Trong văn hóa đại chúng phương Đông, hình tượng con trâu phổ biến và gắn bó với cuộc sống lao động của người dân.
Từ khi được thuần hóa, trâu đã là một trong những con vật rất gần gũi với con người. Hình ảnh con trâu siêng năng, cần cù gắn liền với lũy tre làng, là một nét đẹp trong văn hóa Việt. Trâu còn được coi là biểu trưng cho sự tốt lành.
Cùng với cây lúa nước, trâu cũng gắn liền với nền văn minh lúa nước của Việt Nam và của cả Đông Nam Á. Hình ảnh con trâu kéo cày trên ruộng đồng, trâu nằm trên bãi cỏ, hay đầm mình trong nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm giác thi vị, thanh bình của miền quê Việt Nam.
Con trâu là hình ảnh tượng trưng cho bản chất hiền lành, cần cù của người Việt, biểu tượng cho sức khỏe dẻo dai.
Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm, biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp.
Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng, phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân.
Trâu còn gắn liền với các lễ hội như chọi trâu, đâm trâu… Gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trâu còn góp mặt trong đời sống văn hóa.
Con trâu trong hội họa Việt Nam được thể hiện từ những nét in khắc dung dị của tranh Đông Hồ đến nét vẽ hiện thực, tượng trưng hay trừu tượng, được thể hiện trên nhiều chất liệu từ tranh giấy dó, tranh lụa, tới tranh sơn mài, tranh sơn dầu của các họa sĩ thuộc nhiều thế hệ.
Trâu là biểu tượng cho hình ảnh cần cù, chăm chỉ và khỏe mạnh. Trâu giúp con người việc kéo cày nặng nhọc, trâu còn cung cấp thịt và sữa.
Tranh Đông Hồ còn phản ánh hình ảnh con trâu gắn bó với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng thổi sáo trên lưng trâu giữa cánh đồng lúa chín vàng, hay bên lũy tre xanh có những con trâu nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả. Hình tượng con trâu chứa đựng cả nét văn hóa đồng quê bình dị, thôn xóm mộc mạc của người Việt.
Bích Ngọc (báo Thế giới và Việt Nam)