Trong 12 con giáp, trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân, trở thành một biểu tượng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Trâu đã đi vào đời sống của người nông dân Việt Nam một cách tự nhiên, đa dạng và phong phú. Nó không chỉ hiện hữu trong đời sống thường nhật mà còn đi vào đời sống tâm linh, đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân ta.
Con trâu được ví là đầu cơ nghiệp. Có thể nói rằng, con trâu đã cùng người nông dân đi suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm và đã trở thành một hình ảnh gắn bó thân thuộc với làng mạc, ruộng đồng và cuộc đời một nắng hai sương của người nông dân. Hình ảnh đàn trâu thảnh thơi gặm cỏ trên cánh đồng mùa gặt, tiếng sáo diều vi vút tầng không, hòa trong tiếng cười hồn nhiên của lũ trẻ. Con trâu gắn bó với nông thôn, đất nước ta đến vậy, nên đã sớm đi vào văn học nghệ thuật và trở thành một trong những hình tượng loài vật thể hiện sâu sắc tính tâm linh, tình cảm của người dân Việt Nam. Con trâu mang một nét văn hóa đồng quê bình dị, hòa trong thôn xóm mộc mạc. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em nông thôn qua hình ảnh những chú bé mục đồng, chăn trâu rất gần gũi, vui đùa với trâu, tắm trâu, cưỡi trên lưng trâu, thả diều, bên lũy tre đầu làng, bên những vựa lúa chín vàng, những trẻ em chăn trâu còn gọi với cái tên trìu mến là trẻ trâu.
Con trâu có vai trò rất quan trọng đối với nền nông nghiệp, vậy nên từ năm 1123, vua Lý Nhân Tông đã xuống lệnh “Cấm giết trâu ăn thịt”, ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Nhà Trần cũng noi theo, quy định hình phạt nặng về các tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Hàng năm vào những ngày đầu xuân, nhà vua thân chinh tới lễ đàn để tế Thần Nông. Ngày nay, đất nước ta đang tiến bước mạnh mẽ trên con đường hội nhập và đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nên có người cho rằng trong thời đại phát triển mạnh của khoa học công nghệ thì hình ảnh con trâu kềnh càng, chậm chạp không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nóng, của quá trình “hội nhập” thiếu kiểm soát chặt chẽ, chạy theo những giá trị vật chất trước mắt quên đi những giá trị tinh thần và đạo đức xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường… về sau. Chúng ta lo ngọn mà quên gốc đó là một nguy cơ xuống cấp của đạo đức xã hội. Ðúng như người xưa đã cảnh tỉnh “Dục tốc bất đạt”. Nhiều người mải mê kiếm tiền, đến khi ngoảnh lại, trong tay có tất cả nhưng lại than thở không biết hạnh phúc là gì. Khi coi việc kiếm tiền là mục đích sống, con người đã tự chuốc lấy bi kịch. Khi luôn phải bận rộn toan tính, sống không chân thành với mọi người thì làm sao có được hạnh phúc.
Ðầu xuân năm mới xin dùng biểu tượng con trâu “chậm mà chắc” trong mọi hoạt động kinh tế của đất nước, còn hơn “Dục tốc bất đạt”. Bởi ở con trâu hội tụ đủ các tính chất như: Hiền lành, hài hòa, chất phác, chăm chỉ, cần cù lao động, tình nghĩa thủy chung, kiên cường. Cũng giống như cây gốc có bền chắc, cây mới vươn cao, nền móng nhà có chắc chắn thì ngôi nhà mới vững chãi được. Dân giàu, nước mạnh; dân yên, nước vững bền. Ðó là bài học giản dị, sâu sắc của cha ông mà đôi khi nhiều người không nhớ.