điều kiện tham gia kháng chiến.
Hệ thống Lang đạo bề thế, chặt chẽ từ ngàn xưa được sinh dưỡng, ủ ấp trong miền núi rừng Hòa Bình với những quy tắc bền chặt của “Đất có Lang, làng có phép”. Trong kho tàng dân gian truyền miệng của người Mường còn lưu:
Lang từ khởi tổ ngày xưa
Cuối Văn Lang quốc bây giờ đã xa
Mỗi cành con cháu phong ra
Họ chia Đinh, Quách, Bạch, Hà, Xa, Cao
Trải nơi rừng rậm đồi cao
Rủ đưa thầy tớ tìm vào khai hoang
Phá rừng núi mở ruộng nương
Chiêu dân lập ấp ruộng đường vào ra
Sau này con cháu nhiều ra
Đặt nên châu, tổng cùng là xã thôn
Dòng Lang thêm nức tiếng đồn
Cái danh quý tộc vần còn tiếng sang
Trai thời truyền gọi quan lang
Gái thời truyền gọi mãng nàng là tên
Kim chi ngọc điệp nối truyền
Mường trong phục ý, vua trên thuận tình
Sử sách có ghi nhận công lao đóng góp của tầng lớp Lang đạo trong việc giữ yên bờ cõi ở những vùng phên giậu của đất nước. Đặc biệt các nhà Lang dòng họ Đinh, Quách, Bạch, Hà của Hòa Bình tuyệt đối trung thành với Nhà Lê. Chính vì thế mà đến thời Gia Long và Minh Mạng đã không mấy cảm tình với các quan Lang người Mường, nên đã có một thời tước dần quyền cai trị tỉnh Mường của các thổ lang bản địa. Nhưng sau thấy không ổn, lại phải phục quyền cho họ. Trong tờ trình số 481 ngày 20/01/1904 của Viện Cơ mật có đoạn: “ Triều đình chưa ban bố một luật lệ nào làm ảnh hưởng đến quyền hành chính hay tư pháp của các quan lang”. Rồi Viện Cơ mật kết luận: “Những vấn đề này, Nhà Vua vẫn để cho các quan lang đưa vào lệ cổ của dân tộc ít người đó”.
Xuất phát từ thực tế như trên, Hội đồng Quan lang lại do toàn thể các lang bầu. Và Chánh quan lang lại do Hội đồng quan lang bầu ra. Tiếng nói của họ đặc biệt có uy tín đối với dân chúng người Mường. Vắng Chánh quan lang, công việc hàng tỉnh gặp không ít khó khăn, nên nhiều lần quan Công sứ Moóclơva cho Thông phán cầm thư vào mời Quách Vị trở lại nhiệm sở nhưng ông đã cương quyết từ chối.
Từ quan về ở ẩn trong rừng, ông Quách Vị được gia tộc và dân Mường Vang gọi là Lang Đá (Lang Ông). Không ai dám gọi tên thật của ông, vì con trai ông đã làm quan Tri châu rồi. Câu chuyện về gia tộc ông Lang không tai còn tiếp diễn ở đời sau.
2.Một đám ma tốn trăm trâu ngàn gà
Chưa hết 15 ngày mo, Ậu cả nhẩm tính đã thịt trên 100 con trâu, 150 con lợn và hàng ngàn con gà để cúng tiễn đưa lang Đá – Quách Vị về mường Ma. Ngày đưa tang, huyệt mộ Lang Đá táng trên đồi cao mà trên quan tài để một bát nước đầy. Trong suốt quãng đường gập ghềnh vượt suối, băng đồi, bát nước ấy không sóng sánh ra ngoài một giọt…
Cuộc sống hiện đại với những chi tiết đã được tinh giảm cho phù hợp với hoàn cảnh cũng vẫn còn xót lại những hủ tục ma chay, cưới xin rườm rà, không cần thiết. Có biết về đám ma của một vị quan Lang xưa chúng ta mới thấy hết vẻ bề thế cũng như sự rườm rà của nó.
Sau hơn 30 năm, từ lúc hai mươi tuổi cho đến khi ngoài năm mươi, từ quan Thông sự Tri châu, phó Tri châu, Tri châu, quan Án sát rồi liên tiếp hai khóa làm Chánh quan Lang – Tuần phủ tỉnh Hòa Bình, nay từ quan về lại quê nhà Mường Vang, Quách Vị rất buồn. Ông không ở trung tâm Chiềng Vang mà bỏ lên làng Pol thuộc Đồi Thung, nơi núi rừng có độ cao trên ngàn mét so với mực nước biển để sống những ngày cuối đời. Tại đây còn lại một nhà khách, ông cho xây cất để thỉnh thoảng vợ chồng Công sứ Tuyxtơ lên nghỉ ngơi, săn bắn và tắm nước khoáng nóng.
Hàng ngày cô đơn thẩn thơ trong rừng, trước mây vờn, gió giỡn, ông lại chợt nhớ đến những năm tháng quan trường với bao niềm vui và cũng không ít nỗi buồn. Nhớ nhất là hành trình vào Huế yết kiến vua Bảo Đại. Trên quãng đường dài thế, đến đâu ông cũng được Tuần phủ các tỉnh đón tiếp long trọng nào ngựa, nào xe. Thế mà bây giờ, muốn đi đâu lại phải có người khiêng võng không khác gì người ốm. Càng buồn, Quách Vị càng xa lánh người thân. Ông không muốn cho ai lên thăm. Hàng ngày, chỉ vài thuộc hạ phục dịch.
Sau gần chục năm ở ẩn trong rừng, vào cuối năm 1943, Lang Đá – Quách Vị thấy đã yếu lắm rồi, ông mới chịu cho phu phen khiêng về nhà cái ở làng cũ Chiềng Vang. Tuy không còn là Chánh quan lang nhưng Quách Vị vẫn là Lang Đá – lang ông với vị thế được đặc biệt tôn kính. Mặt khác, con trai cả của ông là Quách Hàm đang là Quan Tri châu Lạc Sơn nên không những thần dân mà hàng ngũ nhà lang các họ, các miền tới thăm ông tấp nập. Vào cuối mùa đông năm 1943, ông qua đời ở tuổi 60. Thế là một con người không có hai vành tai, hai lần làm Chánh quan lang sứ Mường Hòa Bình, sinh năm Quý Mùi, lại từ giã cõi đời vào đúng năm Quý Mùi, vừa tròn một Hoa giáp.
Người già ở Chiềng Vang kể: Vào một buổi sáng sớm cuối đông năm 1943, trời rét như cắt da, cắt thịt. Khi bản làng còn chìm trong sương mù thì bỗng nổi lên 3 hồi trống đồng làm rung chuyển cả núi rừng báo tin Lang Đá đã về mường Ma. Sau đó, các Ậu lam – người giúp việc Lang mới cầm chiêng chót gõ từng hồi đi báo tin cho rõ đến các mường:
– Chiềng Mường, Chiềng xóm. Đêm qua Lang Đá mường ta đã về mường Ma. Hỡi người các mường ơi! Hỡi bố mế, phà khà ơi! Lang Đá ta mất rồi! Bóng, bóng, bóng…cứ thế, cái tin lang Đá về mường Ma được loan rộng. Và cứ thế, người người từ trong nhà chạy ra ngoài sân, hướng về phía nhà Lang Đá mà khóc lóc, kể lể như chính cha mình chết. Rồi không ai bảo ai, họ thay quần áo, váy trắng, bỏ tóc xõa để đến nhà tang chủ mong được nhìn mặt vị Lang Đá của mình lần cuối lìa.
Tại gian chính giữa nhà Cái, một chiếc màn trắng buông chùm sập gụ chân quỳ khảm trai long, ly, quy, phượng. Hai cánh màn được mở rộng, Lang Đá mặc áo gấm đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn là những phẩm vật vua Bảo Đại ban. Từ trong màn thoảng ra một mùi đặc biệt của hoa lá thơm của núi rừng. Từng đoàn người đi dọc theo dãy đồ đồng đặt trên sàn nhà mà đến quỳ lạy trước thi thể người quá cố. Ở dưới sân, người ta vừa khiêng một chiếc trống đồng rất to từ trong khu rừng mộ về, tượng trưng cho sự linh thiêng của linh hồn Lang Đá. Chiếc trống này được mang lên nhà và phủ nhiễu đỏ. Hương nến được đốt lên để ông Mo cúng thần trống. Sau đó là bắt đầu 15 ngày đêm liên tiếp mo cho Lang Đá lên mường Trời.
Đám ma Lang Đà
Thời gian mo rất dài, mo liên tục không nghỉ, nên tất cả những ông mo giỏi trong vùng được triệu đến. Họ thay nhau đọc thuộc lòng những bài mo dài dằng dặc được truyền miệng từ ngàn xưa. Quan lang các vùng cùng tùy tùng vài chục người mỗi đoàn, dắt trâu, gánh xôi, gạo, rượu, thịt đến phúng viếng Chánh quan lang Quách Vị:
-Thương ôi! Quan Chánh Lang của trăm đất, trăm miền đã về chầu phật, chầu tiên. Người mường chúng tôi lòng đau dạ xót. Hôm nay đến đây lạy người! Ô hô, thương ôi!
Quan Tri châu Quách Hàm là con trai trưởng đón lời:
…Đầu cha tôi quay về hướng Đông Bắc, nhìn ra tỉnh lỵ Hòa Bình. Sau 15 ngày đêm nghe mo kể nhòm mường lúc cuối lìa, nghe mo kể Đẻ đất, đẻ nước, nghe chuyện Nàng Nga hai mối, nghe cho đủ chuyện, đủ trò, rồi theo ông Mo dẫn lối, Ậu Chí Chuốc gánh đồ về mường Ma đống Rổng phía Tây Bắc, đồi mường Chiềng ta đây.
Lang cả Quách Hàm rứt lời, các lang em cùng con cháu đồng thanh khóc lóc và lăn vào áo quan trong tiếng trống, kèn của 12 phường bát âm tấu lên các khúc xinh tiền, lưu thủy, hành vân… âm vang cả cánh đồng Chiềng Vang rồi vọng vào vách núi. Cứ thế cho đến đêm thứ 15, là đêm mo cuối lìa – đêm mo cuối cùng con dân các mường còn được ở gần lang Đá của họ. Họ thức cả đêm chờ đến sáng hôm sau.
Đêm ấy, hàng trăm ngọn nến được thắp lên, mấy chục ngọn đèn dầu lạc được đốt sáng. Trong ánh sáng bập bùng, hàng ngàn người, tóc xõa, khăn trắng thắt ngang đầu với nét mặt buồn rười rượi ngồi kín sàn, đặc sân, ngõ chờ thời khắc đưa lang Đá về mường Ma.
Khoảng 7 giờ sáng hôm sau, một hồi “ chiêng vàng, chiêng bạc” tấu lên cùng tiếng trống đồng trầm hùng rung động núi rừng, báo hiệu đã đến giờ đưa lang Đá về nơi an nghỉ cuối cùng. Một ông mo chính mặc áo dài đen, đầu đội mũ vuông bằng da hổ, tay cầm kiếm dài, cùng 6 ông mo phụ ngồi một bên gần quan tài, đối diện với bên kia là thân thích của người đã chết. Ông mo chính bắt đầu hâm mo để các mo phụ đứng lên, tang gia thôi khóc để nghe mo:
-Bố Đá đi cam thương, cam khốn, cam khốn lại cam sầu, cam rầu rầu nước mắt chảy ra…
Giọng ông mo lên bổng, xuống trầm sao mà ai oán. Rứt lời, các bà vợ, con dâu, cháu chắt lại rộ lên tiếng khóc lâm ly, thảm thiết. Cả ngàn người có mặt cùng nghe các ông mo thay nhau kể đoạn cuối “ Cơi tếch, cơi lia” (cõi đứt, cõi lìa). Các con cháu để tang cho đủ 3 năm, 6 tháng, mặc áo trái hết hạn mới thôi… Nay là ngày tận, việc đêm, mo đã hết.
Ông Mo dứt lời, tiếng trống đồng khùng khùng chậm chạp nổi lên, tấu với cồng chiêng bong bong, bi bi cho đủ 3 hồi, chín tiếng. Rồi cả ngàn người từ các lang đạo cho đến thứ dân, từ trên nhà sàn xuống đến sân, ra đến ngõ xếp thành hàng chuyền tay nâng quan tài Lang Đá. Cùng lúc tiếng khóc của ngàn người cất lên náo động cả núi rừng.
Mười hai người đội vải căng ra làm cầu. 24 thanh niên trai tráng đều buộc dây chuối ở thắt lưng, nghe theo hiệu lệnh mà đứng thứ tự theo vị trí đã được xếp, mắt không rời bát nước đầy đặt trên đòn khiêng mà chuẩn bị cất bước. Dọc hai bên đường từ nhà đến nơi mộ huyệt là rất nhiều cây lêu và cờ, phướn bay phấp phới. Đến chân đồi nơi đặt nghĩa địa, chiêng chót phát lệnh đặt áo quan xuống và ông mo làm thủ tục cuối lìa. Con cháu đi quanh áo quan 3 vòng theo 3 hồi chiêng. Sau đó chiêng lệnh hồi Một thì đội phu đặt tay vào quan tài, hồi Hai thì nâng lên vai, hồi Ba thì bước lên đồi. Đến lúc này, bát nước đầy đặt trên áo nắp quan tài vẫn không sánh ra ngoài một giọt cho đến nơi hạ huyệt tại đống Rổng mường Vang.
Những hòn đá (hòn khụ) cao to bằng người thật được đục đẽo cẩn thận, chạm rồng mây, khắc chữ Nho và khênh lên từ hôm trước được dựng thành hàng rào quanh phần mộ lang Đá. Lúc này chính ngọ ngày 18 tháng 12 năm 1943.
Cuộc đời của vị chánh quan Lang không tai khép lại. Mọi việc diễn ra rồi cũng chìm vào yên lặng của núi rừng tây Bắc. Đứng trước cảnh sắc mường Vang, ngẫm về cái được và không được, người viết bài thầm mong thế hệ con cháu các quan lang xưa gìn giữ, phát huy những mặt tích cực để hình ảnh đẹp của dòng quan Lang không lùi sâu vào trong sử sách.