Sửu đứng thứ hai trong thập nhị địa chi. Mỗi địa chi có một con vật người ta đặt ra để làm biểu tượng, gọi là 12 con giáp.
Sửu có vật biểu tượng là con Trâu. Người Việt Nam xưa quen gọi năm Sửu là năm con Trâu, nên người sinh ra trong năm Sửu, là người có tuổi Trâu.
Việt Nam ta không ai lạ gì con trâu, vì trên đất nước ta thời bấy giờ có quan thái thú Nhâm Diên đã hướng dẫn cho dân chúng quận Cửu Chân biết dùng trâu để kéo cày làm ruộng.
Từ đó, con trâu luôn sát cánh với người nông dân, “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.
Và cho đến hôm nay, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn canh tác theo lối “con trâu đi trước, cái cày theo sau”!!!.
Vì thế, nói đến con trâu ở Việt Nam, thì ngay đứa trẻ con cũng biết, nên chúng tôi không kế lai lịch con trâu, mà bàn về con trâu dưới con mắt nhà Đạo.
Để đón mừng Tết Nguyên Đán năm Sửu (2021), theo thói quen, chúng tôi lại tìm hiểu xem, trong Kinh Thánh đã nói đến con Trâu như thế nào.
1. TRÂU TRONG SÁCH DÂN SỐ
Sách Dân Số là cuốn sách thứ tư trong Ngũ thư Kinh Thánh.
Năm quyển sách đầu tiên trong bộ sách Kinh Thánh, gồm có:
1- Sách Sáng Thế,
2- Sách Xuất Hành,
3- Sách Lê Vi,
4- Sách Dân Số và
5- Sách Đệ Nhi Luật.
Sách Dân Số ghi lại những cuộc kiểm tra dân số theo 12 chi tộc It-ra-en, sau khi rời khỏi Ai-cập, tiến về Đất Hứa.
Trong hành trình về Đất Hứa có một trình thuật nói đến con Trâu.
Khi dân Israel đóng trại trên đất Môáp, vua Môáp là Balác rất sợ Israel chiếm đất, nên cho mời Bildam là một thầy phù thuỷ đến để nguyền rủa, chúc dữ cho Israel.
Trên đường đến Môáp, Bildam được thiên sứ chặn đường, bảo phải làm ngôn sứ cho Chúa.
Khi Bildam gặp Balác, ông ‘xin vua cho lập 7 bàn thờ, mỗi bàn thờ dâng một con bò mộng và một con cừu đực. Sau đó, ông nói với vua Balác là: Ông không thể trù ẻo được dân mà Chúa không nguyền rủa. Rồi ông cất tiếng chúc phúc cho Israel.
Vua Môáp kéo ông đến nơi khác nói: Ta đưa ông đến để nguyền rủa kẻ thù của ta, mà ông lại chúc lành cho nó. Bây giờ ông hãy nguyền rủa chúng cho ta.
Bildam lại đề nghị làm 7 bàn thờ như truớc. Rồi ông tuyên lời sấm như Chúa đã truyền, trong đó có câu diễn tả con trâu như một con vật dũng mãnh uy hùng:
“Thiên Chúa đã đưa chúng ra khỏi Ai Cập,
Người là sức mạnh của chúng tựa sừng trâu” (Ds 23,22).
Vua Balác thất vọng nói với Bildam:
Nếu ông không nguyền rủa nó được, thì ít ra ông đừng chúc phúc cho nó chứ.
Rồi Balác lại dẫn Bildam đến nơi khác, cũng lập 7 bàn thờ đầy ắp của lễ như hai lần trước, đề nghị Bilơam không chúc phúc cho Israel nữa.
Nhưng Biloam lại tuyên sấm trong đó có câu:
“Chính Chúa đã đem chúng ra khỏi Ai Cập,
Người ra uy lẫm ví thể sừng trâu” (Ds 24,8).
Vua Balác nổi giận với Bildam, vì đã ba lần chúc phúc cho Israel, nên chia
tay Bildam trong hậm hực tức tối.
******
2. TRÂU TRONG SÁCH ĐỆ NHỊ LUẬT
Đệ Nhị Luật là quyền thứ năm trong bộ Ngũ Thư của Kinh Thánh Cựu Ước.
Gọi là đệ nhị luật, vì sách này chỉ san định lại những luật lệ đã có từ trước. Cũng có thể là sưu tầm và ghi lại những luật lệ từ xa xưa cha ông đã giữ, để cho dân Chúa căn cứ vào đó mà thực thi.
Trong Sách Đệ Nhị Luật có bài ca chúc lành của Môsê cho 12 chi tộc Israel.
– Với chi tộc Giuse, Môsê đã cầu chúc nhiều điều, trong đó có câu:
“Nó là con bò mộng đầu lòng của Chúa,
chúc nó được vinh hiển!
Sừng nó là sừng trâu,
nó dùng đế quật ngã các dân,
một trật trên khắp cùng cõi đất” ( Đnl 33,17).
Sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc lại luật thanh sạch trong Sách Lê Vi:
“Mọi con vật có chân chẻ làm hai móng và thuộc loài nhai lại, thì các ngươi được dùng thịt nó làm thức ăn” (Lv 11,3).
Rồi kê ra một số con vật cụ thế, trong đó có con trâu:
“Đây là những thú vật các ngươi được ăn: bò, cừu, dê, nai, hươu, hoằng, sơn dương, linh dương, trâu rừng, mang” (Đnl 14,4-5).
*****
3. TRÂU TRONG SÁCH ÔNG GIÓP
Sách Ông Gióp là quyển thứ 22 trong bộ Cựu Ước, kể chuyện ông Gióp, trình bày về sự đau khổ ở đời, không ra ngoài thánh ý Thiên Chúa.
Sách được viết theo lối văn truyện giáo huấn, để cảm hoá loài người.
Trong sách ông Gióp có đoạn tả về con trâu nước nhự sau:
“Kìa con trâu nước,
mà Ta đã dựng nên nó như dựng nên ngươi.
Nó ăn cỏ như bò.
Hãy xem sức mạnh nó ở nơi lưng,
mãnh lực nó ở trong gân hông nó.
Nó cong đuôi cứng như gỗ bá hương.
Gân đùi nó chẳng chịt giống như nan rế.
Các xương nó tựa ống đồng.
Bốn chân nó như cây sắt.
“Trâu nước quả là tác phẩm tuyệt vời
trong các công trình Đức Chúa tạo thành.
Nhưng Đấng sáng tạo lại trao gươm cho nó.
Núi non cung cấp đồng cỏ tươi cho nó ăn,
nơi mọi dã thú nô đùa ở đó.
Nó đắm mình ở dưới đầm sen,
trong lùm lau sậy nơi bưng biền.
Nó được lá sen che phủ
và cành dương liễu rủ ngành bao bọc.
Kia nước sông tràn lên dữ dội
nhưng nó không sợ hãi.
Dầu sông Giođan ngập đến miệng nó,
nó cũng vững vàng.
Ai có thể khống chế được nó?
Ai có thể giăng bẫy bắt được trâu nước,
rồi xỏ mũi nó
được?” (G 40,10-19).
Đó là con trâu nước, còn những con trâu rừng thì sao? Tất cả thú vật chúng ta gọi là gia súc, trước kia chúng đều sống nơi hoang dã. Con người muốn sử dụng được nó, đều phải ra công thuần hoá nó.
Trâu rừng cũng vậy, muốn nó phục vụ trong công việc canh tác ruộng rẫy, cũng phải huấn luyện cho nó.
Hãy nghe Sách Ông Gióp nói về trâu rừng:
“Liệu trâu rừng có muốn phục vụ ngươi,
có chịu ngươi nhốt nó qua đêm bên máng cỏ nhà ngươi?” (G 39,9).
“Liệu ngươi có đặt được ách
vào cổ trâu rừng mà bắt nó kéo cày,
và liệu nó có chịu theo ngươi đi cày bừa dưới thung lũng?” (G 39,10).
“Ngươi có thể tin vào sức trâu rừng khoẻ mạnh
mà giao cho nó những công việc nặng nề được không?” (G 39, 11).
“Ngươi có thể nghĩ rằng
trâu rừng sẽ trở lại
và đem lúa về sân phơi của ngươi chăng?” (G 39,12). ……..
*****
4. TRÂU TRONG CÁC SÁCH THI CA
Chúng ta đã biết: Kinh Thánh có một số sách được viết theo thể văn vần, như Sách Thánh Vịnh, Sách Diễm Ca, Sách Châm Ngôn, Sách Huấn Ca..
Sách Thánh Vịnh gồm 150 bài thơ, phần lớn là của Thánh vương Đavít.
Thánh Vịnh 22 là lời than vãn của người lâm nạn cầu xin Chúa thương bênh cứu.
Thánh Vịnh này đã mang giọng van nài của ngôn sứ Isaia, nên mặc được tính cách siêu vượt. Khi người tôi tớ tín trung chịu thử thách kêu cầu Chúa giải cứu:
“Chúa là sức mạnh con nương,
cứu mau, lạy CHÚA, xin đừng đứng xa.
Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm,
gỡ thân con thoát miệng chó rừng,
khỏi nanh sư tử hãi hùng,
phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên”. (Tv 22,20-22).
Thánh Vịnh 77 là bài học lịch sử của dân Israel, sau nhiều năm gian khổ trên đường tiến về Đất Hứa, có những người than trách Chúa. Để cảnh tỉnh họ, ông Asáp đã làm bài Thánh Vịnh này, nhắc lại những hình phạt mà cha ông họ đã chứng kiến trên đất Ai Cập. Nào là nước trở thành máu, nào là muỗi mòng, ruồi nhặng, ếch nhái tấn công người, nào cào cào châu chấu phá hoại mùa màng. Các súc vật ngoài đồng cũng bị diệt:
“Lại khiến mưa đá huỷ hoại trâu bò,
sét đánh chiên dê” (Tv 77,48).
Thánh Vịnh 92 ca tụng vinh quang Chúa. Ngài đã tiêu diệt những kẻ địch thù, và bênh đỡ người công chính:
“Ngài cho con ngầng đầu hãnh diện,
tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng” (Tv 92,1).
Còn Sách Châm Ngôn chứa những câu thành ngữ của Dân Chúa, giống như ca dao, tục ngữ của Việt Nam, để truyền lại những kinh nghiệm khôn ngoan trong đời sống. Nói về công việc canh tác lấy lương thực, sách Châm Ngôn cũng ghi nhận công khó của trâu bò:
“Không có bò bàn ăn trống rỗng,
nhờ sức trâu hoa lợi dồi dào” (Cn 14,4).
Cũng nói đến công việc nhà nông, Sách Huấn Ca mô tả người nông phu cả đời vất vả, tối tăm mặt mày với con trâu, con bò, không sao ngóc đấu lên được:
“Cầm cày cầm cuốc,
khôn ngoan sao được.
Khi vụt roi trâu,
thấy đầu hãnh diện.
Luôn miệng vặt riệc,
công việc không ngơi.
Trao lời tán gẫu,
hết trâu đến bò” (Hc 38,26-27)
*****
5. TRÂU TRONG CÁC SÁCH TIÊN TRI
Trong bộ Kinh Thánh Cựu Ước, có các sách của 17 vị Tiên tri.
Chúng ta thường hiểu Tiên tri là người biết tương lai, hậu vận, nói trước những việc sẽ xảy ra.
Nhưng Tiên tri trong Kinh Thánh là những người được Chúa chọn, để truyền đạt ý muốn của Thiên Chúa cho dân Ngài. Họ không những được Chúa cho biết về tương lai, mà còn rành cả về quá khứ và hiện tại, để thành người phát ngôn lời truyền dạy của Chúa. Ngày nay ta gọi các Ngài là Ngôn Sứ vì ý nghĩa đó.
Trong số 17 vị Ngôn Sứ được Cựu Ước ghi lại, có bốn vị được gọi là Ngôn Sứ “lớn”, vì tác phẩm mang tên các vi có độ dầy hơn. Còn 13 vị khác thì sách của họ mỏng hơn, nên gọi là Ngôn Sứ “nhỏ”.
– Isaia là vị Ngôn Sứ “lớn” nhất. Sách của ông có tới 66 chương. Chương 34 ông tuyên sấm về việc Chúa xử tội đất Êđôm, “một hy lễ lớn được dâng kính Đức Chúa tại Bótra, chính là cuộc tàn sát lớn tại Êđôm:
“Cùng với chúng, nào trâu, nào bê, nào bò tót đều bị hạ” (Is 34,70).
– Amốt là một Ngôn Sứ “nhỏ”, xuất thân là một nông dân, nên lời lẽ của ông thường đơn sơ mộc mạc, nhưng có nhiều sức mạnh. Việc Israel đổi trắng thay đen, biến phúc ra họa, đem lẽ phải thành ra cay đắng… được Ngôn Sứ dùng hình ảnh công việc thường ngày nơi thôn quê, như cày bừa làm ví dụ, để thức tỉnh dân Chúa:
“Ngựa có phi được trên đá lớm chởm không?
Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao?
Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc,
đổi công lý nên ngải đắng!” (Am 6,12).
Còn Ngôn Sứ Giêrêmia tuy không nói đến đích danh con trâu, nhưng có nói liên quan đến trâu.
Ngôn Sứ đã tuyên sấm cho Ai Cập, sẽ bị vua Nabucôđônôxô từ phương Bắc xâm lăng, bằng một hình ảnh bình dân, cho dân quê hiểu được mà di tản tránh chiến tranh:
“Ai Cập là con bò tơ xinh đẹp,
bị ruồi trâu từ phương bắc đến đậu trên mình” (Gr 46,20).
*****
*** Vài ghi chú: Trâu trong bài viết
Trong bài viết này, chúng tôi viết về “Năm Sửu tìm hiều chuyện trâu có mầu Kinh Thánh”.
Cái nhan đề dài, cố ý để quý vị đọc lên cho có âm điệu.
Thật ra trong Kinh Thánh có rất nhiều lần nói đến con bò, mà rất hiếm khi nói đến con trâu, con vật mà nông dân Việt Nam ta dùng để kéo cày trong công việc làm ruộng. Có lẽ vì lịch sử Kinh Thánh xảy ra ở Đất Thánh là vùng nóng và khô, không thích hợp với đời sống của con trâu, như con trâu ở Việt Nam.
Vả lại, ở vùng đất nóng và khô Trung Đông, người ta chỉ nuôi bò để làm sức kéo. Bò được Kinh Thánh nhắc đến nhiều, vì nó còn được dùng làm của lễ toàn thiêu cùng với chiên và dê.
Trong các bản địch Kinh Thánh sang tiếng Việt, các dịch giả thường dùng danh từ Trâu đi đôi với Bò, nghĩa là cùng loại con vật kéo cày, kéo xe.
Cũng vì để Kinh Thánh đi sát với thực tế, sát với phong tục Việt Nam, nên con trâu đã “đi vào” bản dịch Kinh Thánh cách tự nhiên, như đi về chuồng qua ngõ tre làng xóm. Cho nên con Trâu trong các bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ không hẳn đều thuộc giống trâu nông dân Việt Nam dùng để góp sức cho công việc đồng áng.
Chính vì thế, mà chúng tôi phải dùng nhiều bản dịch khác nhau, mới có được những “con trâu” trích dẫn ở trên.
Mong quý độc giả thông cảm, khi có mở lại bản văn Kinh Thánh Việt ngữ theo trích dẫn, mà không thấy tiếng trâu, thì xin vui lòng mở bản Thánh Kinh của một dịch giả khác.
Chúng tôi đã dùng Thánh Kinh Việt ngữ của các dịch giả Trần Đức Huân, Nguyễn Thế Thuấn, Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ và Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước của Hội Thánh Tin Lành.
——————–
Nguồn:
LEGIO MARIAE, T2/2021, (Số 119), Mừng Xuân Tân Sửu, trang 16-22,
“Năm Sửu kể chuyện trâu có mầu Kinh Thánh”
Hoàng Đức Trinh (https://gpcantho.com/)