Chúng tôi ngồi dưới chòi lá nhìn trẻ thả trâu ở bãi cỏ bên hồ Núi Le. Bầy trâu thong thả gặm đám cỏ xanh mượt, bọn trẻ cũng thong thả nằm dài trên đám cỏ để ngắm mây bay trên đỉnh núi xa. Những đám mây bềnh bồng với nhiều hình thù khác lạ. Tôi nhớ tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ của mình bên đập Thạch Bàn. Đập cũng rộng mênh mông, cũng đầy ăm ắp nước như hồ Núi Le, cũng nằm dưới chân núi, nhưng hồ Núi Le nằm dưới chân núi Chứa Chan – ngon núi cuối cùng của dãy Trường Sơn hùng vĩ, còn Đập Thạch Bàn nằm dưới chân núi Chúa – ngọn núi cao nhất của dãy Trường Sơn. Ở đó cũng mây trắng bay mênh mang từ chân núi tràn xuống mặt nước.
Mình ra bãi cỏ chơi đi anh – Huyền đề nghị.
Tôi nắm tay Huyền ra gần chỗ bọn trẻ chăn trâu, hấp dẫn bởi đám cỏ mượt mà tôi ôm vai em thả người xuống, Huyền bứt nhánh cỏ gà cắn nhẹ trên vành môi đỏ thắm, lặng ngắm những cây mai cổ thụ lác đác nở hoa chuẩn bị đón xuân đang kiêu hãnh soi mình trên mặt hồ tĩnh lặng. Đàn trâu đủng đỉnh đi qua che khuất tầm nhìn của Huyền, em quay lại hỏi tôi:
Sao con trâu chỉ có màu đen hả anh?
Có màu trắng em ạ!
Màu trắng ư? Em chưa thấy bao giờ!
Con trâu màu trắng bay trên bầu trời xanh!
Tôi lẩm bẩm mắt nhìn xa xăm, Huyền mỉm cười độ lượng, em biết tính khí thất thường của tôi nên không ngạc nhiên khi nghe tôi nói những điều tưởng chừng phi lý và Huyền cũng biết mỗi khi tôi mở đầu những ngôn từ “tưởng chừng phi lý” như thế thì thế nào tôi cũng có câu chuyện gì đó muốn kể cho em nghe.
Huyền đặt tay lên vai tôi và nói: Anh kể cho em nghe đi!
Tôi kể:
Tuổi thơ anh cũng hay nằm thả mình trên cỏ để ngắm những đám mây trắng muốt bay trên bầu trời xanh. Đập Thạch Bàn do người cha của ông Cửu Lương là ông Cửu Thẩm kêu gọi dân quê xây dựng chặn dòng suối Lớn để đón dòng nước trong vắt từ đỉnh Hòn Đền chảy xuống tích tụ tưới tiêu cho cánh đồng Phú Nhuận. Từ ngày có nước đập, cánh đồng tươi tốt, lúa nặng hạt, mỗi mùa gặt người dân gánh những gánh lúa vàng đi kìn kịt trên bờ ruộng. Anh thường chạy theo sau lưng cậu để nghe tiếng “kìn kịt” phát ra từ hai đầu đòn gánh có hai thúng lúa nặng trĩu, em biết không cái âm thanh đó mê hoặc anh và mê hoặc người nông dân quê anh, bởi đó là âm thanh báo hiệu những bữa cơm trắng thơm ngạt ngào. Ông ngoại anh kể những dòng nước xanh trong đó bắt nguồn từ trên đỉnh Hòn Đền của núi Chúa nơi các tiên nữ xuống vẫy vùng múa hát. Trên đỉnh Hòn Đền có vườn cây đủ thứ trái ngon để các vị tiên thưởng thức và trên đó có những cái bàn bằng đá “vuông chằn chặn” để các tiên mở hội. Những bàn đá đó nằm khắp nơi từ đỉnh núi đến chân núi nên dân gọi là Thạch Bàn. Nhà ông Cửu Lương thuộc hàng giàu có, ông Cửu Lương có hàng trăm con trâu, ông thường thả trong rừng, chừng nửa tháng một lần ông cho con gái gánh gạo mắm nuôi người giữ trâu. Mỗi năm trước phiên chợ trâu, ông cho lùa đàn trâu về chuồng để lựa ra đưa đến chợ, mỗi lần như vậy đàn trâu đi rầm rập như đàn voi rừng. Ông Cửu Lương không nuôi trâu trắng, ông hay nói “trâu trắng đi đâu tai vạ tới đó!”, nên trong bầy trâu có con trâu trắng là ông cho làm thịt để người làm công ăn vì bán cũng chẳng ai mua.
Dòng họ ông Cửu Lương cũng xuất thân từ nghề giữ trâu, khi cha ông dạt về vùng đất này lập nghiệp cũng giữ trâu rẻ cho người ta, được chia con nghé, từ con nghé người cha nuôi thành trâu rồi ông dùng con trâu kéo cây rừng, đốt dầu rái mang về bán tận miền biển để bán cho dân làm ghe. Ông Thẩm có con trâu trắng lai từ trâu rừng, ông Thẩm quý lắm vì con trâu này sức kéo gấp đôi trâu nhà nên ông đặt tên nó là con Xe. Nhờ những cánh rừng bạt ngàn dưới chân núi Chúa và con Xe mà ông Thẩm trở nên giàu có, ông bỏ tiền mua chức quan cửu phẩm, từ đó ông được gọi là Cửu Thẩm. Chức cho nở mày nở mặt chứ thực ra hàng ngày ông Thẩm vẫn cùng con Xe vào rừng kéo gỗ, trong một lần kéo súc gỗ xuống khe Ông Tượng, con Xe thấy bầy trâu rừng bên kia khe nó bỗng lồng lên lôi cả súc gỗ và ông Thẩm xuống khe, cả chủ và trâu đều tử vong, từ đó nhà ông Cửu Lương không nuôi trâu trắng. Ông Lương thừa hưởng tài sản của cha để lại, ông không có quan quyền gì cả chỉ là địa chủ nhiều ruộng đất, trâu bò, dân làng cũng gọi theo thói quen là ông Cửu Lương như gọi cha ông là Cửu Thẩm.
Là địa chủ chắc ông ấy ác lắm hả anh? – Huyền buột miệng hỏi, tôi bật cười.
Không đâu em, em bị lặm chuyện cổ tích rồi, người Việt vốn không thích người giàu nên chuyện mở đầu bằng câu “Ngày xửa, ngày xưa có ông phú hộ…” thì thế nào đó cũng là người xấu. Thực tế thì địa chủ phần lớn xuất thân từ nông dân họ cũng làm lụng quần quật và biết tích cóp nên giàu có!
Ừ nhỉ? Nhiều người cứ nghĩ như em vậy, anh kể tiếp đi!
Ngày đó ông ngoại của anh làm thuê cho ông Cửu Lương, việc của ông là theo bầy trâu lang thang trong rừng cả năm trời. Một hôm ông Cửu Lương bảo ông dắt con trâu trắng đi làm thịt. Trong tháp Chàm Mỹ Sơn có con trâu rừng màu trắng thường hay tìm cách giao phối với trâu nhà nên sinh ra những con trâu trắng. Với dòng máu hoang dã, những con trâu lai thường rất khó dạy nên không ai muốn nuôi, nhưng riêng con trâu trắng này khỏe mạnh và khôn ngoan nên ông của anh rất quý.
Ông nói với cậu anh:
Con trâu trắng này có đủ tướng của trâu quý “Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, mồm gàu dai, tai lá mít, đít lồng bàn” mà trên lưng lại có tám cái xoáy dọc hai bên sống và một cái xoáy ngay trán đúng “xoáy cửu long vàng đong không bán”.
Ông ngoại anh dắt con trâu tới đầu làng chỗ cây cọc buộc trâu để mổ, bỗng dưng con trâu trì lại và nước mắt chảy ròng ròng, ông cũng ôm trâu khóc theo, ông dắt con trâu về nói với ông Cửu Lương để con trâu lại cho ông nuôi, ông sẽ làm việc không công cho ông Cửu Lương ba năm để trả nợ, ông Cửu Lương đầu con trâu trắng và nói với nó:
Xưa giờ nhà ông không chứa trâu trắng thôi con về với ông Khóa nhé, ông ấy không giết thịt con đâu!.
Con trâu trắng thè cái lưỡi nóng hổi liếm trên mặt ông Cửu Lương rồi theo ông ngoại anh đi về nhà anh.
Ông dắt con trâu về giao cho cậu cháu anh, anh có nhiệm vụ giữ con trâu trắng, con trâu khôn ngoan giúp gia đình anh cày ruộng, mỗi khi anh nắm sừng, con trâu cúi xuống để anh trèo lên lưng, ông của anh đặt tên nó là con Bỉnh. Có lần anh đánh nhau với đám giữ bò làng bên, bọn anh đám giữ trâu vốn coi khinh đám giữ bò vì bọn anh thường cho rằng “yếu trâu hơn mạnh bò” và trâu biết bơi còn bò không biết bơi nên trâu oai hơn bò và đám trẻ trâu bọn anh cũng oai hơn bọn trẻ bò. Hai bên thường gây gỗ, một hôm anh cho con Bỉnh đi ăn một mình thì bị vây đánh, tụi giữ bò đẩy anh xuống đập Thạch Bàn và đứng giữ trên bờ không cho lên thì bất ngờ con Bỉnh từ xa xông tới, đám giữ bò chạy dạt ra, con Bỉnh lao xuống nước bơi về phía anh, anh vít sừng trèo lên lưng để con Bỉnh cõng qua đập về nhà, ngồi trên lưng trâu anh còn quay lại lêu lêu đám giữ bò.
Con Bỉnh khỏe gấp đôi trâu thường nhưng nó rất cô đơn và bức bối vì mỗi khi nó lân la gần bất kỳ con trâu cái nào đều bị chủ trâu xua đuổi vì họ sợ con Bỉnh giao phối với trâu cái của họ rồi sinh ra trâu trắng. Dường như con Bỉnh biết thân phận của nó nên thường ngoan ngoãn ít gây gỗ húc nhau với các con trâu đực trong làng. Mỗi khi bị xua đuổi nó cúi đầu và khóc.
Trâu cũng khóc hả anh? – Huyền cắt ngang lời kể của tôi.
Ừ anh thường nhìn thấy nước mắt của nó và mỗi lần như vậy anh anh ôm bó rạ đến dỗ dành nó và nó ngoan ngoãn đi theo anh.
Thương thế! – Huyền thốt lên
Trâu nhà khác thì trên lưng chi chít vết roi còn con Bỉnh lớp lông trắng xóa và láng mượt vì nó không làm gì để bị đòn, mỗi khi đi cày chỉ cần cậu anh kêu “họ” nó đứng lại, kêu “tắc” nó quẹo phải, kêu “rì” nó quẹo trái
Huyền bật cười trong trẻo vì lần đầu tiên cô ấy nghe ngôn ngữ con người với con trâu.
Rồi sao nữa anh? – Huyền tò mò!
Đó là một buổi chiều, anh nhớ chiều hôm ấy nắng rãi từng vệt vàng trên các thửa ruộng, lâu lâu có cụm khói đốt rạ bay lên, trong khung cảnh khá thanh bình nhưng cứ buồn mang mang ông Cửu Lương bị những người đàn ông mang súng dẫn ra đầu làng nơi ngày xưa người ta hay cột con trâu vào đó để giết thịt. Những người ngày xưa từng giữ trâu cho ông Cửu Lương trói thúc ké ông cột sợi dây vào cổ ông dắt như như dắt trâu vậy. Cậu anh than thở “Thời thế đã đổi thay!”. Anh chẳng quan tâm đến thời thế, anh dẫn con Bỉnh đi ăn cỏ bên đập Thạch Bàn khi đi ngang qua những người mang súng dẫn ông Cửu Lương đi. Già cả bệnh tật ông Cửu Lương đi không nỗi bị họ đạp vào lưng. Bất ngờ con Bỉnh lồng lên giật dây mũi khỏi tay anh và lao về phía người vừa đạp ông Cửu Lương húc anh này văng vào bụi tre bên đường.
Đoàng! Đoàng! Đoàng!
Một loạt súng nổ vang hướng về phía con Bỉnh, con Bỉnh tung chạy lên đồi sim.
Bỉnh! Bỉnh!
Anh hét lên và nhào theo con Bỉnh, có ai đó nắm chắc hai vai anh giữ lại, con Bỉnh cứ lao đi mặc cho đạn đuổi theo sau lưng. Lạ thay! Anh thấy mũi súng hướng về phía con Bỉnh nhưng không có vết máu, bộ lông của nó vẫn trắng toát dưới nắng chiều. Nó chạy mất hút trên ngọn đồi và anh thấy nó bay vào bầu trời xanh thẳm.
Anh chạy lên đồi nhưng tuyệt nhiên vắng lặng chẳng thấy con Bỉnh đâu cả về sau nhà anh mua con trâu đen anh đặt tên con Pháo và cũng cho ăn cỏ bên đập Thạch Bàn nhưng con Pháo không khôn và khỏe như con Bỉnh và cứ mỗi chiều anh nằm trên bãi cỏ hướng lên bầu trời xanh để nhìn con trâu trắng bay lững lờ về phía núi Chúa!
– Trâu trắng kìa anh, Trâu trắng kìa anh! – Huyền reo lên
Theo hướng tay của Huyền giữa bầu trời xanh thẳm bầy trâu trắng mang hình đám mây bay lững lờ về phía núi Chứa Chan!
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021