Độc đáo nhà trâu đực trâu cái của người Sán Chay

Độc đáo nhà trâu đực trâu cái của người Sán Chay: Dân tộc Sán Chay có tên gọi khác là Hờn Bản, Chùng, Trại … Người Sán Chay có hai nhóm Cao Lan và Sán Chỉ cư trú ở các tỉnh miền núi, Trung du Bắc Bộ. Trong đời sống của người Sán Chay, con trâu là linh vật đóng vai trò quan trọng, được thể hiện qua việc dựng nhà, đám cưới hay đám tang. Người Sán Chay quan niệm ngôi nhà cũng như con trâu, bốn cột chính tượng trưng cho bốn chân, dui mè là xương sườn, nóc nhà được coi là sống lưng.

Độc đáo nhà trâu đực trâu cái của người Sán Chay
Độc đáo nhà trâu đực trâu cái của người Sán Chay

 

Ngôi nhà trâu cái

Nhà trâu cái vì kèo bốn cột, các cột liên kết với nhau bằng bộ kèo và dầm sàn không có xà ngang, câu đầu. Các vì kèo liên kết với nhau bằng đầu dọc. Nhà chỉ có hai vì kèo nên các cột đặt trên mặt bằng nền nhà gần như là hình vuông. Nhà có bốn mái, diện tích mái gần bằng nhau, lợp cỏ gianh. Vách nứa được quây kín từ mái tới suốt mặt nền, che cỏ phần gầm sàn sát mặt đất. Nhà sàn thấp nên không có cầu thang, chỉ có mẩu gỗ làm bậc lên xuống.

Trong nhà có nơi thờ gia trạch, khu vực bếp núc, các phòng nhỏ ngăn vách nứa đan thưa. Phần nằm giữa 4 cột chính của nhà được coi là linh thiêng nhất, mọi sinh hoạt quan trọng và các lễ nghi lớn của gia đình đều diễn ra tại đây. Khi cưới xin, trước khi sang nhà gái, lễ vật và trang phục của người đi đón dâu đều được tập trung lại chính giữa ngôi nhà để thầy cúng làm phép.

Phòng góc trái là gian tiếp khách, các phòng còn lại giành cho gia chủ, phía cuối là kho chứa lương thực. Gần sàn là nơi nuôi nhốt trâu bò, gà vịt.

Ngôi nhà trâu đực

Nhà trâu đực thường được coi là nhà phụ, nhà ngang, vì kèo chỉ có ba cột, một cột cái chính giữa nóc và hai cột con hai bên liên kết với nhau bằng dầm sàn. Cách bố trí mặt bằng sinh hoạt cũng tương tự như nhà trâu cái.

Với người Sán Chay ở miền núi và Trung du Bắc Bộ, việc gìn giữ được đến ngày nay kiểu nhà trâu đực, trâu cái là sự bảo tồn kiểu nhà truyền thống cổ xưa nhất. Tính chuẩn mực và đặc trưng ổn định của kiểu nhà sàn cổ nguyên sơ này rất tiêu biểu cho văn hóa nhà sàn vùng núi thấp.

Theo sự giao lưu biến đổi, một số vùng đồng bào Sán Chay ngày nay tiếp thu, biến đổi ngôi nhà truyền thống của mình. Vẫn mang dáng dấp nhà trâu cái, nhà trâu đực nhưng đã được cải biến thành nhà sàn, nửa đất hoặc nhà chính là nhà sàn, nhà phụ là nhà đất, nhà sàn có vì kèo năm cột, nhà sàn hai gian hai chái hình chữ nhật để mở rộng không gian sử dụng.

 

Dân tộc Sán Chay (Cao Lan)

 Dân tộc Sán Chay có tên gọi khác là Hờn Bản, Chùng, Trại.

– Nhóm địa phương gồm Cao Lan và Sán Chỉ.

– Ngôn ngữ: Nhóm Cao Lan tiếp thu tiếng Tày nên thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái (ngữ hệ Thái – Ka Ðai), còn tiếng Sán Chỉ thuộc nhóm ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán – Tạng).

– Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Sán Chay ở Việt Nam có dân số 169.410 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, ngoài còn cư trú rải rác ở các tỉnh: Quảng Ninh, Cao Bằng, Yên Bái, Lạng Sơn… Hiện tại có một nhóm người vào Tây Nguyên lập nghiệp được tổ chức thành các làng

Ảnh đầu bài: Ngôi nhà của dân tộc Sán Chay tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thanh Huyền

HK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *