“Tết chuồng trâu” ở Kon Plông, bắc Tây Nguyên

“Tết chuồng trâu” là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào người Mơ Nâm (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) vốn hiền hậu, chất phác, say sưa với ruộng đồng từ thuở xa xưa.

“Tết chuồng trâu” có ý nghĩa gì đối với người bản địa ở khu vực Bắc Tây Nguyên?

“Tết chuồng trâu” với cầu mong mùa màng bội thu, năm mới may mắn. Ảnh T.Tuấn
“Tết chuồng trâu” với cầu mong mùa màng bội thu, năm mới may mắn. Ảnh TT

Theo nhiều già làng ở vùng cao huyện Kon Plông, “Tết chuồng trâu” là một lễ hội được tổ chức thường niên, lâu đời, thường là vào tháng 3 hàng năm, sau dịp Tết nguyên đán. Đối với người Mơ Nâm, một nhánh của dân tộc Xê Đăng, con trâu là đầu cơ nghiệp, là loài vật gắn với mảnh ruộng, giúp người đồng bào có cơm no áo ấm nuôi con cái lớn khôn.

Huyện Kon Plông ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, khí hậu thường mưa lạnh quanh năm. Chỉ có loài trâu với sức khỏe dẻo dai mới chống chọi được với thời tiết giá lạnh. Trâu cũng gắn bó sâu sắc với đời sống người bản địa khi chẳng may người làng “đắc tội” với thần linh thì già làng, trưởng bản sẽ dùng trâu để tế thần.

Già làng A Nay, xã Măng Bút, huyện Kon Plông cho biết, thường ra Tết, người làng dọn dẹp, làm mới lại chuồng trâu hoặc sẽ xây cất nên một chiếc chuồng trâu mới. Thanh niên đi kiếm gỗ ở trên rừng về, sau đó dùng dây mây, sợi tre nứa kết lại để làm thành chuồng trâu.

Chuồng trâu được làm đơn giản, cách nhà chủ chừng vài trăm mét, để chủ nhà dễ bề trông coi. Khi chuồng được làm xong thì người làng sẽ lùa trâu vào chuồng, con khỏe mạnh lùa vào trước, con nhỏ, yếu lùa theo sau với ý nghĩa mong may mắn, sức khỏe dồi dào, cầu cho thần linh phù hộ gia đình mùa lúa tốt, khoai sắn đủ đầy.

Trong ngày khánh thành chuồng trâu mới, chủ nhà cùng với người có uy tín trong làng sẽ ngồi lại quây quần với nhau bên ly rượu mừng. Họ mổ gà, lợn, mua thêm rượu thịt làm mâm cúng tế thần linh. “Dịp đầu xuân, bên chén rượu mừng “tết chuồng trâu” cũng là để gắn kết tình cảm cộng đồng người bản địa, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cầu cho năm mới thuận buồm xuôi gió”, già làng A Nay nói.

Có thể nói, “Tết chuồng trâu” là một nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào người Mơ Nâm vốn hiền hậu, chất phác, say sưa với ruộng đồng từ xa xưa. Lễ hội cũng là cách trả ơn trâu – loài vật quen thuộc với đời sống kinh tế nhà nông.

THANH TUẤN (Báo Lao động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *