Những năm Sửu kiến tạo

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Từ ngàn xưa cho đến hôm nay, chú trâu không chỉ gắn liền với lao động sản xuất, tài sản hay người bạn thân thiết của người Việt, mà hình ảnh trâu còn là biểu tượng của sự chăm chỉ, cần cù, mạnh mẽ, kiên cường, bền vững, trù phú.

Là một trong 12 con giáp, và thật thần kỳ, những năm Sửu lại cũng đóng vai trò kiến tạo cơ nghiệp vô cùng quan trọng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của Việt Nam.

Khởi đầu cho trang sử giành quyền tự chủ oai hùng của đất Việt là một năm Tân Sửu – 41, cách đây đúng 1.980 năm, 33 vòng lục thập hoa giáp. Hai người phụ nữ đất Phong Châu phất cờ đứng dậy chống lại nền cai trị mà nhà Hán đã áp đặt lên đất Lĩnh Nam suốt hơn 200 năm, lập nước xưng vương.

Từ đất Mê Linh, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đánh đuổi thái thú Tô Định, tập hợp toàn vùng Lĩnh Nam cùng nổi dậy làm nên chiến thắng xưa nay chưa từng thấy mà sử gia Lê Văn Hưu sau này tấm tắc ngợi khen: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 65 thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, cho thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương”.

Ngày ấy, nước cổ Âu Lạc đã bị Triệu Đà thôn tính, rồi nước Triệu bị nhà Hán tiêu diệt đã hơn 200 năm, đất Việt nằm trong vùng Giao Châu chia làm 9 quận dưới quyền cai trị của các thái thú. Nhà Hán suy yếu suýt bại vong trong tay Vương Mãng, khắp các địa phương nổi dậy.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, thanh thế rúng động toàn phương Nam. Nhưng tại phương Bắc, vua Hán Quang Vũ đã giành lại chính quyền, củng cố thế lực vững chắc. Nghe đất Lĩnh Nam dựng nước, vua Hán sai viên đại tướng là Mã Viện cùng đem quân lực của khắp ba vùng Trường Sa, Hợp Phố, Giao Châu tới đánh dẹp.

Năm Tân Sửu – 41 ấy đánh dấu bước chuyển then chốt lẫn bài học xương máu của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khi chính quyền Mê Linh được thành lập trên một vùng đất loạn lạc phân rã phải đối đầu với quân đội thiện chiến của một đế quốc lọc lõi.

Trong một năm, quân Hán đã tập trung lương thảo, san hàng ngàn dặm núi làm đường tiến, phô trương giành thanh thế ở đất phương Nam. Đến đầu năm Nhâm Dần (42), Mã Viện đem quân theo đường biển tấn công thẳng vào Lãng Bạc.

Trước sức ép khủng khiếp này, lực lượng của Hai Bà lui về Cấm Khê rồi tan rã do “sợ vua không đánh nổi địch, bèn bỏ chạy” (Đại Việt sử ký toàn thư), đẩy hai nữ anh thư vào kết cuộc bi tráng không tránh khỏi.

Những năm Sửu kiến tạo - Ảnh 2.

Đất Lĩnh Nam “có khả năng dựng nghiệp bá vương”, tinh thần tự chủ vừa xuất lộ đã vút cao ngút ngàn, nhưng để giữ vững nền quốc thống còn phải có những đội quân thiện chiến.

Suốt gần 1.000 năm sau đó, đất Việt lại nằm trong vòng vây kiềm tỏa của người phương Bắc, trở thành chiến trường của các thế lực cát cứ địa phương và sự lớn mạnh của các vùng Cửu Chân, Nhật Nam lân cận.

Các cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương lần lượt bị chính các xung đột nội tại hủy hoại, tham vọng và toan tính cá nhân lần lượt đẩy các cuộc quật khởi vào thất bại.

Nhưng một năm Sửu đáng nhớ khác đã đến với đất Việt: Năm Ất Sửu – 905, tiết độ sứ Giao Châu Chu Toàn Dục bị bãi chức, cha con hào trưởng Khúc Thừa Dụ – Khúc Hạo liền tự xưng tiết độ sứ giữ Giao Châu, buộc nhà Đường và Hậu Lương phải thừa nhận và phong tiết việt. Một cơ hội đem đến khúc quanh lịch sử đã được âm thầm mở ra ngay trong ngày tháng ấy.

Khúc Hạo đổi các hương ở huyện làm giáp, đặt quản giáp và phó tri giáp, dưới giáp là xã, mạnh mẽ xóa bỏ những tô thuế lao dịch bóc lột nặng nề của nhà Đường áp đặt.

Nền cai trị tự chủ sâu rộng đến từng lũy tre làng của ông và con là Khúc Thừa Mỹ trong hơn 18 năm đã giúp các lực lượng địa phương lớn mạnh, tạo gốc sâu, rễ vững để nền độc lập, tự chủ vươn cành, nở hoa, kết trái sau này. Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi nhận những cải cách này: “Cốt khoan dung giản dị, nhân dân đều được yên vui”.

Khi Khúc Thừa Mỹ bị Nam Hán bắt giữ, bộ tướng người Ái Châu của ông là Dương Đình Nghệ dấy binh đánh đuổi tiết độ sứ do triều đình phương Bắc cử tới. Rồi con nuôi của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền đã dẹp yên xung đột trong nội bộ, đánh bại hoàn toàn ý định xâm lược của quân Nam Hán, mở ra trang sử mới độc lập tự chủ cho người Việt vào năm 938.

Tuy nhiên, chính thể sơ khai của đất Việt được xây dựng trên nền móng hơn ngàn năm phân tranh, không có một nền cai trị thống nhất, dẫn đến các cuộc tranh đoạt liên tục diễn ra, các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê liên tiếp thay thế nhau chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi.

Lý Thái Tổ lên ngôi, dời đô về Thăng Long, bắt đầu tạo lập một nền chính trị ổn định cho Đại Việt. Để ổn định nhân tâm, đoàn kết lòng người, nhà Lý lấy đạo Phật làm quốc giáo.

Và văn hóa Việt Nam ghi dấu ấn của những năm Sửu huy hoàng:

Năm Kỷ Sửu – 1049, ngôi chùa lịch sử Diên Hựu – hay còn gọi là chùa Một Cột – được dựng lên giữa kinh kỳ, như đóa hoa sen bất tử nở ra trong giấc mộng của vua Lý.

Năm Ất Sửu – 1145, chùa Diên Linh Phúc Thánh, Diên Cảnh Vĩnh Long dựng ở đất Tổ Phú Thọ, cùng với đền thờ thần núi Tản Viên, đền Bố Cái, Ông Nghiêm, Ông Mẫu được tôn tạo xây đắp, để nền văn hóa tâm linh độc đáo, hồn Việt sâu xa diệu kỳ được tôn vinh lưu truyền đến muôn đời.

Bên cạnh đó, nhà Lý cũng chú trọng việc học hành, cho dựng Quốc Tử Giám, mở khoa thi lấy nhân tài giúp quản lý đất nước.

Nhà Trần nối tiếp nền văn hóa thời Lý, dần chuyên sâu hơn trong việc dùng lễ nghĩa và thể chế của Nho gia để giáo dục con người.

Năm Quý Sửu – 1253, vua Trần Thái Tông cho lập Quốc học viện giảng dạy tứ thư ngũ kinh, nhận cả con em quần chúng ham học và học giỏi. Cùng năm, Giảng võ đường cũng song song được dựng để huấn luyện võ nghệ cho quân sĩ, con cháu quan chức. Từ Giảng võ đường này, lòng trung quân ái quốc hòa cùng ý chí tự tôn thượng võ là sức mạnh vô hạn để nhà Trần chống lại đội quân hung hãn tàn bạo bậc nhất lịch sử nhân loại.

Trước nỗi lo lắng của nhà vua “thế giặc to như vậy, chống lại chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay trẫm chịu hàng để cứu muôn dân?” là câu trả lời đanh thép của Hịch tướng sĩ: “Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước, đời nào không có”.

Đánh, không chỉ để bảo vệ gia đình cùng thân nhân, mà còn để “tôn miếu muôn đời được tế lễ, tổ tông quanh năm được cúng thờ, tên họ trăm năm được sử sách lưu thơm”.

Lựa chọn “đánh hay hàng” không chỉ là sinh – tử mà còn là danh dự của quốc gia, của triều đình và từng cá nhân, là biểu tượng cho nghĩa vụ của con người với gia đình, tổ tiên. Mỗi người trong đất nước mới dựng lập chưa được 300 năm lao vào trận chiến với quân đội đang càn quét khắp thế giới bằng lòng tự tôn với linh hồn Việt được nuôi dưỡng tràn đầy trong huyết quản.

Nhưng đến lúc đó, Đại Việt vẫn còn là một quốc gia non trẻ trong dòng chảy lịch sử nhân loại. Cuộc xung đột nội bộ đã hủy hoại nhà Trần, tiêu diệt nhà Hồ, đẩy nước Việt vào thân phận bị người phương Bắc cai trị lần thứ hai.

Sau cuộc chiến giành độc lập, nhà Lê đã chuyên chú củng cố thêm nền cai trị trung ương tập quyền, tạo lập nên hình thái một Đại Việt thống nhất toàn diện.

Năm Kỷ Sửu – 1469, vua Lê Thánh Tông cho vẽ bản đồ Đại Việt, chia nước thành 12 thừa tuyên.

Năm Đinh Sửu – 1697, bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư được hoàn thành khắc in. Bản đồ là sự xác quyết về địa lý, sử sách là sự xác quyết về tinh thần cho Đại Việt. “Ý thức Việt” thành dạng nên hình với những câu chuyện về con Rồng cháu Tiên, với lịch sử hàng ngàn năm bi tráng, với từng mảnh đất, từng tên gọi, từng vui buồn hợp tan của mỗi con người gắn kết cùng nhau như máu thịt trong chiều dài thăm thẳm của thời gian.

Để tiếp tục xây dựng sức mạnh cho Tổ quốc, vào năm Tân Sửu – 1481, vua Lê Thánh Tông đã cho lập sở đồn điền khắp nơi trong nước để “tận dụng hết tiềm lực của nghề nông, mở rộng nguồn tích trữ cho nhà nước”. Cùng trong năm, vua ra hàng loạt chỉ dụ về kiểm kê ruộng đất, hộ tịch, nghiêm cấm các hành vi tham ô, lũng đoạn.

Một quốc gia muốn vững mạnh phải có đủ của cải, tài nguyên để nuôi dưỡng con người, phát triển tiềm lực. Cũng chính thời gian này, súng ống và đạn pháo đã trở thành vũ khí chủ đạo trên chiến trường, Marco Polo đã đến triều đình Trung Quốc, thuyền chiến Tây Dương đã bắt đầu cuộc tấn công xâm lược khắp nơi trên thế giới.

Chiến tranh đã không còn chỉ là cuộc đối đầu của sức mạnh cơ bắp hay mưu trí quân sự mà là cuộc chiến sống còn của toàn bộ nền tảng một đất nước, là cuộc đua tranh vũ trang và tài lực.

Những năm Sửu kiến tạo - Ảnh 3.

Tiếp nối ý thức ấy, năm Kỷ Sửu – 1829, Nguyễn Công Trứ được vua cử làm doanh điền sứ khẩn hoang các vùng đất ven biển, lập hai ấp Kim Sơn, Tiền Hải thuộc Ninh Bình, Thái Bình.

Từ một nền kinh tế tiểu nông nhỏ lẻ tự phát, người Việt dần tiếp cận với cách làm kinh tế quy mô lớn. Trong cuộc chiến đồng thời cũng là cuộc gặp gỡ, tiếp cận với nền văn minh Tây Dương, người Việt đã học được cách tự xây dựng sức mạnh cho mình.

Một cuộc chuyển giao lịch sử gần đây nhất là năm Quý Sửu – 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam sau gần 10 năm trực tiếp tham chiến, 20 năm can thiệp chính trị. Người Việt đã đánh bại các đội quân hùng mạnh với tàu chiến, máy bay, súng ống tối tân nhất thế giới.

Đằng sau những chiến công là hàng triệu con người bền bỉ dốc sức trong các công trường, nhà máy, cánh đồng… làm nên chỗ dựa và sức mạnh của cả một quốc gia, bài học mà người Việt đã thấm thía qua lịch sử bi tráng hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Như một chú trâu cần mẫn kiến tạo nên nền móng, của cải, sự phồn vinh, những năm Sửu đã ghi lại những dấu ấn xây đắp nên linh hồn văn hóa Việt, sức mạnh Việt, hi vọng của đất Việt. Ngay cả trong phong ba bão táp, trong những khó khăn gian khổ, cay đắng lẫn ngọt bùi, người Việt vẫn có thể vững chân trên mảnh đất quê hương, học hỏi cách trưởng thành.

Hoa thơm trái ngọt thu được chính là từ từng giọt nước vun trồng, mùa màng trù phú đến từ công lao khổ cực làm nên tất cả từ đồng hoang đất trống.

Ngàn năm chân cứng đá mềm, hình tượng chú trâu như một người bạn thiết thân song hành cùng người Việt dựng xây nên quá khứ cùng tương lai.

Trường An (Tuổi trẻ)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *