Trâu là con vật đứng thứ hai trong 12 con giáp, theo quan niệm của người Việt Nam trâu được xem là loài vật đại diện cho sức mạnh, ý chí và tinh thần làm việc chăm chỉ. Trâu là người bạn chí thân của người nông dân gắn bó từ tờ mờ sáng cho đến khi chiều tối. Từ sáng trâu và người đã ra đồng từ cày, bừa, trục đất kéo mạ, chở lúa, chở rơm. Lúc đêm về bên ánh lửa bập bùng, mùi khói rơm nhè nhẹ người ta xông muỗi cho đàn trâu yêu thương của mình điều đó nói lên rằng trâu là loài vật thân thiết ở làng quê Việt Nam.Theo quan niệm dân gian người tuổi Trâu có đầy đủ những phẩm chất tốt, họ rất cần cù và chăm chỉ, mạnh mẽ, thực tế và có ý chí vững vàng trong cuộc sống. Người tuổi sửu thường nhẫn nại và có khả năng chịu đựng cao nhờ đó mà họ vượt qua bao sóng gió trong cuộc đời. Mừng xuân Tân Sửu 2021 xin giới thiệu với quý độc giả gần xa bài viết “Xuân Tân Sửu nói chuyện con Trâu”.
Ở Việt Nam Trâu là loài vật sinh sống ở khắp mọi miền của đất nước nhưng tập trung chủ yếu ở nông thôn, vùng núi cao hay đồng bằng. Chúng thuộc loài động vật nhai lại, đặc biệt ở trâu đó là trâu không có hàm răng trên, trâu có trâu đực và trâu cái, trâu đực thường lớn hơn trâu cái. Trâu là động vật có bốn chân, đuôi dài, móng chân có guốc, mình phủ đầy lông, lông trâu thưa nhưng rất mượt mà, da có màu đen nhưng rất dai, có bụng to, mắt to, tai dài. Mũi trâu lớn, miệng trâu rộng, sừng trâu rỗng cong và nhọn như hình lưỡi liềm dùng để tự vệ khi gặp nguy hiểm. Vì phải làm việc liên tục trên ruộng nên trâu có thói quen nhai lại do dạ dày có 4 ngăn, khi gặm cỏ chúng thường nhai qua loa để tích trữ thức ăn trong bụng còn khi nghỉ ngơi, thư giãn chúng ợ lên để nhai lại để cung cắp năng lương cho cơ thể. Trâu có sở thích là hay đầm mình dưới nước để làm mát cơ thể.
Trâu mới sinh gọi là con Nghé khi trưởng thành người ta gọi là Trâu, trâu có nhiều loại như: Trâu đen, trâu trắng, trâu nhà, trâu rừng, trâu chảng, trâu mộng…Trâu đen có da và lông đen, trâu trắng có da và lông màu trắng, trâu nhà có nguồn gốc từ trâu rừng được con người thuần hóa cách nay hơn ba nghìn năm, trâu cái có thân dài 2,5 đến 3m cao từ 1,3 đến 1,5m cân nặng từ 350-400 kg, còn trâu đực cân nặng từ 400-450 kg. Trâu rừng là loài sống trong rừng chúng sống tập trung thành từng bầy hay từng đàn, trâu rừng bình thường chúng hiền lành nhưng khi gặp kẻ thù tấn công thì chúng trở nên hung dữ. Trâu chảng, trâu mộng là loài trâu có sừng dài và cong kích thước lớn trọng lượng cơ thể từ 800-1000kg.
Ngày xưa, với người dân quê Nam Bộ nông dân thường không có đất phải mướn ruộng của chủ điền để canh tác, hằng năm thì con trâu giúp cho họ biết bao công sức. Nhà nghèo không có trâu thì phải đi mướn, khá giả một chút thi coi con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì vây mà nhà nghèo hay nhà giàu đều nhờ nó, nhớ công của nó. Tết đến, người nông dân nào cũng nhớ tết trâu. Tết trâu bắt đầu từ mùng 4 tết, sáng mùng 4 người ta mang nhang, đèn, trái cây, thúng gạo, bánh tét, giấy tiền, vàng bạc, rượu trà để cúng ông chuồng, bà chuồng. Sau đó, người chủ dùng rượu đổ rượu vào miệng, mũi trâu đực, đỗ nước trà vào mũi, miệng trâu cái rồi lấy hai lá vàng bạc dán lên hai sừng trâu rồi đem bánh tét đúc cho trâu ăn còn chuồng trâu được dán giấy hồng cho ăn tết. Anh Trần Thanh Bình-Một nông dân ở xã Nhị Long cho biết: Quan niệm của người Việt khi thực hiện nghi thức này để thể hiện sự trân trọng và bày tỏ lòng biết ơn của người nông dân dành cho con vật hiền lành đã góp công rất lớn trong đời sống của họ. Giúp họ có lúa đầy bồ, gạo đầy cối đời sống luôn được ấm no sung túc. Sau khi xong hết các nghi thức người chủ thả trâu ra đám cỏ non cho chúng gặm cỏ. Theo dòng thời gian và sự biến đổi vô thường cũng như tiến trình cơ khí hóa nông nghiệp đàn trâu đã được thay thế bằng những chiếc máy cày xinh xắn đa năng, đa dụng. Hình dáng những con trâu đen hiền hòa chăm chỉ còn lại rất ít ở nông thôn. Thế nhưng, những hình ảnh và ý nghĩa của con trâu luôn là một phần quan trọng trong nếp sống văn hóa tinh thần không thể thiếu của mỗi nông dân đất Việt.
Ngày nay trong giao tiếp hàng ngày người ta sử dụng nhiều câu nói hay về con trâu như: Nói một người khỏe mạnh làm được những việc nặng nhọc người ta nói “Khỏe như trâu”; nói lên giá trị to lớn của con trâu trong xã hội nông nghiệp thì người ta nói “Tậu trâu, lấy vợ, xây nhà”; hay “Trật con tán bán con trâu”; Một người đàn ông có tuổi mà thích có vợ trẻ, gái đẹp người ta nói:“Trâu già thích gặm cỏ non”; thói đời ghen ăn tức ở ghen tỵ vì người khác hơn mình thì nói “Trâu buộc ghét trâu ăn” hay “Trâu đi tìm cột chứ cột nào tìm trâu” ý nói khi những đôi trai gái ưng nhau, thuận nhau thì người con trai phải ngõ lời trước và thổ lộ tình cảm của mình trước người con gái. Hay “Lạc nhà nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Ngày xưa ở vùng quê Nam bộ nhà nào kha khá thì có cũng cả chục đôi trâu, nhà nào nghèo thì cũng có vài đôi trâu nuôi. Hồi ấy, nuôi trâu thường thả lang trên những cánh đồng rộng đến chiều chủ không dắt về thì chúng tự tìm đường về nhà. Có một câu chuyện cảm động nhưng có thật mà anh Trần Thanh Bình kể cho tôi nghe về loài trâu. Anh kể: Vào những năm kháng chiến chống Pháp ở vùng quê ấp Rạch Mát, xã Nhị Long, ông nội tôi (Ông Trần Văn Thới) có vài đôi trâu vì gia đình lúc ấy cũng khó khăn nên ông của tôi đã bán đi một con trâu cái về ấp Lưu Tư xã Huyền Hội cách nhà hơn 20 cây số. Hồi đó, trâu thả lang rồi có chửa hồi nào không hay, sau khi bán trâu chỗ chuồng trâu cũ được dời đi để làm trại củi. Hơn một năm sau, nữa đêm nghe tiếng phá vách rầm rầm trong trại củi, tưởng ăn trộm ông nội và ba tôi rình thì thấy con trâu cái dắt con nó về ngay cạnh chuồng trâu cũ. Thấy vậy, ba tôi cho chủ hay, ông tôi thương con trâu nên thương lượng với chủ chuộc lại nhưng người chủ không chịu, ông rớt nước mắt nhìn theo con trâu bị chủ bắt về.
Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á-Sea game 22 do Việt Nam tổ chức vào năm 2003 con trâu được chon làm linh vật vùng làm biểu tượng đặt tên là Trâu vàng. Với bản chất hiền lành, hòa đồng chăm chỉ hình ảnh người con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Trâu vàng tượng trưng cho ước vọng về mùa màng tốt đẹp, no ấm, hạnh phúc, sức mạnh và tinh thần thượng võ của dân tộc Việt Nam.
Trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam thịt Trâu là nguồn thực phẩm giàu chất đạm được nhiều người ưa thích, bởi hương vị của nó mặn mà, vị mát không phong, bổ thận, tráng dương. Từ thịt trâu kết hợp với nhiều gia vị khác nhau người ta chế biến nhiều món ngon khác nhau như: Thịt trâu xào rau muống, thịt trâu xào rau ngổ, thịt trâu nướng tảng, thịt trâu um lá cách, lòng trâu luộc cơm mẻ, thịt trâu nấu lá vang, sườn trâu nướng, thịt trâu khô…món nào cũng ngon và hấp dẫn.
Mùa xuân đã về trên khắp làng quê Việt Nam nói chung của huyện Càng Long nói riêng. Chào xuân Tân Sửu 2021 năm mới hy vọng rằng sẽ mang đến cho mỗi người sức khỏe dồi dào, làm việc chăm chỉ chịu thương, chịu khó tăng gia lao động sản xuất và luôn gặp được nhiều may mắn và thành công trong cuộc sống. Năm qua Đảng bộ, quân và dân huyện Càng Long quyết tâm xây dựng huyện Càng Long thành huyện Nông thôn mới. Mừng Xuân Tân Sửu 2021 Đảng bộ, quân và dân huyện Càng Long đứng trước nhiều thời cơ và thách thức mới. Nhưng với truyền thống đoàn kết, chung sức chung lòng tin tưởng rằng Đảng bộ, quân và dân huyện Càng Long sẽ phát huy những thành tích đã đạt được sang năm Tân Sửu sẽ đạt những thành quả to lớn hơn. Kính chúc nhà nông có những vườn cây trĩu quả, cánh đồng bội thu góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương Càng Long. Xuân Tân Sửu 2021
Văn Châu (Báo Trà Vinh)