Kỳ công chăm trâu chọi: Các “ông” trâu tham gia lễ hội chọi truyền thống ở Đồ Sơn được chăm sóc, bồi bổ và tập luyện như võ sĩ chuyên nghiệp.
Những ngày này, sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn, nơi các “ông” trâu thi tài ngày 23/9 (tức 9/8 âm lịch), lúc nào cũng nhộn nhịp. Trong khi ban tổ chức lễ hội hối hả chuẩn bị tập luyện múa cờ, đánh trống, trâu chọi cũng được đưa ra làm quen sân bãi.
Anh Hoàng Gia Vịnh, 40 tuổi, ở phường Bàng La, người từng có trâu vô địch cho hay cách lễ hội ba tuần, trâu dừng tập nặng, chủ yếu được đưa ra sân để làm quen không khí sôi động ở nơi đông người.
Trâu số 07 của anh Vịnh được mua ở Campuchia năm 2022 với giá 100 triệu đồng, kích thước nhỏ nhất trong số 16 trâu tham dự lễ hội năm nay. Ngay vòng một, trâu số 07 sẽ phải đấu đối đầu trâu số 03 có kích thước to lớn nhất trong lịch sử các vòng chung kết lễ hội. “Không có gì phải lo lắng, chọi trâu luôn có những bất ngờ thú vị”, anh Vịnh nói.
Tiếp xúc trâu chọi từ năm 7 tuổi khi được ông nội dẫn đi mua trâu, anh Vịnh vẫn nhớ ngay sau tết cổ truyền đã phải chuẩn bị cho lễ hội. Các làng cử người có kinh nghiệm lên quận xin giấy thông hành đi khắp các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình tìm mua trâu chọi. “Các cụ vừa đi vừa hỏi người dân trong vùng có trâu nào thích đánh nhau thì đến xem rồi hỏi mua. Trâu hồi đó cũng là trâu cày, kích thước không to lớn như bây giờ”, anh Vịnh kể.
Từ cách đây khoảng 10 năm, ít nơi bán trâu trọi hơn, người Đồ Sơn phải đi lên vùng núi phía Bắc rồi miền Tây, thậm chí sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tìm mua. Giá trâu cũng tăng từ vài triệu đồng lên đến hàng trăm triệu đồng một con. Ngoài ra, chi phí vận chuyển tốn kém và tiền chăm sóc mỗi năm khoảng 100 triệu động. Vì vậy, chủ trâu ở Đồ Sơn thường là khá giả cùng đam mê mãnh liệt với truyền thống quê hương.
Theo các chủ trâu, trâu phía Bắc tuy thể hình nhỏ hơn trâu miền Tây, trâu ngoại nhưng sức bền, độ lì tốt hơn. Mỗi trâu có một miếng đánh bẩn sinh chứ không thể rèn luyện. Có trâu đánh hổ lao, có trâu chỉ đánh cáng, có trâu lại dùng cả hai đòn đó. Chủ trâu dựa vào đòn đánh, thói quen của “ông trâu” để chăm sóc phát triển kỹ năng chọi chứ không gò lối đánh theo ý muốn.
Trâu phải có tuổi từ 10 đến 15 mới có thể chọi, vì trâu non dễ bị át vía, còn trâu già nhanh yếu. Ngoài ra, các yếu tố tượng hình tốt theo quan điểm dân gian như móng, khoang, xoáy, mắt, tai cũng được lựa chọn theo “gu” của chủ trâu. Cụ thể, một trâu hùng mạnh phải có cặp sừng to, hai đầu chân sừng sát nhau; mắt ti hí, đỏ ngầu kèm cặp lông mi dày; vó chắc chắn, gân kheo sung mãn, đuôi chai, da dày, lông rậm.
Nhiều chủ trâu phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng để tìm được trâu ưng ý. “Mỗi chủ có một cách nhìn trâu riêng. Như tôi thì thích trâu từng thực chiến, đánh nhau nhiều lần. Giống như võ sĩ, phải thực chiến mới có kinh nghiệm”, anh Vịnh nói.
Trâu mua về sẽ được bồi bổ để cải thiện sức vóc. Mỗi ngày, trâu ăn hết 50 kg cỏ, hàng chục cây mía. Trước lễ hội nửa năm, chế độ ăn được bổ sung trứng gà, mật ong, cháo bò, tam thất, vitamin C, B1, bia. Những đồ trâu không tự ăn sẽ được bón bằng ống truyền nhựa tự chế. Mỗi tháng, một trâu chọi ăn hết 10 triệu đồng thức ăn các loại.
Không tiếc tiền cho trâu ăn đồ bổ dưỡng nhưng các chủ trâu cũng phải theo dõi sức khỏe và phân trâu để điều chỉnh khẩu phần hợp lý. Trâu ốm thì hồi phục rất mất thời gian. Thậm chí, có “ông” trâu đã không qua khỏi vì mắc bệnh.
Cùng với chế độ ăn sang chảnh, trâu chọi cũng bước vào thời kỳ tập luyện đặc biệt. Từ 5h sáng, trâu được đưa đi lội bùn, chạy cát, bơi ao để nâng cao thể lực và chân chắc khỏe. Có người còn buộc sừng trâu vào gốc cây nặng để luyện cơ cổ và đón đánh cáng.
Người luyện phải hiểu tính và sức khỏe của trâu để đưa ra giáo trình hợp lý nếu không trâu sẽ phản kháng hoặc chấn thương. “Việc chăm sóc trâu rất công phu, mất nhiều thời gian nên chủ trâu phải thuê thêm từ hai đến ba người. Ngoài ra, nhiều bạn bè mê trâu cũng góp công sức để chăm sóc trâu được tốt nhất”, ông Lưu Đình Nam, chủ “ông” trâu nặng 1,3 tấn ở lễ hội năm nay cho hay.
Ngoài bồi bổ và tập luyện thể chất, vào các buổi chiều, trâu được mang ra chỗ đông người, có cắm cờ lễ để nghe trống hội. Điều này giúp trâu làm quen không khí lễ hội, không bị ngợp khi ra chọi. Nhiều chủ còn buộc trâu cạnh nhau hoặc chọi thử để kích thích bản năng chiến đấu. Trong tự nhiên, trâu đực đánh nhau để bảo vệ lãnh thổ hoặc động đực. Khi thấy đối thủ nhăm nhe địa bàn, trâu hăng máu ngay. Chủ trâu phải khơi dậy được bản năng chiến đấu đó chứ không phải dùng chất kích thích như nhiều người đồn đoán, ông Hoàng Đình Tuấn, Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội khẳng định.
Các chủ trâu ở Đồ Sơn đều là người có kinh nghiệm nhưng không ai dám khẳng định trâu mình sẽ vô địch hoặc chiến thắng ngay ở vòng đầu tiên. Có “ông” trâu to đẹp, từng vô địch giải chọi ở các địa phương khác nhưng về chọi ở Đồ Sơn là thua. Có trâu mua trong dân, thể hình rất nhỏ, được đánh giá là “quân xanh” lại đánh hay xuất thần và vô địch. Nhiều người thích xem chọi trâu Đồ Sơn vì sự kịch tính, bất ngờ.
Theo ghi chép cổ, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn có từ thế kỷ thứ 17. Sau thời gian gián đoạn, năm 1990, lễ hội được khôi phục với đầy đủ bản sắc cổ lễ. Năm 2012, lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội diễn ra 16 ngày (từ 1/8 đến 16/8 âm lịch) và được người dân Đồ Sơn coi trọng. Trước đây, lễ hội có vòng loại diễn ra tháng 6 âm lịch. Sau sự cố trâu húc chết chủ năm 2017, vòng loại không được phép tổ chức.
Năm nào, lễ hội chọi trâu cũng thu hút hàng vạn người tham dự dù có nhiều ý kiến trái chiều về tính chất có phần bạo lực hay việc mua bán thịt trâu chọi.
Lê Tân (VnExpress)