Nhớ về thời tuổi thơ vui tươi, trong sáng với trò chơi làm trâu từ lá đa, lá mít, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang đã mang hơi hướng hình ảnh con trâu vào trong những tác phẩm của mình.
8h tối tại phòng điêu khắc của Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang vẫn đang mải miết đục đẽo, chỉnh sửa tác phẩm “Tuổi thơ” với hình tượng con trâu lá đa để chuẩn bị tham dự Triển lãm vào dịp Xuân Tân Sửu.
Chia sẻ về điều này, anh Nguyễn Trường Giang cho hay, ngày xưa, các cụ ta đã có câu “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Cả ba việc ấy thật là khó thay” để chỉ ra ba mốc quan trọng được xem là thước đo đánh giá sự thành công và trưởng thành của người đàn ông. Cùng với đó, trong hình ảnh văn hóa làng quê Việt Nam, bao giờ con trâu cũng đi trước, cái cày đi sau.
“Ngày xưa, con trâu là tài sản khổng lồ của mỗi con người khi trưởng thành. Vì vậy, hình tượng con trâu biểu tượng cho tiềm lực, nội lực của mỗi con người, là nền tảng để con người “vphát triển công việc, sự nghiệp sau này”, anh Giang tâm sự.
Thế nhưng, điều luôn “ám ảnh” trong tâm trí người nghệ sĩ này chính là hình ảnh tuổi thơ với những món đồ chơi tự làm, khai thác yếu tố của tự nhiên, không lạm dụng tivi, điện thoại như ngày nay. Đó chính là hình ảnh về con trâu (nghé ọ) được làm từ lá đa, lá mít.
“Bạn có nhớ không, cả vườn lá rụng phải tìm được lá nào to nhất, đẹp nhất, xanh mướt để làm con trâu đẹp nhất thi đấu với nhau. Trẻ con thời xưa, không ai không biết làm trâu từ lá đa, lá mít. Với 2 sợi cỏ, sợi rơm hoặc dây nhỏ là đã có thể làm thành con trâu giật giật và kêu “nghé ọ”. Tôi nhớ về hình ảnh bên gốc cây đa hoặc gốc cây mít, cả lũ trẻ thơ cùng tranh nhau tìm lá, làm trâu và chơi đánh trận giả, hò hét tưng bừng. Và đó là tuổi thơ của hàng triệu người Việt Nam không bao giờ phai mờ”, nghệ sĩ Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Và từ đó, tác phẩm con trâu lá mít đã ra đời năm 2014. Đó là con trâu to nhất với kích thước 2,5m. Từ con trâu lá mít, nghệ sĩ Nguyễn Trường Giang đã tạo ra 7 loạt tác phẩm trâu với những hình hài khác nhau nhưng đều đặt tên gọi là “Tuổi thơ”. Đó là những con trâu với các kích thước khác nhau, dạng tấm, dạng nét với chất liệu là sắt hàn.
Có những con trâu làm đơn, nhóm hoặc lồng ghép với sự biến dạng về hình. Có con trâu làm như một cái cây phát triển theo chiều đứng. Có những nhóm trâu (trâu bố, mẹ, trâu con…) nhởn nhơ trên đồng cỏ trong buổi chiều tà…
Nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang tâm sự: “Trẻ con ngày nay có quá nhiều đồ chơi, quá nhiều thứ để chơi nên ít được ra ngoài chơi với thiên nhiên. Chắc chắn nhiều bé không biết con trâu lá đa, lá mít là thế nào. Thậm chí nhiều bé còn không biết thế nào là con trâu. Trong khi đó, đây là một phần văn hóa truyền thống. Mình muốn làm thế nào đó để ông, bà, bố, mẹ kể lại câu chuyện của tuổi thơ cho các con thông qua hình tượng tác phẩm con trâu”.
“Nếu có thể, mình muốn làm con trâu với lòng rộng 2m. Ở trong đó những người ông, bà, bố mẹ kể lại cho trẻ con những câu chuyện tuổi thơ, dạy dỗ cho con trẻ những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Điều đó đang thiếu trong cuộc sống ngày nay. Và đặc biệt, nếu hình tượng con trâu được đưa ra ngoài đô thị, trở thành kiến trúc cảnh quan sẽ là nét đặc trưng của văn minh phương Đông, nền văn minh lúa nước”, nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang ước mong.
Ảnh đầu bài: Nhà điêu khắc Nguyễn Trường Giang bên hình ảnh trâu lá đa, lá mít.
Thanh Phương (https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/)