Đàn trâu 45 con được ông Võ Văn Chiến nuôi trong rừng Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng.
5h, gà rừng gáy sáng, ông già Chiến thức dậy đun ấm nước pha trà. Tảng sáng, nồi cơm vừa lửa cũng chín tới, ông cùng vợ ăn nhanh để kịp vào rừng chăn trâu.
Đàn trâu được ông Chiến cột ở bìa rừng cách nhà gần một km. Thấy ông Chiến từ xa, chúng nhìn ông ve vẩy đuôi, kêu lên từng tiếng như mừng rỡ. Ông Chiến đi quanh đàn trâu, vỗ vỗ vào lưng, sờ đầu từng con, kiểm đếm số lượng.
Đàn trâu đủ 45 con, ông bắt đầu mở dây thừng cho từng con. Sau đó ông dùng gậy tre gõ mạnh vào gốc cây kêu “lốc cốc, lốc cốc”. Nghe tín hiệu, đàn trâu nhảy cẫng lên, phóng nhanh vào rừng, bụi bay mù mịt.
Người đàn ông 61 tuổi rảo bước nhanh, chạy theo chúng. Đàn trâu chui qua lùm tre gai phía trước, dừng ở bờ suối Đá Bàn uống nước, rồi lững thững đi về phía láng cỏ cách đó gần 2 km. Ông Chiến cho biết, chỉ cần uống một lần nước, chúng đi suốt cả ngày.
Mùa nắng gắt, cỏ ở láng cát mà đàn trâu thường ăn đang khô dần. Chúng dừng lại ăn khoảng mười phút, rồi lại tiếp tục tiến vào rừng sâu để tìm lá cây, lá cỏ tươi hơn. “Mùa này, thức ăn ít, phải đi vào xa mới có nhiều thức ăn cho chúng”, ông Chiến cho biết.
Đàn trâu đi đâu, ông Chiến phải theo đó để canh chừng. Khi thấy những con do mải mê ăn tìm thức ăn có dấu hiệu tách xa bầy, ông chạy nhanh chặn đầu, lùa chúng về nơi hàng chục con trâu đen bóng đang tập trung gặm cỏ dưới tán rừng dầu.
“Năm ngoái có con bị lạc lên trên phía núi gần Tánh Linh, tôi phải đội mưa đi tìm mấy ngày trời, khổ ghê lắm”, ông Chiến nói.
Ông cho hay, mỗi con trâu trong đàn đều được ông đặt một tên riêng như: Lu, Tem, Múp, Cui, Tó… Ông gọi chúng từ nhỏ, nên khi trưởng thành, chúng đều nhận biết. Mỗi lần bị thất lạc, ông vừa đi tìm, vừa gọi lớn tên. Tiếng gọi vang vọng núi rừng, nhờ đó, trâu lạc định hướng chạy xuống núi để chủ dắt về.
Theo ông Chiến, trâu khôn hơn bò vì chúng đánh mùi giỏi. Từ xa, chúng biết được ai là chủ, ai là người lạ. Nhất là, chúng sẽ phản ứng bằng cách báng sừng hoặc bỏ chạy, không cho kẻ lạ chạm vào. Thế nên, cả đàn trâu chăn thả và cột trong rừng từ năm này qua tháng nọ, ông Chiến không lo bị mất trộm.
Ông Chiến cho biết, trâu nuôi trong rừng lâu năm có sức đề kháng rất tốt. Đàn trâu chưa bao giờ thấy bị dịch bệnh. Thi thoảng, có một đôi con vô ý chạy qua những chỗ cây gai hoặc gốc chồi nhọn, bị rách da, nhưng cũng nhanh lành.
Gia đình ông Chiến nuôi trâu cách đây 15 năm. Ban đầu, ông vay vốn ngân hàng chính sách và có thêm ít tiền tích lũy từ hoa lợi trồng trọt, gia đình ông mua 6 con trâu ở xuôi (năm cái, một đực). Trâu cái trong đàn sinh sản đều, mỗi năm một lứa, đàn trâu đông dần.
Lúc đầu, chăn thả gần, nhưng sau khi đàn trâu phát triển lên tới mấy chục con, ông phải đi chăn xa hơn. Mỗi ngày ông phải đi bộ theo đàn trâu trên quãng đường lòng vòng 40-50 km. “Xa vậy, nhưng đi dưới tán rừng, chui qua các lùm cây, nên không thấy mệt lắm”, ông Chiến nói và cho biết đi riết rồi cũng quen.
Vài năm trở lại đây, do tuổi cao, ông thường dẫn vợ đi chăn cùng cho vui. Mùa mưa, tre trong rừng mọc măng, ông bà vừa chăn trâu, vừa mang gùi sắn măng. Mỗi mùa măng, hai vợ chồng kiếm thêm khoản thu nhập khoảng 30 triệu đồng.
Ông Chiến cũng là một trong số 21 hộ nhận khoán bảo vệ rừng tại địa phương. Trung bình một tháng ông có 8 lần đi thăm rừng cùng các nhân viên trạm bảo vệ rừng Đèo Nam (Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét).
Những lúc đó, ông giao đàn trâu cho vợ chăn một mình. “Vì không quen rừng bằng ông ấy, sợ trâu bị lạc, nên tôi chỉ chăn ở các khu rừng gần làng”, vợ ông nói.
Đi nhiều, ông gần như thuộc làu mọi ngõ ngách trong cách cánh rừng rộng hàng nghìn ha ở Mỹ Thạnh. Những lúc chăn trâu, ông Chiến thường chú ý đến những người lạ vào rừng, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, ông đều báo tin cho trạm.
“Nhờ những tin báo kịp thời của ông Sáu Chiến, chúng tôi đã ngăn chặn ngay từ đầu những vụ phá rừng trong lâm phận quản lý”, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Đèo Nam cho biết.
Ở xã Mỹ Thạnh có hơn chục hộ dân nuôi trâu, nhưng số lượng không nhiều, mỗi nhà chỉ vài con. Riêng gia đình ông Chiến có tổng đàn lớn nhất, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.
Mỗi năm trâu cái trong đàn đẻ thêm 6-7 con nghé. Khi số lượng trong đàn lên gần 50 con, ông Chiến phải bán bớt những con trâu lớn (chủ yếu trâu đực) vì chăn không xuể. “Mỗi năm, gia đình thu về hơn 100 triệu nhờ đàn trâu này”, ông Chiến nói.
Ảnh đầu bài: Ông Võ Văn Chiến lùa đàn trâu vào rừng chăn
Việt Quốc (VnExpress)