Vì sao gọi là ông Ràn? Ràn là phương ngữ gọi về chuồng trâu, chuồng bò, từ này không dùng để gọi các nơi trú ngụ của các loài gia súc hoặc gia cầm khác như heo gà vịt. Vậy từ ông Ràn có nghĩa là gì? Tại sao không gọi là cái ràn mà phải gọi là ông Ràn? Cũng như các vùng thuộc Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, người dân Quảng Trị thường gọi những vật dụng gắn bó lâu đời với đời sống mình bằng ông như: ông Núc (núc kiềng), ông Bình vôi (bình đựng vôi ăn trầu), ông Mực (dụng cụ đánh dấu chuẩn của thợ mộc)… thậm chí đại từ này được được sử dụng khi gọi tên những con vật, hiện tượng mà họ cảm thấy tôn kính hoặc gây bất an hay đem đến niềm sợ hãi trong cuộc sống như: ông Bồ (voi), ông Ba mươi (cọp), ông Thiêng (chuột), Ông (cá voi), ông Ầm (sét)…
Việc cúng ông Ràn là một một tín ngưỡng có từ lâu đời ở những vùng nông thôn Quảng Trị. Trong tâm thức của mọi nhà, trâu gần gũi, thân thương như một người bạn cùng cam cộng khổ với nghiệp nông gia. Người nông dân coi trâu như là bạn: Trâu ơi ta bảo trâu này /Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta /Cấy cày vốn nghiệp nông gia /Ta đây trâu đó ai mà quản công / Bao giờ cây lúa còn bông / Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn! hay Trên đồng cạn dưới đồng sâu / Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Con vật thân thương này là điểm mốc của sự khởi nghiệp: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Vì vậy việc cúng ông Ràn hàng năm là một lễ không thể thiếu trong những ngày chuẩn bị bước sang năm mới, đây được coi như lời ước nguyện cầu thần linh che chở cho đàn trâu được mạnh khỏe để giúp mùa màng bội thu.
Lễ cúng ông Ràn, ngoài việc coi đàn trâu như những thành viên gắn bó của gia đình, nó còn liên quan đến tín ngưỡng về nguồn gốc hóa thân của con vật này. Theo truyền thuyết, khi khai thiên lập địa, Ngọc Hoàng đã phái sứ thần Kim Quang đem hạt giống xuống trần gian, nhằm duy trì sự sống cho trần thế. Có thể do nhầm lẫn trong quá trình thực hiện, thay vì đem lúa và hạt cỏ theo tỷ lệ 5:1, Kim Quang đã làm ngược lại, cho nên khắp trần gian cỏ mọc tràn lan khiến cho con người phải trăm bề vất vả khi phải chống chọi với cỏ. Thượng đế biết chuyện, đày Kim Quang xuống trần làm trâu để ăn hết cỏ giúp người. Cũng chính vì điều này đã giải thích tại sao người nông dân Quảng Trị xưa không bao giờ giết trâu hay ăn thịt trâu.
Những ngày trước Tết, ngoài trang trí nhà cửa, người nông dân vẫn dành thời gian để chăm sóc cho ngôi nhà của con vật cưng của mình, khai thông mương rãnh, đắp nền, đánh tranh để chằm hoặc lợp lại mái, đi bứt bòng bong (dương xỉ) về vá dặm xung quanh để tránh gió lùa. Việc này nhà nông cũng đã làm từ cuối thu giúp đàn trâu chống chọi mùa đông giá. Ngoài việc quét dọn kỹ càng, mọi người thường đi bứt những loại cỏ khoái khẩu và rút rơm vàng (rơm ngon) cho vào máng để dành cho trâu ăn Tết.
Trước khi cúng ông Ràn, đàn trâu được tắm rửa sạch sẽ. Lễ cúng được bày biện trong một mâm đơn giản gồm bánh trái, xôi thịt, hoa quả. Sau lễ cúng ông Ràn, trâu có thể được dùng cỗ tùy thích như rau, chuối… Sáng mùng Một, từng chú trâu đều được dán bùa lên trán để trừ tà, xua đuổi vận rủi trong năm cũ và cầu chúc cho trâu sức khoẻ “bừa hay, cày giỏi” trong năm mới. Tết xong gia chủ cũng chọn ngày tốt dắt trâu ra đồng và cày thử vài đường gọi là lấy may xưa.
Ngày nay, khi sự phát triển công nghệ đã đến mức thay thế gần như hoàn toàn các công việc của trâu trên đồng áng, tập tục cúng ông Ràn cũng thưa dần. Tuy nhiên hình ảnh con trâu vẫn là con vật gắn bó trong tâm thức của người Việt và tục cúng ông Ràn vào dịp xuân về Tết đến luôn là hình ảnh gợi nhớ trong ký ức chúng ta về một miền quê Quảng Trị yên bình, ở đó vẫn ngời lên một nét đẹp của những con người chân quê, hiền lành dung dị.